Rối loạn lo âu đang là một trong những loại rối loạn tâm lý phổ biến nhất hiện nay với sự kết hợp của nhiều loại rối loạn khác nhau nên nó để lại nhiều hậu quả sau này cho người bệnh. Vậy để hiểu hơn về loại rối loạn này hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
1. Bệnh rối loạn lo âu là gì?
Rối loạn lo âu hay có tên tiếng Anh là Anxiety disorders là một nhóm các rối loạn tâm thần được đặc trưng bởi cảm giác lo lắng và sợ hãi quá mức trước một tình huống xảy ra, có tính chất vô lý, lặp lại và kéo dài gây ra các ảnh hưởng đến sự thích nghi với cuộc sống.
Hiện nay, rối loạn lo âu đang là vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất ở Hoa Kỳ, hơn 40 triệu người trưởng thành ở Mỹ (19,1%) mắc chứng rối loạn này, trong đó có 7% là trẻ em ở lứa tuổi từ 3 - 17. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, khả năng mắc chứng rối loạn lo âu ở phụ nữ cao hơn đàn ông.
2. Triệu chứng bệnh rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu thường là một nhóm các rối loạn nên mỗi bệnh sẽ có những triệu chứng, biểu hiện riêng biệt nhau, tuy nhiên, tất cả các chứng rối loạn đều có một đặc điểm chung là lo lắng, sợ hãi quá mức và dai dẳng trong những tình huống, trường hợp không có bất kỳ mối đe dọa hay nguy hiểm nào. Mọi người thường gặp một hoặc nhiều các triệu chứng chung sau:
Các triệu chứng cảm xúc
- Có cảm giác lo lắng hoặc sợ hãi
- Cảm thấy căng thẳng hoặc dễ nổi giận, nóng nảy
- Bồn chồn hoặc cáu kỉnh
- Luôn dự đoán về điều tồi tệ nhất trước khi làm một việc gì đó và đề phòng tất cả các dấu hiệu có thể gây nguy hiểm đến việc bạn chuẩn bị làm.
Các triệu chứng thực thể
- Tim đập nhanh, loạn nhịp hoặc cảm thấy khó thở
- Đổ mồ hôi tay hoặc toàn thân, run, co giật
- Cảm thấy đau đầu, mệt mỏi và mất ngủ
- Bụng cảm thấy khó chịu, đi tiểu thường xuyên
Tùy thuộc vào tình trạng, mức độ và loại rối loạn mà người bệnh mà mức độ thể hiện các triệu chứng của mỗi người cũng khác nhau, với biên độ và cường độ khác nhau.
3. Phân loại bệnh rối loạn lo âu
Tùy vào nguyên nhân và triệu chứng bệnh, rối loạn lo âu được chia thành các loại sau:
3.1. Rối loạn lo âu lan tỏa (Generalized anxiety disorder)
Rối loạn lo âu lan toả là loại rối loạn phổ biến, đặc trưng bởi sự lo lắng kéo dài, không tập trung vào bất kỳ sự vật hay sự việc nào. Rối loạn này có thể là sự lo lắng và căng thẳng kéo dài liên tục đi kèm với các triệu chứng như bồn chồn, cảm thấy khó chịu hoặc dễ mệt mỏi, khó tập trung, căng cơ hoặc khó ngủ,...
3.2. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive - compulsive disorder)
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là loại rối loạn mà người bệnh bị ám ảnh bởi các ý nghĩ hay hành vi cưỡng chế mà người bệnh không thể tự chủ được và lặp đi lặp lại chúng một cách vô đích nhằm làm giảm độ thôi thúc gây khó chịu cho bản thân buộc họ phải thực hiện hành vi cưỡng chế.
3.3. Rối loạn stress sau chấn thương (Post - traumatic stress disorder)
Là một loại rối loạn lo âu sau khi trải qua một loại chấn thương nghiêm trọng. Loại rối loạn này có thể xuất hiện sau một tình huống khắc nghiệt như chiến tranh, thiên tai, cưỡng hiếp, các tình huống bị bắt giữ làm con tin, bị lạm dụng, bắt nạt hay thậm chí là một tai nạn nghiêm trọng.
