Tự kỷ là một chứng rối loạn phát triển thần kinh mà các triệu chứng chủ yếu bắt đầu từ khi còn nhỏ và kéo dài có thể là suốt cuộc đời. Vậy bệnh tự kỷ là gì? Nguyên nhân gây bệnh tự kỷ?... và các thông tin khác sẽ được trình bày qua bài viết sau. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
1. Bệnh tự kỷ là gì?
Tự kỷ còn được gọi là rối loạn phổ tự kỷ (ASD), có tên tiếng anh: Autism. Đây là một rối loạn phát triển được đặc trưng bởi các khó khăn trong giao tiếp và tương tác xã hội, cũng như các hành vi thể hiện những sở thích hoặc kiểu hành vi bị hạn chế, lặp đi lặp lại và rập khuôn.
Cha mẹ thường phát hiện những dấu hiệu trẻ tự kỷ ở 3 năm đầu phát triển của trẻ. Bệnh tự kỷ được tìm thấy ở nhiều độ tuổi khác nhau ở trẻ em và một số đối tượng được phát hiện tự kỷ ở người lớn, bệnh không phân biệt chủng tộc, văn hóa hay nền tảng kinh tế. Theo Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) thì, bệnh tự kỷ xảy ra ở trẻ em nam nhiều hơn ở trẻ em gái, với tỷ lệ nam/nữ là 4/1.
Bệnh tự kỷ có thể được phát hiện rất sớm từ khi còn nhỏ và có thể kéo dài đến hết cuộc đời mà không thể chữa khỏi. CDC ước tính rằng gần 1/59 trẻ em đã được xác định mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ vào năm 2014.
Trước đây bệnh tự kỷ được chẩn đoán và phân ra thành các dạng sau:
- Hội chứng Asperger: Là tình trạng người bệnh không có bất kỳ vấn đề gì về ngôn ngữ, có xu hướng phát triển ở mức trung bình hoặc trên trung bình thông qua bài test về trí thông minh. Tuy nhiên, họ lại có những vấn đề về xã hội và phạm vi lợi ích thường hẹp.
- Rối loạn tự kỷ: Đây là loại rối loạn thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi và có liên quan đến các rối loạn về vấn đề giao tiếp, tương tác xã hội, phạm vi vui chơi của trẻ.
- Rối loạn tan rã thời thơ ấu: Là tình trạng những đứa trẻ có sự phát triển bình thường trong khoảng 2 năm đầu, sau đó, mất một số hoặc mất hoàn toàn kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xã hội đã học được.
- Rối loạn phát triển lan tỏa (PDD hoặc còn được gọi là chứng tự kỷ không điển hình): Là một loại rối loạn khi trẻ có một số hành vi tự kỷ, chẳng hạn như chậm phát triển các kỹ năng xã hội và giao tiếp, nhưng không phù hợp với một số loại khác.
2. Dấu hiệu bệnh tự kỷ
Hầu hết những người mắc bệnh tự kỷ thường gặp các vấn đề về kỹ năng xã hội, giao tiếp hay hành vi định hình, ý thích thu hẹp. Mỗi người, mỗi mức độ bệnh sẽ có những biểu hiện riêng. Nhưng nhìn chung những người mắc bệnh tự kỷ đểu có những dấu hiệu bệnh như sau:
- Tránh giao tiếp bằng mắt và luôn muốn ở một mình, ít biểu hiện khuôn mặt và giọng nói đều đều.
- Khó hiểu cảm xúc của người khác hay nói về cảm xúc của mình.
- Rất quan tâm đến mọi người nhưng không biết cách để nói chuyện, chơi đùa hay bày tỏ cảm xúc.
- Lặp đi lặp lại các cụm từ, hay hành động.
- Có những phản ứng bất thường trong một số trường hợp với các hành động như ngửi, nếm, nhìn, cảm nhận về âm thanh,...
- Không thích tiếp xúc thân thể với người khác, không thích ôm và được ôm ấp.
- Khó khăn trong việc liên kết với người khác hoặc hoàn toàn không quan tâm đến những người xung quanh mình.
