Rối loạn nhân cách là bệnh lý tâm thần thường gặp với nhiều dạng bệnh khác nhau. Vậy để trả lời được các câu hỏi rối loạn nhân cách là gì? Phân loại các bệnh rối loạn nhân cách?... và tìm hiểu thêm về các vấn đề khác liên quan đến căn bệnh này mời các bạn tham khảo ngay bài viết dưới đây cùng chúng tôi.
1. Bệnh rối loạn nhân cách là gì?
Để hiểu hiểu hơn về căn bệnh này đầu tiên hãy tìm hiểu về khái niệm và cách phân loại của căn bệnh này.
1.1. Khái niệm bệnh rối loạn nhân cách
Rối loạn nhân cách (Personality disorder) là một loại rối loạn tâm thần được đặc trưng bởi việc các kiểu suy nghĩ, cảm giác, hành vi khác hoàn toàn với người thường.
Những người bị rối loạn nhân cách thường gặp khó khăn trong việc hòa đồng với người khác và giải quyết các vấn đề hằng ngày theo cách thông thường. Loại rối loạn này thường có xu hướng phát triển ở lứa tuổi thanh thiếu niên hoặc ở độ tuổi bắt đầu trưởng thành, các triệu chứng của bệnh cũng phụ thuộc vào loại rối loạn nhân cách cụ thể mà người bệnh gặp phải.
Theo nhiều báo cáo, tỷ lệ rối loạn nhân cách ở các nước trên thế giới vào khoảng 2,3% tổng dân số và theo điều tra của Ngành Tâm thần học, tỉ lệ này ở nước ta là khoảng 0,2 - 0,5% dân số.
1.2. Các loại rối loạn nhân cách?
Có rất nhiều loại rối loạn nhân cách khác nhau, chúng được phân thành 3 nhóm khác nhau dựa trên các đặc điểm và triệu chứng của bệnh.
Nhóm A: Nhóm này được đặc trưng bởi suy nghĩ hoặc các hành vi kỳ quặc, lập di. Chúng bao gồm các loại sau:
- Rối loạn nhân cách hoang tưởng: Những người mắc chứng rối loạn này thường rất mất lòng tin vào người khác và nghi ngờ các hành động hành vi của họ. Những người này thường có xu hướng giữ hận thù.
- Rối loạn nhân cách phân liệt: Những người mắc chứng rối loạn này thường ít quan tâm đến việc hình thành các mối quan hệ cá nhân hay tham gia vào các hoạt động xã hội và họ thường có vẻ lạnh lùng về mặt cảm xúc.
- Rối loạn nhân cách gần phân liệt: Những người mắc hội chứng này thường rất khó chịu trong các mối quan hệ thân thiết. Họ thường có những suy nghĩ méo mó và hành vi lập dị. Họ thường có những niềm tin kỳ quặc, hành vi hay lời lời nói kỳ lạ hoặc có thể bị lo âu xã hội quá mức.
Nhóm B (cảm xúc và bốc đồng):
- Rối loạn nhân cách chống đối xã hội: Những người bị rối loạn nhân cách này có xu hướng thao túng hoặc đối xử thô bạo với người khác mà không có sự hối hận về các hành động đó. Họ có thể có các hành vi như nói dối, ăn cắp hoặc lạm dụng rượu hoặc ma túy.
- Rối loạn nhân cách ranh giới: Những người mắc loại rối loạn này thường có cảm giác trống rỗng và bị bỏ rơi. Họ có thể mắc các chứng hoang tưởng và có xu hướng tham gia vào các hành vi mạo hiểm và nguy hiểm.
- Rối loạn nhân cách lịch sử: Rối loạn này sẽ khiến người bệnh có xu hướng cố gắng thu hút sự chú ý của người khác bằng các cách quá kịch tính hoặc bằng cách khiêu khích tình dục. Những người này rất dễ bị ảnh hưởng bởi người khác và cực kỳ nhạy cảm với những lời chỉ trích hoặc phản đối.
