Thuốc chống loạn thần: Thông tin cần phải lưu ý ngay

Trong thời kỳ phát triển của bệnh loạn thần, người bệnh bị hoang tưởng, ảo giác hoặc rối loạn suy nghĩ. Thuốc chống loạn thần có tác dụng làm giảm thiểu hoặc chấm dứt các triệu chứng này. Tuy nhiên, các thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ, ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày. Hãy cùng Tâm An Hòa tìm hiểu chi tiết hơn trong bài viết dưới đây.

Mục lục [ Ẩn ]
Thuốc chống loạn thần
Thuốc chống loạn thần

1. Thuốc chống loạn thần là gì?

Thuốc chống loạn thần là một loại thuốc được kê đơn để điều trị rối loạn tâm thần. Ngoài ra nó còn để điều trị những vấn đề sức khỏe khác như tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn tâm thần do trải qua kích động hoặc do sa sút trí tuệ.

Thuốc chống loạn thần là gì
Thuốc chống loạn thần là gì

2. Các thuốc chống loạn thần

Hiện nay, các thuốc chống loạn thần được chia thành 2 loại:

  • Thuốc chống loạn thần thế hệ thứ nhất ( thuốc chống loạn thần điển hình)
  • Thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai ( thuốc chống loạn thần không điển hình)

Hai nhóm thuốc này có cơ chế hoạt động giống nhau và chủ yếu khác nhau ở tác dụng phụ của thuốc.

2.1. Thuốc chống loạn thần thế hệ thứ nhất

Các thuốc chống loạn thần thế hệ thứ nhất (FGAs) hay còn gọi là thuốc chống loạn thần điển hình ra đời từ những năm 1950, được phát triển đầu tiên để điều trị các chứng rối loạn tâm thần.

2.1.1. Cơ chế tác dụng

Tác dụng hiệu quả của thuốc dựa trên việc làm giảm hoạt động của Dopamin- một chất dẫn truyền thần kinh ở trong não. Ngoài ra, một số thuốc khác thuộc nhóm này còn tác dụng trên những chất dẫn truyền thần kinh khác như Norepinephrine và Acetylcholine.

Những chất trung gian hóa học kể trên có vai trò quan trọng trong việc xử lý thông tin não bộ:

  • Dopamin: chịu trách nhiệm về cảm xúc thoải mái, tâm trạng, học tập và trí nhớ.
  • Norepinephrine: tăng cường năng lượng và sự tập trung.
  • Acetylcholine: có vai trò trong việc co duỗi cơ, được dùng để điều trị các cơn co cơ không thể kiểm soát do rối loạn hệ thần kinh gây ra.

Thuốc chống loạn thần thế hệ thứ nhất hoạt động bằng cách ngăn chặn các thụ thể Dopamin D2. Đây là các phân tử protein trên màng tế bào thần kinh và khi Dopamin giải phóng ra sẽ kích thích các thụ thể này khiến chúng trở nên hưng phấn. 

Nếu Dopamin được sản xuất ra quá nhiều sẽ gây nên tình trạng thần kinh bị hưng phấn quá mức, là nguyên nhân chủ yếu gây ra rối loạn tâm thần. 

Ngoài ra, thuốc chống loạn thần thế hệ thứ nhất còn ức chế sự giải phóng hóc-môn của vùng dưới đồi và tuyến yên. 

Đặc biệt, ngoài thụ thể D2, một số thuốc trong nhóm này như Loxapine, còn ngăn chặn hoạt động của thụ thể Serotonin 5-HT2A giúp giảm hưng phấn, sự hung hăng và làm tâm trạng trở nên bình tĩnh hơn.

Cơ chế của thuốc chống loạn thần
Cơ chế của thuốc chống loạn thần

2.1.2. Các thuốc chống loạn thần thế hệ thứ nhất

Hiện nay, thuốc chống loạn thần thế hệ thứ nhất vẫn được coi là những thuốc điển hình trong điều trị bệnh loạn thần.

Các thuốc biệt dược và thuốc generic thuộc nhóm này bao gồm:

  • Adasure
  • Fluphenazine
  • Haldol
  • Haldol Decanoate
  • Haloperidol
  • Haloperidol LA
  • Loxapine
  • Loxapine inhaled
  • Morindone
  • Perphenazine
  • Pimozide
  • Thiothixene
  • Trifluoperazine

2.2. Thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai

Thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai (SGAs) hay còn gọi là thuốc chống loạn thần không điển hình- nhóm thuốc mới trong điều trị rối loạn tâm thần. Nhóm thuốc này được nghiên cứu và phát triển nhằm cải thiện hiệu quả và hạn chế tác dụng phụ của thuốc chống loạn thần thế hệ thứ nhất.

2.2.1. Cơ chế hoạt động

Giống với thế hệ thứ nhất, thuốc chống loạn thần thế hệ thứ 2 cũng khóa thụ thể D2, ngăn chặn Dopamine kích thích dẫn truyền thần kinh. Điểm khác biệt ở đây là nhóm thuốc mới này còn phong bế cả thụ thể Serotonin 5-HT2A liên kết với chất kích thích não bộ Serotonin.

Hơn nữa, nó còn tác dụng trên cả Norepinephrine và thụ thể 5-HT1 ức chế Serotonin.

