Rối loạn tăng động giảm chú ý là một loại rối loạn sức khỏe tâm thần thường gặp ở trẻ nhỏ và ít gặp hơn ở người trưởng thành. Đây cũng là căn rối loạn thường hay gặp ở trẻ nhỏ sau tự kỷ. Vậy để hiểu rối loạn tăng động giảm chú ý là gì? thì đừng bỏ qua bài viết sau nhé!
1. Rối loạn tăng động giảm chú ý là gì?
Để hiểu hơn về rối loạn này, đầu tiên chúng ta nên trả lời được câu hỏi rối loạn tăng động giảm chú ý là gì?
1.1. Khái niệm về rối loạn tăng động giảm chú ý
Rối loạn tăng động giảm chú ý hay chúng ta vẫn thường gọi với tên ngắn gọn hơn là bệnh tăng động có tên tiếng anh là Attention deficithyperactivity disorder (ADHD). Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA) cả người lớn và trẻ em đều có thể mắc ADHD nhưng thường gặp hơn trong thực hành lâm sàng tâm thần học cho trẻ em.
Theo các báo cáo nghiên cứu về rối loạn này cho biết rằng từ 3 - 7% trẻ ở lứa tuổi học sinh mắc rối loạn này. Tỷ lệ trẻ nam/nữ = 2,5 - 5,6. Và nhiều hơn 60% trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý vẫn biểu hiện các triệu chứng khi đã trưởng thành.
Phần lớn các trường hợp bệnh thường có biểu hiện triệu chứng là sự kết hợp giữa giảm chú ý và rối loạn tăng động. Đặc điểm nổi bật của rối loạn này là người rối loạn không thể duy trì sự tập trung chú ý cần thiết vào một sự vật, hiện tượng, chủ đề hay công việc nào đó mà luôn thay đổi sự chú ý vào những sự việc, sự vật, những kích thích xung quanh.
Khi mắc chứng rối loạn này ở lứa tuổi trẻ em thường mắc kèm theo một số rối loạn khác, có thể là 1 hoặc nhiều hơn một rối loạn như:
- Động kinh.
- Hội chứng Tourette.
- Rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn lo âu, rối loạn bùng nổ gián đoạn, rối loạn phản ứng đính kèm, rối loạn sử dụng chất gây nghiện, rối loạn giấc ngủ, rối loạn thách thức chống đối, rối loạn ứng xử, rối loạn tâm trạng .
- Khuyết tật trong học tập hoặc khuyết tật về trí tuệ.
- Hội chứng chân không yên.
1.2. Các loại rối loạn tăng động giảm chú ý thường gặp
Rối loạn tăng động giảm chú ý được chia thành 3 dạng chính là:
- Chủ yếu là không chú ý (ADHD - PI hoặc ADHD - I): Những người mắc loại rối loạn này thường rất khó tập trung, hoàn thành công việc và làm theo hướng dẫn. Loại này phổ biến ở các bé gái hơn các bé trai.
- Chủ yếu là hiếu động - bốc đồng (ADHD - PH hoặc ADHD - HI): Những người mắc loại rối loạn này chủ yếu thể hiện các hành vi hiếu động và bốc đồng. Mặc dù không chú ý ít được quan tâm hơn, nhưng những người mắc chứng ADHD này vẫn có thể khó tập trung vào công việc.
- Loại kết hợp (ADHD - C): Đây là loại rối loạn tăng động giảm chú ý phổ biến nhất hiện nay. Những người mắc loại ADHD kết hợp này có cả triệu chứng kém chú ý và triệu chứng hiếu động.
2. Dấu hiệu rối loạn tăng động giảm chú ý
Tùy vào loại rối loạn mà người bệnh mắc phải mà mỗi người sẽ có những biểu hiện và triệu chứng khác nhau.
2.1. Loại chủ yếu là không chú ý
Hầu hết những người mắc loại rối loạn này sẽ có những biểu hiện như sau:
- Dễ bị phân tâm, bỏ sót chi tiết, quên mọi thứ và thường xuyên chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác một cách đột ngột.