- Rối loạn nhân cách tự ái: Những người mắc chứng rối loạn này họ thường tin rằng họ quan trọng hơn những người khác và họ thường có xu hướng phóng đại thành tích của bản thân và khoe khoang về bản thân.
Nhóm C (lo lắng):
- Rối loạn nhân cách né tránh: Những người mắc chứng rối loạn này thường đã từng trải qua các cảm giác tồi tệ, tự ti hay mất niềm tin. Họ thường đặt sự chú ý của mình đến những lời nói tiêu cực, lời chỉ trích từ người khác và không tham gia vào các hoạt động xã hội.
- Rối loạn nhân cách phụ thuộc: Khi mắc chứng rối loạn này người bệnh thường phụ thuộc nhiều vào người khác để có thể đáp ứng được các nhu cầu về mặt tình cảm, thể chất của họ. Họ luôn cần được trấn an khi đưa ra các quyết định và không thích ở một mình.
- Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế: Những người bị chứng rối loạn này thường có nhu cầu trật tự cao. Họ luôn tuân thủ mạnh mẽ các quy tắc và quy định. Họ cảm thấy khó chịu khi không đạt được sự hoàn hảo như mong muốn và thậm chí bỏ qua mọi thứ chỉ để tập trung hoàn thiện một cái gì đó.
2. Dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách
Tùy thuộc vào từng nhóm bệnh mà người bệnh mắc phải mà họ có những biểu hiện, triệu chứng bệnh khác nhau. Các triệu chứng thường gặp của bệnh là:
- Bị choáng ngợp bởi các cảm xúc tiêu cực như đau khổ, giận dữ, lo âu,...
- Luôn tránh né những người xung quanh ngay cả người thân của mình, cảm thấy trống rỗng và không còn kết nối về mặt cảm xúc với mọi người.
- Rất khó để quản lý được cảm xúc và tâm trạng tiêu cực của bản thân. Có thể thực hiện các hành động tự gây hại cho bản thân và người khác nhưng không quá nguy hiểm
- Luôn có những hành vi, hành động kỳ lạ, khó hiểu.
- Khó để có thể duy trì được mối quan hệ ổn định đặc biệt là trong công việc, với mọi người xung quanh,...
- Tự cô lập bản thân mà mất liên lạc với thế giới bên ngoài.
Bên cạnh các triệu chứng trên, một số người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như:
- Những người mắc chứng rối loạn nhân cách thuộc nhóm A có xu hướng gặp khó khăn trong việc kết nối với người khác và biểu hiện các hành động mà người khác coi đó là kỳ lạ, lập dị.
- Những người mắc chứng rối loạn thuộc nhóm B thì luôn nỗ lực để tạo ra mối quan hệ với người khác, họ luôn có những hành vi được cho là mang tính chất kịch tính, thất thường, đe dọa hay các hành vi đáng lo ngại.
- Những người mắc chứng rối loạn thuộc nhóm C thì luôn sợ hãi với các mối quan hệ của bản thân và luôn có những hành vi lo lắng, sợ hãi khi có người lạ và một số người không muốn tiếp xúc và miễn cưỡng tham gia các hoạt động xã hội.
3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh
Cho đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh chính xác cho chứng bệnh này. Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ có thể gây bệnh đã được nhiều nghiên cứu khoa học đưa ra.
Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh thay đổi tùy thuộc vào chứng rối loạn, cá nhân người bệnh và hoàn cảnh sống.
Nhìn chung, các phát hiện đều cho thấy chúng đều có liên quan đến vấn đề di truyền và môi trường sinh sống chẳng hạn như các chấn thương, lạm dụng,... đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển của bệnh rối loạn nhân cách.
3.1. Tiền sử bị lạm dụng
Lạm dung hay sự không quan tâm ở trẻ em là những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến sự phát triển của bệnh rối loạn nhân cách ở tuổi trưởng thành.
