Stress là gì? Và tất tật những điều bạn nên biết về stress

Stress là tình trạng sức khỏe mà hầu hết tất cả mọi người đều gặp phải, nó xuất hiện ở cả nam và nữ, ở mọi lứa tuổi. Nó mang đến nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của mỗi người. Vậy stress là gì? Hãy cùng nhau tìm đáp án cho câu hỏi này qua bài viết sau nhé!

Mục lục [ Ẩn ]
Stress là gì?
Stress là gì?

1. Stress là gì?

Để hiểu hơn về tình trạng này đầu tiên chúng ta cùng tìm hiểu về khái niệm của nó là gì nhé!

1.1. Khái niệm stress

Stress (căng thẳng) là phản ứng của cơ thể đối với các tình huống có hại trên phương diện tình cảm hay thể chất của một người. Theo tâm lý học giải thích rằng, đây là một cảm giác căng thẳng và dồn ép bản thân. 

Stress với mức độ nhẹ và vừa phải được xem là điều có lợi trong cuộc sống, nó giúp con người tăng hiệu suất hoạt động, làm việc. Nó tạo động lực, tăng khả năng thích nghi và khả năng phản ứng của bản thân với môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, khi stress với mức độ cao, liên tục thì có thể gây nên nhiều vấn đề đối với sức khỏe và mọi mặt trong cuộc sống của một người. 

Stress có thể được tác động từ bên ngoài và liên quan đến môi trường sống hoặc có thể xuất phát từ chính bản thân của mỗi người về các vấn đề trong xã hội, cuộc sống dẫn đến lo âu hay các cảm xúc tiêu cực khác.

Theo Y học, stress là một phản ứng của cơ thể sống đối với stressor như điều kiện môi trường hay một nhân tố kích thích nào đó, đây là một phương thức mà cơ thể đáp ứng với các thách thức trong xã hội. Cách cơ thể đáp ứng với căng thẳng là thông qua sự kích hoạt hệ thần kinh giao cảm dẫn đến đáp ứng căng thẳng cấp hay còn gọi là phản ứng đánh - hay - chạy.

1.2. stress có mấy dạng?

Stress được chia thành 3 dạng chính, bao gồm: 

  • Stress cấp tính (căng thẳng cấp tính)
  • Stress cấp tính theo đợt (căng thẳng theo đợt)
  • Stress mãn tính (căng thẳng mãn tính)

1.2.1. Stress cấp tính 

Stress cấp tính xảy ra ở tất cả mọi người. Đây là phản ứng tức thì của cơ thể trước một tình huống mới với các thử thách và khó khăn mà bạn chưa từng trải qua. 

Stress cấp tính cũng có thể xuất phát từ điều gì đó mà bạn thực sự thích thú và muốn thực hiện nhưng lại mang đến cảm giác hơi đáng sợ, hồi hộp chẳng hạn như chơi tàu lượn siêu tốc, nhảy dù,...

Tình trạng này hầu như không gây hại gì cho bản thân bạn mà nó còn đêm đến nhiều lợi ích. Nó giúp bạn luyện tập và phát triển sự phản ứng của bản thân với các tình huống khẩn cấp, nguy hiểm và căng thẳng trong cuộc sống tương lai.

Stress cấp tính là gì?
Stress cấp tính là gì?

Stress cấp tính sẽ mất đi khi tình huống nguy hiểm qua đi và hệ thống cơ thể sẽ trở lại như bình thường ngay sau đó. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bạn có thể gặp phải tình trạng stress cấp tính nghiêm trọng, loại căng thẳng này có thể là yếu tố nguy cơ khiến bạn mắc phải một chứng rối loạn tâm thần khác.

Ví dụ: Khi bạn đối mặt với một tình huống nguy hiểm đến tai nạn thì bạn có thể mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) hay các vấn đề tâm thần khác.

