Từ những năm 1970, liệu pháp thư giãn luyện tập đã được nghiên cứu và phát triển, áp dụng trong điều trị các triệu chứng của rối loạn lo tâm thần liên quan tới stress. Để thu được hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần tìm hiểu kỹ về liệu pháp này và thực hiện nó theo đúng hướng dẫn của người có chuyên môn.
1. Đôi nét về liệu pháp thư giãn luyện tập
1.1. Khái niệm
Liệu pháp thư giãn luyện tập là một liệu pháp tâm lý dành cho những người bị rối loạn lo âu lan tỏa. Nếu trong liệu pháp hóa dược, người bệnh sử dụng thuốc để hướng đến điều trị giai đoạn cấp tính thì với liệu pháp thư giãn luyện tập, mục đích chính là hướng tới giai đoạn duy trì và chống tái phát bệnh.
Liệu pháp thư giãn luyện tập nhằm tạo sự cân bằng giữa trương lực cơ và trương lực cảm xúc, mang đến sự thư thái về tâm thần và giãn mềm cơ bắp. Thư giãn kết hợp với luyện tập các tư thế khí công, Yoga nhằm tăng cường tác dụng của thư giãn và đưa cơ thể vào trạng thái giãn cơ tối đa.
Theo Baldwin, sau khi áp dụng liệu pháp tâm lý cho thấy tỉ lệ tái phát rối loạn lo âu lan tỏa thấp hơn so với việc chỉ dùng thuốc điều trị. Ở Việt Nam, tại Viện sức khỏe Tâm thần Quốc gia, bệnh viện Bạch Mai, từ những năm 1970, liệu pháp thư giãn luyện tập được áp dụng trị liệu cho những bệnh tâm căn và cho thấy có hiệu quả.
1.2. Lịch sử
Hiện nay, phương pháp thư giãn luyện tập tại mỗi nước sẽ có sắc thái riêng nhưng nhìn chung đều bắt nguồn từ hai phương pháp cổ điển Jacobson và Schultz.
Jacobson là người đầu tiên phát hiện ra mối liên hệ giữa hai hiện tượng giãn cơ và thư thái tâm thần. Ông đã đưa ra thuật ngữ “thư giãn” vào năm 1905 tại Chicago, Mỹ. Sau khi nghiên cứu, ông nhận thấy, nếu tâm thần ở trạng thái lo âu, căng thẳng thì hiện tượng căng cơ cũng xảy ra. Ngược lại, cơ bắp ở trạng thái giãn mềm thì cũng không có hiện tượng căng thẳng tâm thần. Từ đó, ông đã xây dựng phương pháp giãn mềm cơ bắp để tác động ngược trở lại não làm thư thái tâm thần và đặt tên là “giãn cơ tuần tiến”.
Năm 1926, tại Đức, Schultz cũng tìm ra mối liên quan giữa giãn cơ và thả lỏng tâm thần, đồng thời đưa ra phương pháp “luyện tập tự sinh”. Khác với phương pháp của Jacobson, “luyện tập tự sinh” sử dụng thêm thuật tự ám thị để làm tăng hiệu quả của phương pháp.
Kế thừa những thành tựu trên, bắt đầu từ năm 1970, Giáo sư Nguyễn Việt đã xây dựng liệu pháp thư giãn luyện tập áp dụng điều trị bệnh tâm căn và bệnh tâm thể. Nền tảng của phương pháp cũng dựa trên sự giãn cơ và thư thái tâm trí.
2. Phương pháp thư giãn luyện tập
Liệu pháp thư giãn luyện tập được thực hiện kết hợp với các tư thế Yoga và luyện thở khí công và bao gồm ba phần cơ bản: luyện thư giãn, luyện thở, luyện tư thế.
2.1. Luyện thư giãn
Trong phần luyện thư giãn, người tập thực hiện 3 bài tập cơ bản sau với tư thế ngồi thoải mái hoặc tư thế nằm thẳng, tập trung vào bài tập, thở đều, thả lỏng cơ bắp và không suy nghĩ việc khác.
- Bài tập thứ 1: Tâm thần thư thái
Khi vào bài tập này, người tập cần nhẩm thầm trong đầu câu “ Toàn thân yên tĩnh”, đồng thời tưởng tượng: toàn thân rất thoải mái, dễ chịu, tâm thần thư thái, nhẹ nhàng, lâng lâng, xung quanh tĩnh lặng, êm dịu. Nhẩm lặp đi lặp lại 20 lần.
- Bài tập thứ 2: Giãn mềm cơ bắp
Người tập nhẩm thầm trong đầu câu “Tay phải nặng dần” kết hợp tưởng tượng: tay phải càng lúc càng nặng hơn, không nhấc lên được, nặng trĩu xuống. Tập lặp đi lặp lại 20 lần.
Sau đó, chuyển sang áp dụng với tay trái, chân phải, chân trái và toàn thân với cách thực hiện giống với tay phải, mỗi bộ phận tập 20 lần.
- Bài tập thứ 3:Sưởi ấm cơ thể
Thực hiện nhẩm thầm trong đầu câu “Tay phải ấm dần”, đồng thời liên tưởng: có một làn hơi ấm tỏa ra từ tay phải và càng lúc tay phải càng ấm hơn.
Tiếp tục thực hiện tương tự lần lượt với tay trái, chân phải, chân trái và toàn thân. Mỗi bộ phận tập 20 lần.