- Gặp khó khăn trong việc duy trì sự tập trung vào một nhiệm vụ nhất định, luôn bị thu hút, phân tâm với các chủ đề khác.
- Thấy nhàm chán với một công việc chỉ sau một vài phút, họ chỉ thấy thú vị khi họ được làm điều gì đó mà họ cảm thấy thú vị.
- Khó tập trung chú ý vào việc tổ chức hoặc hoàn thành nhiệm vụ đã được giao.
- Gặp khó khăn khi hoàn thành hoặc làm các bài tập về nhà, thường làm mất những thứ (ví dụ: bút chì, đồ chơi, bài tập) cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoạt động đó.
- Không chú ý khi có người đang nói chuyện với mình, không để ý xem họ đang nói gì?
- Mơ mộng, dễ nhầm lẫn và di chuyển chậm
- Khó xử lý thông tin nhanh chóng và chính xác như những người khác.
- Luôn phải cố gắng làm theo hướng dẫn.
- Gặp khó khăn khi phải tìm hiểu chi tiết một cái gì đó và thường từ bỏ công việc tìm hiểu chi tiết đó.
2.2. Loại hiếu động - bốc đồng
Tùy vào tình trạng và mức độ rối loạn mà người bệnh sẽ xuất hiện một số trong các biểu hiện sau:
- Luôn cảm thấy tâm trạng bồn chồn, không yên.
- Nói chuyện không ngừng, không quan tâm xem là người khác có lắng nghe mình hay không.
- Lướt qua xung quanh, chạm vào hoặc chơi với bất cứ thứ gì xuất hiện trong tầm mắt của họ.
- Không thể ngồi yên ở một nơi nào đó như bữa ăn, trường học hay khi làm bài tập về nhà.
- Luôn hoạt động và thiếu kiên nhẫn trong mọi việc.
- Gặp khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ hoặc hoạt động cần sự yên tĩnh.
- Buông ra những bình luận không phù hợp, bộc lộ cảm xúc mà không kiềm chế và hành động mà không quan tâm đến hậu quả.
- Gặp khó khăn khi chờ đợi những thứ họ muốn hoặc chờ đợi đến lượt mình trong một vấn đề gì đó.
- Thường làm gián đoạn cuộc trò chuyện hoặc hoạt động của người khác.
2.3. Loại kết hợp
Khi người bệnh mắc phải loại này thì thường xuất hiện các biểu hiện bao gồm cả loại hiếu động và loại hiếu động bốc đồng.
Thông thường ở trẻ em gái mắc rối loạn này thường có xu hướng ít biểu hiện các triệu chứng tăng động và bốc đồng hơn trẻ em nam nhưng lại xuất hiện nhiều triệu chứng liên quan đến mất chú ý và mất tập trung hơn.
Các triệu chứng tăng động ở người bệnh có xu hướng giảm dần theo tuổi tác và dần chuyển thành bồn chồn nội tâm ở thành thiếu niên và người lớn mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.
Theo một số thống kê trước đó cho thấy rằng, ở mọi lứa tuổi thì người mắc rối loạn này đều gặp các khó khăn trong vấn đề với các kỹ năng xã hội, chẳng hạn như giao tiếp xã hội, hình thành và duy trì tình bạn.khoảng một nửa số trẻ em và thanh thiếu niên mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý bị xã hội, bạn bè xung quanh từ chối so với bạn bè cùng trang lứa là 10 - 15%.
Mặc dù các triệu chứng cốt lõi của rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn và trẻ nhỏ đều giống nhau, nhưng một số triệu chứng chỉ biểu hiện ở người lớn nhưng không xuất hiện ở trẻ nhỏ như:
- Người lớn có thể mất khả năng thư giãn hoặc nói quá mức trong các tình huống xã hội.
- Bắt đầu một mối quan hệ một cách bốc đồng.
- Thể hiện hành vi tìm kiếm tình cảm và nóng tính.