Rối loạn stress sau chấn thương có thể làm gián đoạn các hoạt động bình thường và khả năng hoạt động của người bệnh với hàng loạt các triệu chứng như:
- Hồi tưởng về sự việc nhưng bạn lại cảm thấy như sự việc đó đang diễn ra tại thời điểm hồi tưởng.
- Khó chịu và có những kỷ niệm không thể quên được về sự việc đó.
- Thường xuyên gặp ác mộng về sự việc mà bạn đã gặp phải.
- Đau khổ về mặt tinh thần hoặc thể chất dữ dội mỗi lần bạn nghĩ hay nhớ đế sự kiện này.
- Luôn có tình tránh né về những sự vật, từ ngữ, con người hay bất kỳ một cái gì có thể nhắc nhở hay gợi bạn nhớ về sự kiện đau buồn đó.
- Bạn khó tập trung, dễ giật mình hay phản ứng một cách phóng đại khi bạn bị giật mình.
- Cảm thấy dễ cáu gắt hay lên cơn giận dữ bởi một sự việc nào đó.
- Luôn có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân.
- Cảm giác tội lỗi, lo lắng hay đổ lỗi cho người khác.
- Khó nhớ về các phần quan trọng của sự việc.
- Giảm hứng thú với các hoạt động mà trước đây bạn từng yêu thích.
Ngoài ra, ở loại rối loạn này, giữa phụ nữ và đàn ông cũng có những biểu hiện khác nhau. Phụ nữ thường có các biểu hiện sau nặng hơn so với đàn ông như:
- Lo lắng và chán nản
- Tê liệt và không có cảm xúc
- Dễ bị giật mình
- Nhạy cảm với những lời nhắc nhở về sự việc gây nên chấn thương cho họ
3.4. Rối loạn ám ảnh xã hội (Social anxiety disorder)
Là những nỗi sợ hãi trong các tình huống xã hội như các buổi tiệc, cuộc nói chuyện trước đám đông hay thậm chí là nói chuyện với người khác hay là bị một ai đó nhìn. Khoảng 7% người người MỸ trưởng thành mắc chứng rối loạn lo âu xã hội và hơn 75% số người gặp phải vào thời niên thiếu.
Chứng rối loạn lo âu xã hội thường biểu hiện bởi các triệu chứng thể chất cụ thể như:
- Dễ đỏ mặt, đổ mồ hôi
- Cảm thấy buồn nôn
- Mệt mỏi hoặc run rẩy
- Chóng mặt hoặc cảm thấy choáng váng
- Nhịp tim đập nhanh không kiểm soát
Các triệu chứng về mặt tâm lý
- Lo lắng dữ dội về các tính huống xã hội mà bản thân sắp tham gia
- Lo lắng trong nhiều ngày hay vài tuần trước một sự kiện nào đó
- Cố tình tránh các tình huống xã hội hoặc cố gắng hòa nhập vào bầu không khí của sự kiện đó khi bạn bắt buộc phải tham gia
- Lo lắng về một việc làm bản thân xấu hổ trong một tình huống xã hội nào đó.
- Cần uống rượu hay sử dụng các chất kích thích trước khi đối mặt với hoàn cảnh xã hội nào đó.
Triệu chứng của rối loạn lo âu xã hội có thể không xảy ra trong mọi tình huống, người bệnh có thể chỉ bị lo lắng có giới hạn hay có chọn lọc chứ không phải lo lắng với mọi hoàn cảnh xã hội.
3.5. Rối loạn lo âu phân ly (Separation anxiety disorder)
Là loại rối loạn khiến người bệnh có cảm giác lo lắng quá mức khi bị tách rời khỏi một người hay một nơi nào đó. Lo lắng phân ly là một tình trạng tâm lý bình thường ở sự phát triển của trẻ sơ sinh từ 8 - 12 tháng tuổi và thường biến mất vào năm 2 tuổi.
