Liệu pháp nhận thức hành vi là một liệu pháp giao tiếp, giúp bạn kiểm soát các cảm xúc bằng cách thay đổi suy nghĩ và hành động. Phương pháp này thường được sử dụng trong điều trị lo âu, trầm cảm, ngoài ra còn hiệu quả với các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác. Mời bạn đọc cùng Tâm An Hòa khám phá thêm nhiều thông tin hữu ích dưới dây.
1.Tổng quan về liệu pháp nhận thức hành vi
Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive behavioral therapy) hay còn viết tắt là CBT, là liệu pháp tâm lý sử dụng hình thức trò chuyện để giúp người bệnh hiểu rõ sự tác động của suy nghĩ và cảm xúc lên hành động cá nhân.
Phương pháp này có hiệu quả tích cực lên các chứng rối loạn tâm thần liên quan tới lo sợ, nghiện và trầm cảm. Hơn nữa, liệu pháp nhận thức hành vi còn được nhiều nghiên cứu thực nghiệm lâm sàng chứng minh là có hiệu quả tương đương thậm chí tốt hơn các hình thức trị liệu tâm lý hoặc thuốc điều trị tâm thần khác.
Nguyên tắc cốt lõi của liệu pháp nhận thức hành vi bao gồm:
- Các vấn đề tâm lý một phần dựa trên những cách suy nghĩ sai lầm hoặc vô bổ.
- Các vấn đề tâm lý một phần dựa trên các mẫu hành vi vô dụng đã học được.
- Những người mắc các vấn đề về tâm lý có thể học cách phản ứng tốt hơn với sự vật, sự việc, từ đó giúp giảm bớt các triệu chứng và trở nên tích cực hơn trong cuộc sống.
2. Đối tượng của liệu pháp nhận thức hành vi
Những trường hợp có thể áp dụng liệu pháp nhận thức hành vi là:
- Phiền muộn
- Rối loạn lo âu
- Ám ảnh
- Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)
- Rối loạn giấc ngủ
- Rối loạn ăn uống
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
- Rối loạn tâm thần do sử dụng chất gây nghiện
- Rối loạn lưỡng cực
- Tâm thần phân liệt
- Rối loạn hoảng sợ
- Rối loạn nhân cách thể bất định
Đôi khi, CBT cũng được sử dụng để điều trị cho những người bị bệnh mãn tính:
- Hội chứng ruột kích thích (IBS)
- Hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS)
- Đau cơ xơ hóa
Dù liệu pháp nhận thức hành vi không thể chữa khỏi triệu chứng của những bệnh mãn tính này nhưng nó sẽ giúp người bệnh đối phó tốt hơn với chính vấn đề của họ.
3. Kỹ thuật thực hiện liệu pháp nhận thức hành vi
Liệu pháp nhận thức hành vi bao gồm các bước sau:
- Xác định vấn đề hoặc điều khó khăn trong cuộc sống của bạn: Điều đó có thể là tình trạng sức khỏe, ly hôn, đau buồn, tức giận hoặc các triệu chứng khác của rối loạn tâm thần. Nhà trị liệu sẽ dành một chút thời gian cùng bạn để quyết định xem bạn muốn tập trung vấn đề và mục tiêu nào.
- Nhận thức được suy nghĩ, cảm xúc và niềm tin của bạn về những vấn đề này: Sau khi xác định mục tiêu cần giải quyết, bác sĩ điều trị sẽ khuyến khích bạn chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng. Bác sĩ sẽ quan sát những điều bạn tự nói chuyện với bản thân, cách bạn diễn giải suy nghĩ về một tình huống cụ thể và niềm tin của bạn. Một cách khác, bác sĩ có thể yêu cầu bạn ghi những gì bạn nghĩ ra giấy.
- Xác định suy nghĩ tiêu cực hoặc không chính xác: Hành động này giúp bạn nhận ra các kiểu suy nghĩ và hành vi có thể là nguyên nhân cho các vấn đề mà bạn đang gặp phải. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn chú ý đến những phản ứng về thể chất, cảm xúc và hành vi của chính mình trong nhiều trường hợp khác nhau.
- Định hình lại suy nghĩ mang tính tiêu cực hoặc không đúng: Bác sĩ trị liệu sẽ khuyến khích bạn tự hỏi liệu quan điểm của bạn về 1 vấn đề có cơ sở dựa trên thực tế hay dựa trên nhận thức không chính xác. Đây cũng là bước khó khăn nhất trong quá trình thực hiện liệu pháp nhận thức hành vi do cách suy nghĩ của bạn về cuộc sống và bản thân đã tồn tại quá lâu. Tuy nhiên, việc luyện tập với liệu pháp nhận thức hành vi một cách thường xuyên sẽ khiến nhận và hành vi của bạn thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, dần trở thành thói quen mà không tốn nhiều công sức và thời gian như những liệu pháp tâm lý khác.
4. Quá trình thực hiện liệu pháp nhận thức hành vi
4.1. Liệu pháp nhận thức hành vi được thực hiện như nào
Trong các đợt điều trị bằng liệu pháp nhận thức hành vi, người bệnh sẽ cùng bác sĩ tâm lý xem xét chia nhỏ các vấn đề thành những phần riêng biệt: suy nghĩ, cảm xúc tinh thần và hành động.