- Hành vi lạm dụng chất gây nghiện, chất kích thích, cờ bạc.
3. Nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ gây bệnh và cách phòng tránh
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác của rối loạn này. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra được một số yếu tố có ảnh hưởng rõ rệt đến rối loạn tăng động giảm chú ý.
3.1. Yếu tố nguy cơ gây rối loạn tăng động giảm chú ý
Một số yếu tố được cho là nguyên nhân chính dẫn đến mắc rối loạn tăng động giảm chú ý như:
3.1.1. Yếu tố di truyền
Trên các cặp sinh đôi cùng trứng, nếu 1 trẻ bị nguy cơ mắc chứng rối loạn này thì khả năng đứa trẻ còn lại mắc chứng rối loạn này lên đến 80 - 90%.
Bên cạnh đó, nếu cha hoặc mẹ bị mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý thì nguy cơ con cái của họ mắc chứng rối loạn này là khoảng 50%. Nếu trẻ có anh chị mắc rối loạn này thì nguy cơ mắc là 15 - 25%. Yếu tố di truyền ước tính chiếm khoảng 75% nguy cơ mắc rối loạn.
3.1.2. Những bất thường hoặc những tổn thương não bộ
Các nghiên cứu cũng nhận thấy rằng, tỷ lệ rối loạn giảm chú ý, tăng động tăng cao ở những trẻ có tiền sử bị viêm não, viêm màng não, chấn thương não bộ trong quá trình sinh nở, ngạt sau sinh, những trẻ sinh thiếu tháng,...
3.1.3. Yếu tố môi trường
Trong thời kỳ mang thai mẹ ngộ độc chì, thuốc diệt côn trùng, hút thuốc lá, tiếp xúc với khói thuốc lá, uống rượu, sử dụng ma túy, chất gây nghiện,... có liên quan đến 10 - 15% các trường hợp mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ.
3.2. Phòng rối loạn tăng động giảm chú ý
Vấn đề phòng rối loạn cũng là một khó khăn vì nguyên nhân gây rối loạn chưa rõ ràng và cụ thể dù đã các yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, cũng nhờ vào các yếu tố nguy cơ chúng ta có thể phòng tránh căn rối loạn này một phần nào đó bằng việc tránh các yếu tố nguy cơ, tạo môi trường sống lành mạnh và chăm sóc tốt cho mẹ bầu cũng như an toàn khi sinh nở.
4. Tác hại của rối loạn tăng động giảm chú ý
Khoảng 40 đến 70% trẻ mắc rối loạn này tồn tại ở tuổi vị thành niên, nếu các triệu chứng thuyên giảm thì thường bắt đầu từ 12 cho đến 20 tuổi. Ở những người trưởng thành chứng rối loạn này vẫn tồn tại khoảng 50%.
Vì thế, chúng mang lại nhiều khó khăn và trở ngại trong cuộc sống của người bệnh từ khi còn nhỏ cho đến lúc lớn như:
- Tính tình nóng nảy, bồng bột, hung hăng và luôn có xu hướng bạo lực.
- Luôn hành động mà không cần suy nghĩ, thực hiện nhiều hành vi gây nguy hiểm cho chính bản thân và những người xung quanh.
- Khó có thể làm quen và kết bạn với người khác, khó có thể duy trì các mối quan hệ được lâu dài.
- Kết quả học tập liên tục bị sa sút, khó theo kịp bạn bè cùng trang lứa trong nhiều vấn đề liên quan đến tư duy.
- Tăng khả năng lạm dụng các thức uống có cồn, các chất kích thích gây nghiện sau khi trưởng thành.
- Ngoài rối loạn tăng động giảm chú ý có thể mắc kèm nhiều rối loạn khác như: Mất ngủ, rối loạn chống đối, rối loạn hành vi,...
5. Khám và chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý
Không có một phương pháp khám và chẩn đoán chính xác cho rối loạn này. Thông thường trẻ em mắc rối loạn này thường biểu hiện các triệu chứng trước năm 7 tuổi, nhưng những biểu hiện của rối loạn tăng động giảm chú ý giống với nhiều rối loạn khác.
