Những người bị rối loạn lưỡng cực thường gặp khó khăn trong việc quản lý các công việc hằng ngày hay ảnh hưởng đến vấn đề học tập hay các mối quan hệ trong cuộc sống. Vậy rối loạn lưỡng cực là gì? Nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị bệnh như thế nào? Đừng bỏ qua mà hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!
1. Bệnh rối loạn lưỡng cực
Một vài thông tin và tình hình bệnh rối loạn lưỡng cực ở nước ta và trên thế giới hiện nay.
1.1. Bệnh rối loạn lưỡng cực là gì?
Rối loạn lưỡng cực là một rối loạn khí sắc mãn tính, đặc trưng bởi các giai đoạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ xen kẽ hay đi kèm với giai đoạn trầm cảm. Rối loạn lưỡng cực có tên tiếng Anh là Bipolar Disorder và có tên gọi khác là rối loạn hưng trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn phổ lưỡng cực.
Theo ICD - 10, rối loạn lưỡng cực đặc trưng bởi ít nhất từ hai giai đoạn bệnh với khí sắc và mức độ hoạt động của bệnh nhân bị rối loạn rõ rệt, rối loạn này bao gồm từng lúc có sự tăng khí sắc, sinh lực và hoạt động (hưng cảm nhẹ hoặc hưng cảm) và những lúc khác có sự giảm khí sắc, sinh lực và hoạt động (trầm cảm). Các giai đoạn của bệnh lặp lại chỉ có hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ cũng được phân loại là rối loạn lưỡng cực.
Người ta ước tình rằng, 1% dân số thế giới mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Tại Hoa Kỳ, 3 % dân số được cho rằng bị chịu ảnh hưởng của căn bệnh này ít nhất một lần trong đời và tỷ lệ mắc căn bệnh này ở nam và nữ là như nhau.
1.2. Các loại rối loạn lưỡng cực
Có 3 loại rối loạn lưỡng cực chính thường gặp hiện nay là: Rối loạn lưỡng cực I, Rối loạn lưỡng cực II và Cyclothymia.
- Rối loạn lưỡng cực I được xác định bằng sự xuất hiện của ít nhất một giai đoạn hưng cảm. Người bệnh có thể trải qua giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm nặng trước và sau giai đoạn hưng cảm. Loại rối loạn này ảnh hưởng đến cả nam và nữ giới là như nhau.
- Rối loạn lưỡng cực II, những người mắc loại rối loạn này trải qua một giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng kéo dài ít nhất 2 tuần. Họ cũng có ít nhất một đợt hưng cảm kéo dài khoảng 4 ngày. Loại rối loạn này được cho là phổ biến ở nữ giới hơn nam.
- Cyclothymia hay rối loạn chu kỳ: Những người mắc chứng rối loạn này có cả giai đoạn hưng phấn và trầm cảm. Các triệu chứng của bệnh này thường tồn tại từ 2 - 3 năm, thường xuyên lặp lại và ít nghiêm trọng hơn so với hai loại rối loạn trên.
1.3. Rối loạn lưỡng cực ở trẻ em
Chẩn đoán rối loạn lưỡng cực ở trẻ em vẫn còn nhiều tranh cãi, điều này là do phần lớn trẻ em không phải lúc nào cũng có những triệu chứng rối loạn lưỡng cực giống như người lớn. Tâm trạng và hành vi của chúng có thể không tuân theo các tiêu chuẩn mà bác sĩ sử dụng để chẩn đoán chứng rối loạn ở người lớn.
Nhiều triệu chứng rối loạn lưỡng cực ở trẻ em có thể trùng lặp với triệu chứng của các loại rối loạn khác, đặc biệt là chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
Giống như ở người lớn, trẻ em bị rối loạn lưỡng cực cũng trải qua các giai đoạn hưng cảm, chúng có thể có những biểu hiện của hành vi dễ kích động hay quá vui vẻ và tiếp tục của giai đoạn này là giai đoạn trầm cảm.