Tuy nhiên, một số đứa trẻ có thể tiếp tục mắc chứng lo lắng phân ly và phát triển thành rối loạn lo âu phân ly, nó ảnh hưởng đến 7% người lớn và 4% trẻ em nhưng hầu hết người lớn mắc bệnh thường có xuất phát bệnh từ thời thơ ấu nhưng không phát hiện ra. Các triệu chứng thường gặp ở loại rối loạn này:
- Ăn bám bố mẹ, không muốn rời xa bố mẹ
- Khóc dữ dội và nghiêm trọng khi bắt rời xa một người thân cận nào đó
- Từ chối làm những việc đòi hỏi sự tách biệt, phân ly
- Có thể bị nôn hoặc cảm thấy bị đau đầu khi nhắc đến việc phân ly
- Bạo lực hoặc nóng này
- Thành tích học tập giảm sút
- Từ chối ngủ một mình, luôn phải có ai đó ngủ cùng
- Gặp ác mộng trong mỗi giấc ngủ
4. Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ gây bệnh và cách phòng tránh
Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ gây bệnh cũng như các cách phòng tránh bệnh rối loạn lo âu mà bạn nên biết.
4.1. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh
Cho tới hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa chỉ ra được nguyên nhân chính xác gây nên các loại rối loạn trên, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn cho rằng các khi bạn có một hay nhiều yếu tố nguy cơ sau cũng có thể khiến bạn có khả năng mắc các loại rối loạn lo âu cao hơn người khác như:
- Di truyền học: Khi gia đình có bố mẹ bị mắc một trong các loại rối loạn lo âu thì khả năng con cái họ mắc bệnh cao gấp 6 lần so với những gia đình không có tiền sử mắc bệnh. Và theo như thống kê, các nghiên cứu trên các cặp song sinh cho thấy khả năng di truyền bệnh là 31,6%.
- Hoá chất não: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, một số loại rối loạn lo âu có thể có liên quan đến các dây thần kinh kiểm soát nỗi sợ và cảm xúc bị lỗi.
- Môi trường sống: Khi bạn trải qua hay chứng kiến các sự kiện quá sức tưởng tượng như bị lạm dụng vào thời thơ ấu, chứng kiến cái chết của một người thân trong gia đình hay bị tấn công, chứng kiến bạo lực hoặc tình dục.
- Điều kiện y tế: Một số bệnh mãn tính như bệnh về tim, phổi, tuyến giáp có thể gây ra các triệu chứng tương tự rối loạn lo âu và nó có thể làm cho các triệu chứng phát triển nguy hiểm và khiến bạn mắc chứng rối loạn lo âu.
- Lạm dung chất kích thích, chất gây nghiện có thể khiến bạn làm tăng khả năng mắc chứng rối loạn lo âu, một số người sử dụng các chất này để làm giảm các triệu chứng bệnh.
- Tiền sử bị mắc các bệnh tâm thần cũng là một yếu tố làm tăng khả năng mắc chứng rối loạn lo âu, chỉ cần một tác động hay một sự kiện nào đó cũng có thể khiến bạn chuyển sang mắc kèm thêm chứng rối loạn lo âu.
4.2. Các cách phòng ngừa rối loạn lo âu
Chắc hẳn bạn đã không ít lần rơi vào tình trạng căng thẳng lo âu đến từ nhiều chuyện trong cuộc sống đúng không nào? Có lẽ đó cũng chính là lúc mà bạn cảm thấy khủng hoảng nhiều nhất nhưng chưa biết làm thế nào để giữ ổn định cảm xúc.
Vậy để giảm thiểu khả năng mắc chứng rối loạn lo âu bạn nên biết cách quẳng gánh lo và giảm căng thẳng lo âu siêu tốc bằng 10 mẹo dưới đây nhé.
