Hiện nay, ở Việt Nam, liệu pháp sốc điện vẫn còn là cái tên xa lạ với nhiều người. Đây có thể coi như giải pháp nhanh chóng giúp bệnh nhân bị triệu chứng rối loạn tâm thần quay về trạng thái bình thường. Tuy nhiên, thông tin về cách tiến hành và tác dụng phụ của liệu pháp mới này vẫn còn hạn chế. Tâm An Hòa sẽ giải đáp thêm trong bài biết dưới đây.
1. Liệu pháp sốc điện là gì?
Ngày nay, người ta sử dụng liệu pháp sốc điện (Electroconvulsive Therapy) hay còn được gọi tắt là ECT như một phương pháp mới để điều trị các triệu chứng tâm thần nghiêm trọng.
Sau khi dùng thuốc và liệu pháp tâm lý không thành công hoặc sức khỏe tâm thần của người bệnh trở nên cấp tính, bác sĩ sẽ điều trị can thiệp bằng liệu pháp sốc điện.
1.1. Định nghĩa
Trong quá trình kích thích não này, một dòng điện sẽ truyền qua não bệnh nhân để tạo ra các cơn co giật có kiểm soát (cơn động kinh). Việc này diễn ra khi người bệnh đã ở trạng thái được gây mê toàn thân. Đa phần, liệu pháp này thực hiện ở các bệnh viện, cơ sở y tế, chỉ một số trường hợp có đủ điều kiện tiến hành tại nhà.
1.2. Lịch sử ra đời liệu pháp sốc điện
Trước đây, liệu pháp này có tên gọi là Electroshock Therapy hoặc Shock Therapy, dịch nôm na là sốc trị. Nó dựa trên quy trình tạo ra các cơn co giật về mặt hóa học ở những bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị bệnh tim Metrazol.
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe lần đầu tiên thực hiện thủ thuận này vào năm 1934 tại Hungary để điều trị tâm thần phân liệt. Năm 1938, Ugo Cerletti, bác sĩ chuyên khoa tâm thần người Ý là người đầu tiên truyền dòng điện trực tiếp vào não người nhằm mục đích gây co giật để trị căn bệnh này.
Đến năm 1940, tại Hoa Kỳ, ECT bắt đầu được tin tưởng và áp dụng trong thế chiến II, tiến đến việc sử dụng rộng rãi trong các bệnh viện tâm thần ở Mỹ và Châu Âu chỉ trong vòng 10 năm sau đó.
Ở thời điểm này, người ta mới chỉ đặt các điện cực ở 1 bên não. Điều này làm hạn chế các tác dụng phụ của phương pháp như mất trí nhớ hoặc các vấn đề về ngôn ngữ.
Tuy nhiên, bất chấp sự tiến bộ vượt thời đại đó, ECT lại bị lên án, chỉ trích vì những hạn chế và tác dụng phụ mà chúng gây ra trong một khoảng thời gian dài. Người ta cho rằng liệu pháp này dã man, tàn nhẫn, ảnh hưởng lớn tới nhân cách và khả năng ghi nhớ của con người.
Sau những tranh cãi gay gắt, đến giữa những năm 1980, ECT bắt đầu được đánh giá cao về hiệu quả, cùng với đó, công bố về Liệu pháp sốc điện được xuất bản trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA).
Vào giữa những năm 1990, việc xuất bản một số hướng dẫn về cách tiến hành ECT đã cung cấp thêm khả năng dự đoán và tiêu chuẩn hóa, độ tin cậy của phương pháp này trong hiệu quả điều trị các triệu chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng.
Từ đó đến nay, ECT trở thành giải pháp mới có tính đột phá, giúp những bệnh nhân bị trầm cảm nặng trở về với cuộc sống bình thường.
2. Nguyên lý hoạt động của liệu pháp sốc điện
Nguyên lý hoạt động của liệu pháp sốc điện được mô tả dựa trên dòng điện kích thích. Dòng điện này sẽ tạo ra cơn co giật có kiểm soát, kích hoạt giải phóng một lượng chất hóa học dẫn truyền thần kinh trong não bệnh nhân.
Việc này dẫn đến tạo ra nhiều tế bào thần kinh hơn cũng như hình thành các liên kết thần kinh mới.
Phương pháp này có hiệu quả cao, trong đó Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ ghi nhận rằng nó có hiệu quả ở khoảng 80% những người mắc bệnh trầm cảm hoặc các bệnh tâm thần nghiêm trọng và không đáp ứng với phương pháp điều trị khác.
Liệu pháp sốc điện làm giảm các triệu chứng trầm cảm trong vòng 1-2 tuần kể từ khi bắt đầu. Sau một đợt điều trị, bệnh nhân sẽ tiếp tục điều trị duy trì hoặc chỉ uống thuốc kết hợp các liệu pháp tâm lý.
3. Cách tiến hành
Trong những năm gần đây, kỹ thuật sốc điện có sự phát triển và cải thiện đáng kể. Liệu pháp sốc điện phải được tiến hành bởi bác sĩ có chuyên môn cao, tay nghề vững và cần các phương pháp hỗ trợ khác nên nó thường được thực hiện ở bệnh viện.
Trình tự tiến hành sốc điện:
- Đầu tiên bác sĩ sẽ kiểm tra các xét nghiệm cận lâm sàng: nhịp thở, nhiệt độ, huyết áp, nhịp tim và điện não đồ của người bệnh.
- Chuẩn bị các phương tiện hỗ trợ cấp cứu.
- Để người bệnh lên giường thực hiện thủ thuật.
