Chắc có lẽ mong ước cháy bỏng của các bậc làm cha, làm mẹ có con mắc bệnh tự kỷ là thấy con mình được lớn lên trưởng thành, biết cách chăm sóc bản thân và trở thành người có ích cho xã hội. Ước mơ đấy một ngày nào đó sẽ trở thành hiện thực khi cha mẹ biết tới những phương pháp, cách dạy trẻ tự kỷ tại nhà. Vậy đừng chần chừ gì nữa, cha mẹ cùng tìm hiểu ngay bài viết dưới đây về những phương pháp, cách dạy trẻ tự kỷ hiệu quả tại nhà.
1. Những điều cần dạy trẻ tự kỷ tại nhà
Có lẽ nhiều lúc bố mẹ đã rất bực tức, cáu kỉnh với trẻ tự kỷ khi nói mãi con không chịu nghe, nghịch những trò chơi nguy hiểm hay thậm chí gọi mãi mà con không chịu thưa, không làm theo những lời cha mẹ dặn,…
Những lúc như vậy, đừng nản lòng bạn nhé, hãy kiên trì dạy cho bé tự kỷ từ những điều nhỏ nhặt nhất để dần dần thay đổi suy nghĩ lẫn hành vi của trẻ. Dưới đây là một số cách dạy trẻ tự kỷ mà cha mẹ có thể tham khảo.
1.1. Phương pháp dạy trẻ tự kỷ tập nói, phát âm
Cha mẹ nên đơn giản hóa ngôn ngữ của bạn, làm như vậy sẽ giúp con bạn làm theo và bắt chước được những gì bạn nói.
- Nếu em bé nhà bạn vẫn chưa nói được, hãy thử nói chủ yếu bằng những từ đơn như: bà, bố, mẹ... để trẻ từ từ quen dần những từ ngữ đơn giản. Hoặc có thể lồng ghép dạy trẻ tập nói và phát âm khi trẻ đang chơi đùa, nếu trẻ tự kỷ đang chơi với một quả bóng, bạn có thể nhắc chỉ vào quả bóng và nhắc lại nhiều lần từ “bóng”.
- Nếu trẻ đang nói những từ đơn lẻ, hãy giúp trẻ nói bằng những cụm từ ngắn, chẳng hạn như bóng lăn, ném bóng.
Tiếp tục tuân theo quy tắc này nâng cấp dần lên: sử dụng các cụm từ có số lượng nhiều từ hơn mà con bạn đang sử dụng.
Ngoài ra, bạn cũng cần bắt chước âm thanh của con bạn và các hành vi chơi (miễn là đó là hành vi tích cực) của bé sẽ khuyến khích việc trẻ phát âm và tương tác nhiều hơn. Thông qua đó, trẻ sẽ học được cách phát âm đúng và dần học được cách tiếp nhận thông tin tốt hơn.
1.2. Cách dạy trẻ tự kỷ giao tiếp và phát triển ngôn ngữ
Một tin vui cho các bậc phụ huynh là trẻ tự kỷ vẫn có thể giao tiếp bình thường và phát triển ngôn ngữ, nhưng đó chắc hẳn đó là hành trình dài cần tới sự kiên trì, nhẫn nại của người lớn. Không nên coi trẻ tự kỷ như những “người bệnh”, cha mẹ hãy trở thành người bạn thân thiết đồng hành để giúp trẻ tự kỷ có thể giao tiếp và phát triển ngôn ngữ tốt hơn bằng những cách dưới đây nhé.
Các kỹ năng về giao tiếp và ngôn ngữ cha mẹ cần dạy cho trẻ bao gồm: kỹ năng tiếp nhận ngôn ngữ và thể hiện ngôn ngữ.
Thường xuyên gọi tên bé
Người lớn nên thường xuyên gọi tên bé để hướng sự chú ý của trẻ với các kích thích âm thanh bên ngoài, đặc biệt điều này còn giúp trẻ tự kỷ nhận ra bản thân mình cũng có tên gọi thân thương và tăng phản xạ của trẻ tự kỷ khi có người nhắc tên đến mình.
