Bệnh rối loạn nhân cách tránh né

Bệnh rối loạn nhân cách tránh né là một dạng bệnh tâm thần phức tạp và khó kiểm soát. Tuy nhiên, bản chất thực sự của căn bệnh này là gì, cũng như các nguyên nhân, cách điều trị bệnh như thế nào? Bài viết mời bạn đọc tham khảo các thông tin sau đây. 

Mục lục [ Ẩn ]
Rối loạn nhân cách tránh né
Rối loạn nhân cách tránh né

1. Bệnh rối loạn nhân cách tránh né là gì?

Rối loạn nhân cách tránh né (tên Tiếng Anh là: Avoidant personality disorder - AVPD hoặc Anxious personality disorder) là một bệnh rối loạn nhân cách với các trạng thái không bình thường ở nhân cách người. 

Người mắc bệnh có đặc điểm là có sự ức chế về mặt xã hội, tự xem nhẹ, đánh giá bản thân ở mức độ thấp kém và rất nhạy cảm với những lời phán xét không thuận lợi của người xung quanh với bản thân mình. 

Bệnh rối loạn nhân cách tránh né được coi là một dạng của ám ảnh sợ hãi xã hội. Người mắc bệnh thường có rất ít các mối quan hệ trong cuộc sống, thông thường họ chỉ có một hoặc một số ít bạn thân thiết đồng thời họ cũng ít khi tham gia vào hoạt động tập thể chung.

Bệnh rối loạn nhân cách tránh né gây ra những cảm giác không phù hợp cho người bệnh và khiến họ có những hành vi tránh né, ngại ngùng, không biết cách cư xử khi tiếp xúc với người khác. Đặc biệt là luôn cảm thấy thấp kém khi bị nhận xét, chỉ trích, phê bình hoặc thậm chí chỉ là một lời từ chối rất nhỏ. 

Theo thống kê của hội tâm thần học Hoa Kỳ, rối loạn nhân cách né tránh có ảnh hưởng tới 2 đến 3% dân số nước này, trong đó ở người trưởng thành là 2.1 đến 2.6%. Trong số bệnh nhân điều trị bệnh tâm thần thì có đến 10% có mắc chứng bệnh rối loạn này. Và tỉ lệ người bệnh ở nam giới và nữ giới không có sự chênh lệch đáng kể. 

2. Dấu hiệu bệnh rối loạn nhân cách tránh né

Người mắc bệnh rối loạn nhân cách tránh né sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp và liên hệ với mọi người trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, bệnh có ảnh hưởng khá nhiều tới công việc, các mối quan hệ, và chất lượng cuộc sống của người mang bệnh. 

Sau đây là một vài dấu hiệu đặc trưng thường xuất hiện ở bệnh nhân mắc rối loạn nhân cách tránh né:

  • Người bệnh luôn tự ti và phủ nhận rằng người khác có thiện cảm với bản thân họ. Bệnh nhân luôn có những suy nghĩ tiêu cực và bi quan về mọi việc hay mọi mối quan hệ. 
  • Với người mắc rối loạn nhân cách tránh né, tất cả những lời nhận xét, đánh giá hay phê bình đều là hành vi đả kích và trách phạt họ dù thực tế không phải tất cả đều có ý nghĩa như thế.
  • Trong các tình xuống phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, bệnh nhân rất ít khi thể hiện quan điểm và suy nghĩ của mình. Nguyên nhân bởi vì họ tự ti và luôn sợ nói sai và bị đánh giá, nhận xét của người khác. Từ đó, hình thành nên tính cách rụt rè, khó hòa đồng, cởi mở ở bệnh nhân rối loạn nhân cách tránh né. 
Người bệnh luôn phủ nhận rằng người khác có thiện cảm với mình
Người bệnh luôn phủ nhận rằng người khác có thiện cảm với mình
  • Bệnh nhân có xu hướng lo âu hơn người bình thường. Bản thân họ luôn có những mối lo sợ thường trực dù không hề có sự việc, hiện tượng nào xảy ra cả. 
  • Bệnh nhân luôn luôn có xu hướng gồng mình, tránh né và càng ngày càng khiến cho tình trạng tâm lý trở lên bất ổn định hơn. 
  • Người bệnh luôn mặc cảm và suy nghĩ những ý kiến, lời nhận xét của người xung nên luôn có cảm giác không phù hợp với mọi môi trường. Bệnh nhân đều là những người vô cùng nhạy cảm nên tất cả những lời trêu đùa đều là ác ý với họ. 
  • Bệnh nhân mắc rối loạn này đều mang trong mình những nỗi sợ vô hình về sự sụp đổ của các mối quan hệ. Họ không thể bắt đầu cởi mở để có một mối quan hệ mới và dễ dàng bị mất đi các mối quan hệ hiện có. Sau đó thì họ suy sụp và cảm thấy bị bỏ rơi, càng ngày càng xa lánh xung quanh. 

