Alzheimer - căn bệnh mất trí nhớ gây tử vong

Alzheimer là một tình trạng suy thoái thần kinh trung ương gây mất trí nhớ và suy giảm nhận thức. Hoa Kỳ đã ghi nhận đây là loại sa sút trí tuệ phổ biến nhất, chiếm khoảng 60–80%. Các ước tính gần đây cho thấy Alzheimer là nguyên nhân tử vong thứ ba ở người cao tuổi, chỉ sau bệnh tim và ung thư.

Mục lục [ Ẩn ]

Alzheimer là một tình trạng suy thoái thần kinh trung ương gây mất trí nhớ và suy giảm nhận thức. Hoa Kỳ đã ghi nhận đây là loại sa sút trí tuệ phổ biến nhất, chiếm khoảng 60–80%. Các ước tính gần đây cho thấy Alzheimer là nguyên nhân tử vong thứ ba ở người cao tuổi, chỉ sau bệnh tim và ung thư. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về bệnh Alzheimer trong bài viết sau đây.

1. Bệnh Alzheimer là gì?

Bệnh Alzheimer là một tình trạng thoái hóa của não. Các triệu chứng ban đầu nhẹ và trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Bệnh được Alois Alzheimer mô tả đầu tiên vào năm 1906 với các triệu chứng phổ biến bao gồm mất trí nhớ, các vấn đề về ngôn ngữ và hành vi bốc đồng hoặc không thể đoán trước.

Một trong những đặc điểm chính của tình trạng này là sự hiện diện của các mảng và đám rối trong não. Một đặc điểm khác là sự mất kết nối giữa các tế bào thần kinh trong não. Những tổn thương này khiến cho thông tin không thể truyền dễ dàng giữa các vùng khác nhau của não hoặc giữa não với các cơ hoặc các cơ quan.

Theo Viện Quốc gia về Lão hóa, bệnh Alzheimer là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ sáu ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các ước tính gần đây cho thấy nó có thể là nguyên nhân tử vong thứ ba, chỉ sau bệnh tim và ung thư.

Bệnh Alzheimer thường xuất hiện ở người già, từ 65 tuổi trở lên và hầu như không xuất hiện ở trẻ em. Mặc dù tuổi tác là yếu tố nguy cơ chính nhưng bệnh Alzheimer không chỉ xuất hiện ở người cao tuổi. Theo Hiệp hội Alzheimer, ở Hoa Kỳ có khoảng 5 triệu người mắc Alzheimer, trong đó có khoảng 200.000 người dưới 65 tuổi. Nhiều người bị bệnh Alzheimer ở độ tuổi 40 hoặc 50.

Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ không biết tại sao những người trẻ tuổi lại phát triển tình trạng này. Một số gen hiếm có thể gây ra tình trạng này. Khi có nguyên nhân di truyền, nó được gọi là bệnh Alzheimer gia đình.

2. Các giai đoạn của bệnh Alzheimer 

Bệnh Alzheimer phát triển từ nhẹ đến nặng. Các giai đoạn của bệnh đi từ trạng thái suy giảm nhẹ, trung bình và cuối cùng là suy giảm nhận thức nghiêm trọng.

Giai đoạn đầu- suy giảm nhận thức mức độ nhẹ

Ở giai đoạn này, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng:

  • Mất nhiều thời gian hơn bình thường để thực hiện các công việc hàng ngày
  •  Khó xử lý tiền hoặc thanh toán các hóa đơn
  • Đi lang thang và hay bị lạc
  • Thay đổi về tính cách và hành vi, chẳng hạn như dễ bực tức hoặc tức giận hơn, che giấu mọi thứ hoặc chậm chạp

Giai đoạn 2 - suy giảm nhận thức mức độ trung bình

Bệnh nhân Alzheimer mức độ trung bình sẽ có các rối loạn về ngôn ngữ, tri giác, khả năng ra quyết định, bao gồm các biểu hiện:

  • Mất trí nhớ trầm trọng cả trí nhớ gần và trí nhớ xa.
  • Khó nhận ra bạn bè hoặc người trong gia đình.
  • Không có khả năng học những điều mới.
  • Khó thực hiện các nhiệm vụ với một số giai đoạn, chẳng hạn như mặc quần áo.
  • Khó đối phó với các tình huống mới
  • Hành vi bốc đồng
  • Ảo thị giác, ảo thanh thật hoặc hoang tưởng bị hại.

