Thuốc chống lo âu và các thông tin cần biết

Lo lắng là một phản ứng bình thường của cơ thể trong tình huống căng thẳng và tiềm ẩn nguy hiểm. Với hầu hết mọi người, lo lắng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và thường biến mất sau khi sự việc trôi qua. Nhưng ở một số người, tình trạng này diễn ra liên tục và không thể kiểm soát, kèm theo các triệu chứng như căng cơ, đau đầu hoặc tức ngực. Thuốc chống lo âu được sử dụng để điều trị các phản ứng rối loạn âu lo này. Cùng Tâm An Hòa tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây nhé.

Mục lục [ Ẩn ]
Điều trị rối loạn lo âu
Điều trị rối loạn lo âu

1. Thuốc chống lo âu là gì?

Thuốc chống lo âu được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với các liệu pháp tâm lý để điều trị một số chứng rối loạn âu lo, bao gồm:

  • Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD)
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ( OCD)
  • Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD)
  • Rối loạn hoảng sợ (PD)
  • Rối loạn lo âu xã hội (SAD)
Thuốc chống lo âu
Thuốc chống lo âu

2. Các nhóm thuốc chống lo âu

Thuốc chống lo âu có 6 nhóm thuốc chính, tùy theo tình trạng sức khỏe người bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp.

2.1. Thuốc Benzodiazepin

Benzodiazepine là thuốc an thần giúp thư giãn cơ bắp và làm giảm căng thẳng tâm trí trong thời gian ngắn.

Cơ chế

Thuốc kết hợp với thụ cảm thể GABA, ngăn chặn dẫn truyền những tín hiệu ức chế trong hệ thần kinh. Vì vậy, thuốc làm tăng cơn buồn ngủ, làm chậm hệ thống thần kinh và gây ra các vấn đề về trí nhớ.

Tác dụng phụ

Tác dụng phụ của Benzodiazepin thường gặp gồm:

  • Buồn ngủ
  • Chóng mặt
  • Khả năng giữ thăng bằng hoặc phối hợp vận động kém.
  • Nói lắp
  • Khó tập trung
  • Giảm trí nhớ
  • Đau dạ dày
  • Đau đầu
  • Nhìn mờ
  • Dùng lâu dài sẽ gây ra tình trạng lệ thuộc vào thuốc

Tương tác thuốc

Mặc dù Benzodiazepin tương đối an toàn khi dùng liều nhỏ và không thường xuyên, nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu kết hợp chúng với những thuốc ức chế thần kinh trung ương khác. Do đó, khi sử dụng Benzodiazepin:

  • Không uống cùng thuốc an thần, gây ngủ khác.
  • Không uống cùng với các chất kích thích: rượu, bia.
  • Tránh kết hợp với thuốc giảm đau vì có thể gây nguy cơ quá liều.
  • Kết hợp với thuốc kháng Histamin làm tăng tác dụng gây ngủ.
  • Thận trọng nếu đang dùng các thuốc chống trầm cảm.
Các loại thuốc chống lo âu
Các loại thuốc chống lo âu

2.2. Thuốc Buspirone

Buspirone là thuốc chống lo âu thế hệ mới, có tác dụng an thần nhẹ. Nó cũng làm giảm triệu chứng lo lắng, căng thẳng và bồn chồn.

Cơ chế

Buspirone hoạt động bằng các tăng Serotonin đồng thời làm giảm Dopamin trong não. So với Benzodiazepin, nó có tác dụng muộn hơn và chậm hơn , trong khoảng 2 tuần. 

Tuy nhiên, nó ít tác dụng an thần, không làm giảm trí nhớ và khả năng phối hợp vận động và người dùng hầu như không bị phụ thuộc vào thuốc.

Do vậy, Buspirone là lựa chọn tốt hơn cho những người lớn tuổi và người có tiền sử nghiện rượu, chất kích thích. Nhưng hiệu quả của thuốc vẫn còn hạn chế, chỉ áp dụng điều trị được với chứng rối loạn lo âu lan tỏa mà hầu như không giúp ích trong điều trị các chứng rối loạn lo âu khác.

Tác dụng phụ

Các tác dụng không mong muốn của Buspirone bao gồm:

  • Chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu
  • Buồn ngủ
  • Tăng cân
  • các vấn đề về tiêu hóa: đau bụng, tiêu chảy, táo bón.
  • Khô miệng
  • Căng thẳng, mất ngủ

Tương tác thuốc

Các thuốc kháng nấm đường uống, thuốc chẹn kênh Canxi, Erythromycin, Rifampin và Nefazodone ảnh hưởng tới nồng độ Buspirone trong máu.

Ngoài ra, uống nhiều nước bưởi cũng có thể làm tăng nồng độ của thuốc trong máu.