3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh

Nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn nhân cách tránh né chưa được nhận biết và xác định cụ thể, rõ ràng. Các nhà nghiên cứu tâm thần học cho rằng, bệnh có thể do một trong hai nhân tố di truyền và môi trường sống gây ra. 

Biểu hiện của sự nhút nhát thường xuất hiện ở giai đoạn trẻ trưởng thành là một điều khá phổ biến từ trước đến nay. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nhút nhát, ít nói nào cũng sẽ mắc chứng rối loạn nhân cách tránh né khi chúng trưởng thành.

Bên cạnh đó, khi bệnh nhân đã mắc bệnh rối loạn ám ảnh nhân cách tránh né thì các dấu hiệu nhút nhát, tránh né sẽ có xu hướng tăng lên khi người bệnh càng già đi.

Mặc dù tỷ lệ người được chẩn đoán mắc bệnh rối loạn nhân cách tránh né không quá cao như các bệnh rối loạn tâm thần khác, nhưng trên thực tế vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây nên bệnh. 

Đồng thời cũng chưa có các nghiên cứu chính xác chứng minh các yếu tố khác có liên quan và trở thành nguy cơ gây ra bệnh này. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể được coi có ảnh hưởng và gây nên bệnh rối loạn nhân cách tránh né là:

  • Từng bị phê phán, bị chỉ trích, nhận xét nặng nề trước một tập thể về việc họ đã cố gắng hoàn thành.
  • Bị lừa dối, lừa gạt, bị lợi dụng về tình cảm, vật chất trong quá khứ.
  • Có sự ám ảnh, ghen tị về những người xung quanh dẫn đến thái độ, tâm lý tự ti về bản thân.
  • ...
Nguyên nhân gây ra bệnh chưa được nhận biết chính xác
Nguyên nhân gây ra bệnh chưa được nhận biết chính xác

4. Phòng tránh bệnh rối loạn nhân cách tránh né

Rối loạn nhân cách tránh né là một dạng bệnh lý tâm thần khá phức tạp và chưa thể tìm ra nguyên nhân cụ thể dẫn tới bệnh này. Chính vì vậy, việc tìm các biện pháp để phòng tránh hay hạn chế bệnh cũng là một vấn đề khó khăn. 

Tuy nhiên, các nhà tâm lý học chỉ ra rằng, vẫn có một số biện pháp chung có thể được sử dụng nhằm giảm thiểu khả năng mắc bệnh của một người đặc biệt đó là phòng ngừa các yếu tố nguy cơ gây bệnh. 

Phòng ngừa các yếu tố nguy cơ gây bệnh là phương pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất cho tới bây giờ, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ sẽ giảm các tác động tiêu cực từ bên ngoài đến mỗi người, hạn chế sự sợ hãi và ám ảnh với chính bản thân mình từ xã hội, từ đó luôn có cái nhìn tốt đẹp về xã hội, hạn chế sự hình thành bệnh.

5. Tác hại của bệnh rối loạn nhân cách tránh né

Theo các kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tâm thần học, bệnh rối loạn nhân cách tránh né không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh mà còn có thể trở thành nguy cơ khiến cho bệnh nhân mắc thêm các chứng rối loạn tâm thần khác. 

Một số chứng bệnh có thể mắc đồng thời với rối loạn nhân cách tránh né:

Rối loạn nhân cách phụ thuộc

  • Khi mắc chứng bệnh này, bệnh nhân có xu hướng và biểu hiện quá mức phụ thuộc đến một hoặc một số người khác trong cuộc sống. Điều này có thể khiến cho cả bệnh nhân và đối tượng bị lệ thuộc cảm thấy không được thoải mái và dần dần mất đi khả năng giải quyết trong cuộc sống.

Rối loạn nhân cách ám ảnh xã hội

  • Đây là căn bệnh trong đó bệnh nhân thường xuyên bị lo lắng và duy trì các trạng thái lo âu, ám ảnh trong mọi tình huống, sự kiện, sự việc, hiện tượng trong cuộc sống. 