1.2.2. Stress cấp tính theo đợt

Stress cấp tính theo đợt là khi bạn thường xuyên có những đợt căng thẳng cấp tính. Điều này là do bạn thường xuyên cảm thấy lo lắng và lo lắng về những điều mà bạn cảm thấy nó có thể xảy ra. Bạn cảm thấy cuộc sống của bạn thật hỗn loạn và khiến bạn đi từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác.

Công việc là một trong những nguyên nhân chính khiến bạn bị stress thường xuyên, một số ngành nghề đặc thù còn gây ra các tình huống căng thẳng cao độ và thường xuyên, chẳng hạn như: Lính cứu hỏa, bác sĩ ngoại khoa,...

Stress cấp tính theo đợt cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thể chất và tinh thần của mỗi người. Nó có thể là yếu tố nguy cơ khiến mọi người mắc phải các chứng rối loạn tâm thần khác.

1.2.3. Stress mãn tính

Khi bạn có mức độ căng thẳng cao trong một thời gian dài có thể khiến bạn mắc tình trạng stress mãn tính, Tình trạng căng thẳng kéo dài liên tục và thường xuyên có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và cuộc sống của bạn bao gồm:

  • Luôn cảm thấy lo lắng, lo ngại về một vấn đề gì đó
  • Bạn có thể mắc các bệnh về tim mạch
  • Luôn cảm thấy phiền muộn
  • Bạn có thể mắc chứng cao huyết áp
  • Hệ thống miễn dịch bị suy giảm và dễ mắc phải các bệnh theo mùa, mãn tính,...

2. Dấu hiệu nhận biết stress

Stress có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống người bệnh bao gồm về mặt cảm xúc, hành vi, khả năng suy nghĩ và sức khỏe thể chất. Tuy nhiên, do mỗi người có cách xử lý các tình huống căng thẳng khác nhau, cho nên các dấu hiệu stress có thể khác nhau.

Các triệu chứng cơ bản và thường gặp ở hầu hết ở mọi người bao gồm:

  • Mất ngủ hoặc gặp các vấn đề về giấc ngủ khác
  • Giảm ham muốn tình dục ở cả nam và nữ
  • Gặp các vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa
  • Thay đổi khẩu vị và chế độ ăn uống, ăn quá nhiều hoặc ăn ít đi
  • Khó có thể tập trung và gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định

Ngoài ra, người bệnh có thể có các triệu chứng khác như choáng ngợp, cáu kỉnh hay sợ hãi quá mức và gây nên các bệnh đi kèm khác như: Đau đầu, loét dạ dày, rối loạn ăn uống,...

Dấu hiệu nhận biết stress
Dấu hiệu nhận biết stress

3. Nguyên nhân và yếu tố gây stress

Nguyên nhân dẫn đến stress rất phong phú, nó có thể bắt nguồn từ bất kể lý do gì, từ cuộc sống, công việc, học tập, từ người khác, từ vấn đề tình cảm hay xuất phát từ chính bản thân bạn.

Các nguyên nhân và yếu tố điển hình gây nên stress ở hầu hết mọi người là:

  • Những thay đổi lớn trong cuộc sống 
  • Gặp khó khăn hay căng thẳng trong quá trình làm việc, học tập tại nơi làm việc và trường học

Mặc dù căng thẳng trong công việc là chuyện rất bình thường nhưng nếu để tình trạng căng thẳng quá mức kéo dài thường xuyên có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất, cảm xúc rồi dẫn đến stress.

Không những vậy vấn đề mất việc và thất nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến stress ở nhiều người

  • Gặp khó khăn trong các mối quan hệ đặc biệt là quan hệ tình cảm, gia đình,...
  • Gặp các vấn đề về tài chính

Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) vấn đề tiền bạc là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng stress ở nhiều người. Trong một báo cáo năm 2015 đã đưa ra rằng 72% người Mỹ luôn bị stress với nguyên nhân là tài chính. 

  • Bận rộn, không có thời gian nghỉ ngơi phù hợp

Căng thẳng, bận rộn, áp lực quá mức hay kéo dài không có thời gian cho bản thân, giải tỏa tâm trạng, cân bằng cuộc sống chính mình là nguyên nhân chính dẫn đến stress ở hầu hết nhiều người.