2. Triệu chứng rối loạn lưỡng cực
Tùy vào tình trạng bệnh, giới tính mà mỗi người xuất hiện những triệu chứng khác nhau, mức độ khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết người bệnh đều có biểu hiện của các triệu chứng chung của bệnh.
2.1. Các triệu chứng chung của rối loạn lưỡng cực
Thời điểm khởi phát bệnh phổ biến nhất là cuối độ tuổi vị thành niên và đầu của độ tuổi trưởng thành. Bệnh được đặc trưng bởi các giai đoạn hưng cảm (Manina), hưng cảm nhẹ (Hypomania) và trầm cảm.
Trong giai đoạn hưng cảm người bệnh có thể tham gia vào các hành vi như: chi tiêu quá mức, quan hệ tình dục không an toàn, sử dụng chất gây nghiện, chất kích thích,...
Hưng cảm nhẹ (Hypomania) thưởng liên quan đến rối loạn lưỡng cực II. Nó tương tự như chứng hưng cảm nhưng thưởng không nghiêm trọng bằng. Không giống như hưng cảm, hưng cảm nhẹ có thể không gây ra bất kỳ một rắc rối nào tại nơi làm việc hay ảnh hưởng đến học tập hay các mối quan hệ xã hội.
Trong giai đoạn trầm cảm, bạn có thể gặp phải các triệu chứng sau: Buồn sầu, vô vọng, mất năng lượng trong cuộc sống, mất hứng thú và không quan tâm đến các hoạt động mà trước đây họ từng yêu thích, thay đổi giấc ngủ, có thể ngủ quá ít hoặc quá nhiều, xuất hiện ý nghĩ tự tử,...
2.2. Triệu chứng rối loạn lưỡng cực ở phụ nữ
Tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ là ngang bằng nhau nhưng các triệu chứng chính của rối loạn này có thể khác nhau giữa hai giới tính. Trong nhiều trường hợp phụ nữ mắc chứng rối loạn lưỡng cực có thể có các dấu hiệu sau:
- Được chẩn đoán muộn, phát hiện khi đã ở độ tuổi ngoài 20 hoặc ngoài 30
- Có trải qua cả giai đoạn hưng cảm nhẹ
- Trải qua nhiều giai đoạn trầm cảm hơn là giai đoạn hưng cảm
- Có thể trải qua 4 giai đoạn hưng cảm và trầm cảm trở lên trong 1 năm
- Có thể gặp các tình trạng khác đi kèm như bệnh tuyến giáp, béo phì, rối loạn lo âu hay chứng đau nửa đầu
- Có khả năng mắc chứng rối loạn sử dụng rượu cao hơn
Khi phụ nữ mắc chứng rối loạn này có thể tái phát bệnh thường xuyên hơn nam giới, một trong những nguyên nhân là do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể liên quan đến thời kỳ kinh nguyệt.
2.3. Triệu chứng rối loạn lưỡng cực ở nam giới
Nam và nữ đều gặp phải các triệu chứng chung của rối loạn lưỡng cực, tuy nhiên, nam giới có thể gặp các triệu chứng khác với phụ nữ như:
- Nam giới được chẩn đoán và phát hiện bệnh sớm hơn so với nữ
- Nam giới thường trải qua nhiều giai đoạn bệnh nghiêm trọng hơn, đặc biệt là khi bạn đang ở giai đoạn hưng cảm.
- Lạm dụng chất kích thích
- Xuất hiện các hành động bất thường trong giai đoạn hưng cảm.
Ở nam giới khả năng phát hiện bệnh sớm cao nhưng hầu hết nam giới sẽ không ý thức vấn đề và tự đi khám bệnh nhiều như ở nữ và theo như thống kê, khả năng tự sát ở nam giới khi mắc bệnh cao hơn so với phụ nữ.
2.4. Các triệu chứng rối loạn lưỡng cực ở trẻ em
Khi mắc chứng rối loạn này thì sự thay đổi về tâm trạng do nó gây ra thường được biểu hiện rõ rệt ở trẻ em, chúng thường cực đoan và điển hình hơn.
