Dấu hiệu trẻ tự kỷ có thể xuất hiện vào những năm đầu đời nhưng đa số trường hợp các triệu chứng bệnh chỉ xuất hiện rõ rệt sau một thời gian dài trẻ mắc bệnh. Vậy các triệu chứng bệnh tự kỷ ở trẻ là gì? Để trả lời cho câu hỏi này mời bạn đọc tham khảo bài viết sau đây cùng chúng tôi.
Trẻ thường mắc tự kỷ ngay từ những năm đầu đời, nhưng không phải trẻ nào cũng có những biểu hiện bệnh rõ ràng ngay khi mắc bệnh mà phải đến khi khoảng 4 - 5 tuổi thì trẻ mới được phát hiện và chẩn đoán là mắc bệnh tự kỷ.
Trong một số trường hợp, với những trẻ mắc chứng tự kỷ sớm thì dấu hiệu trẻ tự kỷ thường bị hiểu nhầm thành dấu hiệu của một em bé ngoan vì trẻ sơ sinh có vẻ trầm lặng, độc lập và không đòi hỏi. Do đó, các bậc phụ huynh có con nhỏ nên lưu ý những triệu chứng sau để có thể phát hiện sớm tình trạng bệnh của con mình.
Có nhiều cách phân loại bệnh tự kỷ trẻ em khác nhau, vì vậy tùy theo độ tuổi và mức độ bệnh mà trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng bệnh khác nhau. Sau đây là một số dấu hiệu trẻ tự kỷ được phân loại như sau:
1. Dấu hiệu trẻ tự kỷ theo độ tuổi
Tùy vào mức độ tuổi khác nhau trẻ sẽ có những triệu chứng và biểu hiện bệnh khác nhau. Dấu hiệu trẻ tự kỷ theo độ tuổi được chia như sau:
1.1. Dấu hiệu trẻ tự kỷ dưới 12 tháng tuổi
Ở giai đoạn này, các biểu hiện trẻ mắc bệnh tự kỷ thường liên quan đến sự phản xạ, đáp ứng của bé với các kích thích từ bên ngoài. Một số dấu hiệu trẻ tự kỷ dưới 12 tháng tuổi có thể kể đến như:
- Khi bố mẹ hoặc người thân nói chuyện với bé, bé có thể cười, mếu khóc, nhưng với những trẻ bị tự kỷ thường không bộc lộ cảm xúc trên gương mặt, không giao tiếp bằng mắt, không cười.
- Trẻ bị bệnh tự kỷ không hẳn lúc nào cũng phản ứng với âm thanh bên ngoài như: Không quay lại để xem âm thanh phát ra từ đâu, không giật mình khi nghe thấy tiếng động lớn,... Mặc dù vậy, một số trẻ tự kỷ lại có thính giác rất tốt.
- Đối với trẻ tự kỷ chúng không thích được âu yếm hay không muốn bị chạm vào.
- Những món đồ chơi đẹp mắt hay ngộ nghĩnh như bóng bay, thú nhồi bông,… cũng không hề làm bé thích thú hay quan tâm.
- Trẻ tự kỷ thường không bập bẹ tập nói, không bi bô nói chuyện khi nhìn thấy mọi người xung quanh.
- Trẻ tự kỷ dưới 12 tháng tuổi còn không làm những động tác cử chỉ thường thấy ở trẻ nhỏ, chẳng hạn khi nhìn thấy mẹ thì với tay đòi bế.
1.2. Dấu hiệu trẻ tự kỷ 12 - 24 tháng (1 - 2 tuổi)
Khi trẻ từ 12 - 24 tháng tuổi, nhận thức và sự phát triển của trẻ về thế giới xung quanh đang ngày càng nâng cao hơn, tuy nhiên với những trẻ bị tự kỷ thì bố mẹ cần chú ý tới những biểu hiện bất thường sau:
- Trẻ hầu như không thể hiện sự quan tâm của mình tới thế giới hay mọi người xung quanh, chẳng hạn như một chú chó con hay đồ chơi mới.
- Bé bị bệnh tự kỷ không làm các cử chỉ thường thấy như những trẻ khác như: Không lắc đầu có hay không, không chỉ vào những thứ bé muốn, không vẫy tay chào tạm biệt.