Rời không gian khi trẻ nói chuyện với bạn bè
Rời không gian khi trẻ nói chuyện cũng là cách thôi thúc trẻ khả năng tư duy về ngôn ngữ khi đứa trẻ không đáp ứng, phản xạ ngay lập tức khi nói chuyện với mọi người xung quanh. Điều này rất quan trọng trong việc cải thiện tình trạng bệnh tự kỷ trẻ em giúp con bạn có nhiều cơ hội hơn để giao tiếp, ngay cả khi bé không nói chuyện.
Cha mẹ có thể đứng từ xa để quan sát cách trẻ nói chuyện, giao tiếp để có phương pháp điều chỉnh tốt hơn.
Thực hiện theo sở thích của trẻ tự kỷ
Thay vì làm gián đoạn sự tập trung của con bạn, hãy cùng chơi với trẻ tự kỷ những trò chơi mà bé thích và giao tiếp với trẻ tự kỷ bằng các từ ngữ đơn giản.
Sử dụng quy tắc nhắc lại, thuật lại những gì con bạn đang làm. Chẳng hạn nếu bé đang chơi với một bộ xếp hình chữ, bạn có thể nói từ "xếp" khi bé đặt một mảnh ghép vào khe của nó. Hoặc bạn có thể nói cụm từ “hình chữ nhật” khi trẻ đang cầm nắm một mảnh ghép có hình dạng như vậy.
Bằng cách nói về những gì đang thu hút con bạn, bạn sẽ giúp bé học được nhiều từ vựng liên quan hơn, từ đó sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ phong phú hơn.
1.3. Dạy trẻ tự kỷ học
Bạn biết không, một số trẻ tự kỷ có năng lực đặc biệt trong một số lĩnh vực nhất định, để khám phá và bồi dưỡng những khả năng tiềm ẩn cho trẻ tự kỷ, cha mẹ có thể dạy trẻ tự kỷ học những điều cơ bản như: học số đếm, học toán thông qua những phép tính đơn giản, bảng chữ cái,…
Trong quá trình dạy học, bạn nên thường xuyên giúp trẻ ôn lại các bài học để kích thích khả năng ghi nhớ của trẻ tự kỷ nhé. Có thể đặt ra một số câu hỏi cho trẻ tự kỷ và cho bé một khoảng thời gian để suy nghĩ và trả lời. Luôn luôn khen thưởng, động viên và khích lệ bé khi có câu trả lời đúng cũng là cách tạo ra niềm vui và hứng thú cho trẻ.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng không nên đặt quá nhiều áp lực và sự kỳ vọng khi dạy trẻ học, những suy nghĩ của người lớn như: “con phải học cái này, con phải học cái kia” cũng cần thay đổi từ từ và loại bỏ bố mẹ nhé. Trẻ sẽ tiếp thu một cách tốt nhất khi người lớn tạo được môi trường thoải mái, không bị gò bó, áp lực quá lớn cho trẻ.
1.4. Huấn luyện cho trẻ tự kỷ phản xạ về âm thanh thông qua âm nhạc
Cha mẹ, giáo viên và những người lớn xung quanh có thể cải thiện các vấn đề của trẻ tự kỷ khi bị nhạy cảm với âm thanh thông qua âm nhạc bằng cách dạy trẻ hát những bài hát đơn giản của thiếu nhi, kết hợp với những động tác múa, nhảy giúp trẻ hứng thú nhiều hơn.
Điều này thật là tuyệt vời đúng không nào, chẳng những giúp trẻ tự kỷ hoàn thiện hơn về tư duy mà nó còn giúp trẻ phát triển về mặt ngôn ngữ nữa đấy.
1.5. Dạy trẻ tự kỷ ăn uống
Có phải đã không ít lần bạn cảm thấy bất lực khi nhìn thấy trẻ thờ ơ với đồ ăn, không chịu ăn hay là khi trẻ cầm thức ăn bôi ra khắp nơi đúng không?
Thật sự khi ở cương vị làm cha mẹ, chứng kiến con như vậy, ai mà không xót xa cơ chứ. Có lẽ với nhiều cha mẹ khi cho trẻ tự kỷ ăn thì đây chính là một cuộc chiến cam go, nhưng bạn biết không mọi thứ đều có thể thay đổi được, hãy giúp trẻ tự kỷ cảm thấy ngon miệng hơn khi ăn và tập cho trẻ cách ăn uống đúng nhé.