Với mỗi bài tập cơ bản trên, người tập thực hiện từ 15-20 phút và bắt đầu tập lần lượt từng phần, từng bài rồi mới chuyển qua bộ phận khác. Khi đã thành thạo, có thể tập rút gọn: “Toàn thân yên tĩnh”, “Toàn thân nặng dần”, “Toàn thân ấm dần” hoặc tập cả 3 cảm giác trên cùng một lúc.
2.2. Luyện thở
Phương pháp luyện thở sẽ tập theo kiểu khí công, sử dụng cơ hoành là cơ hô hấp chủ yếu, hít vào-cơ hoành nâng lên, thở ra-cơ hoành hạ xuống. Thực hiện bằng 2 cách sau:
- Thở 2 thì:
Cách thở này dành cho người mới tập, chưa quen với kiểu thở khí công.
Cách thực hiện: Hít vào đông thời căng bụng lên. Thở ra- hóp bụng lại.
Cách phân chia thời gian: Mỗi thì chiếm 1/2 thời gian của chu kỳ nhỏ.
- Thở 4 thì
Dành cho người đã tập quen với kiểu thở khí công
Cách thực hiện: Hít thở căng lồng ngực rồi nín thở. Tiếp tục thở ra đồng thời hóp bụng, hạ lồng ngực về vị trí ban đầu rồi lại nín thở.
Cách phân chia thời gian: Mỗi thì chiếm 1/4 thời gian của một chu kỳ nhỏ.
Lưu ý: Thở đều, chậm và sâu, thực hiện nhẹ nhàng, không gồng cơ, gắng sắc, tập trung toàn bộ tâm tưởng vào từng nhịp thở.
2.3. Luyện tư thế
Trong phần này, người tập cần thực hiện kết hợp sáu tư thế Yoga, giúp cơ thể dẻo dai hơn, vận động linh hoạt các bó cơ và xương khớp.
Cách thực hiện: Tập với 6 tư thế Yoga gồm:
- Tư thế vặn vỏ đỗ
- Tư thế cây nến
- Tư thế lưỡi cày
- Tư thế cái đe
- Tư thế con rắn
- Tư thế hoa sen
3. Chỉ định và chống chỉ định
Tùy từng trường hợp cụ thể, liệu pháp thư giãn luyện tập có thể được áp dụng theo cách khác nhau và không phải ai cũng có thể sử dụng phương pháp này.
3.1. Chỉ định
Liệu pháp thư giãn luyện tập được thực hiện để điều trị cho những trường hợp sau:
- Đang bị stress hoặc các vấn đề về tâm thần do stress gây ra.
- Hỗ trợ làm thuyên giảm triệu chứng của các bệnh: rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn ám ảnh, rối loạn phân ly hoặc trầm cảm tâm căn.
- Giúp điều trị các bệnh tâm thể: viêm đại tràng, đau dạ dày, viêm loét dạ dày-tá tràng, huyết áp cao, hen suyễn.
- Hỗ trợ cai nghiện: nghiện rượu, nghiện thuốc lá, nghiện ma túy.
3.2. Chống chỉ định
Không được sử dụng liệu pháp này đối với các đối tượng:
- Bị loạn thần: cấp tính và mạn tính.
- Chậm phát triển trí tuệ, mất trí.
- Mắc các bệnh rối loạn tâm thần liên quan tới tổn thương não bộ.
- Bị tự kỷ.
- Bị rối loạn giấc ngủ, đau đầu và các chứng đau khác trong cơ thể.
4. Hiệu quả của liệu pháp
Liệu pháp thư giãn luyện tập đã thể hiện được hiệu quả của nó như sau:
- Đối với triệu chứng căng thẳng: Một số nghiên cứu đã cho thấy điều trị bằng liệu pháp thư giãn luyện tập có thể làm giảm được hoạt động của hệ thần kinh tự chủ và làm tăng nồng độ GABA trong não. Triệu chứng căng thẳng tâm thần có sự thuyên giảm ở cuối tuần thứ 2 đến khi kết thúc đợt điều trị. Các triệu chứng căng cơ và đau đớn cũng giảm xuống rõ rệt.
- Đối với triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh: Sau khi kết thúc điều trị, các bài tập thư giãn làm giảm được hoạt động của thần kinh giao cảm. Do đó, các triệu chứng hồi hộp, tim đập mạnh và nhanh cũng giảm đáng kể.
- Mức độ lo âu nặng chuyển về mức độ lo âu vừa phải sau tuần thứ 2 điều trị bằng liệu pháp thư giãn luyện tập. Nghiên cứu cho rằng tự ám thị làm giảm hoạt động của hạch hạnh nhân và làm tăng hoạt động của vỏ não trước trán đồng thời kích hoạt hồi hải mã.
- Đối với triệu chứng toàn thân: Liệu pháp thư giãn luyện tập có hiệu quả tốt trong việc điều trị các triệu chứng: cơn nóng/lạnh bất thường, cảm giác tê cóng, kim châm. Khi bệnh nhân ở trạng thái thư giãn, nghỉ ngơi về tâm thần, những triệu chứng này sẽ giảm.
- Ngoài ra, nghiên cứu về liệu pháp thư giãn luyện tập còn cho thấy liệu pháp có thể tác động sâu sắc vào nhân cách và đem lại hiệu quả lâu dài trong điều trị bệnh tâm căn và tâm thể.
Tóm lại, đây là liệu pháp tâm lý có thể kết hợp với phương pháp dùng thuốc truyền thống để tăng cường hiệu quả trị liệu rối loạn tâm thần. Tùy trường hợp cụ thể mà có cách áp dụng khác nhau. Hãy theo dõi các bài viết tiếp theo của Tâm An Hòa để tìm hiểu những liệu pháp trị liệu tâm lý khác nhé.