  • Các vấn đề liên quan đến con cái hay gia đình
  • Luôn bi quan, không thích chấp nhận những thứ không chắc chắn
  • Trải qua một sự kiện nào đó kịch tính như mất người thân hay một món đồ nào đó mà bạn rất yêu thích

Đối mặt với sự mất mát của người thân hay đồ vật nào đó mà bạn yêu thích là một trong nhưng yếu tố dễ gây ra stress nhất trong cuộc đời của nhiều người. Sự mất mát đó có thể khiến bạn cảm thấy đau buồn, mất mát, trải qua đủ các loại cảm xúc khác nhau.

Hầu hết mọi người đều có thể vượt qua và tìm lại được cảm xúc vui vẻ ban đầu, nhưng một số người sẽ không vượt qua được và kéo dài tình trạng này rồi tự gây áp lực cho bản thân, dẫn đến stress

  • Tiền sử bị các bệnh tâm thần khác hay gia đình có người thân mắc các bệnh tâm thần

Có tiền sử mắc các bệnh tâm thần khác hay có người thân trong gia đình mắc các bệnh tâm thần là một trong những yếu tố nguy cơ chính khiến bạn có thể mắc stress

  • Có tiền sử từng bị lạm dụng tình dục, lạm dụng sức lao động hay bị bắt nạt,...
  • Đột ngột mang thai hoặc sẩy thai

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến stress mà các bác sĩ cũng không nắm chắc được tất cả. 

Nguyên nhân và yếu tố gây stress rất đa dạng
Nguyên nhân và yếu tố gây stress rất đa dạng

4. Phòng tránh stress

Phòng tránh stresslà một việc làm cần thiết vì nguyên nhân cùng các yếu tố nguy cơ dẫn đến căn bệnh này rất phong phú và đa dạng. Để giảm thiểu khả năng mắc bệnh hay tái phát bệnh chúng ta nên có phương pháp phòng bệnh và cách xả stress phù hợp chẳng hạn như:

  • Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh
  • Đặt mục tiêu ngủ 7 - 8 giờ mỗi đêm
  • Luyện tập thể dục đều đặn
  • Giảm thiểu việc bạn sử dụng caffeine và rượu
  • Giữ kết nối xã hội để bạn có thể nhận và hỗ trợ
  • Dành thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn, hoặc chăm sóc bản thân
  • Học các kỹ thuật thiền định như hít thở sâu

Để phòng tránh mắc phải tình trạng stress mãn tính, chúng ta cần học cách giảm thiểu căng thẳng, học cách kiểm soát chúng và biết cách xả stress.

5. Tác hại của stress

Tình trạng stress kéo dài dẫn đến rối loạn chuyển hóa lipid, làm tăng cholesterol trong máu. Căng thẳng làm tăng tiết catecholamin mà chủ yếu là adrenalin, gây co mạch máu dẫn đến thiếu ôxy ở tim và thành mạch, thiếu oxy ở các tổ chức.

Một chút căng thẳng trong cuộc sống là tình trạng chung ai cũng gặp phải và không đáng lo ngại, nhưng tình trạng căng thẳng diễn ra kéo dài, liên tục và trở thành mãn tính và trở thành bệnh thì nó có thể gây ra nhiều vấn đề khác đối với sức khỏe, cuộc sống. Stress tác động về cả thể chất và tinh thần của người bệnh như: 