- Rất ít khi đi bộ, chạy nhảy và hay đi nhón chân.
- Trẻ hầu như không nói được các từ đơn trong 16 tháng như: Bà, mẹ, bố… hoặc cụm có 2 từ trong 24 tháng.
1.3. Dấu hiệu trẻ tự kỷ trên 2 tuổi
Đến độ tuổi này có phải bạn đang rất mong trẻ có thể bập bẹ nói được câu đơn giản hay là mừng rỡ khi thấy trẻ nô đùa, vui chơi như những đứa trẻ khác? Nếu quan sát thấy trẻ có những biểu hiện khác thường dưới đây, cha mẹ nên đưa bé đi khám ngay nhé:
Gặp khó khăn trong tương tác xã hội
- Trẻ không quan tâm hoặc không để ý đến người khác hay những gì đang diễn ra xung quanh mình.
- Trẻ không biết cách kết nối với người khác, kết bạn hoặc chơi cùng với mọi người.
- Trẻ không muốn bị người khác chạm vào, nắm giữ, ôm ấp.
- Trẻ không thích tham gia các trò chơi nhóm, bắt chước người khác để sử dụng đồ chơi hoặc tự chơi theo cách mà bản thân tự sáng tạo.
- Không hiểu cảm xúc của bản thân và khó để diễn đạt chúng cho mọi người xung quanh.
- Trẻ dường như không nghe thấy mọi người xung quanh nói chuyện và ngay cả khi nói chuyện với mình.
Với những trẻ tự kỷ thì tương tác xã hội cơ bản là một trong những khó khăn đối với chúng. Nhiều trẻ em mắc bệnh tự kỷ chỉ thích sống trong thế giới của riêng chúng, luôn xa cách và tách biệt với những người xung quanh.
Hạn chế trong giao tiếp và ngôn ngữ
- Một số trẻ hoàn toàn không nói chuyện hoặc gặp khó khăn trong giao tiếp.
- Kiểu nói bất thường: nói khựng lại, tông giọng cao hoặc giọng thấp, sử dụng các từ đơn thay vì sử dụng câu dài, lặp đi lặp lại 1 từ hoặc cụm từ và thường không có ý định giao tiếp với người khác.
- Dường như không hiểu được mọi người đang nói gì với bé, có thể không trả lời khi mọi người gọi tên, không làm theo hướng dẫn.
Trẻ mắc chứng tự kỷ thường gặp khó khăn về lời nói và ngôn ngữ, thông thường, trẻ tự kỷ thường bị chậm nói.
Khó khăn trong giao tiếp phi ngôn ngữ
- Tránh giao tiếp bằng mắt.
- Sử dụng các biểu hiện trên khuôn mặt không khớp với những gì mà họ đang nói.
- Không chú ý đến nét mặt, giọng nói hay hành vi, cử chỉ của người khác.
- Thực hiện rất ít ngôn ngữ hình thể (hoạt động của tay, chân). Có thể luôn giữ một nét mặt khi nói chuyện hoặc có thể lạnh lùng hoặc có thể giống như rô-bốt.
- Phản ứng bất thường với cảnh vật, mùi, kết cấu, âm thanh và đặc biệt nhạy cảm với những tiếng ồn lớn. Cùng có thể không phản ứng với những người xung quanh hay những hành động của người khác để gây sự chú ý cho trẻ.
- Tư thế đi, đứng không điển hình, cách di chuyển có thể vụng về hoặc lập dị chẳng hạn như đi kiễng chân.
Trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ thường gặp khó khăn khi tiếp nhận các tín hiệu phi ngôn ngữ và sử dụng ngôn ngữ cơ thể.
Những bất thường trong hành vi
- Có thể bất chợt cười, khóc, la hét không rõ lý do.
- Hiếm khi bắt chước hoặc không bắt chước hành động của mọi người xung quanh.
- Thích được chơi 1 mình, ít quan tâm hay chơi với những đứa trẻ khác.
- Cách chơi với đồ vật theo những cách khác thường.
- Ngại với việc thay đổi, thích gắn bó với một thói quen.
- Quá nhạy cảm với các kích thích bên ngoài: Bị kích động bởi tiếng ồn, nhạy cảm với mùi hoặc từ chối ăn nhiều loại thực phẩm.