2.4.1. Các triệu chứng hưng cảm
Các triệu chứng của giai đoạn hưng cảm của trẻ rối loạn lưỡng cực có thể bao gồm:
- Hành động rất ngớ ngẩn và cảm thấy hạnh phúc quá mức
- Nói nhanh và nhanh chóng thay đổi chủ đề nhanh chóng
- Khó tập trung vào bất kỳ một hoạt động gì hoặc tập trung quá mức vào một việc nào đó.
- Làm các hành động, hành vi gây hại cho chính bản thân mình hay các hành vi nguy cơ gây nên các tổn thương cho cơ thể.
- Tính khí trở nên nóng nảy hơn và thường xuyên bộc phát các cơn tức giận.
- Khó ngủ hơn và không cảm thấy mệt mỏi sau khi mất ngủ.
2.4.2. Các triệu chứng trầm cảm ở trẻ em
Các triệu chứng của giai đoạn trầm cảm của trẻ do rối loạn lưỡng cực có thể bao gồm:
- Luôn cảm thấy buồn và xuất hiện các hành động thể hiện sự chán nản
- Thay đổi giấc ngủ, có thể ngủ rất ít hoặc ngủ rất nhiều
- Mất năng lượng trong tất cả các hoạt động hằng ngày, không có dấu hiệu quan tâm đến bất cứ điều gì ngay cả với những điều mà trước đó mà trẻ rất thích.
- Hay phàn nàn về vấn đề sức khỏe, thường xuyên cảm thấy đau đầu hoặc đau bụng.
- Thấy bản thân cảm thân cảm thấy vô giá trị hoặc tội lỗi
- Chế độ ăn uống thay đổi, có thể ăn quá nhiều hoặc ăn quá nhiều một cách không chủ đích.
- Nghĩ về cái chết hoặc có thể tự tử
2.5. Triệu chứng rối loạn lưỡng cực ở thanh thiếu niên
Chẩn đoán rối loạn lưỡng cực phổ biến nhất trong những năm cuối của thời thiếu niên và đầu những năm của trưởng thành. Đối với thanh thiếu niên, các triệu chứng của giai đoạn hưng cảm phổ biến thường gặp như:
- Luôn cảm thấy hạnh phúc
- Tham gia vào các hoạt động hay các hành động sai trái hay thực hiện các hành vi nguy hiểm
- Lạm dụng các chất kích thích, chất gây nghiện
- Suy nghĩ về các vấn đề tình dục nhiều hơn bình thường, ham muốn tình dục nhiều hơn
- Khó có thể đi vào giấc ngủ, mất ngủ nhưng không có biểu hiện của sự mệt mỏi, uể oải hay thiếu năng lượng trong ngày hôm sau
- Xuất hiện tính khí nóng nảy trong một khoảng thời gian ngắn
- Khó tập trung hơn vào một vấn đề nào đó hay dễ bị phân tâm bởi bất kỳ một sự việc khác.
Ngoài ra, trong giai đoạn trầm cảm, các triệu chứng thường xuất hiện ở thanh thiếu niên hay gặp là:
- Thay đổi giấc ngủ, có thể ngủ ít đi hoặc ngủ nhiều hơn bình thường
- Ăn quá nhiều hay ăn ít khẩu phần ăn hằng ngày
- Cảm thấy buồn chán, không hứng thú với bất kỳ một hoạt động, sự việc hay hành động nào xung quanh
- Rút lui khỏi tất các các hoạt động vốn có hay các mối quan hệ hiện tại với bạn bè
- Nghĩ về cái chết và có suy nghĩ tử tử
3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh bệnh
Rối loạn lưỡng cực là một rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến, nhưng nó vẫn là một bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu. Hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa tìm hiểu rõ được nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, do đó, vẫn chưa đưa ra được phương pháp phòng bệnh cụ thể cho chứng rối loạn này.
3.1. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh
Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây nên chứng rối loạn này nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng các yếu tố sau vẫn được cho là nguyên nhân và là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến bệnh rối loạn lưỡng cực.