Do đó, trước khi chẩn đoán một người có mắc rối loạn tăng động giảm chú ý hay không các bác sĩ phải cố gắng loại trừ xem họ có mắc các trình trạng như:
- Rối loạn lưỡng cực loại I và II (có tính chu kỳ và xen kẽ những giai đoạn trầm cảm).
- Tâm thần phân liệt (thường xuất hiện ở lứa tuổi lớn hơn và kèm theo các triệu chứng của chứng tự kỷ, thiếu hòa hợp điển hình).
- Rối loạn Tic (thường là các rối loạn về vận động ngôn ngữ mang tính định hình).
- Rối loạn hành vi chống đối.
5.1. Chẩn đoán xác định
Hiện nay ở Việt Nam, chẩn đoán rối loạn này chủ yếu dựa vào các tiêu chẩn đoán lâm sàng theo phân loại chẩn đoán quốc tế ICD - 10.
Tiêu chuẩn 1: Một người cần có ít nhất 6 triệu chứng của một loại rối loạn tăng động giảm chú ý cụ thể. Nhưng riêng với loại kết hợp thì một người cần có ít nhất 6 triệu chứng của hành vi thiếu chú ý và 6 hành vi của hiếu động - bốc đồng. Các hành vi này phải hiện diện và gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày tối thiểu là 6 tháng.
Tiêu chuẩn 2: Những biểu hiện này phải xuất hiện trước 7 tuổi, tuy nhiên một số trường hợp đặc biệt có thể dựa vào tình hình và nhiều yếu tố khác để đưa ra chẩn đoán.
Tiêu chuẩn 3: Các triệu chứng này không chỉ xuất hiện ở một hoàn cảnh, thời điểm nào đó mà phải xuất hiện ở trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Ví dụ như: Kết hợp giữa các triệu chứng giảm chú ý và tăng động vừa xuất hiện ở nhà vừa xuất hiện ở trường học hay các địa điểm tham gia các hoạt động khác.
Tiêu chuẩn 4: Những triệu chứng ở loại chủ yếu là giảm chú ý và loại kết hợp thường gây nên những khó khăn hoặc sự giảm sút rõ rệt trong các chức năng xã hội, học tập và làm việc.
Tiêu chuẩn 5: Loại trừ các chẩn đoán về rối loạn quá trình phát triển lan tỏa, giai đoạn hưng cảm, giai đoạn trầm cảm, rối loạn lo âu.
Các dấu hiệu bệnh thường biểu hiện từ rất sớm nên hầu hết người mắc lớn mắc rối loạn này thường là đã được chẩn đoán mắc bệnh từ khi còn nhỏ, tuy nhiên, do một vài lý do người đó không được chẩn đoán bệnh khi còn nhỏ và khi đã trưởng thành thì mới thấy các triệu chứng rõ ràng hơn, nghi ngờ bản thân mình mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.
Đối với người lớn mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý cũng được chẩn đoán theo các tiêu chí đã nêu ở trên, bao gồm các biểu hiện từ năm 6 đến 12 tuổi. Việc thăm hỏi các thông tin qua người thân trong gia đình về cách họ ứng xử, phát triển khi còn nhỏ cũng là một phần để đánh giá kèm theo tiền sử gia đình làm tăng thêm sự chính xác cho việc chẩn đoán ở người lớn mắc bệnh.
5.2. Các chẩn đoán cận lâm sàng
Bên cạnh các chẩn đoán xác định thông qua chẩn đoán hành vi, các bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để loại bỏ hoàn toàn nghi ngờ về các căn bệnh khác có thể gây nên các triệu chứng đã nêu trên và tăng thêm phần chính xác cho quá trình chẩn đoán bệnh.
- Các xét nghiệm thường quy như: Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, sinh hóa máu, xét nghiệm nước tiểu, điện tim, siêu âm ổ bụng, X - quang tim phổi,...