4.2.1. Tập thể dục
Tập thể dục là một trong những phương pháp quan trọng nhất giúp bạn chống lại sự căng thẳng. Những bài tập nhẹ nhàng, thư giãn cơ thể chính là liều thuốc tuyệt vời làm giảm sự ức chế tinh thần.
Theo các nhà khoa học thì những người tập thể dục thường xuyên ít gặp phải lo lắng hơn những người không tập thể dục. Sở dĩ có điều này là do:
- Tập thể dục có thể điều tiết và kiểm soát các hormone trong cơ thể, làm giảm hormone gây ra sự căng thẳng cho cơ thể đó chính là cortisol. Bên cạnh đó, nó còn kích thích cơ thể giải phóng endorphin, đây là chất giúp cơ thể cải thiện tâm trạng.
- Vận động cơ thể cũng giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ của bạn, khi bạn ngủ sâu giấc và đủ giấc thì cũng đồng nghĩa với việc tâm trạng và tinh thần của bạn cũng tốt hơn nữa đấy.
- Khi bạn tập thể dục thường xuyên thì cơ thể bạn cũng khỏe mạnh hơn, bạn sẽ cảm thấy nhiều năng lượng và tự tin hơn từ đó sự căng thẳng của bạn sẽ giảm dần.
4.2.2. Chú ý đến chế độ dinh dưỡng
Một số loại thực phẩm có thể giảm căng thẳng lo âu mà bạn có thể tham khảo như sau: Trà chanh, chocolate, chuối, thịt gia cầm
4.2.3. Viết ra những điều bạn cảm thấy căng thẳng
Một cách rất nhanh giúp bạn giảm căng thẳng lo âu đó chính là viết ra tất cả những gì bạn đang cảm thấy mệt mỏi, lo lắng. Bạn có thể viết vào cuốn sổ nhật ký riêng hay những trang mạng xã hội như facebook, zalo, instagram.
Viết ra những nỗi lòng của mình có thể giúp bạn vơi bớt nỗi buồn, cải thiện tâm trạng để
4.2.4. Học cách từ chối
Không phải tất cả những điều gây ra căng thẳng trong cuộc sống của bạn đều nằm ngoài kiểm soát của bạn nhưng một số thì có thể nằm trong sự kiểm soát của chính bạn.
Hãy học cách từ chối nói “không” với những công việc mà bạn không thể xử lý và gánh vác được. Vì vậy đừng tùy hứng nhận thêm công việc ngoài khả năng của bạn dễ khiến bạn cảm thấy quá tải.
Do đó, cố gắng chọn lựa công việc phù hợp với khả năng của bạn chính là cách để giảm mức độ căng thẳng của bạn.
4.2.5. Dành thời gian cho bạn bè và người thân
Một nghiên cứu cho thấy rằng các chị em phụ nữ dành thời gian cho bạn bè và người thân thường xuyên giúp giải phóng oxytocin - một loại chất có thể làm giảm căng thẳng tự nhiên.
Ngược lại, những người ít có các mối quan hệ xã hội thường có nhiều khả năng bị trầm cảm và dễ rơi vào tình trạng căng thẳng, lo lắng.
Đôi khi chỉ cần tâm sự với bạn bè và người thân hay là lắng nghe những lời khuyên của họ cũng làm bạn cảm thấy thoải mái hơn, bớt ưu phiền trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, khi bạn tạo dựng mối quan hệ tốt với bạn bè và gia đình thì chúng ta có thể dễ dàng nhờ tới sự hỗ trợ, giúp đỡ của những người thân quen khi bạn gặp khó khăn, nguy hiểm. Đây cũng chính là chìa khóa vàng giúp bạn vượt qua căng thẳng lo âu trong cuộc sống.
4.2.6. Tạm biệt thói quen trì hoãn
Một cách khác để kiểm soát căng thẳng lo âu của bạn chính là phân loại công việc theo các thứ tự ưu tiên và tránh sự trì hoãn.
“Việc hôm nay chớ để ngày mai”, chính sự chần chừ và trì hoãn có thể khiến bạn phải vật lộn trong hàng đống công việc để xử lý. Điều này có thể gây căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng giấc ngủ của bạn.