- Khó thích nghi với các thay đổi trong thói quen.
- Không thích nhìn mọi thứ khi người khác chỉ vào và không muốn nghe người khác nói.
- ...
Một số trẻ tự kỷ cũng có thể bị co giật và không phát triển bệnh cho đến khi thành niên.
Ngoài ra, những cá nhân mắc ASD có thể bộc lộ những tài năng đặc biệt về kỹ năng thị giác, âm nhạc, toán học và nghệ thuật. Khoảng 40% cá nhân mắc ASD có trí thông minh trung bình hoặc trên trung bình.
3. Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và cách phòng bệnh tự kỷ
Các chuyên gia vẫn chưa xác định được cụ thể tất cả các nguyên nhân của bệnh tự kỷ. Tuy nhiên, họ cũng đã chỉ ra rằng có nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác nhau có thể dẫn đến khả năng mắc bệnh của một người, trong đó bao gồm cả các yếu tố môi trường, sinh học và di truyền.
- Hầu hết những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tự kỷ thì khả năng mắc bệnh tự kỷ hơn.
- Trong thời gian mang thai, nếu các bà mẹ sử dụng các thuốc như acid valproic hoặc thalidomide.
- Mẹ mang thai khi đã lớn tuổi, trẻ sinh ra nhẹ cân.
- Người mắc một số tình trạng về di truyền nhiễm sắc thể như hội chứng X, bệnh xơ cứng củ thì nhiều khả năng mắc bệnh hơn.
- Môi trường sống ô nhiễm, tiếp xúc với kim loại nặng, độc tố của môi trường.
- ...
Vì chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh, vì thế để giảm thiểu khả năng mắc bệnh tự kỷ, cần có các biện pháp phòng tránh như sau:
- Phòng ngừa các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh
- Trong quá trình mang thai mẹ bầu nên hạn chế sử dụng các thuốc tây Y, chỉ được phép sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
- Phụ nữ mang thai thời kỳ đầu nên tiêm vacxin đầy đủ.
- Tránh tiếp xúc với các yếu tố độc hại.
- Quan tâm, giáo dục trẻ em đúng cách.
- Phát hiện sớm, can thiệp sớm để giúp hạn chế tối đa các hậu quả và biến chứng của bệnh.
- ...
4. Tác hại của bệnh tự kỷ
Nếu người bệnh tự kỷ không được chăm sóc, điều trị và quan tâm đúng cách có thể gây ra những tác hại không mong muốn đối với cuộc sống chính người bệnh mà còn ảnh hưởng đến người thân và những người xung quanh như:
- Trẻ em sẽ không đạt được các mốc phát triển như những đứa trẻ bình thường khác, mất đi các kỹ năng xã hội và ngôn ngữ đã phát triển trước đó.
- Ảnh hưởng đến quá trình học tập và sự thành công trong quá trình học hỏi.
- Gây ảnh hưởng đến công việc.
- Mất khả năng sống độc lập và chăm sóc bản thân.
- Sống tách biệt với mọi người, ngại giao tiếp với mọi người về tất cả các vấn đề.
- Gây ra các vấn đề về gia đình: Stress, cãi nhau, đổ vỡ hôn nhân,...
- Là nạn nhân của việc bắt nạt học đường.
- ....
5. Phương pháp khám và chẩn đoán bệnh tự kỷ
Rất khó để có một chẩn đoán cụ thể để xác định một ai đó có mắc bệnh tự kỷ hay không. Thông thường, các chẩn đoán của bác sĩ sẽ dựa trên một số sàng lọc, xét nghiệm di truyền hay các đánh giá vào hành vi và sự phát triển của một người.
5.1. Chẩn đoán xác định
Các biểu hiện lâm sàng:
- Thiếu hụt kỹ năng tương tác xã hội: Thờ ơ, giảm giao tiếp mắt,...
- Những biểu hiện bất thường về ngôn ngữ và giao tiếp: Chậm nói, phát âm vô nghĩa, nói chuyện một mình,...