- Tự gây thương tích cho bản thân, chẳng hạn như cắn hoặc tự đánh mình.
- Phản ứng thái quá khi gặp vết thương nhẹ, sợ hãi quá mức với những điều tưởng chừng như rất bình thường
- Trong nhiều tình huống, trẻ có thái độ không hợp tác, tỏ ra bốc đồng, hiếu động hoặc rất hung hăng.
Các dấu hiệu trẻ tự kỷ này thể hiện rõ rệt nhất là ở trẻ từ 3 - 4 tuổi, do đó, hầu hết trẻ được chẩn đoán bệnh tự kỷ là khi đã lớn hơn một chút vào khoảng 5 - 6 tuổi. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên hết sức chú ý và quan tâm đến các biểu hiện bất thường của trẻ.
2. Dấu hiệu trẻ tự kỷ dựa trên mức độ bệnh
Bệnh tự kỷ có thể chia ra làm nhiều loại dựa trên mức độ tình trạng của bệnh, sau đây là một số dấu hiệu trẻ tự kỷ tùy theo mức độ bệnh.
2.1. Dấu hiệu của trẻ tự kỷ nhẹ
Với những trẻ tự kỷ nhẹ, các triệu chứng, biểu hiện có thể là:
- Ít quan tâm đến các tương tác xã hội hoặc các hoạt động xã hội.
- Gặp khó khăn trong việc bắt đầu các tương tác xã hội.
- Gặp khó khăn trong việc duy trì một cuộc trò chuyện qua lại (âm lượng hoặc giọng nói, cách đọc ngôn ngữ cơ thể, tín hiệu xã hội).
- Gặp khó khăn trong việc thích ứng với những thay đổi trong thói quen hoặc hành vi.
- Gặp khó khăn trong việc kết bạn.
- Có thể sống độc lập với sự hỗ trợ tối thiểu.
2.2. Dấu hiệu của trẻ tự kỷ vừa
Các dấu hiệu trẻ tự kỷ vừa thường nặng hơn và diễn biến phức tạp hơn so với trẻ tự kỷ nhẹ:
- Khó đối phó với sự thay đổi của thói quen hoặc môi trường xung quanh.
- Thiếu đáng kể các kỹ năng giao tiếp bằng lời và ngôn ngữ cơ thể.
- Có những thách thức hành vi nghiêm trọng và rõ ràng.
- Có những hành vi lặp đi lặp lại gây cản trở cuộc sống hàng ngày.
- Có bất thường hoặc giảm khả năng giao tiếp hoặc tương tác với những người khác.
- Có sở thích hẹp.
2.3. Dấu hiệu của trẻ tự kỷ nặng
Khi trẻ bị tự kỷ nặng, những bất thường trong giao tiếp xã hội và hành vi trở nên rất nặng nề:
- Bị khiếm khuyết về ngôn ngữ hoặc khả năng nói đáng kể.
- Có khả năng giao tiếp hạn chế, chỉ khi yêu cầu được đáp ứng.
- Rất hạn chế mong muốn tham gia xã hội hoặc tham gia vào các tương tác xã hội.
- Cực kỳ khó đối phó với sự thay đổi bất ngờ đối với thói quen hoặc môi trường.
- Rất đau khổ hoặc khó thay đổi sự tập trung hoặc chú ý.
- Có các hành vi lặp đi lặp lại, sở thích cố định hoặc ám ảnh gây ra suy giảm nghiêm trọng.
Các dấu hiệu trẻ tự kỷ là không giống nhau và cũng không giống nhau ngay cả ở cả trẻ em trai và trẻ em gái. Tuy nhiên, trẻ em trai thường được chẩn đoán là mắc chứng tự kỷ nhiều hơn trẻ em gái.
Trên đây là những thông tin về triệu chứng, dấu hiệu trẻ tự kỷ có thể xuất hiện ở một trẻ mắc bệnh tự kỷ. Hy vọng qua bài viết này các bậc phụ huynh đã có thêm những kiến thức hữu ích, từ đó có thể phát hiện ra những bất thường của trẻ có phải là mắc bệnh tự kỷ không từ đó giúp trẻ phát hiện bệnh kịp thời. Hãy like và chia sẻ bài viết trên cho mọi người xung quanh bạn cùng tìm hiểu nhé. Chúc bạn một ngày tốt lành.