Giai đoạn cuối - suy giảm nhận thức nghiêm trọng

Bệnh nhân Alzheimer mức độ nặng có các mảng và đám rối hiện diện khắp não, làm cho mô não co lại đáng kể. Điều này có thể dẫn đến:

  • Không có khả năng giao tiếp.
  • Phụ thuộc hoàn toàn vào người khác để được chăm sóc.
  • Không thể rời khỏi giường trong hầu hết thời gian
  • Tỷ lệ tử vong tăng cao.

3. Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ

Cho đến nay, nguyên nhân chính xác của bệnh Alzheimer vẫn chưa được biết đến. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng đây là kết quả của sự tương tác phức tạp giữa nhiều nguyên nhân, bao gồm:

  • Tuổi tác: Tuổi tác là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh Alzheimer. Nguy cơ mắc bệnh tăng lên đáng kể sau tuổi 65.
  • Di truyền: Nếu bạn có người thân trong gia đình mắc bệnh Alzheimer, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Một số đột biến gen nhất định có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn.
  • Sự tích tụ protein bất thường: Trong não của người bệnh Alzheimer, có sự tích tụ của hai loại protein bất thường. Những protein này có thể làm tổn thương và giết chết tế bào thần kinh, dẫn đến suy giảm trí nhớ và các chức năng nhận thức khác.
  • Tổn thương não: Một số tổn thương não, chẳng hạn như chấn thương đầu hoặc đột quỵ, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Ngoài các nguyên nhân chính, một số yếu tố nguy cơ khác của bệnh Alzheimer bao gồm:

  • Giới tính: Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn nam giới.
  • Người có tiền sử bệnh tim mạch
  • Bệnh tiểu đường
  • Chế độ ăn uống, lối sống không lành mạnh
  • Người ít hoạt động thể chất

4. Triệu chứng bệnh Alzheimer

Alzheimer là một tình trạng bệnh tiến triển với các triệu chứng trở nên tồi tệ dần theo thời gian. Các triệu chứng của bệnh Alzheimer bao gồm:

Mất trí nhớ: Mất trí nhớ là một trong những triệu chứng điểm hình và khởi phát đầu tiên của bệnh. Bệnh nhân gặp khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin mới và ghi nhớ thông tin. Điều này có thể dẫn đến lặp lại các câu hỏi hoặc cuộc trò chuyện,  đánh mất đồ vật, quên về các sự kiện hoặc cuộc hẹn, đi lang thang hoặc bị lạc.

Suy giảm nhận thức: Bệnh nhân gặp khó khăn trong việc lập luận, các nhiệm vụ phức tạp và khả năng phán đoán. Suy giảm nhận thức làm giảm nhận thức của người bệnh về an toàn và rủi ro, khó khăn về tiền bạc hoặc thanh toán hóa đơn, khó ra quyết định, khó hoàn thành nhiệm vụ có nhiều giai đoạn, chẳng hạn như mặc quần áo.

Các vấn đề về nhận dạng: Bệnh nhân mất khả năng nhận ra khuôn mặt hoặc đồ vật hoặc sử dụng các công cụ cơ bản không liên quan tới vấn đề về thị lực.

Rối loạn định hướng không gian: Bệnh nhân gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng, dễ bị vấp ngã, làm đổ vỡ đồ vật thường xuyên hoặc họ khó định hướng quần áo khi mặc vào cơ thể.

Rối loạn về nói, đọc hoặc viết: Bệnh nhân gặp khó khăn trong việc sử dụng các từ thông dụng, họ có thể mắc nhiều lỗi khi nói và khi viết.

Thay đổi nhân cách và hành vi: Bệnh nhân có những thay đổi về nhân cách và hành vi như dễ nổi cáu, lo lắng thường xuyên, mất hứng thú hoặc động lực đối với các hoạt động mà họ thường yêu thích, mất sự đồng cảm hoặc hành vi không phù hợp với xã hội.