Sau đó, bác sĩ tâm lý sẽ phân tích những điều này để tìm ra vấn đề không thực tế hoặc không hữu ích và xác định mối liên hệ giữa chúng cũng như ảnh hưởng của những vấn đề này đối với người bệnh.
Tiếp theo, bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân tìm ra phương pháp thay đổi cách nghĩ và hành vi không có lợi. Người bệnh được yêu cầu thực hiện những thay đổi này ngay trong cuộc sống hàng ngày và tiếp tục thảo luận về chúng trong buổi điều trị tiếp theo.
Mục đích cuối cùng của liệu pháp là dạy cách áp dụng các kỹ năng đã học được trong quá trình trị liệu vào cuộc sống hàng ngày. Từ đó, liệu pháp nhận thức hành vi giúp người bệnh kiểm soát các vấn đề theo hướng tích cực, hiệu quả đồng thời ngăn chặn những tác động tiêu cực từ cuộc sống ngay cả khi đợt điều trị kết thúc.
4.2. Thời gian thực hiện liệu pháp nhận thức hành vi
Tần suất trị liệu theo liệu pháp nhận thức hành vi thường là 1 buổi/ tuần hoặc 2 tuần 1 lần.
Quá trình trị liệu kéo dài khoảng 5-20 buổi với thời gian 30-60 phút mỗi buổi.
Các yếu tố cần xem xét để quyết định thời gian của đợt trị liệu bao gồm:
- Loại rối loạn hoặc vấn đề bạn đang gặp phải.
- Mức độ nghiêm trọng của những vấn đề đó.
- Thời gian tồn tại của tình trạng hoặc triệu chứng đó.
- Khả năng tiếp nhận và tiến bộ của bạn.
- Số lượng các vấn đề cần giải quyết.
- Mức độ hỗ trợ bạn nhận được từ gia đình, bạn bè và những người xung quanh.
Về chi phí của từng buổi điều trị, tùy từng nơi sẽ yêu cầu khoản phí khác nhau, nhìn chung khá cao nên hãy hỏi về các mức hỗ trợ mà bạn có thể nhận được và thảo luận về số lượng các buổi điều trị.
5. Ưu và nhược điểm của liệu pháp nhận thức hành vi
5.1. Ưu điểm
Những ưu điểm của liệu pháp nhận thức hành vi gồm:
- Hiệu quả đối với trường hợp rối loạn tâm thần đã dùng thuốc nhưng không có tác dụng.
- Thời gian hoàn thành đợt điều trị tương đối ngắn hơn so với các liệu pháp trị liệu tâm lý khác có sử dụng phương thức trò chuyện.
- Có thể tự tìm hiểu và áp dụng dựa trên các hình thức: tham gia hội nhóm, đọc sách hoặc sử dụng ứng dụng chuyên biệt.
- Sau khi kết thúc đợt điều trị, bạn sẽ học được các kỹ năng suy nghĩ và hành động để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
5.2. Nhược điểm
Bên cạnh lợi ích, phương pháp này cũng có một số hạn chế như:
- Cần phải cam kết thực hiện đúng quy trình để đạt hiệu quả cao nhất. bác sĩ trị liệu có thể tư vấn, giúp bạn nhận ra vấn đề nhưng họ cần sự hợp tác tích cực từ bạn.
- Phải tham gia các buổi trị liệu thường xuyên và có thể tốn nhiều thời gian nếu phải thực hiện bài tập luyện thêm giữa các buổi trị liệu.
- Giai đoạn đầu khiến bạn cảm thấy khó khăn trong việc đối mặt với cảm xúc và suy nghĩ của bản thân.
- Liệu pháp nhận thức hành vi được cho rằng chỉ giải quyết các vấn đề hiện tại và tập trung vào từng cái cụ thể mà không giải quyết được những nguyên nhân sâu sa trước đây có ảnh hưởng tới trạng thái tâm thần, ví dụ như tuổi thơ trải qua biến cố dữ dội hoặc không hạnh phúc.
6. Hiệu quả của liệu pháp nhận thức hành vi
Nhận thức hành vi là liệu pháp cung cấp cho bạn sức mạnh để ứng phó với những tình huống trong cuộc sống một cách lành mạnh và tích cực hơn. Phương pháp này đặt trọng tâm vào việc giúp các cá nhân học cách trở thành nhà trị liệu tâm lý cho chính mình. Chính vì vậy nó có hiệu quả tốt đối với một loạt những triệu chứng của rối loạn tâm thần, nghiện chất kích thích, rối loạn ăn uống, căng thẳng trong hôn nhân và gia đình.
Liệu pháp nhận thức hành vi đã được nghiên cứu chứng minh về hiệu quả trong việc giải quyết các triệu chứng của bệnh tâm thần cũng như những vấn đề tâm lý xã hội. Ngoài ra, nếu bạn đang cân nhắc, tìm hiểu đến các liệu pháp tâm lý khác, hãy đón đọc bài viết tiếp theo về chủ đề này của Tâm An Hòa nhé.