  • Khi mắc chứng stress thì khả năng mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác có thể cao hơn như stress, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách,...
  • Bạn có thể mắc các bệnh mãn tính cao hơn như: Các bệnh lý về tim mạch gồm nhịp tim nhanh, đau tim, đột quỵ; cao huyết áp,...
  • Rối loạn ăn uống có thể khiến bạn bị béo phì hay thiếu dinh dưỡng
  • Rối loạn kinh nguyệt và nội tiết tố ở phụ nữ
  • Rối loạn chức năng tình dục, chẳng hạn như bất lực, xuất tinh sớm ở nam giới và giảm hoặc mất ham muốn tình dục ở cả nam và nữ
  • Bạn có thể gặp các vấn đề về da và tóc như:  Mụn trứng cá, bệnh vảy nến, bệnh chàm hoặc rụng tóc
  • Bạn có thể gặp các vấn đề về đường tiêu hóa như GERD (trào ngược thực quản dạ dày), viêm dạ dày, viêm loét đại tràng,...
  • Bạn có thể mắc các bệnh về cơ khớp như: Co cứng cơ, đau lưng, đau khớp, có cảm giác kiến bò ở ngón tay, máy mắt, chuột rút, run tay,..
  • Cảm thấy mệt mỏi, suy sụp, giảm sức khỏe hệ miễn dịch,...
  • Trí nhớ giảm sút hoặc mất trí nhớ tạm thời
Stress để lại ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với người bệnh
Stress để lại ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với người bệnh

6. Khám và chẩn đoán stress

Chẩn đoán stress đang là một khó khăn vì nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác nhau. Thông thường để khám và chẩn đoán stress các bác sĩ thường đưa ra hàng loạt các câu hỏi về các triệu chứng và các sự kiện diễn ra trong cuộc sống của người đến khám bệnh.

Vì thế, hầu hết chẩn đoán stress chủ yếu dựa trên sự xem xét bệnh sử và hoàn cảnh sống, bao gồm tất cả các yếu tố gây stress có thể xuất hiện trong cuộc sống. Đây cũng là cách trực tiếp nhất để có thể chẩn đoán bệnh và ảnh hưởng của nó.

Bên cạnh đó, cũng có thể sử dụng các biện pháp hóa sinh và kỹ thuật sinh lý để loại bỏ các bệnh lý có các triệu chứng tương tự và tăng sự chắc chắn cho việc chẩn đoán bệnh.

7. Các phương pháp điều trị stress

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị stress khác nhau, vậy đâu là phương pháp phù hợp với bạn, hãy cùng nhau tìm hiểu nhé.

7.1. Stress có chữa khỏi được không?

Stress có thể chữa khỏi được nhưng không phải ai cũng có thể điều trị hoàn toàn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi đã xác định được căn nguyên dẫn đến stress và tìm được phương pháp điều trị thích hợp thì khả năng khỏi bệnh rất cao. Tuy nhiên, người bệnh nên lưu ý để tránh việc tái phát.

7.2. Tâm lý trị liệu stress

Tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị được các nhà khoa học tìm ra và phát triển để điều trị stress. Đây là cách thức điều trị các bệnh về tâm lý, tâm thần được các bác sĩ chuyên gia khuyến cáo sử dụng và đạt được nhiều kết quả đáng mong đợi. 

Liệu pháp nhận thức hành vi (CTB) là liệu pháp trò chuyện tập trung vào việc xác định chính xác và đặt các câu hỏi về những suy nghĩ tiêu cực và tìm cách giải quyết nó.

Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng phương pháp này có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng bệnh hơn so với việc dùng thuốc và không để lại tác dụng không mong muốn.

Tâm lý trị liệu stress
Tâm lý trị liệu stress

7.3. Điều trị bằng thuốc

Thông thường các bác sĩ sẽ không sử dụng thuốc để làm giảm tình trạng căng thẳng trừ khi người bệnh đang mắc một căn bệnh tiềm ẩn khác chẳng hạn như trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.

Thuốc chống trầm cảm là nhóm thuốc thường được sử dụng trong trường hợp này. Tuy nhiên, có một mối lo ngại là thuốc chỉ có thể chỉ che đậy được sự căng thẳng, thay vì giúp người bệnh điều trị nó.

Bên cạnh đó, thuốc chống trầm cảm có thể mang đến một số tác dụng phụ khi sử dụng và có thể làm trầm trọng thêm một số biến chứng của stress chẳng hạn như ham muốn tình dục.