Rối loạn nhân cách ranh giới

  • Là tình trạng mà người bệnh gặp nhiều khó khăn trong các khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Trong đó, các mối quan hệ của họ trong xã hội, các hành vi, tâm trạng và sự ám ảnh giữ gìn về hình ảnh của bản thân khiến họ có những rối loạn xác định trong tâm lý.
Người bệnh có thể mắc kèm nhiều bệnh tâm thần khác

Đối với từng trường hợp cụ thể khác nhau mà bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để đưa ra các phác đồ và có biện pháp điều trị khác nhau.

Ngoài ra, một số triệu chứng của bệnh rối loạn nhân cách tránh né có thể gây ra nhầm lẫn với các bệnh lý tâm thần khác. Do vậy, cần phải có thời gian để các nhà tâm lý, tâm thần học phân tích và đưa ra chẩn đoán rõ ràng và chính xác nhất.

Bệnh rối loạn nhân cách tránh né không có khả năng làm thay đổi tính cách vốn có sẵn trong mỗi cá thể người mắc bệnh. Vì vậy, nếu sự lo sợ đám đông, sự rụt rè nhút nhát của bạn tăng lên theo thời gian thì bài viết khuyên bạn cần đến gặp người có chuyên môn càng sớm càng tốt. 

6. Khám bệnh rối loạn nhân cách tránh né

Để chẩn đoán một người có mắc phải chứng rối loạn nhân cách tránh né hay không, chuyên gia về sức khỏe tâm thần sẽ tiến hành hỏi họ một số câu hỏi đặc biệt. Các bác sĩ cũng hỏi về cuộc sống hiện tại, cũng như các cảm nhận của họ về các tình huống.

Các triệu chứng của bệnh chỉ bộc lộ khi đã trưởng thành. Vì vậy, chỉ chẩn đoán bệnh nhân mắc rối loạn nhân cách tránh né với người từ 18 tuổi trở lên. 

Người mắc chứng rối loạn này tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ khiến họ bị mất dần khả năng hòa nhập với cộng đồng. Nếu bạn nhận thấy  chính bản thân hay người thân gặp phải các triệu chứng của bệnh, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để hiểu rõ hơn về tình trạng mà mình hay người thân đang gặp.

Thông thường, một người được chẩn đoán mắc rối loạn nhân cách dạng tránh né phải có ít nhất bốn trong các biểu hiện sau (theo “Cẩm nang thống kê và chẩn đoán rối loạn tâm thần” của Hiệp hội Tâm thần Mỹ):

  • Có biểu hiện tránh tham gia các hoạt động vui chơi, hội nhóm hoặc tụ tập ở những nơi đông người
  • Không hứng thú, hay lo lắng, cảm giác lạc lõng, tránh né trong các buổi trò chuyện
  • Biểu hiện rõ sự kiềm chế trong các mối quan hệ thân mật vì sợ bị chế giễu
  • Bận tâm, lo âu nhiều đến việc bị phê bình hoặc từ chối trong tất cả tình huống xã hội
  • Luôn cảm thấy bị ức chế trong các tình huống cá nhân, trong các cuộc nói chuyện
  • Lúng túng, miễn cưỡng khi phải tham gia vào các hoạt động với người lạ hoặc thậm chí trong tập thể có nhiều người quen
  • Thường biểu hiện sự nhút nhát, không thoải mái khi gặp người lạ
Chẩn đoán mắc rối loạn né tránh từ 18 tuổi trở lên
Chẩn đoán mắc rối loạn né tránh từ 18 tuổi trở lên

7. Các phương pháp điều trị rối loạn nhân cách tránh né

Rối loạn nhân cách tránh né hiện chưa tìm được nguyên nhân cụ thể dẫn đến bệnh nên các phương pháp điều trị cũng còn đang hạn chế. Hiện nay, cách điều trị tỏ ra có hiệu quả nhất vẫn là điều trị bằng các liệu pháp tâm lý, tác động vào trạng thái tâm thần của người bệnh. 

7.1. Rối loạn nhân cách tránh né có chữa khỏi được không?

Vì chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh rối loạn nhân cách tránh né nên việc điều trị bệnh cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, biện pháp luôn được áp dụng đối với bệnh nhân là các liệu pháp điều trị tâm lý và thực hành các liệu pháp nhận thức hành vi. 

Tuy nhiên, hiệu quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Chính vì vậy, với câu hỏi đặt ra, bài viết chỉ có thể trả lời bạn đọc rằng, bệnh rối loạn nhân cách tránh né có thể chữa được, nhưng hiệu quả điều trị còn chưa thể đảm bảo. 