- Tiến hành gây mê và cho người bệnh dùng thuốc giãn cơ để người bệnh không cảm thấy đau đớn hoặc khó chịu.
- Sau đó, bác sĩ sẽ đặt điện cực vào một bên thái dương và trên đỉnh đầu của bệnh nhân và bắt đầu sốc điện. Mỗi lần sốc điện kéo dài khoảng 20-90 giây. Hiệu điện thế sử dụng dao động từ 70-110V tùy vào trạng thái người bệnh.
Người bệnh sẽ tỉnh trong vòng 5-10 phút sau khi kết thúc.
Mỗi đợt điều trị sốc điện thường kéo dài trong vòng 6-12 lần với tần suất 2-3 lần/tuần.
4. Công dụng và hiệu quả
Liệu pháp này dẫn đến một số thay đổi về mặt hóa học trong não, làm tăng lưu lượng máu qua não, cải thiện tính thấm của hàng rào máu não, thúc đẩy sự phát triển của tế bào não và kích thích giải phóng Serotonin, Dopamine.
Các nghiên cứu cho thấy khoảng 80% bệnh nhân trầm cảm không đáp ứng với thuốc đã sử dụng phương pháp này có hiệu quả tốt. Vì vậy, liệu pháp sốc điện là một trong những giải pháp hàng đầu cho người bị trầm cảm nặng hoặc trầm cảm kháng trị.
5. Sốc điện có những tác dụng phụ nào?
Các tác dụng phụ phổ biến của liệu pháp sốc điện thường là nhầm lẫn ngay sau khi tiến hành thủ thuật, mất trí nhớ ngắn hạn tạm thời, tuy nhiên sau 6 tuần bệnh nhân sẽ trở về trạng thái bình thường.
Các tác dụng phụ khác có thể gặp bao gồm:
- Đau đầu
- Huyết áp tăng hoặc giảm so với mức bình thường
- Nhịp tim nhanh
- Buồn nôn
- Đau nhức cơ bắp
6. Sốc điện và những lầm tưởng phổ biến
Với những người chưa tìm hiểu sâu về liệu pháp sốc điện, họ sẽ lầm tưởng về độ an toàn của phương pháp này. Sau đây, Tâm An Hòa sẽ chỉ ra những hiểu nhầm phổ biến về liệu pháp sốc điện.
6.1. Liệu pháp sốc điện làm bệnh nhân lên cơn co giật
Khi tiến hành phương pháp điều trị này, dòng điện an toàn sẽ được truyền qua não bộ và tạo ra kích thích lên các chất hóa học trong não.
Những kích thích này sẽ làm cho bệnh nhân xuất hiện cơn co giật ngắn như một cách để phục hồi hệ thống thần kinh. Nó giúp khởi động lại liên kết giữa các nơron thần kinh, kích thích sản sinh chất dẫn truyền thần kinh như Serotonin, Dopamine và Norepinephrine.
Chính việc tăng nồng độ những chất này trong não giúp cho bệnh nhân tâm thần khỏi bệnh, trở về trạng thái bình thường.
6.2. Sốc điện chỉ dùng để điều trị trầm cảm
Thông thường liệu pháp sốc điện được chỉ định cho bệnh nhân trầm cảm nặng có ý định cố tự tử, hoang tưởng, ảo giác có nguy cơ cao tự làm hại bản thân.
Tuy nhiên, chỉ trong trường hợp người bị trầm cảm đã dùng thuốc nhưng không đáp ứng hoặc thực hiện các liệu pháp điều trị tâm lý không hiệu quả, bác sĩ mới chỉ định tiến hành liệu pháp sốc điện.
Không những vậy, liệu pháp này còn sử dụng để điều trị rối loạn tâm thần phân liệt, hưng cảm hoặc rối loạn lưỡng cực nghiêm trọng.
6.3. Liệu pháp sốc điện có thể chữa khỏi hoàn toàn rối loạn tâm thần
Không thể phủ nhận, liệu pháp sốc điện có tác dụng nhanh, cải thiện rõ rệt tình trạng người bệnh nhưng điều này chỉ duy trì trong khoảng thời gian ngắn. Bệnh cũng có thể tái phát sau vài ngày hoặc vài tuần sau khi sốc điện.
Vì vậy, bệnh nhân cần tiếp tục sử dụng thuốc hoặc tìm kiếm biện pháp điều trị tâm lý khác để duy trì sức khỏe tâm thần của mình.
6.4. Mất trí nhớ do liệu pháp sốc điện
Đây có thể coi là tác dụng phụ phổ biến khi tiến hành liệu pháp này. Người bệnh sẽ bị mất trí nhớ tạm thời hoặc lú lẫn, không phân biệt được thời gian xảy ra các việc trước đây. Nhưng, trí nhớ sẽ nhanh chóng phục hồi sau vài ngày hoặc vài tuần kết thúc liệu trình.
6.5. Sốc điện là phương pháp điều trị cuối cùng cho bệnh nhân trầm cảm
với khoa học kỹ thuật hiện đại ngày nay, điều trị trầm cảm đã có nhiều phương pháp mới có thể thay thế ECT. Có thể kể đến phương pháp mới như phương pháp kích thích não bằng từ trường xoay chiều (TMS) hoặc dùng xung điện kích thích dây thần kinh phế vị (VNS) để điều trị rối loạn tâm thần.
Tóm lại, liệu pháp sốc điện là giải pháp hiệu quả trong ngành điều trị tâm thần. Bên cạnh tác dụng nhanh, những phản ứng phụ của liệu pháp này cần chú ý và cân nhắc trước khi áp dụng trị liệu với bệnh nhân.