Các loại thuốc chống loạn thần
Các loại thuốc chống loạn thần

2.2.2. Các thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai

Các thuốc điều trị rối loạn tâm thần thuộc nhóm này bao gồm:

  • Clozapine
  • Asenapine
  • Cariprazine
  • Iloperidone
  • Lurasidone
  • Olanzapine
  • Paliperidone
  • Risperidone
  • Quetiapine

3. Tác dụng phụ của thuốc chống loạn thần

Hầu hết các thuốc điều trị rối loạn tâm thần đều gây ra tác dụng không mong muốn trên hệ thần kinh, đặc biệt ảnh hưởng tới hệ thần kinh vận động ngoại tháp.

Những tác dụng phụ của thuốc chống loạn thần có thể gặp gồm:

Chứng rối loạn vận động muộn: run rẩy tay chân, xuất hiện các cử động không thể kiểm soát của môi, hàm, lưỡi.

Rối loạn huyết học: mất bạch cầu hạt, rối loạn đông máu, giảm bạch cầu.

Vấn đề về mắt: mờ mắt, khó đọc, thoái hóa võng mạc, tăng nhãn áp.

Tim mạch: tăng nhịp tim, tim đập nhanh, đánh trống ngực.

Hội chứng chuyển hóa: tăng cân và béo phì, tăng nồng độ glucose máu, tiểu đường, tăng huyết áp, cholesterol cao.

Tác dụng phụ của thuốc chống loạn thần
Tác dụng phụ của thuốc chống loạn thần

Hội chứng an thần kinh ác tính (NMS): là tác dụng phụ nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân sử dụng thuốc chống loạn thần. Các triệu chứng thường kéo dài trong vòng 24-72 giờ với những biểu hiện:

  • Sốt cao 39-40 độ.
  • Run, cứng cơ và không thể cử động (hội chứng ngoại tháp).
  • Nhịp tim nhanh, thở gấp, huyết áp thay đổi đột ngột.
  • Không tỉnh táo, lú lẫn, hôn mê.

Hệ thống thần kinh- cơ: Thuốc chống loạn thần can thiệp vào các thụ thể tiếp nhận Dopamin trong não vì vậy nó ảnh hưởng tới việc kiểm soát vận động. Điển hình là tình trạng rối loạn vận động ở những người thường xuyên dùng thuốc điều trị loạn thần thế hệ thứ nhất. Các biểu hiện có thể gặp:

  • Hội chứng Parkinson: Cứng cơ, yếu cơ, run tay chân chậm, khó cử động cơ mặt, bị chúi người về trước khi di chuyển.
  • Cảm thấy bồn chồn, không thể ngồi yên.
  • Không thể kiểm soát chuyển động của mắt.
  • Buồn ngủ, giảm khả năng tập trung làm việc.

Hệ thống nội tiết: Thuốc chống loạn thần thế hệ thứ nhất gây ra các tác dụng phụ trên hệ nội tiết nhiều hơn các thuốc thế hệ mới với những triệu chứng:

  • Mụn trứng cá
  • Tăng sự phát triển lông, tóc trên cơ thể
  • Loãng xương
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Tăng phát triển tuyến vú ở cả nam và nữ
  • Rối loạn kinh nguyệt
Thuốc chống loạn thần ảnh hưởng hệ thần kinh
Thuốc chống loạn thần ảnh hưởng hệ thần kinh

4. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc chống loạn thần

Mỗi loại thuốc điều trị loạn thần đều có những tác dụng phụ có thể xảy ra. Vì vậy, khi sử dụng loại thuốc này cần lưu ý một số điều sau:

  • Tuân thủ nguyên tắc điều trị, bắt đầu với liều thấp trước, chậm và theo dõi chặt chẽ.
  • Không tự ý tăng liều dùng thuốc.
  • Không được ngừng sử dụng thuốc đột ngột mà phải giảm liều từ từ để tránh hội chứng cai nghiện.
  • Theo dõi quá trình dùng thuốc và liên hệ ngay với bác sĩ về tác dụng phụ đang gặp phải.
  • Nếu đang dùng thuốc, không lái xe hoặc điều khiển máy móc.
  • Người cao tuổi bị sa sút trí tuệ, lú lẫn phải thận trọng khi dùng thuốc, đặc biệt là các thuốc chống loạn thần thế hệ thứ nhất.
  • Chế độ ăn uống đầy đủ, khoa học kết hợp tập luyện thể dục thường xuyên để tránh nguy cơ bị tiểu đường và huyết áp cao.

Tóm lại, trong quá trình điều trị rối loạn tâm thần hiện nay, phương pháp trị bệnh phổ biến nhất vẫn là sử dụng các thuốc chống loạn thần. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, người bệnh cần phải tuân thủ chặt chẽ chỉ dẫn điều trị và phải báo cáo ngay với bác sĩ khi có những biểu hiện bất thường.

Xếp hạng: 5 (4 bình chọn)

Bạn có thắc mắc vấn đề gì thì hãy gửi câu hỏi cho chuyên gia nhé!

Bấm gửi câu hỏi

Với kinh nghiệm 3 năm làm việc trong lĩnh vực y tế sức khỏe, Dược sĩ Thu Hà chịu trách nhiệm cập nhật thông tin, tin tức về các bệnh và thông tin liên quan đến rối loạn tâm thần, tâm lý. Là một con người đam mê với nghề, tận tâm, tỉ mỉ  trong việc tìm kiếm nguồn thông tin cũng như việc đưa các thông tin chính xác đến mọi người, Dược sĩ Thu Hà đảm bảo cập nhật chính xác, nhanh chóng, kịp thời kiến thức chuyên môn đồng thời giúp giải quyết hiệu quả khó khăn của người bệnh.

Dược sĩ Đại học Thu Hà

Gửi thắc mắc đến chuyên gia tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

*
*