- Bất thường về hành vi: Đi kiễng, quay người, nhìn tay, cử động ngón tay, đập tay,...
- Một số rối loạn khác: Xung động, kích động, tăng hoạt động, chậm phát triển trí tuệ, sợ hãi quá mức, ăn uống khó khăn.
Chẩn đoán xác định ICD 10: Chẩn đoán được xác định bởi các dấu hiệu như:
- Khiếm khuyết về chất lượng trong quan hệ xã hội.
- Các suy kém về chất lượng trong giao tiếp.
- Các kiểu hành vi, ham thích, các hoạt động lặp đi lặp lại giới hạn và định hình.
5.2. Cận lâm sàng
Các xét nghiệm cận lâm sàng thường được các bác sĩ chỉ định là:
- Các xét nghiệm thường quy: Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, sinh hóa máu,...
- Trắc nghiệm tâm lý đánh giá tự kỷ: Bảng kiểm quan sát chẩn đoán tự kỷ.
- Trắc nghiệm tâm lý đánh giá các rối loạn đi kèm: Chậm phát triển tâm thần, tăng động giảm chú ý,...
- Một số xét nghiệm sinh hóa.
- Điện não, cắt lớp vi tính sọ não,...
- Đo thính lực ở trẻ nhỏ để phân biệt với các bệnh lý về thính giác ảnh hưởng đến sức nghe.
5.3. Chẩn đoán phân biệt
Tự kỷ cần được phân biệt với các rối loạn sau:
- Chậm phát triển tâm thần
- Tâm thần phân liệt khởi phát sớm ở trẻ
- Rối loạn hỗn hợp ngôn ngữ tiếp nhận và biểu hiện
- Điếc bẩm sinh hoặc rối loạn chức năng nghe nghiêm trọng
6. Các phương pháp điều trị bệnh tự kỷ
Bệnh tự kỷ có chữa được không? Các phương pháp điều trị bệnh tự kỷ là gì?... Hãy cùng tìm hiểu nhé!
6.1. Bệnh tự kỷ có chữa khỏi được không?
Không có phương pháp chữa trị cho ASD, các phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho đến bây giờ là các can thiệp sớm về hành vi và chuyên sâu. Bệnh tự kỷ có thể thuyên giảm nếu được quan tâm, chăm sóc, điều trị đúng cách. Tất cả các phương pháp điều trị đều giúp người bệnh cải thiện các hoạt động xã hội, học tập và chất lượng cuộc sống cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.
6.2. Điều trị bằng các liệu pháp
Điều trị bằng liệu pháp là cách điều trị tự kỷ được bác sĩ khuyến cáo sử dụng vì chúng có thể làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh, phù hợp với cả trẻ nhỏ lẫn người lớn.
- Phân tích hành vi ứng dụng (ABA) là một trong những phương pháp được sử dụng rộng rãi bao gồm: Đào tạo thử nghiệm rời rạc, can thiệp hành vi sớm chuyên sâu, đào tạo phản hồi tổng thể, can thiệp hành vi bằng lời nói, hỗ trợ hành vi tích cực.
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CTB) là liệu pháp trò chuyện có thể điều trị chứng tự kỷ cho cả trẻ em lẫn người lớn.
- Đào tạo kỹ năng xã hội (STT) là một cách để mọi người, đặc biệt là trẻ em phát triển các kỹ năng xã hội.
- Liệu pháp tích hợp cảm giác (SIT).
- Liệu pháp nghề nghiệp (OT) là một lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tập trung vào việc dạy trẻ em và người lớn các kỹ năng cơ bản mà họ cần trong cuộc sống hàng ngày.
- Liệu pháp ngôn ngữ là liệu pháp dạy các kỹ năng bằng lời nói có thể giúp người tự kỷ giao tiếp tốt hơn.