Các yếu tố sinh học
- Các bằng chứng về dịch tễ học và di truyền đã cho thấy rằng, nguyên nhân dẫn đến rối loạn lưỡng cực có sự tham gia tích cực của các yếu tố di truyền và tỷ lệ bệnh tương đối không thay đổi theo sự khác nhau của từng cá nhân và môi trường, hoàn cảnh sống.
- Rối loạn lưỡng cực có di truyền không? Đáp án là có nhé. Nhiều nghiên cứu đã xác định được mối quan hệ giữa căn bệnh này và yếu tố di truyền. Nếu bạn có người thân mắc chứng rối loạn này thì khả năng bạn mắc bệnh cao hơn 4 - 6 lần so với người không có tiền sử gia đình và chiếm khoảng 70 - 90% nguy cơ phát triển bệnh.
- Sự bất thường của trục hạ đồi, tuyến yên, tuyến thượng thận, các bất thường hay sự mất cân bằng giữa chất dẫn truyền thần kinh/thụ thể (đặc biệt liên quan đến hoạt động của hệ dopamine) của tuyến giáp đều là các yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn lưỡng cực cao hơn.
Yếu tố môi trường
- Các yếu tố môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành rối loạn lưỡng cực bởi vì các cặp song sinh cùng trứng lại thường không giống nhau trong việc phát sinh bệnh.
- Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các biến cố trong cuộc đời, lạm dụng ở thời thơ ấu, sự căng thẳng quá mức hay các bệnh lý tương tự khác cũng là những yếu tố nguy cơ khiến một người phát triển bệnh và mắc bệnh rối loạn lưỡng cực hơn.
- Một số nghiên cứu cũng cho rằng, phụ nữ có thể có nhiều yếu tố nguy cơ gây khởi phát hoặc tái phát bệnh rối loạn lưỡng cực hơn ở nam đo sự thay đổi hormone trong các giai đoạn : Hành kinh, hội chứng tiền kinh nguyệt, thai kỳ, thời kỳ mãn kinh.
Yếu tố thần kinh
- Là yếu tố ít phổ biến hơn, các yếu tố liên quan đến thần kinh được cho là nguy cơ có thể dẫn đến khả năng mắc bệnh rối loạn lưỡng cực gồm: Đột quỵ, chấn thương sọ não, nhiễm HIV, đa xơ cứng, rối loạn chuyển hóa porphyrin và một nguyên nhân hiếm gặp là động kinh thùy thái dương.
3.2. Phòng tránh bệnh rối loạn lưỡng cực
Việc phát hiện bệnh và can thiệp điều trị sớm là việc cần thiết đối với bệnh nhân rối loạn lưỡng cực nhưng hiện tại cho tới bây giờ vẫn chưa có cách nào để ngăn ngừa bệnh rối loạn lưỡng cực.
Phương pháp tốt nhất để phòng bệnh được cho là tốt nhất là phòng ngừa các yếu tố nguy cơ gây bệnh, giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ đối với cơ thể để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh của mỗi người.
Nếu đã được chẩn đoán là mắc chứng rối loạn lưỡng cực, thì một số phương pháp có thể giúp người bệnh không bị phát triển bệnh sang giai đoạn nặng hơn và ngăn ngừa một số triệu chứng nhỏ của bệnh.
- Chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo. Điều trị các triệu chứng sớm có thể ngăn chặn được sự tiến triển của bệnh, giảm thiểu khả năng khiến bệnh trở nên nặng hơn.
- Tránh sử dụng ma túy và các chất kích thích khác: Sử dụng rượu và các chất kích thích khác được cho là có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng ban đầu của một người bệnh và tăng khả năng tái phát sau khi đã được điều trị hồi phục.
- Dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn: Dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý dừng thuốc hay tự ý thay đổi thuốc thành một thuốc khác khi chưa được sự cho phép hay đồng ý của bác sĩ điều trị.
- Tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ đưa ra, không bỏ qua bất kỳ một buổi điều trị tâm lý hay buổi thăm khám nào của bác sĩ.