Những nghiên cứu năm 2016 đã chỉ ra rằng sự thay đổi trong khiếu hài hước của một người cũng có thể là một triệu chứng ban đầu của bệnh Alzheimer.

3. Chẩn đoán

Không có xét nghiệm đặc hiệu cho bệnh Alzheimer. Nếu có nghi ngờ, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một hoặc các bài kiểm tra, xét nghiệm sau:

  • Kiểm tra nhận thức và trí nhớ: đây là bước đầu tiên trong quá trình chẩn đoán. Bác sĩ sẽ hỏi bạn một số câu hỏi về trí nhớ, khả năng suy nghĩ và các kỹ năng nhận thức khác.
  • Kiểm tra khả năng thăng bằng: người bệnh Alzheimer có thể gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng và phối hợp động tác. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số bài kiểm tra đơn giản, chẳng hạn như đứng bằng một chân hoặc đi bộ trên một đường thẳng.
  • Kiểm tra các giác quan và phản xạ: các vấn đề về giác quan và phản xạ có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý khác, bao gồm cả bệnh Alzheimer.
  • Xét nghiệm huyết học cơ bản: công thức máu, sinh hóa, vi sinh, định lượng nồng độ vitamin B12,... để loại trừ các khả năng mắc bệnh khác
  • Chụp CT hoặc chụp MRI não giúp bác sĩ phát hiện các dấu hiệu tổn thương não có liên quan đến bệnh Alzheimer.
  • Xét nghiệm di truyền chỉ được khuyến nghị cho những người có tiền sử gia đình mắc bệnh Alzheimer. Việc kiểm tra các gen liên quan sớm có thể cho biết khả năng một người nào đó mắc hoặc phát triển tình trạng bệnh. Tuy nhiên, thử nghiệm này đang gây tranh cãi và kết quả không hoàn toàn đáng tin cậy.

Bác sĩ cũng có thể hỏi thêm về những thay đổi trong nhận thức và hành vi của người bệnh từ người xung quanh như bạn bè và người thân trong gia đình để đưa ra kết luận cuối cùng.

4. Điều trị

Điều trị Alzheimer rất khó khăn. Hiện nay, không có một loại thuốc hoặc biện pháp can thiệp nào có khả năng điều trị thành công bệnh này. Các phương pháp hiện tại chỉ tập trung vào việc giúp người bệnh duy trì chức năng tâm thần, hạn chế các rối loạn hành vi và làm chậm sự phát triển của các triệu chứng của bệnh.

Điều trị bệnh Alzheimer mức độ nhẹ đến trung bình

Hầu hết các loại thuốc đều có tác dụng tốt đối với những người ở giai đoạn đầu hoặc giai đoạn giữa của bệnh Alzheimer. Các thuốc này có thể làm chậm sự phát triển của một số triệu chứng như mất trí nhớ trong một thời gian.

Thuốc ức chế Cholinesterase được sử dụng cho bệnh nhân Alzheimer mức độ nhẹ đến trung bình. Những loại thuốc này có thể giúp giảm một số triệu chứng và kiểm chứng rối loạn hành vi ở người bệnh. Các loại thuốc sẵn có là Razadyne®(galantamine), Exelon®(rivastigmine) và Aricept® (donepezil).

Thuốc ức chế cholinesterase ngăn chặn sự phân hủy acetylcholine, một chất hóa học trong não đóng vai trò quan trọng đối với trí nhớ và tư duy. Tuy nhiên, khi bệnh Alzheimer tiến triển, não sản xuất ngày càng ít acetylcholine nên các thuốc ức chế men cholinesterase cũng dần mất đi tác dụng.

Điều trị bệnh Alzheimer mức độ trung bình đến nặng

Thuốc đối kháng N-methyl D-aspartate (NMDA), được dùng để trị bệnh Alzheimer mức độ trung bình đến nặng. Tác dụng chính của các thuốc này là làm giảm các triệu chứng bệnh, cho phép bệnh nhân duy trì một số chức năng hàng ngày (tắm rửa, vệ sinh cá nhân) lâu hơn một chút so với khi không dùng thuốc. Thuốc có tác dụng điều chỉnh glutamate, một chất hóa học quan trọng của não. Thuốc đối kháng NMDA hoạt động khác với thuốc ức chế men cholinesterase, nên hai loại thuốc này có thể được kê đơn kết hợp.