Bạn có thể hướng dẫn trẻ thông qua các động tác đơn giản như: cách cầm đũa, cầm thìa, cách xúc cơm, cách nhai đồ ăn… Ngoài ra, cha mẹ cũng cần tập cho trẻ cách ăn uống đúng giờ, khuyến khích trẻ ăn đủ bữa và đa dạng các món ăn.
1.6. Dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh
Chắc hẳn nhiều phụ huynh đã từng đối mặt với tình trạng hoặc các vấn đề rối loạn tiêu hóa cũng như các hành vi bất thường khi đi vệ sinh ở trẻ tự kỷ như: tiêu chảy, táo bón, trẻ bôi nước nước tiểu hoặc các chất thải xung quanh phòng vệ sinh… đúng không nào? Điều này làm cho không khí trong gia đình thêm phần căng thẳng, người lớn dễ cáu bực hơn với trẻ tự kỷ.
Không những cải thiện được chức năng tiêu hóa, dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh đúng cách còn giúp trẻ hình thành những thói quen đi vệ sinh tốt và không làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của trẻ.
Đầu tiên, bạn có thể làm mẫu cho trẻ cách đi tiểu tiện, đại tiện như thế nào cho đúng và thường xuyên nhắc lại cho trẻ nhớ. Một điều quan trọng đó là bạn cần nhắc nhở trẻ đó là cần rửa tay bằng xà phòng cùng với nước sạch sau khi đi vệ sinh. Khi trẻ đã hiểu được và tiếp thu cách đi vệ sinh, bạn có thể quan sát lại xem trẻ đã đi vệ sinh đúng cách chưa và nhẹ nhàng nhắc trẻ, không nên cáu gắt hay quát mắng làm trẻ sợ.
1.7. Dạy trẻ tự kỷ chơi và cách chơi với trẻ tự kỷ
Những trò chơi đôi khi cũng là một trong những phương pháp giúp trẻ tự kỷ hòa đồng với mọi người xung quanh và giúp trẻ phát triển tư duy, ngôn ngữ giao tiếp nhiều hơn đấy.
Các hình thức chơi của trẻ tự kỷ có thể là:
Chơi với bố mẹ, người lớn
Nên hạn chế cho trẻ tự kỷ chơi một mình vì một số trẻ có hành vi không tốt có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ như: nuốt đồ chơi vào bụng, chọc đồ chơi vào mũi, miệng,…
Những lúc cho trẻ tự kỷ chơi cùng người lớn, các bạn có thể lồng ghép với việc dạy trẻ phát âm, nói chuyện, phát triển ngôn ngữ hay cảm xúc. Hoặc một số trò chơi đá cầu, đá bóng, cầu lông,… vừa phù hợp với sức khỏe của trẻ vừa giúp tăng tình cảm gắn bó với người thân.
Chơi với tập thể các bạn cùng trang lứa
Bạn biết đấy, trẻ tự kỷ bị hạn chế khi chơi với tập thể các bạn. Vì vậy cha mẹ hoặc giáo viên có thể tổ chức một nhóm khoảng 5-10 bạn chơi theo một chủ đề nhất định (nấu ăn, bác sĩ,…) và theo sự hướng dẫn của người lớn để giúp trẻ tự kỷ hòa nhập với các bạn tốt hơn.
Cha mẹ có thể phối hợp sử dụng thêm các loại đồ chơi cho trẻ tự kỷ trong quá trình chơi đùa với con như:
- Đồ chơi giả vờ như: búp bê, gấu bông, bộ bát đũa, ấm chén bằng nhựa cho trẻ, ô tô, hoa quả bằng nhựa.
- Đồ chơi giúp trẻ vận động: lô gô, đất nặn, bút màu, giấy màu, xe đạp, dây nhảy.
2. Một số phương pháp dạy trẻ tự kỷ
Tham khảo một số phương pháp dạy trẻ tự kỷ sẽ giúp cha mẹ và giáo viên có định hướng cũng như biên soạn được nội dung giảng dạy cho trẻ tự kỷ được tốt hơn. Dưới đây là một số phương pháp được áp dụng phổ biến hiện nay:
- Chương trình TEACCH
- Liệu pháp tích hợp giác quan
- Phương pháp floortime
- Phương pháp can thiệp phát triển quan hệ (RDI)
- Phương pháp VB
- Phương pháp ABA
Việc áp dụng những phương pháp này trong các hoạt động và trò chơi cho trẻ tự kỷ sẽ góp phần tăng hiệu quả và tiết kiệm thời gian dạy trẻ tự kỷ cho giáo viên, phụ huynh hơn.
