Khi nhắc tới trẻ bị tự kỷ, không ít các bậc phụ huynh cảm thấy rất thất vọng và buồn bã, thậm chí nhiều người còn nghĩ đây là một “cực hình” đối với con cái họ. Hàng loạt câu hỏi hiện lên trong đầu họ như: Bệnh tự kỷ trẻ em là gì? Trẻ tự kỷ lớn lên như thế nào?... Tất cả những thắc mắc về bệnh tự kỷ sẽ được giải đáp trong bài viết này.
1. Bệnh tự kỷ trẻ em là gì?
Để hiểu rõ hơn về tình trạng trẻ tự kỷ ở nước ta cũng như thế giới thì đừng bỏ qua nội dung sau nhé!
Theo như thống kê, tỷ lệ trẻ tự kỷ ở Việt Nam và trên thế giới đang có xu hướng ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở khu vực thành thị - nơi tốc độ phát triển tăng mạnh không ngừng. Tại Việt Nam, theo ước tính thì cứ 1.000 trẻ thì có khoảng 2 - 5 trẻ bị tự kỷ và tỷ lệ trẻ bị tự kỷ tính theo giới tính đó là: tỷ lệ nam/nữ = 4/1.
Tại Hoa Kỳ, con số trẻ tự kỷ rất đáng báo động, theo Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, tính đến tháng 6/2018, cứ 59 trẻ thì lại có 1 trẻ bị mắc bệnh tự kỷ.
2. Bệnh tự kỷ trẻ em có mấy dạng?
Theo các nhà khoa học, cách phân loại trẻ tự kỷ dựa trên nhiều yếu tố như mức độ bệnh, chỉ số thông minh, thời gian mắc bệnh ở trẻ, dưới đây là một số cách phân loại:
Theo mức độ bệnh
- Tự kỷ nhẹ: Trẻ có thể giao tiếp bằng mắt tương đối bình thường, giao tiếp với người ngoài hơi hạn chế, học được các hoạt động đơn giản, kỹ năng chơi và nói được tương đối bình thường.
- Tự kỷ vừa: Trẻ có thể giao tiếp bằng mắt, giao tiếp với người ngoài hạn chế và nói được nhưng hạn chế.
- Tự kỷ nặng: Trẻ không giao tiếp bằng mắt, không giao tiếp với người ngoài và không nói được.
Theo thời điểm mắc tự kỷ
- Tự kỷ bẩm sinh - tự kỷ điển hình: Triệu chứng tự kỷ xuất hiện dần dần trong 3 năm đầu.
- Tự kỷ mắc phải - tự kỷ không điển hình: Trong 3 năm đầu đời, trẻ vẫn phát triển bình thường về ngôn ngữ và hành vi. Sau đó, triệu chứng tự kỷ bắt đầu xuất hiện và trở nên nghiêm trọng hơn, trẻ bị hạn chế các kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp.
Theo chỉ số thông minh
- Tự kỷ có chỉ số thông minh cao nói được
- Tự kỷ có chỉ số thông minh cao không nói được
- Tự kỷ có chỉ số thông minh thấp nói được
- Tự kỷ có chỉ số thông minh thấp không nói được
3. Biểu hiện của trẻ tự kỷ
Một số trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng tự kỷ ngay khi còn trong giai đoạn sơ sinh. Tuy nhiên, cũng có những trẻ có thể phát triển bình thường trong thời gian vài tháng hoặc vài năm đầu đời và bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu bất thường khi trẻ 2 tuổi.
Dấu hiệu tự kỷ ở trẻ rất đa dạng có thể xuất hiện ở nhiều phương diện khác nhau với nhiều biểu hiện khác nhau tùy vào tình trạng bệnh. Tuy nhiên, hầu hết các triệu chứng tự kỷ ở trẻ em đều xuất hiện trên các phương diện sau:
- Giao tiếp và tương tác xã hội kém: khả năng giao tiếp kém, không muốn nói chuyện hoặc nói chuyện không lưu loát, ngại giao tiếp bằng mắt, không thích việc tiếp xúc thân thể,...
- Lặp đi lặp lại một hành động rất nhiều lần, không thích những nơi sáng và có thể có những hành động gây hại cho chính bản thân mình,...