7.2. Tâm lý trị liệu

Đây được xem là phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với căn bệnh này. Với phương pháp này, các chuyên gia trị liệu sẽ sử dụng liệu pháp tâm lý nhằm giúp bệnh nhân có niềm tin vào bản thân và người khác. Nó cũng nhằm mục đích giúp các hoạt động xã hội của họ được tốt hơn.

Liệu pháp tâm lý thường được thực hiện qua các buổi nói chuyện. Từ đó, người bệnh sẽ dần dần nhận thức được những suy nghĩ vô thức, hiểu được những trải nghiệm trong quá khứ ảnh hưởng đến hành vi hiện tại như thế nào. Từ đó cho phép họ kiểm tra và giải quyết những tổn thương trong quá khứ. 

Sau quá trình trị liệu, phần lớn người bệnh đều sẽ có cái nhìn lành mạnh hơn, khách quan hơn về bản thân và cách người khác nhìn nhận mình. Tâm lý trị liệu thường mang đến kết quả khả quan và hiệu quả kéo dài cho người bệnh.

7.3. Điều trị bằng thuốc

Các tổ chức y tế lớn trên thế giới vẫn chưa phê duyệt bất kỳ loại thuốc đặc trị nào trong việc điều trị chứng rối loạn này. Tuy nhiên, các bác sĩ tâm lý đều thống nhất rằng có thể kê các loại thuốc chống trầm cảm cho bệnh nhân để giảm cảm giác lo lắng hoặc các dấu hiệu của bệnh. 

Nhìn chung, căn bệnh rối loạn nhân cách tránh né này sẽ khiến cho cuộc sống của bệnh nhân trở nên rất khó khăn, khó hòa nhập cộng đồng. Cho nên bệnh nhân cần được áp dụng các phương pháp điều trị rối loạn nhân cách tránh né càng sớm càng tốt, hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm.

Điều trị bệnh cần kết hợp nhiều phương pháp với nhau
Điều trị bệnh cần kết hợp nhiều phương pháp với nhau

7.4. Biện pháp điều trị khác

Phương pháp trị liệu hành vi nhận thức (CBT - Cognitive Behavioral Therapy) cũng là một hình thức trị liệu nói chuyện. Các nhà trị liệu sẽ dùng lời nói để giúp bệnh nhân nhận ra và thay thế những niềm tin, suy nghĩ không lành mạnh của bản thân và cải thiện chúng.

Các chuyên gia cũng sẽ khuyến khích họ kiểm tra suy nghĩ và niềm tin để xem liệu chúng có cơ sở thực tế hay không. Song song với quá trình trị liệu đó, các ý nghĩ lạc quan sẽ được hình thành.

Có nhiều cách tiếp cận khác nhau liên quan đến liệu pháp trị liệu hành vi nhận thức được các chuyên gia sức khỏe tâm thần áp dụng, bao gồm: liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý (REBT), liệu pháp nhận thức, liệu pháp đa kiểu mẫu, liệu pháp hành vi biện chứng.

Rối loạn nhân cách tránh né là một bệnh tâm thần phức tạp nên tại các khoa tâm thần học của các bệnh viện trên toàn quốc đều có những bác sĩ chuyên môn để phụ trách khám, tư vấn và điều trị cho bệnh nhân có nhu cầu. Nếu phát hiện bản thân hay người thân xung quanh mình có các dấu hiệu bệnh thì bạn nên đến các cơ sở uy tín để khám và được chẩn đoán chính xác ngay.

Bệnh rối loạn nhân cách tránh né là bệnh có những đặc điểm cụ thể như các thông tin được đề cập trên đây. Bài viết hy vọng bạn đọc có thể chắt lọc và thu được những điều có ích cho bản thân và gia đình. Chúc bạn sức khỏe.

Xếp hạng: 5 (2 bình chọn)

Bạn có thắc mắc vấn đề gì thì hãy gửi câu hỏi cho chuyên gia nhé!

Bấm gửi câu hỏi

Với kinh nghiệm 4 năm làm việc trong lĩnh vực y tế sức khỏe, Dược sĩ Lê Hạnh chịu trách nhiệm cập nhật thông tin, tin tức về các bệnh và thông tin liên quan liên quan đến rối loạn tâm thần, tâm lý. Đảm bảo đưa tin chính xác, nhanh chóng, kịp thời cũng như giải quyết khó khăn của người bệnh.

Dược sĩ Đại học Lê Hạnh

Gửi thắc mắc đến chuyên gia tư vấn