7.4. Các phương pháp điều trị khác

Ngoài phương pháp sử dụng liệu pháp tâm lý và thuốc thì vẫn còn một số phương pháp khác được các bác sĩ khuyến cáo sử dụng kèm theo hay sử dụng thay thế khi hai phương pháp trên không đạt được kết quả như mong muốn. Một số phương pháp thường được dùng như:

  • Châm cứu: Là phương pháp được sử dụng từ cổ xưa, không gây đau và có thể làm giảm các triệu chứng bệnh và giải tỏa tâm trạng hiệu quả.
  • Mát xa: Phương pháp này có thể làm giảm các triệu chứng lo lắng, mệt mỏi hay giảm thiểu tình trạng mất ngủ, giúp tâm trạng được tốt hơn.
  • Thiền: Đây là phương pháp đã được chứng minh là có tác dụng kiểm soát lo âu, giảm căng thẳng, mệt mỏi. Nó giúp bạn thư giãn, giảm áp lực, cải thiện tinh thần,...

8. Khám và điều trị stress ở đâu?

Nếu bạn nghi ngờ bản thân mình hay những người xung quanh bạn mắc stress, để chính xác bạn có thể thăm khám và chữa bệnh ở một số địa điểm sau:

8.1. Tại Hà Nội

Khi bạn đang ở Hà Nội hay các vùng lân cận, bạn có thể tham khảo một số địa điểm khám và chữa stress sau:

  • Viện sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai: Số 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội.
  • Khoa Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Lão khoa Trung ương: Số 1A Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.
  • Khoa Tâm thần – Bệnh viện Quân Y 103: 261 Phùng Hưng - Hà Đông - Hà Nội.
  • Khoa Tâm lý và sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Hồng Ngọc: Số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội.
  • Bệnh viện Tâm thần Trung ương I: Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Khám và điều trị stress ở đâu?
Khám và điều trị stress ở đâu?

8.2. Tại thành phố Hồ Chí Minh

Khi bạn đang ở thành phố Hồ Chí Minh hay các vùng lân cận, bạn có thể tham khảo một số địa điểm khám và chữa stress sau:

  • Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh: Đường Võ Thường Kiệt, Phường 1, Quận 5, TP.HCM.
  • Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh: 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP.HCM.
  • Khoa Nội thần kinh tổng quát - Bệnh viện Nhân Dân 115: 527 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, TP.HCM.
  • Khoa Thần kinh - Bệnh viện Chợ Rẫy: 201B Nguyễn Chí Thanh - Phường 12 - Quận 5 - TP.HCM.

Căng thẳng là tình trạng dễ gặp ở hầu hết mọi lứa tuổi và đặc biệt là ở phụ nữ, nếu không được điều và kiểm soát nó kịp thời thì nó có thể mang đến nhiều ảnh hưởng đến bản thân người bệnh. Vì vậy, ai cũng nên biết cách cân bằng cuộc sống và học cách hưởng thụ cuộc sống của mình.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp được các thông tin hữu ích cho bạn đọc về bệnh stress. Nếu thấy bài viết thú vị thì hãy chia sẻ nó cho mọi người xung quanh bạn cùng tìm hiểu nhé. Chúc bạn một ngày tốt lành!

Xếp hạng: 5 (2 bình chọn)

Bạn có thắc mắc vấn đề gì thì hãy gửi câu hỏi cho chuyên gia nhé!

Bấm gửi câu hỏi

Với kinh nghiệm 4 năm làm việc trong lĩnh vực y tế sức khỏe, Dược sĩ Lê Hạnh chịu trách nhiệm cập nhật thông tin, tin tức về các bệnh và thông tin liên quan liên quan đến rối loạn tâm thần, tâm lý. Đảm bảo đưa tin chính xác, nhanh chóng, kịp thời cũng như giải quyết khó khăn của người bệnh.

Dược sĩ Đại học Lê Hạnh

Gửi thắc mắc đến chuyên gia tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

*
*