Tuy nhiên, khi trưởng thành một số trẻ tự kỷ có thể hòa đồng hơn và cải thiện được các rối loạn trong hành vi hơn nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc giao tiếp hoặc xác hội.
4. Nguyên nhân gây bệnh tự kỷ ở trẻ em và cách phòng bệnh
Cho đến nay các chuyên gia vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân trẻ bị tự kỷ là gì, nhưng theo các nghiên cứu thì không chỉ có một nguyên nhân gây ra căn bệnh này ở trẻ. Bên cạnh đó, cũng có một số yếu tố nguy cơ được cho là có thể làm tăng khả năng mắc bệnh tự kỷ ở trẻ gồm:
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tự kỷ hay các bệnh thần kinh khác
- Đột biến gen hoặc các rối loạn di truyền khác
- Trẻ được sinh khi bố mẹ lớn tuổi, sinh non, nhẹ cân
- Trẻ bị mất cân bằng trao đổi chất
- Trẻ tiếp xúc với các kim loại nặng hay các độc tố môi trường,...
Cũng chính vì chưa tìm được chính xác nguyên nhân trẻ bị tự kỷ là gì, do đó, cũng không có cách để phòng bệnh tự kỷ ở trẻ em. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh có thể phòng bệnh tự kỷ cho trẻ bằng việc hạn chế các yếu tố nguy cơ có thể gây bệnh tự kỷ, từ đó giảm khả năng mắc bệnh ở trẻ em.
5. Tác hại của bệnh tự kỷ trẻ em
Một đứa trẻ khi đã được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ, cho dù có sử dụng các biện pháp can thiệp và điều trị sớm nhưng căn bệnh này vẫn mang lại nhiều tác hại đối với cuộc sống cũng như sự phát triển của trẻ như:
- Trẻ tự kỷ thường đi học muộn hơn, ít hòa nhập với bạn bè, trở nên cô lập và thích ở một mình.
- Ngôn ngữ giao tiếp của trẻ tự kỷ kém, ít nói hoặc có thể là không nói được, dẫn đến gặp khó khăn trong việc học tập, làm việc.
- Trẻ tự kỷ khi trưởng thành thường không tự lập được mà phải sống phụ thuộc vào gia đình hoặc phải đưa vào các trung tâm điều trị để được can thiệp lâu dài.
- Ngoài mắc chứng trẻ có thể mắc kèm theo nhiều bệnh tâm thần khác như: Tự gây thương tích cho bản thân, rối loạn hành vi, rối loạn lo âu, trầm cảm, tăng động,...
6. Khám và điều trị bệnh tự kỷ ở trẻ
Khi phát hiện trẻ có các biểu hiện đã nêu trên các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi khám để nhận được chẩn đoán chính xác về tình trạng hiện tại của trẻ từ đó có phương pháp điều trị kịp thời nếu trẻ mắc bệnh. Hạn chế được các biến chứng nguy hiểm sau này cũng như giúp trẻ có thể hồi phục sức khỏe một cách tốt nhất.
Mặc dù có thể chẩn đoán chính xác bệnh nhưng cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh tự kỷ ở trẻ. Tuy nhiên, đã có rất nhiều cách điều trị bệnh tự kỷ ở trẻ em giúp làm giảm hoặc cải thiện triệu chứng và tình trạng bệnh như:
- Liệu pháp hành vi
- Liệu pháp vận động
- Vật lý trị liệu
- Liệu pháp ngôn ngữ
- ...
Tuy nhiên, cũng tùy thuộc vào tình trạng mỗi trẻ mà kết quả điều trị khác nhau, vì vậy khi điều trị bệnh cho trẻ các bậc phụ huynh cần kiên trì và phối hợp với bác sĩ điều trị để giúp trẻ cải thiện bệnh.
Mong rằng qua những chia sẻ về chủ đề khám, chẩn đoán, phát hiện và nhận biết sớm trẻ bị tự kỷ đã giúp cha mẹ phần nào vơi bớt những thắc mắc trong lòng về việc xác định trẻ có bị tự kỷ hay không? Hãy like và chia sẻ bài viết cho mọi người xung quanh bạn cùng tìm hiểu nhé.