Một nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng, những đứa trẻ có tiền sử bị lạm dụng hay ngược đãi, không nhận được sự quan tâm, chăm sóc đúng cách từ phụ huynh có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần so với những đứa trẻ khác khi bước vào tuổi trưởng thành.
Các loại rối loạn mà những đứa trẻ có thể mắc như rối loạn nhân cách ranh giới, ái kỷ, ám cảnh cưỡng chế hoặc mắc chứng hoang tưởng.
Đối với những đứa trẻ từng bị lạm dụng tình dục thường có các hành vi chống đối xã hội và bốc đồng và tạo ra bệnh lý thời thơ ấu cho trẻ từ đó rất dễ phát triển thành các chứng rối loạn nhân cách khi trưởng thành.
3.2. Tình trạng kinh tế xã hội
Tình trạng kinh tế xã hội cũng được xem là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây nên các rối loạn nhân cách. Một nghiên cứu tại Đức năm 2015 đã chỉ ra được mối quan hệ giữa tình trạng kinh tế có liên quan đến khả năng mắc bệnh rối loạn nhân cách.
Người ta thấy rằng những đứa trẻ có bố mẹ có nền tảng kinh tế tốt hơn thường có lòng vị tha hơn, chỉ số thông minh thường cao hơn, ít gặp phải các rủi ro hơn trong cuộc sống hơn. Những đặc điểm này tương quan với nguy cơ thấp phát triển các rối loạn nhân cách trong tương lai hơn.
3.3. Cách thức nuôi dạy con cái
Nhiều bằng chứng đã chỉ ra rằng, rối loạn nhân cách có thể bắt đầu từ các vấn đề nhân cách của cha mẹ. Việc nuôi dạy con cái kém cũng đã được xem là một trong những tác động làm tăng nguy cơ mắc các loại rối loạn nhân cách ở trẻ.
Bên cạnh đó, nuôi dạy không đúng cách có thể làm trẻ dễ có những suy nghĩ và hành động lệch lạc so với các chuẩn mực xã hội, tham gia vào các hoạt động không lành mạnh như:
- Sử dụng ma túy, rượu, các chất kích thích
- Xảy ra các vấn đề với gia đình
- Đam mê cờ bạc và gặp các vấn đề về tiền bạc
3.4. Di truyền học
Hiện nay, nghiên cứu về di truyền học vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu để chứng minh mối liên quan của nó với căn bệnh này.
Theo nhiều nghiên cứu trước đó cho rằng, những người có các thành viên trong gia đình chẳng hạn như bố, mẹ, anh, chị, em mắc một trong các chứng rối loạn này có nguy cơ mắc rối loạn nhân cách cao hơn những người khác.
3.5. Các yếu tố nguy cơ khác
Bên cạnh các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ đã kể trên, tùy thuộc vào môi trường sống khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, các sự kiện cuộc đời khác nhau mà tồn tại các nguyên nhân gây bệnh khác nhau.
Có những người mắc bệnh có thể là do mất đi một vật, người thân mà có thể hình thành nên bệnh. Cũng có những người do trải qua các tình huống nguy hiểm hay đáng kinh ngạc khác tạo thành ám ảnh tâm lý, lâu dần hình thành nên bệnh.
Vì thế, nguyên nhân gây bệnh rối loạn nhân cách là rất đa dạng, chúng ta không thể lường trước hết được các yếu tố nguy cơ kèm theo vì thế chỉ có thể tích cực phòng tránh thủ công để giảm thiểu khả năng mắc bệnh của một người.
4. Phòng tránh bệnh rối loạn nhân cách
Vì nguyên nhân gây bệnh không được xác định chính xác là gì khiến cho việc phòng ngừa bệnh gặp rất nhiều khó khăn và thử thách.