- Trắc nghiệm tâm lý đánh giá tăng động giảm chú ý: Vanderbilt,...
- Trắc nghiệm đánh giá các rối loạn đi kèm: Chậm phát triển tâm thần, tự kỷ, rối loạn hành vi,...
- Một số các xét nghiệm sinh hóa, một số chất chuyển hóa trong chẩn đoán tăng động giảm chú ý do nguyên nhân chuyển hóa, xét nghiệm gen di truyền,...
- Điện não, cắt lớp vi tính sọ não, MRI sọ não,...
6. Các phương pháp điều trị rối loạn tăng động
Loại ADHD mà bạn hoặc con bạn mắc phải sẽ quyết định cách điều trị. Tuy nhiên các loại rối loạn tăng động giảm chú ý có thể thay đổi theo thời gian, vì vậy cách điều trị của bạn cũng có thể bị thay đổi.
Nguyên tắc điều trị rối loạn tăng động chủ yếu là nhờ vào phương pháp hóa dược, liệu pháp hành vi hay kết hợp cả hai phương pháp với nhau:
6.1. Rối loạn tăng động giảm chú ý có chữa khỏi được không?
Rối loạn tăng động giảm chú ý không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng các phương pháp điều trị có thể làm giảm bớt các triệu chứng bệnh. Bên cạnh đó, điều trị có thể làm giảm khả năng mắc các chứng rối loạn khác có liên quan, giúp người bệnh có một cuộc sống tốt hơn gần như với người bình thường.
6.2. Tâm lý trị liệu và can thiệp tâm lý xã hội
Một số can thiệp tâm lý xã hội cụ thể đã được chứng minh là có khả năng giúp bệnh nhân kiểm soát được các triệu chứng của bệnh cũng như cải thiện được các hoạt động hằng ngày. Ngoài người bệnh, người thân bệnh nhân cũng nên thấu hiểu tâm lý người bệnh để có thể hỗ trợ người bệnh điều trị hiệu quả.
Ở trẻ hay người lớn mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý đều được sử dụng một trong các liệu pháp tâm lý trị liệu phù hợp với tình trạng bệnh, lứa tuổi như sau:
- Liệu pháp hành vi: Là một loại liệu pháp tâm lý nhằm giúp người bệnh thay đổi hành vi của mình. Nó giúp tổ chức các nhiệm vụ, hoàn thành bài tập ở trường hoặc vượt qua các sự kiện khó khăn về cảm xúc.
- Liệu pháp nhận thức hành vi: Có thể sử dụng các bài tập yoga, thiền để người bệnh học cách nhận thức và chấp nhận những suy nghĩ, cảm xúc của chính mình từ cải thiện sự tập trung và khả năng tập trung.
- Liệu pháp hôn nhân và gia đình: Có thể giúp các thành viên trong gia đình, vợ/chồng tìm ra những cách tốt hơn để xử lý các hành vi gây rối, khuyến khích thay đổi hành vi và cải thiện tương tác với bệnh nhân.
- Đào tạo kỹ năng làm cha mẹ (đào tạo quản lý hành vi của cha mẹ): Dạy cho cha mẹ những kỹ năng cần thiết để khuyến khích và khen thưởng những hành vi tích cực ở con cái họ.
- Các can thiệp quản lý hành vi cụ thể trong lớp học đã được chứng minh là có hiệu quả để kiểm soát các triệu chứng của trẻ, thanh thiếu niên và cải thiện tư duy, khả năng của chúng ở trường và với các bạn cùng lứa tuổi.
- Các kỹ thuật quản lý căng thẳng: Nó có thể mang lại lợi ích cho cha mẹ của trẻ ADHD bằng cách tăng khả năng đối phó với sự thất vọng để họ có thể phản ứng một cách bình tĩnh với hành vi của con mình.