Để hạn chế tình trạng này, bạn nên xây dựng thói quen lập danh sách những việc cần làm và được sắp xếp theo mức độ ưu tiên. Ngoài ra, bạn còn cần thiết lập thời hạn thực tế cho từng công việc và cố gắng thực hiện theo kế hoạch mà bạn đã đặt ra.
4.2.7. Tập hít thở sâu
Căng thẳng tinh thần kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm trong cơ thể của bạn chuyển sang trạng thái stress, lo âu.
Trong quá trình này, các hoocmon gây ra tình trạng căng thẳng được giải phóng và bạn có thể gặp các triệu chứng thực thể như nhịp tim nhanh hơn, thở nhanh hơn và các mạch máu bị tắc nghẽn.
Mục tiêu của thở sâu là tập trung nhận thức của bạn vào hơi thở, khi bạn hít sâu bằng mũi có thể giúp kích hoạt hệ thống thần kinh đối giao cảm của bạn, điều khiển phản ứng thư giãn. Điều này giúp làm chậm nhịp tim của bạn, cho phép bạn cảm thấy yên bình hơn.
Có một số loại bài tập thở sâu, bao gồm thở cơ hoành, thở bụng, thở bụng và hô hấp nhịp độ.
4.2.8. Nghe nhạc nhẹ nhàng
Cuộc sống của chúng ta sẽ thật tẻ nhạt và buồn bã nếu như không có âm nhạc. Âm nhạc là liều thuốc thư giãn tuyệt vời cho cơ thể, giúp cho cải thiện tâm trạng và cảm xúc của bạn.
Theo các nhà nghiên cứu, nhạc không lời có nhịp độ chậm có thể tạo ra phản ứng thư giãn của cơ thể bằng cách giúp giảm huyết áp và nhịp tim cũng như giảm lượng hormone gây căng thẳng.
Hoặc những lúc bạn cảm thấy căng thẳng, áp lực trong cuộc sống thì bạn có thể chọn một bản nhạc mà bạn rất yêu thích để cổ vũ tinh thần của chính mình, giúp bạn có thêm nhiều sức mạnh tinh thần để sẵn sàng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
4.2.9. Tham gia các lớp học Yoga
Yoga đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe của bạn và đây cũng là một trong những phương pháp nổi tiếng giúp giảm căng thẳng lo âu.
Một số nghiên cứu đã xem xét tác dụng của yoga đối với sức khỏe tâm thần. Nhìn chung, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng yoga có thể tăng cường tâm trạng và thậm chí có thể hiệu quả tương đương như thuốc chống trầm cảm trong điều trị trầm cảm và lo lắng.
4.2.10. Cười nhiều hơn
“Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” là câu nói quen thuộc trong dân gian khi nhắc tới vai trò của tiếng cười trong cuộc sống. Cười nhiều hơn mỗi ngày rất tốt cho sức khỏe và có nhiều tác dụng như:
- Cải thiện tâm trạng của bạn.
- Giảm căng thẳng bằng cách thư giãn các cơ bắp trong cơ thể.
- Về lâu dài, tiếng cười còn có thể giúp cải thiện hệ thống miễn dịch cho cơ thể.
5. Tác hại của bệnh rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu không chỉ làm bạn cảm thấy lo lắng, sợ hãi mà nó còn dẫn đến nhiều tình trạng tâm thần khác hay làm nặng thêm các tình trạng tinh thần và thể chất khác ở người bệnh chẳng hạn như:
- Người bệnh rối loạn lo âu thường mắc kèm chứng trầm cảm hoặc các loại rối loạn khác.
- Người bệnh trở nên lạm dụng các chất kích thích, chất gây nghiện vì chúng làm người bệnh giảm đi các triệu chứng.
- Làm rối loạn giấc ngủ khiến người bệnh mất ngủ.
- Người bệnh có thể gặp các vấn đề về hệ tiêu hóa.