Mỗi người bệnh có một nguyên nhân chính gây bệnh và các yếu tố nguy cơ kèm theo khác nhau. Do đó, để ngăn ngừa và giảm thiểu khả năng mắc bệnh của mỗi người, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi trưởng thành chúng ta cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ có thể gây bệnh khi trẻ còn nhỏ như:
- Luôn quan tâm và chăm sóc trẻ chu đáo, không để trẻ bị thiếu tình thương và cảm thấy bị bỏ rơi
- Không quá nghiêm khắc với trẻ, tạo môi trường sống tốt nhất có thể cho trẻ và tránh lạm dụng trẻ em
- Không bắt ép trẻ làm những điều mà trẻ không muốn để tránh trẻ trở nên chống đối và không nghe lời
- Bố mẹ khi không có điều kiện kinh tế không nên sinh quá nhiều, tập trung chăm sóc tốt đứa trẻ của mình.
- Thường xuyên quan tâm, hỏi han trẻ đặc biệt ở những trẻ đang bước vào tuổi dậy thì để có thể đưa ra những lời khuyên cho trẻ với các vấn đề mà trẻ đang gặp phải mà chưa tìm được cách giải quyết.
- ...
5. Tác hại của bệnh rối loạn nhân cách
Rối loạn nhân cách có thể làm gián đoạn, rối loạn đáng kể cuộc sống của người bệnh và những người xung quanh. Căn bệnh này có thể gây ra các vấn đề với các mới quan hệ, làm các mối quan hệ mà người bệnh đang có trở nên tệ đi và họ bị mất dần các mối quan hệ này.
Không chỉ vậy, với những người trưởng thành nó còn đem đến nhiều ảnh hưởng đến công việc hiện tại, làm người bệnh không còn khả năng hoặc khó có thể tiếp tục công việc và hoàn thành được nó.
Đối với học sinh, sinh viên nó làm gián đoạn, ảnh hưởng đến quá trình học tập, tiếp thu và tích lũy kiến thức, không chỉ là kiến thức ở trường mà còn có các kiến thức ngoài xã hội khác.
Từ những điều trên, căn bệnh này có thể khiến người bệnh cô lập với xã hội, không thích tiếp xúc quá nhiều với bên ngoài, người lạ và không thích giao tiếp ngay cả với người thân của mình.
Nó khiến người bệnh dần hình thành các suy nghĩ, hành động lập dị, biết cách sử dụng và dần lạm dụng rượu, ma túy hay các chất kích thích khác để làm giảm được các triệu chứng của bản thân.
Hơn nữa, khi đã mắc chứng rối loạn nhân cách thì người bệnh có thể mắc kèm nhiều chứng bệnh tâm thần và các bệnh sức khỏe khác như trầm cảm, hoang tưởng,...
6. Khám bệnh rối loạn nhân cách
Nếu bạn nghi ngờ bản thân hay người thân xung quanh mình mắc chứng rối loạn tâm thần này thì nên đi khám để có được các chẩn đoán chính xác.
Vì không có nguyên nhân chính xác gây bệnh, do đó, trong quá trình khám và chẩn đoán bệnh, các bác sĩ, chuyên gia có thể thăm khám bằng nhiều hình thức khác nhau như:
Khám sức khỏe tổng quát
- Bác sĩ có thể yêu cầu và đặt ra các câu hỏi chuyên sâu về vấn đề sức khỏe của bạn. Trong một số trường hợp, các triệu chứng mà bạn hay người thân của bạn đang gặp phải có thể liên quan đến một vấn đề tiềm ẩn khác chứ không phải là rối loạn nhân cách.
- Có nhiều căn bệnh và chứng rối loạn tâm thần khác có triệu chứng tương tự rối loạn nhân cách, vì thế cần làm các chẩn đoán phân biệt để sàng lọc và chắc chắn rằng bạn không mắc chứng bệnh khác không phải là rối loạn nhân cách.
Đánh giá tâm thần
- Khi đã đánh giá sàng lọc các bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá tâm thần của người bệnh để xác định chứng rối loạn nhân cách mà người bệnh mắc phải.
- Đánh giá tâm thần thường là một cuộc trò chuyện giữa bác sĩ và người bệnh, thảo luận về suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của người bệnh và có thể bao gồm cả bảng câu hỏi để giúp quá trình chẩn đoán bệnh được chính xác hơn.