3. Có nên cho trẻ tự kỷ học trường chuyên biệt không?
Có nên cho trẻ tự kỷ học trường chuyên biệt không là thắc mắc của nhiều cha mẹ có con tự kỷ trong độ tuổi đến trường. Điều này tùy thuộc vào mức độ tình trạng của bệnh tự kỷ ở trẻ.
- Nếu trẻ hòa nhập tốt với môi trường xung quanh và trẻ bị tự kỷ ở mức độ nhẹ, bạn vẫn có thể cho bé đi học với các bạn cùng trang lứa bình thường khác.
- Nếu trẻ chậm phát triển, mức độ bệnh nặng thì bạn nên cho trẻ học ở các trường chuyên biệt dành riêng cho trẻ tự kỷ.
Do vậy, cha mẹ nên cân nhắc và theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ tự kỷ để quyết định được việc có nên cho trẻ tự kỷ học trường chuyên biệt không?
4. Địa chỉ một số trung tâm hoặc trường dạy trẻ tự kỷ
Các cụ có câu “chọn mặt gửi vàng”, việc lựa chọn các trung tâm hoặc trường dạy trẻ tự kỷ có vai trò rất quan trọng giúp trẻ tự kỷ có môi trường tốt phát triển đầy đủ hơn về mặt giao tiếp, nhận thức. Dưới đây là một số địa chỉ uy tín của các trung tâm hoặc trường dạy trẻ tự kỷ, bạn có thể tham khảo nhé.
Tại Hà Nội
- Trung tâm giáo dục đặc biệt AEIC:
- Số 22A, ngách 629/25 đường Kim Mã, phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội.
- Số điện thoại: 094 382 1271 hoặc 046 273 1067
- Trung tâm An Phúc Thành
- Số 89 ngõ Trại Cá, đường Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Số điện thoại: 0422 012622 hoặc 0168 6386 286
- Trung tâm can thiệp sớm trường cao đẳng Sư phạm Trung Ương
- Số 387 Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội
- Số điện thoại: 043 7913 116
- Trung tâm phục hồi chức năng bệnh viện Nhi Trung Ương
- Số 18/187 đường Đê La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội
- Số điện thoại: 024 6273 8532
- Trường mầm non chuyên biệt Ánh Sao
- Số 69, ngõ 255 Phố Vọng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Số điện thoại: 0912 720 496 hoặc 0985 681 696
Tại TP. Hồ Chí Minh
- Trường Chuyên biệt Tương Lai
- Số 27A2 Trần Nhật Duật, Phường Tân Định, quận 1, TPHCM
- Số điện thoại: 3848 3589
- Trường Chuyên biệt Thảo Điền
- Số 91 Thảo Điền, Phường Thảo Điền, quận 2, TPHCM
- Số điện thoại: 3512 4592
- Trường Chuyên Biệt Tương Lai
- Số 209/14 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TPHCM
- Số điện thoại: 384 82760
- Trường Đại học Sư phạm TP. HCM – khoa Giáo dục đặc biệt
- Số 280 An Dương Vương, quận 5, TP. HCM
- Số điện thoại: 08 835 2020
Hiện nay, số lượng trường chuyên biệt dạy trẻ tự kỷ vẫn chưa được mở rộng nhiều, chủ yếu tập trung tại những khu vực phát triển và đông dân cư. Vì vậy, phụ huynh cần cân nhắc về vị trí địa lý, học phí, chất lượng giảng dạy cũng như tình hình sức khỏe của trẻ để có sự lựa chọn phù hợp nhất.
Trên đây là 7 cách dạy trẻ tự kỷ tại nhà kèm theo các phương pháp áp dụng vào giảng dạy cho các bậc cha mẹ và giáo viên. Để tìm hiểu thêm nhiều thông tin chi tiết hơn nữa, mời bạn đọc theo dõi những bài chia sẻ cùng chủ đề khác của Tâm An Hòa.