- Các nhóm hỗ trợ có thể giúp cha mẹ và gia đình kết nối với những người khác có vấn đề và mối quan tâm tương tự. Các nhóm thường gặp nhau thường xuyên để chia sẻ những thất vọng và thành công, để trao đổi thông tin về các chuyên gia và chiến lược được đề xuất cũng như trao đổi với các chuyên gia.
6.3. Điều trị bằng thuốc
Tùy vào tình trạng rối loạn của mỗi rối loạn nhân, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp. Sau đây là một số thuốc thường được các bác sĩ lựa chọn sử dụng cho rối loạn nhân tăng động:
- Nhóm thuốc kích thần: Đây là nhóm thuốc được lựa chọn hàng đầu trong điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý. Nhóm thuốc này được xếp vào nhóm thuốc gây nghiện, cần được chỉ định và theo dõi sử dụng chặt chẽ. Ví dụ: Methylphenidate,...
- Atomoxetine: Không thuộc nhóm kích thần nhưng cũng là một lựa chọn hàng đầu trong điều trị rối loạn tăng động.
- Thuốc chống trầm cảm: Là lựa chọn thứ 2 sau các thuốc kích thần và atomoxetine trong các trường hợp rối loạn nhân kháng các thuốc trên và kèm theo rối loạn trầm cảm, lo âu. Ví dụ: Amitriptylin, imipramin, sertralin, paroxetin, fluoxetin,...
- Thuốc chống lo âu: Benzodiazepin làm giảm nhanh chóng triệu chứng lo âu.
- Thuốc chống loạn thần: Risperidone, olanzapine, quetiapin,...
- Clonidin: Đồng vận ∝ - adrenergic là lựa chọn thứ 3, các trường hợp kèm rối loạn Tic, hội chứng Gille de la Tourette và những hành vi gây hấn.
- Thuốc chống động kinh: Nhóm thuốc này có hiệu quả với các triệu chứng về hành vi, cảm xúc hoặc khi có động đinh đi kèm, có thể sử dụng một hoặc phối hợp các thuốc sau: Muối valproat, carbamazepin, phenobarbital, oxcabarzepine, gabaopentin, lamotrigin,...
- Nuôi dưỡng tế bào thần kinh: Piracetam, ginkgo biloba, vinpocetin, choline,...
- Thuốc hỗ trợ chức năng gan, thuốc tăng cường nhận thức,..
- Dinh dưỡng: Bổ sung dinh dưỡng, vitamin nhóm B, khoáng chất,...
6.4. Các liệu pháp khác
Ngoài liệu pháp hành vi và phương pháp sử dụng thuốc, một số biện pháp khắc phục khác cũng đã được đề ra kèm theo trong quá trình điều trị nhằm cải thiện triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý.
Đầu tiên, việc tuân theo một lối sống lành mạnh có thể giúp cho người bệnh kiểm soát được các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyến nghị như sau:
- Nên có một chế độ ăn phù hợp, lành mạnh và cân bằng, không lạm dụng các chất kích và chất gây nghiện cho cơ thể.
- Tập thể dục thường xuyên và tập ít nhất 60 phút mỗi ngày.
- Nên tập thói quen làm việc và nghỉ ngơi phù hợp, nên có cho bản thân những giấc ngủ đủ.
- Giới hạn thề thời gian các phương tiện thông minh như điện thoại, máy tính, TV hằng ngày. Nên dùng thời gian cho các sở thích, hoạt động khác như: Đọc sách, nấu ăn, dạo phố,...
Một số nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng yoga, thái cực quyền và các hoạt động ngoài trời khác có thể giúp xoa dịu tâm trí, có thể làm giảm dịu các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý.
Không những vậy, theo một số nghiên cứu ở người lớn và thanh thiếu niên đã cho thấy rằng, thiền có tác động tích cực đến quá trình tập trung và suy nghĩ của một người cũng như đối với chứng lo âu và trầm cảm.