- Tình trạng nhức đầu hay đau dai dẳng xuất hiện thường xuyên.
- Cách ly khỏi xã hội, không muốn giao tiếp, tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
- Gặp các vấn đề liên quan đến trường học hay nơi làm việc.
- Chất lượng cuộc sống bị giảm sút.
- Thực hiện hay tham gia các hoạt động gây hại cho bản thân và nguy hiểm nhất là tình trạng tự tử.
6. Khám, chẩn đoán và điều trị rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu là một căn bệnh nguy hiểm, mỗi dạng rối loạn lo âu khác nhau sẽ có một số biểu hiện đặc trưng khác nhau, dựa vào đó các bác sĩ có thể chẩn đoán loại rối loạn lo âu mà bạn đang mắc phải.
Tuy nhiên, có những trường hợp, triệu chứng của bệnh không bộc lộ hoàn toàn thì cần phải dựa vào các bài test hoặc một số phương pháp khác hỗ trợ để giúp việc khám và chẩn đoán bệnh được chính xác hơn.
Việc khám và chẩn đoán bệnh rất quan trọng vì khi chẩn đoán bệnh chính xác thì mới đưa ra được phương pháp điều trị rối loạn lo âu thích hợp, tìm được nguyên nhân, vấn đề mà người bệnh đang gặp phải và giải quyết chúng.
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh hoàn toàn, tùy vào loại hình rối loạn lo âu và mức độ bệnh cụ thể của mỗi bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị bệnh hợp lý.
Trong đó các phương pháp điều trị rối loạn lo âu thường được sử dụng gồm:
Tâm lý trị liệu
- Liệu pháp thường được các bác sĩ sử dụng là liệu pháp hành vi hay liệu pháp nói chuyện hoặc tư vấn tâm lý. Đây cũng là liệu pháp tâm lý hiệu quả nhất cho người mắc chứng rối loạn lo âu.
Điều trị bằng thuốc
- Điều trị bằng thuốc thường được sử dụng kết hợp cùng liệu pháp tâm lý trị liệu nhằm làm tăng khả năng điều trị và đem lại tác dụng mong muốn cho người bệnh.
- Tùy vào thể trạng và tình hình bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra loại thuốc phù hợp cho bạn nhưng nhìn chung thì các loại thuốc thường được sử dụng là: Thuốc chống trầm cảm; Benzodiazepin; thuốc chẹn kênh beta; thuốc chống co giật; thuốc chống loạn thần,...
Chữa bệnh rối loạn lo âu bằng Đông y
- Nếu bạn được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu ở thể nhẹ và giảm thiểu việc sử dụng các thuốc Tây y thì sử dụng các bài thuốc Đông Y là một lựa chọn hợp lý vì vừa đem lại hiệu quả vừa ít tác dụng phụ.
Ngoài các phương pháp điều trị trên thì trong quá trình chữa bệnh, người bệnh và người nhà bệnh nhân cũng cần phối hợp với bác sĩ để việc điều trị đạt hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, người bệnh cần thay đổi lối sống và sử dụng thêm các liệu pháp điều trị hỗ trợ để giúp cải thiện tình trạng bệnh một cách hiệu quả.
Bệnh rối loạn lo âu là căn bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi và thường xuất hiện ở phụ nữ. Nếu không kịp thời phát hiện và có phương pháp điều trị phù hợp nó có thể để lại nhiều hậu quả cho chính người bệnh và những người thân xung quanh họ mà không thể lường trước được.
Vì vậy, khi phát hiện bản thân hay người thân xung quanh mình xuất hiện các triệu chứng đã nêu trên thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán bệnh kịp thời tránh để lâu dài, khiến bệnh tiến triển phức tạp hơn.
Trên đây là các thông tin về bệnh Rối loạn lo âu, hy vọng qua bài viết trên mọi người đã có cho mình những kiến thức hữu ích. Hãy like và chia sẻ bài viết trên cho mọi người xung quanh bạn cùng tìm hiểu nhé. Chúc bạn một ngày tốt lành.