- Một vài trường hợp, các bác sĩ có thể đưa ra các câu hỏi dành cho người thân bệnh nhân để biết chính xác hơn tình trạng của bệnh nhân, tăng tính chính xác và thu thập thêm các thông tin khác của người bệnh.
Tiêu chí chẩn đoán của DSM - 5
- Tiêu chí chẩn đoán của DSM - 5 là so sánh các triệu chứng mà người bệnh gặp phải với các tiêu chí có trong sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần (DSM - 5), được xuất bản bởi Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ.
7. Các phương pháp điều trị bệnh rối loạn nhân cách
Rối loạn nhân cách là một căn bệnh phức tạp, do đó việc điều trị cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của chứng rối loạn nhân cách mà người bệnh gặp phải mà các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Tuy nhiên, có các phương pháp điều trị bệnh chính như sau:
7.1. Bệnh rối loạn nhân cách có chữa khỏi được không?
Rối loạn nhân cách là tình trạng tâm thần phức tạp và cho đến hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nào. Tất cả các phương pháp điều trị chỉ có thể làm giảm các triệu chứng và mức độ bệnh, giúp người bệnh có thể trở về cuộc sống bình thường một cách tốt nhất có thể mà không chữa khỏi hoàn toàn.
Với những người mắc bệnh ở mức độ nhẹ thì khả năng quay trở lại cuộc sống bình thường càng cao khi có phương pháp điều trị phù hợp, còn đối với những người mắc bệnh nặng thì điều trị chỉ giúp người bệnh kiểm soát tình trạng bệnh và không làm nó trở nên nghiêm trọng hơn nữa.
7.2. Tâm lý trị liệu bệnh rối loạn nhân cách
Liệu pháp tâm lý hay liệu pháp trò chuyện là một trong những phương pháp có thể giúp người bệnh kiểm soát được các triệu chứng của bệnh. Trong quá trình điều trị theo phương pháp tâm lý, người bệnh và các nhà trị liệu có thể thảo luận về tình trạng của bản thân cũng như các suy nghĩ, cảm xúc của bạn.
Phương pháp điều trị này có thể cung cấp cho người bệnh có cái nhìn tốt hơn về bệnh, tìm ra được các phương pháp để có thể kiểm soát được các triệu chứng và hành vi ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của họ.
Có nhiều phương pháp trị liệu tâm lý khác nhau, trong đó liệu pháp nhận thức hành vi được xem là phương pháp hiệu quả và thường xuyên sử dụng. Nó giúp người bệnh thay đổi lối suy nghĩ tiêu cực của bản thân, để họ có thể tìm được cách đối phó với những vấn đề sẽ gặp phải hằng ngày.
Ngoài liệu pháp nhận thức hành vi, các bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp tâm lý khác để làm tăng hiệu quả điều trị như: Liệu pháp hành vi biện chứng,liệu pháp phân tâm học, trị liệu nhóm hay giáo dục tâm lý,...
7.3. Điều trị bằng thuốc
Cho đến nay, chưa có bất kỳ loại thuốc nào được chấp nhận là có khả năng điều trị bệnh rối loạn nhân cách. Tuy nhiên, vấn có một số loại các thuốc được sử dụng kê đơn và có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng của bệnh như:
- Thuốc chống trầm cảm có thể giúp cải thiện tâm trạng chán nản, tức giận hay sự bốc đồng của người bệnh.
- Thuốc chống loạn thần có lợi cho những người thường.
- Thuốc chống lo âu giúp giảm tình trạng lo âu, giảm sự lo lắng, kích động và mất ngủ.
7.4. Một số lưu ý trong quá trình điều trị
Trong quá trình trị thì việc chăm sóc sức khỏe và tìm cách đối phó với các triệu chứng cũng là một trong những phương pháp giúp việc điều trị diễn ra tốt hơn và đạt được kết quả tốt hơn.