7. Cách dạy trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý tại nhà
Để cho trẻ có thể hòa nhập được với cộng đồng và hỗ trợ quá trình điều trị cần có phương pháp dạy và giáo dục trẻ phù hợp. Các bậc phụ huynh nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ và chuyên gia để có thể đưa ra được phương pháp giáo dục trẻ phù hợp như:
- Lập kế hoạch công việc cụ thể hằng ngày cho trẻ, yêu cần trẻ cần nghiêm túc thực hiện theo.
- Lựa chọn không gian học tập phù hợp cho trẻ, tránh những nơi ồn ào, tránh thu hút sự chú ý của trẻ, làm tăng khả năng tập trung cho trẻ.
- Cho trẻ quyền tự lựa chọn, quyết định trong một số vấn đề đơn giản theo sở thích của bản thân nếu bố mẹ thấy phù hợp.
- Hướng dẫn, khuyên bảo nhẹ nhàng, chi tiết khi nói chuyện với trẻ, không to tiếng và nặng lời với trẻ, cẩn thận trong việc dùng từ với trẻ.
- Cân nhắc kỹ lưỡng trong việc hứa hẹn với trẻ. Nếu đã hứa thì nên thực hiện để làm gương cho trẻ noi theo.
- Mỗi khi trẻ làm việc tốt nên khen ngợi và khuyến khích trẻ để chúng tiếp tục cố gắng, nỗ lực.
- Khi phát hiện trẻ làm những hành vi không đúng, thay vì quát mắng nên giải thích cho trẻ về hành vi đó, phân tích sự đúng sai để trẻ hiểu.
- Luôn khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động tập thể, các môn thể thao mà trẻ yêu thích để rèn luyện tính tập trung và tính kỷ luật.
Ngoài việc quan tâm trẻ khi ở nhà, các vị phụ huynh nên trao đổi với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm để trẻ nhận được phương pháp hỗ trợ tốt nhất trong quá trình học tập của trẻ.
8. Khám và điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý ở đâu
Khi bạn nghi ngờ con cái của mình hay người thân của bạn có các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý những bạn không chắc chắn là họ có thực sự mắc rối loạn này hay không bạn có thể đến một trong các địa chỉ sau để khám và chẩn đoán.
Tại Hà Nội
- Trung tâm phục hồi chức năng hoặc khoa Thần kinh - Tâm bệnh, bệnh viện Nhi Trung ương: Số 18/879 đường La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội.
- Trung tâm phục hồi chức năng hoặc khoa Thần kinh - Tâm bệnh, bệnh viện Bạch Mai: Số 78, đường Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
- Khoa Thần kinh, bệnh viện Quân y 103: Số 261, đường Phùng Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội.
- Phòng khám tâm thần - tâm lý trẻ em: Số 2, ngõ 199, đường Trường Chinh, Hà Nội.
- Trung tâm Sao Mai - hỗ trợ giáo dục trẻ tăng động: Số 6, ngõ 9, đường Hoàng Đạo Thúy, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Tại thành phố Hồ Chí Minh:
- Khoa Tâm lý, bệnh viện Nhi đồng 1: Số 341 đường Sư Vạn Hạnh, phường 10, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
- Khoa Tâm lý - bệnh viện Nhi đồng 2: Số 14 đường Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
- Khoa Tâm lý tâm thần - bệnh viện Tâm thần TP.HCM: Số 165B đường Phan Đăng Lưu, phường 1, quận Phú Nhuận, TP.HCM.
- Phòng khám tâm lý - bệnh viện quận Tân Phú (lầu 3, phòng 414): Số 609 - 611 đường Âu Cơ, phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP.HCM.
- Phòng khám Tâm Gia An: Số 122B đường Trần Đình Xu, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM.
Trên đây là những thông tin về bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý và đối tượng cần quan tâm nhất là trẻ nhỏ. Hy vọng qua bài viết trên các bạn đã có cho mình những thông tin hữu ích, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Nếu thấy bài viết hay hãy like và chia sẻ bài viết cho mọi người xung quanh bạn cùng tìm hiểu nhé. Chúc bạn một ngày vui vẻ!