4. Tác hại của bệnh rối loạn lưỡng cực
Nếu rối loạn lưỡng cực không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng cách sẽ gây nên nhiều vấn đề nghiêm trọng liên quan đến mọi vấn đề có liên quan đến cuộc sống của người bệnh như:
- Cuộc sống trở nên khó khăn hơn, khó có thể tự mình phục vụ và giải quyết các vấn đề cá nhân hằng ngày.
- Gây tổn hại đến các mối quan hệ vốn có của người bệnh, họ sẽ đánh mất hầu hết các mối quan hệ đối với bạn bè cũng như các mối quan hệ khác trong cuộc sống.
- Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề học tập và làm việc, làm trì trệ khả năng phát triển của bản thân trong học tập và thăng tiến trong công việc.
- Người bệnh có thể bắt đầu dạm dụng các chất gây nghiện, chất kích thích có hại cho sức khỏe như: Bia rượu, thuốc lá, ma túy,...
- Nguy hiểm nhất của bệnh rối loạn lưỡng cực là suy nghĩ muốn làm tổn thương bản thân và suy nghĩ tự sát thường xuất hiện khi người bệnh ở giai đoạn nặng.
Bên cạnh đó, khi mắc rối loạn lưỡng cực người bệnh có thể mắc các chứng rối loạn tâm thần hay các bệnh khác. Một số bệnh kèm theo khác có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh rối loạn lưỡng cực sẽ khiến bệnh khó được kiểm soát hơn và khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
5. Chẩn đoán bệnh rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực thường được chẩn đoán ở lứa tuổi thiếu niên hoặc giai đoạn đầu của thời kỳ trưởng thành, nhưng khởi phát bệnh có thể xảy ra trong mọi giai đoạn của cuộc đời.
Chẩn đoán rối loạn lưỡng cực thường dựa vào các thông tin mà bệnh nhân cung cấp cũng như các hành động bất thường mà chính bệnh nhân hay người thân bệnh nhân phát hiện, Do đó, chẩn đoán rối loạn lưỡng cực thường dựa vào các triệu chứng mà người bệnh gặp phải.
5.1. Chẩn đoán xác định (Theo ICD - 10)
Chẩn đoán xác định là chẩn đoán dựa vào các triệu chứng và biểu hiện bệnh, tùy vào từng giai đoạn của bệnh mà bệnh nhân sẽ có những biểu hiện ở hiện tại và quá khứ khác nhau gồm:
- Rối loạn cảm xúc lưỡng cực hiện tại giai đoạn hưng cảm nhẹ gồm các triệu chứng: Giai đoạn hiện tại phải là hưng cảm nhẹ, trong quá khứ phải có một giai đoạn rối loạn cảm xúc hưng cảm nhẹ, hưng cảm, trầm cảm.
- Rối loạn cảm xúc lưỡng cực hiện tại giai đoạn hưng cảm không có triệu chứng loạn thần: Giai đoạn hiện tại phải là hưng cảm không có triệu chứng loạn thần; Trong quá khứ phải có một giai đoạn rối loạn cảm xúc hưng cảm nhẹ, hưng cảm, trầm cảm.
- Rối loạn cảm xúc lưỡng cực hiện tại giai đoạn hưng cảm có các triệu chứng loạn thần: Giai đoạn hiện tại phải là giai đoạn hưng cảm có các triệu chứng loạn thần; Trong quá khứ phải có một giai đoạn rối loạn cảm xúc hưng cảm nhẹ, hưng cảm, trầm cảm.
- Rối loạn cảm xúc lưỡng cực hiện tại giai đoạn trầm cảm nhẹ hoặc vừa: Giai đoạn hiện tại phải là giai đoạn trầm cảm nhẹ hoặc vừa; Trong quá khứ phải có một giai đoạn rối loạn cảm xúc hưng cảm nhẹ, hưng cảm.