2.3. Nhóm thuốc chẹn Beta

Thuốc chẹn Beta bao gồm các loại thuốc như Propranolol, Atenolol, được sử dụng để điều trị huyết áp cao và các vấn đề về tim mạch. Tuy nhiên, chúng cũng được kê đơn để điều trị lo âu.

Cơ chế

Thuốc chẹn Beta hoạt động theo cơ chế ngăn chặn tác động của Noradrenalin, một loại hormone gây căng thẳng và liên quan tới phản ứng chống lại hoặc bỏ chạy. Nó giúp kiểm soát các phản ứng lo lắng của cơ thể như nhịp tim nhanh, nói lắp, đổ mồ hôi, chóng mặt, run tay.

Tác dụng phụ

Thuốc chẹn Beta thường gây ra các phản ứng phụ sau:

  • Chóng mặt
  • Buồn ngủ
  • Yếu cơ
  • Mệt mỏi
  • Đau đầu, buồn nôn
  • Táo bón, tiêu chảy

Tương tác thuốc

Các thuốc chẹn Beta khi kết hợp với các loại thuốc điều trị tim mạch khác có thể gây ra các tác dụng tăng huyết áp và tim đập nhanh dẫn tới nguy hiểm.

Sử dụng đồng thời Haloperidol và propranolol có nguy cơ hạ huyết áp và ngừng tim đột ngột.

2.4. Nhóm thuốc tái hấp thu Serotonin có chọn lọc (SSRIs)

Các thuốc tái hấp thu Serotonin có chọn lọc hay còn thuộc nhóm thuốc chống trầm cảm, áp dụng trong điều trị tất cả các loại rối loạn lo âu. Đây cũng là phương pháp đầu tay trong điều trị rối loạn âu lo.

 

Cơ chế thuốc chống lo âu
Cơ chế thuốc chống lo âu

Cơ chế

Các SSRIs bao gồm các thuốc như Paroxetine, Fluoxetine, Sertraline, Lexapro, làm tăng lượng Serotonin trong não, giúp cải thiện tâm trạng.

Chất dẫn truyền thần kinh Serotonin ảnh hưởng đến tâm trạng, ham muốn tình dục, giấc ngủ và trí nhớ. Vì vậy, khi mức Serotonin ở trong não bị giảm xuống thấp hơn mức bình thường, nó sẽ gây ra tâm lý lo lắng, buồn bực, mất ngủ cùng với cảm xúc tiêu cực.

Cơ chế của nhóm thuốc này là ngăn cản quá trình tái hấp thu Serotonin trong não khiến cho nồng độ chất này trong não tăng lên, giúp kiểm soát cảm xúc lo lắng và tiêu cực.

Tác dụng phụ

Khi điều trị bằng các thuốc nhóm này, liều lượng sử dụng thường bắt đầu từ mức thấp rồi sau đó tăng dần lên. Kết quả cho thấy thuốc có sự dung nạp tốt và nhưng vẫn có những tác dụng phụ thường gặp. Đó là:

  • Buồn nôn, khô miệng
  • Tiêu chảy
  • Mất ngủ, giảm cân
  • Giảm nồng độ natri máu
  • Phát ban, dị ứng
  • Rối loạn chức năng tình dục
  • Lú lẫn, lo lắng, chóng mặt và kích động nếu dừng thuốc đột ngột

Tương tác thuốc

Các tương tác thuốc cần chú ý khi sử dụng thuốc tái hấp thu Serotonin có chọn lọc bao gồm:

  • Kết hợp với thuốc điều trị đau nửa đầu làm tăng mức Serotonin, có thể dẫn đến phản ứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng
  • Tránh sử dụng cùng thuốc chống đông máu và các thuốc chống viêm Non-steroid vì làm tăng nguy cơ chảy máu.
  • Kết hợp với các thuốc chống loạn thần gây nguy cơ mắc hội chứng an thần kinh ác tính.

2.5. Nhóm thuốc tái hấp thu Serotonin và Norepinephrine (SNRIs)

Một loại thuốc phổ biến khác được sử dụng chống lo âu là các thuốc tái hấp thu Serotonin và Norepinephrine bao gồm Venlafaxine, Duloxetine, Desvenlafaxine.

Cơ chế

Các SNRIs hoạt động theo cơ chế ngăn chặn quá trình tái hấp thu Serotonin và Norepinephrine. Vì thế, nó làm tăng nồng độ của cả hai chất dẫn truyền thần kinh này trong não, từ đó, cải thiện trạng thái tinh thần của bệnh nhân.