- Tìm hiểm về tình trạng bệnh: Các kiến thức về bệnh có thể giúp cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân dễ chấp nhận và biết cách tiếp nhận nó, hỗ trợ người bệnh điều trị và không cảm thấy khó khăn trong việc tiếp nhận.
- Người bệnh nên tích cực tham gia các hoạt động thể chất như tập thể dục hay các môn thể thao mà bản thân yêu thích. Việc tham gia các hoạt động thể chất có thể giúp người bệnh làm giảm các triệu chứng của bản thân chẳng hạn như trầm cảm, căng thẳng hay lo lắng,...
- Tránh sử dụng rượu, bia, ma túy, thuốc lá hay các chất kích thích khác vì các sản phẩm có chứa các chất kích thích sẽ làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng của người bệnh hoặc gây tương tác với các thuốc điều trị mà người bệnh đang sử dụng.
- Không tự ý bỏ các buổi thăm khám của bác sĩ và các buổi điều trị mà bác sĩ yêu cầu.
- Viết nhật ký để bày tỏ cảm xúc của bản thân và tham gia các nhóm hỗ trợ những người bị rối loạn nhân cách khác để chia sẻ kinh nghiệm của bản thân và cũng thông qua đó học hỏi, tham khảo được các kinh nghiệm điều trị của người bệnh khác.
- Tham gia các lớp học thiền định và yoga để học cách quản lý cảm xúc, tâm trạng được tốt hơn.
- Cố gắng giữ mối liên kết với gia đình, bạn bè, không tự cô lập bản thân.
Không chỉ bản thân người bệnh mà người nhà bệnh nhân cũng là một yếu tố quan trọng trong việc điều trị bệnh. Người nhà bệnh nhân cần quan tâm và phối hợp để việc điều trị được tốt hơn.
8. Khám bệnh và điều trị rối loạn nhân cách ở đâu?
Khi bạn phát hiện bản thân và người nhà có những dấu hiệu của bệnh, để nhận được các chẩn đoán và phương pháp điều trị chính xác sau khi chẩn đoán bạn có thể đến thăm khám ở một số địa chỉ sau:
Tại Hà Nội
Bạn đang ở Hà Nội hay sinh sống, làm việc ở các khu vực lân cận thì có thể đến một trong các địa chỉ sau để thăm khám và nhận chẩn đoán về tình trạng của bản thân như:
- Viện sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai: Số 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội.
- Khoa Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Lão khoa Trung ương: Số 1A Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.
- Bệnh viện Tâm thần Trung ương I: Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội.
- Phòng khám và điều trị Stress - TS.BS Trần Thị Hà An: Ngõ 120 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội.
- Phòng khám Tâm thần KaZuO: Ô số 13+14, Trung Yên 6, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh
Bạn đang ở Sài Gòn hay sinh sống, làm việc ở các khu vực lân cận thì có thể đến một trong các địa chỉ sau để thăm khám và nhận chẩn đoán về tình trạng của bản thân như:
- Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh: Đường Võ Thường Kiệt, Phường 1, Quận 5, TP.HCM.
- Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh: 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP.HCM.
- Khoa Nội thần kinh tổng quát - Bệnh viện Nhân Dân 115: 527 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, TP.HCM.
- Khoa Thần kinh - Bệnh viện Chợ Rẫy: 201B Nguyễn Chí Thanh - Phường 12 - Quận 5 - TP.HCM.
Rối loạn nhân cách là căn bệnh nguy hiểm và phức tạp, ai trong chúng ta cũng có nguy cơ mắc chứng bệnh này, vì thế chúng ta cần hết sức cẩn trọng và chú ý.
Bài viết trên đã nêu ra các thông tin liên quan đến bệnh rối loạn nhân cách, hy vọng nó đã giúp bạn đọc có thêm những thông hữu ích về căn bệnh này. Nếu thấy bài viết hay thì hãy chia sẻ nó cho mọi người xung quanh bạn cùng tìm hiểu nhé.