- Rối loạn cảm xúc lưỡng cực hiện tại trầm cảm nặng không có triệu chứng loạn thần: Giai đoạn hiện tại phải là giai đoạn trầm cảm cảm nặng không có triệu chứng loạn thần; Trong quá khứ phải có một giai đoạn rối loạn cảm xúc hưng cảm nhẹ, hưng cảm.
- Rối loạn cảm xúc lưỡng cực hiện tại giai đoạn trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần: Giai đoạn hiện tại phải là giai đoạn trầm cảm nặng có loạn thần; Trong quá khứ phải có một giai đoạn rối loạn cảm xúc hưng cảm nhẹ, hưng cảm, hỗn hợp.
- Rối loạn cảm xúc lưỡng cực hiện tại giai đoạn hỗn hợp: Giai đoạn hiện tại phải là hoặc pha trộn hoặc thay đổi nhanh chóng các triệu chứng hưng cảm, hưng cảm nhẹ và trầm cảm từ ngày này sang ngày khác, giờ này sang giờ khác; Trong quá khứ phải có một giai đoạn rối loạn cảm xúc hưng cảm, hưng cảm nhẹ.
- Rối loạn cảm xúc lưỡng cực hiện tại thuyên giảm: Hiện tại bệnh nhân không có một rối loạn cảm xúc nào đáng kể (hưng cảm, hưng cảm nhẹ, trầm cảm); Trong quá khứ phải có một giai đoạn rối loạn cảm xúc hưng cảm, hưng cảm nhẹ, trầm cảm.
5.2. Chẩn đoán phân biệt
Cần làm xét nghiệm chẩn đoán phân biệt để loại bỏ các khả năng mắc các bệnh có các triệu chứng tương tự như rối loạn lưỡng cực như:
- Rối loạn trầm cảm điển hình hoặc loạn khí sắc
- Rối loạn khí sắc do bệnh cơ thể
- Rối loạn khí sắc gây ra do chất
- Rối loạn khí sắc chu kỳ
- Các rối loạn loạn thần (rối loạn phân liệt cảm xúc, tâm thần phân liệt, rối loạn hoang tưởng)
- Rối loạn nhân cách ranh giới
- Rối loạn nhân cách ái kỷ
- Rối loạn nhân cách chống đối xã hội
5.3. Cận lâm sàng
Bên cạnh các xét nghiệm sàng lọc và xác định thì cần làm thê các xét nghiệm lâm sàng để loại bỏ hết khả năng mắc bệnh khác của người bệnh.
Các xét nghiệm thường quy hay được sử dụng như:
- Xét nghiệm máu: huyết học, sinh hóa
- Xét nghiệm hormon tuyến giáp
- Xét nghiệm nước tiểu: tìm ma túy
- Xét nghiệm vi sinh: viêm gan B, C; HIV,...
Chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng gồm:
- XQ tim phổi, siêu âm ổ bụng, siêu âm doppler xuyên sọ, siêu âm tuyến giáp.
- Điện não đồ, điện tim đồ, lưu huyết não, đo đa ký giấc ngủ, CT scanner sọ não, MRI sọ não,...
Các trắc nghiệm tâm lý gồm:
- Thang đánh giá trầm cảm Beck, Hamilton, trầm cảm người già (GDS), trầm cảm ở trẻ em, thang đánh giá trầm cảm ở cộng đồng (PHQ - 9),...
- Thang đánh giá hưng cảm Young
- Thang đánh giá nhân cách (MMPI), bảng kiểm kê nhân cách hướng nội hướng ngoại (EPI)
- Thang đánh giá rối loạn giấc ngủ (PSQI)
- Thang đánh giá lo âu Zung, Hamilton
- Thang đánh giá lo âu - trầm cảm - stress (DASS)
Các xét nghiệm theo dõi điều trị gồm:
- Đánh giá tình trạng rối loạn chuyển hóa do thuốc: glucose máu, mỡ máu (cholesterol toàn phần, triglycerid, LDL - cholesterol, HDL - cholesterol) 3 tháng/lần.
- Theo dõi tác dụng hạ bạch cầu: Công thức máu 1 tháng/lần
- Theo dõi chức năng gan, thận, điện tim đồ 3 tháng/lần.