6.3. Điều trị bằng thuốc
Không có bất kỳ loại thuốc nào được thiết kế để đặc biệt điều trị cho chứng tự kỷ. Tuy nhiên, có một số loại thuốc được sử dụng để điều trị các tình trạng khác có thể xảy ra với chứng tự kỷ hoặc làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Các loại thuốc được các bác sĩ kê cho bệnh nhân tự kỷ để giúp kiểm soát thường gặp như:
- Thuốc chống loạn thần: Risperidone (Risperdal) và apripiprazole (Abilify),...
- Thuốc chống trầm cảm
- Chất kích thần: Các chất kích thích, chẳng hạn như methylphenidate (Ritalin).
- Thuốc chống co giật: Một số người bị tự kỷ có thể mắc chứng động kinh, vì vậy thuốc chống động kinh được sử dụng trong trường hợp này.
6.4. Liệu pháp thay thế
Ngoài việc sử dụng các liệu pháp và thuốc để điều trị bệnh, còn một số phương pháp điều trị thay thế được sử dụng tuy không được sử dụng thường xuyên và mang lại những kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp chúng vẫn được sử dụng như:
- Liệu pháp thải sắt và các kim loại ra khỏi cơ thể
- Vitamin liều cao
- Điều trị oxy bằng khí áp hyperbaric
- Phương pháp tế bào gốc
- Melatonin
- Chế độ ăn không có gluten, casein
- ...
Trong quá trình sử dụng các phương pháp điều trị thay thế, nếu bệnh nhân có bắt kỳ cảm giác không thoải mái, thì nên nói với bác sĩ điều trị để có cách điều chỉnh và tìm kiếm phương pháp điều trị phù hợp hơn.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân nên tuân thủ các yêu cầu của bác sĩ và chuyên gia, không được tự ý dùng thuốc hay dừng các liệu trình điều trị mà không hỏi qua ý kiến của bác sĩ.
Không chỉ vậy hiện nay, nhiều bác sĩ cũng khuyến cáo người nhà có thể cho bệnh nhân kết hợp điều trị giữa Tây y và các phương pháp Đông y như: Bấm huyệt, châm cứu, cấy chỉ,...
Bên cạnh đó, sự quan tâm, chăm sóc của người thân cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công của việc điều trị cho bệnh nhân. Người nhà nên hiểu về bệnh để có những quyết định và cách chăm sóc bệnh nhân đúng cách. Kết hợp với bác sĩ, tạo môi trường điều trị thuận lợi cho bệnh nhân.
7. Khám và chữa bệnh tự kỷ ở đâu tốt nhất
Bạn có thể tham khảo một số địa chỉ khám và điều trị bệnh tự kỷ sau:
Tại Hà Nội:
- Trung tâm điều trị Tâm bệnh và Tự kỷ - Bệnh viện Đa khoa Vinmec Times City. Địa chỉ: Số 458 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Trung tâm Giáo dục hòa nhập và Phục hồi chức năng Vinahealth. Địa chỉ: Số 29 ngõ 40 Tô Vĩnh Diện, Thanh Xuân, Hà Nội
- Khoa Tâm bệnh - Bệnh viện Nhi Trung ương. Địa chỉ: Số 18/879 La Thành, Đống Đa, Hà Nội
- Phòng khám Việt An - Ngôn ngữ Trị liệu cho Trẻ tự kỷ, chậm nói và ngọng. Địa chỉ: Số 19 Trương Hán Siêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học Tâm lý - Giáo dục. Địa chỉ: Số 3 ngách 5 ngõ 259 phố Vọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tại Thành phố Hồ Chí Minh:
- Bệnh viện Nhi đồng 1. Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
- Bệnh viện Nhi đồng 2. Địa chỉ: 14 Lý Tự Trọng, P. Bến Nghé, Q. 1, TP. Hồ Chí Minh
- Phòng khám Tâm Gia An. Địa chỉ: 122B Trần Đình Xu, P. Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP. Hồ Chí Minh
Trên đây là những thông tin về căn bệnh tự kỷ, hy vọng qua bài viết trên đã cung cấp thêm cho các bạn những thông tin hữu ích về căn bệnh này. Hãy chia sẻ bài viết này cho mọi người xung quanh bạn cùng tìm hiểu nhé. Chúc bạn một ngày tốt lành.