Ngoài ra, FDA cũng đã phê duyệt Aricept®, miếng dán Exelon® và Namzaric®, thuốc kết hợp của Namenda® và Aricept®, để điều trị bệnh Alzheimer mức độ trung bình đến nặng.

5. Chăm sóc bệnh Alzheimer

Chăm sóc người bệnh Alzheimer là một quá trình lâu dài và đầy thử thách. Tuy nhiên, với sự kiên nhẫn, yêu thương và sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và cộng đồng, bạn có thể giúp người bệnh sống một cuộc sống ý nghĩa và trọn vẹn nhất có thể.

Dưới đây là một số lời khuyên để chăm sóc người bệnh Alzheimer:

  • Tìm hiểu về bệnh Alzheimer: Hiểu rõ về bệnh Alzheimer sẽ giúp bạn hiểu được những thay đổi mà người bệnh đang trải qua và cách hỗ trợ họ tốt nhất.
  • Tạo môi trường sống an toàn: Loại bỏ những vật dụng nguy hiểm trong nhà, chẳng hạn như dao kéo, vật sắc nhọn hoặc thảm trơn trượt cho người bệnh.
  • Duy trì thói quen sinh hoạt: Cố gắng giúp người bệnh duy trì thói quen sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như thời gian ăn ngủ, tắm rửa và vệ sinh cá nhân. Việc tuân thủ thói quen sẽ giúp người bệnh cảm thấy an tâm và bớt lo lắng.
  • Khuyến khích hoạt động thể chất và trí óc: Hoạt động thể chất và trí óc có thể giúp cải thiện trí nhớ và chức năng nhận thức của người bệnh. Bạn có thể khuyến khích người bệnh tham gia các hoạt động như: đi bộ, tập thể dục, đọc sách, nghe nhạc,..
  • Tránh tranh cãi hoặc la mắng người bệnh: Người bệnh rất nhạy cảm. Hãy cố gắng lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc của họ.

6. Câu hỏi thường gặp

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về bệnh Alzheimer có thể cũng là thắc mắc chung của bạn:

Bệnh alzheimer sống được bao lâu?

Tuổi thọ trung bình của người mắc bệnh Alzheimer sau khi chẩn đoán là khoảng 8-10 năm. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh vẫn có thể kéo dài tuổi thọ của mình.

Bệnh alzheimer có chữa được không?

Hiện nay, chưa có phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh Alzheimer. Các phương pháp hiện tại chỉ tập trung vào việc giúp người bệnh duy trì chức năng tâm thần, hạn chế các rối loạn hành vi và làm chậm sự phát triển của các triệu chứng của bệnh.

Bệnh alzheimer có di truyền không?

Một số yếu tố di truyền có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, di truyền không phải là yếu tố duy nhất quyết định việc bạn có mắc bệnh hay không.

Bệnh alzheimer có chết không?

Alzheimer là một tình trạng bệnh tiến triển với các triệu chứng trở nên tồi tệ dần theo thời gian. Cuối cùng, bệnh Alzheimer có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh alzheimer được đặt theo tên của ai?

Bệnh Alzheimer được đặt theo tên của Alois Alzheimer, một bác sĩ tâm thần người Đức. Bệnh được Alois Alzheimer mô tả đầu tiên vào năm 1906 với các triệu chứng phổ biến bao gồm mất trí nhớ, các vấn đề về ngôn ngữ và hành vi bốc đồng hoặc không thể đoán trước.

Bệnh alzheimer có nguy hiểm không?

Bệnh Alzheimer là một căn bệnh nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống của người bệnh, bao gồm trí nhớ, khả năng suy nghĩ, khả năng tự chăm sóc bản thân và khả năng giao tiếp. Alzheimer có xu hướng tiến triển và cuối cùng có thể dẫn tới tử vong.

Trên đây là toàn bộ thông tin về bệnh Alzheimer. Hy vọng bài viết giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về hội chứng tâm lý này cũng như tình trạng sức khỏe tinh thần của mình.

Bình chọn