- Xét nghiệm gen HLA - B*1502 để tìm người có nguy cơ cao dị ứng thuốc trước khi dùng các thuốc chống động kinh (đặc biệt Carbamazepin).
6. Các phương pháp điều trị bệnh rối loạn lưỡng cực
Điều trị rối loạn lưỡng cực là việc khá khó khăn và cần sự kết hợp giữa bệnh nhân, người nhà và bác sĩ.
6.1. Bệnh rối loạn lưỡng cực có chữa khỏi được không?
Rối loạn lưỡng cực không thể chữa khỏi hoàn toàn được mà nó sẽ theo bạn suốt khoảng thời gian còn lại của quãng đời. Nó có thể hồi phục sau khoảng thời gian điều trị nhưng khả năng tái phát bệnh là rất cao.
6.2. Nguyên tắc điều trị
Chỉ định nhập viện sớm với các giai đoạn rối loạn khí sắc mức độ nặng, đặc biệt trầm cảm có ý tưởng tự sát. Nếu rối loạn khí sắc ở mức độ nhẹ có thể điều trị ngoại trú.
Cần phát hiện sớm các biểu hiện rối loạn khí sắc để kịp thời điều trị ngay từ lúc cường độ các rối loạn còn nhẹ. Xác định rõ mức độ của rối loạn khí sắc về cấu trúc lâm sàng, sự có mặt của các triệu chứng loạn thần ở giai đoạn hiện tại.
Chỉ định sớm các biện pháp điều trị. Thuốc chống trầm cảm với trầm cảm, an thần kinh với các trạng thái hưng cảm và các thuốc chỉnh khí sắc. Chọn lựa nhóm thuốc, loại thuốc và liều lượng phù hợp với tình trạng của từng người bệnh. Kết hợp thích hợp thuốc an thần khi cần thiết.
Điều trị dự phòng tái phát sau mỗi giai đoạn cấp và chú ý tái phục hồi chức năng tâm lý xã hội. Điều trị rối loạn cảm xúc lưỡng cực phải được duy trì ít nhất 6 tháng để phòng tái phát.
6.3. Điều trị bằng thuốc
Thuốc là lựa chọn đầu tiên trong việc điều trị và kiểm soát các triệu chứng của chứng rối loạn lưỡng cực. Các nhóm thuốc thường được sử dụng là:
- Thuốc giúp ổn định tâm trạng chẳng hạn như Lithium
- Thuốc chống loạn thần chẳng hạn như olanzapine
- Thuốc chống trầm cảm, chống loạn thần như fluoxetine - olanzapine, benzodiazepine và một số thuốc chống lo âu như alprazolam có thể được sử dụng trong một thời gian ngắn.
Mặc dù rất hữu ích nhưng các loại thuốc trên có thể khiến người bệnh gặp phải một số tác dụng không mong muốn như: Buồn ngủ, buồn nôn, nôn mửa hay có thể là tăng cân không chủ đích.
Nếu các bạn gặp phải các triệu chứng trên khi sử dụng các thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực thì hãy trao đổi ngay với bác sĩ điều trị để tìm ra phương hướng giải quyết.
6.4. Tâm lý trị liệu
Các phương pháp điều trị tâm lý được khuyến khích sử dụng bao gồm:
- Liệu pháp nhận thức hành vi: Đây là liệu pháp nói chuyện thường được các bác sĩ khuyên dùng trong điều trị các bệnh về tâm thần. Nó có thể giúp người bệnh tìm ra các vấn đề sức khỏe đang gặp phải và tìm hướng giải quyết cho nó để làm giảm các triệu chứng của bệnh.
- Giáo dục tâm lý: Đây là một hình thức tư vấn tư vấn giúp người bệnh và người thân xung quanh bạn hiểu được chứng rối loạn này, biết thêm được nhiều kiến thức hơn về nó và tìm ra phương pháp để bạn có thể kiểm soát nó và người thân của bạn giúp bạn kiểm soát nó.