Tác dụng phụ

Các SNRIs có tác dụng phụ tương tự như nhóm SSRIs, nổi bật là các phản ứng:

  • Táo bón
  • Chóng mặt
  • Mệt mỏi
  • Giảm tập trung
  • Tăng huyết áp
  • Tăng cân
  • Mất vị giác, buồn nôn
  • Rối loạn cương dương
  • Đổ mồ hôi trộm, khó ngủ

Tương tác thuốc

Một số tương tác thuốc cần tránh của nhóm SNRIs:

  • Duloxetine có thể gây tổn thương gan nên thận trọng khi sử dụng cho người nghiện rượu hoặc có tiền sử mắc các bệnh về gan.
  • Không nên kết hợp thuốc nhóm SNRIs với thuốc nhóm IMAO.

2.6. Nhóm thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA)

Các thuốc chống trầm cảm 3 vòng được dùng để điều trị hầu hết các chứng rối loạn lo âu trừ trường hợp bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Những cái tên điển hình cho nhóm này là Amitriptyline, Nortriptyline, Clomipramine, Imipramine.

Cơ chế

Giống với nhóm thuốc SSRIs và SNRIs, các thuốc chống trầm cảm 3 vòng cũng ức chế quá trình tái hấp thu Serotonin và Norepinephrine, làm tăng nồng độ hai chất này tại các khe xinap thần kinh.

Tuy nhiên, thuốc cũng tác động đến các chất hóa học khác như Dopamin, Phenyletylamin, gây ra ảnh hưởng tới các hoạt động thần kinh ngoại ý.

Tác dụng phụ

Đặc điểm chung của nhóm thuốc này là các tác dụng phụ điển hình:

  • Táo bón
  • Khô miệng
  • Mờ mắt
  • Tụt huyết áp thế đứng
  • Bí tiểu

Tương tác thuốc

Những tương tác phổ biến cần lưu ý đối với các thuốc chống trầm cảm 3 vòng gồm có:

  • Không nên kết hợp với thuốc thuộc nhóm SSRIs và IMAOs
  • Phenytoin và Barbiturat có thể làm giảm nồng độ trong máu của các thuốc chống trầm cảm 3 vòng.
  • Không nên kết hợp với thuốc kháng Cholinergic vì việc này có thể làm cho cá tác dụng phụ trở nên nghiêm trọng.
  • Tránh sử dụng đồ uống có cồn và các loại thuốc ức chế thần kinh trung ương khác trong thời gian điều trị.
  • Không nên dùng đồng thời với các thuốc giãn mạch, xịt mũi chứa Catecholamine.

 

Uống thuốc chống âu lo
Uống thuốc chống âu lo

Trong thời gian điều trị bằng thuốc chống lo âu, cần phải chú ý một số điều sau đây để hạn chế tác dụng phụ của thuốc cũng như đạt được kết quả tốt nhất.

  • Luôn tuân thủ phác đồ điều trị, hướng dẫn của bác sĩ.
  • Không tự ý ngừng dùng thuốc hoặc sử dụng thêm các thuốc chống lo âu khác khi chưa hỏi ý kiến chuyên gia y tế.
  • Chế độ ăn uống hợp lý, tránh các chất kích thích, rượu, bia, đồ uống có cồn
  • Tập thể dục mỗi ngày kết hợp thư giãn tâm trí.
  • Kết hợp với phương pháp trị liệu tâm lý để có kết quả nhanh chóng và tốt nhất.
  • Theo dõi tác dụng phụ của thuốc cẩn thận, hỏi ngay bác sĩ nếu thấy triệu chứng bất thường.

Hành trình điều trị rối loạn lo âu tốn nhiều thời gian, cần sự kiên trì, nhẫn nại và niềm tin. Không có một phương pháp cụ thể nào có thể áp dụng cho tất cả các trường hợp. Vì vậy, để tối ưu hóa kết quả điều trị, gia đình và người bệnh cần dùng thuốc chống lo âu theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Xếp hạng: 5 (2 bình chọn)

Bạn có thắc mắc vấn đề gì thì hãy gửi câu hỏi cho chuyên gia nhé!

Bấm gửi câu hỏi

Với kinh nghiệm 3 năm làm việc trong lĩnh vực y tế sức khỏe, Dược sĩ Thu Hà chịu trách nhiệm cập nhật thông tin, tin tức về các bệnh và thông tin liên quan đến rối loạn tâm thần, tâm lý. Là một con người đam mê với nghề, tận tâm, tỉ mỉ  trong việc tìm kiếm nguồn thông tin cũng như việc đưa các thông tin chính xác đến mọi người, Dược sĩ Thu Hà đảm bảo cập nhật chính xác, nhanh chóng, kịp thời kiến thức chuyên môn đồng thời giúp giải quyết hiệu quả khó khăn của người bệnh.

Dược sĩ Đại học Thu Hà

Gửi thắc mắc đến chuyên gia tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

*
*