- Liệu pháp cân bằng giữa cá nhân và xã hội (Interpersonal and social rhythm therapy): Liệu pháp này tập trung vào việc điều chỉnh các thói quen hằng ngày, chẳng hạn như điều chỉnh giấc ngủ, thói quen ăn uống, tập thể dục. Cân bằng lại lối sống cơ bản hằng ngày của bạn, kiểm soát các triệu chứng bệnh.
6.5. Các liệu pháp điều trị khác
Ngoài các liệu pháp điều trị thường gặp, trong một số trường hợp bác sĩ có thể khuyên bạn sử dụng thêm các liệu pháp điều trị hỗ trợ khác hay dùng chúng để điều trị thay thế do các liệu pháp trước đó không đem lại hiệu quả như mong muốn.
- Liệu pháp sốc điện (ETC): Là phương pháp bổ sung để điều trị rối loạn lưỡng cực hay được sử dụng nhất. ECT đã được chứng minh là một lựa chọn điều trị hiệu quả cho các giai đoạn trầm cảm và hưng cảm nghiêm trọng.
- Kích thích từ xuyên sọ (TMS)
- Sử dụng thuốc ngủ
- Sử dụng các chất bổ sung
- Sử dụng các phương pháp Đông Y chẳng hạn như châm cứu, các bài thuốc,...
Bên cạnh đó, cùng với việc điều trị thì thay đổi lối sống và thói quen hàng ngày cũng là phương pháp bổ trợ giúp người bệnh điều trị bệnh được tốt hơn, kiểm soát được cá triệu chứng cũng giảm thiểu sự tiến triển của bệnh như:
- Giữ thói quen ăn uống, tập luyện và ngủ nghỉ thích hợp, lập cho mình một kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
- Học cách nhận biết tâm trạng thất thường của bản thân để tự mình có thể kiểm soát và giảm thiểu sự bộc phát chúng.
- Nhận sự hỗ trợ từ bạn bè và người thân, nhờ mọi người cùng hỗ trợ kế hoạch điều trị của bạn.
- Không bỏ qua bất kỳ buổi trị liệu nào cùng các buổi thăm khám của bác sĩ để có thể nắm rõ được tình hình bệnh hiện tại của chính bản thân mình.
7. Khám và điều trị rối loạn lưỡng cực ở đâu?
Nếu bạn nghi ngờ bản thân mình hay những người xung quanh bạn mắc bệnh trầm cảm, để chính xác bạn có thể thăm khám và chữa bệnh ở một số địa điểm sau:
7.1. Tại Hà Nội
Khi bạn đang ở Hà Nội hay các vùng lân cận, bạn có thể tham khảo một số địa điểm khám và chữa bệnh trầm cảm sau:
- Viện sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai: Số 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội.
- Khoa Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Lão khoa Trung ương: Số 1A Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.
- Khoa Tâm thần - Bệnh viện Quân Y 103: 261 Phùng Hưng - Hà Đông - Hà Nội.
- Khoa Tâm lý và sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Hồng Ngọc: Số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội.
- Bệnh viện Tâm thần Trung ương I: Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội.
7.2. Tại thành phố Hồ Chí Minh
Khi bạn đang ở thành phố Hồ Chí Minh hay các vùng lân cận, bạn có thể tham khảo một số địa điểm khám và chữa bệnh trầm cảm sau:
- Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh: Đường Võ Thường Kiệt, Phường 1, Quận 5, TP.HCM.
- Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh: 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP.HCM.
- Khoa Nội thần kinh tổng quát - Bệnh viện Nhân Dân 115: 527 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, TP.HCM.
- Khoa Thần kinh - Bệnh viện Chợ Rẫy: 201B Nguyễn Chí Thanh - Phường 12 - Quận 5 - TP.HCM.
Rối loạn lưỡng cực là một bệnh tâm thần mãn tính. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ sống và đương đầu với nó trong suốt quãng đời còn lại của mình. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn không thể sống một cuộc sống vui vẻ, lành mạnh. Hãy học cách chung sống với nó.