Tìm hiểu phương pháp ABA trong việc hỗ trợ trẻ tự kỷ

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của phương pháp ABA trong việc củng cố các hành vi mong muốn ở những người mắc chứng tự kỷ. Hãy cùng Tâm An Hòa tìm hiểu rõ hơn về phương pháp này trong bài viết dưới đây.

Mục lục [ Ẩn ]
Tìm hiểu về phương pháp ABA
Tìm hiểu về phương pháp ABA

1. Phương pháp ABA là gì

Phương pháp ABA (Applied behavior analysis) hay còn gọi là phân tích hành vi ứng dụng, là một biện pháp tiếp cận giúp trẻ tự kỷ học các kỹ năng và giảm bớt các hành vi có vấn đề như làm tổn thương bản thân. Đây được coi như “tiêu chuẩn vàng” để điều trị chứng tự kỷ.

Trong phương pháp ABA, nhà trị liệu khuyến khích trẻ tự kỷ giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ và các kỹ năng khác bằng những phần thưởng.

Phương pháp ABA là gì
Phương pháp ABA là gì

2. Lịch sử ra đời phương pháp ABA

Từ những năm 1960, phương pháp ABA đã được tạo ra bởi nhà tâm lý học Ivar Lovaas tại Đại học California ở Los Angeles (UCLA). Nghiên cứu ban đầu của ông vào năm 1987 đã chứng minh sự cải thiện về điểm số IQ của trẻ em và sự gia tăng khả năng học tập trên 90% trẻ em trong nhóm nghiên cứu so với nhóm đối chứng. Các nghiên cứu tiếp theo vào năm 1993 cho thấy rằng những đứa trẻ đó đã duy trì các kỹ năng của mình trong giai đoạn đầu tuổi vị thành niên.

Ivar Lovaas là người đầu tiên nghiên cứu phương pháp ABA
Ivar Lovaas là người đầu tiên nghiên cứu phương pháp ABA

Quan điểm của Ivar coi tự kỷ là một tập hợp các triệu chứng hành vi có thể sửa đổi hoặc loại bỏ. Thời điểm đó, phương pháp ABA còn sử dụng hình phạt đối với hành vi không tuân thủ, một số hình phạt có thể rất khắc nghiệt, bao gồm cả điện giật. Người ta cho rằng quá trình điều trị hiệu quả khi những hành vi tự kỷ không còn rõ ràng.

Tuy nhiên, ngày nay, phương pháp ABA không còn sử dụng các hình phạt nữa vì điều đó được coi là không thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Thay vào đó, người ta sẽ dùng phần thưởng tặng cho những đứa trẻ thực hiện đúng hành vi theo mệnh lệnh. Nếu đứa trẻ thực hiện không đúng theo yêu cầu, đứa trẻ đó sẽ không được nhận thưởng, ví dụ như không được ăn món ăn yêu thích.

Đến nay, kỹ thuật của Ivar Lovaas còn được gọi là “huấn luyện thử nghiệm rời rạc” đã được các nhà trị liệu nghiên cứu và sửa đổi. Các nhà trị liệu không tìm hiểu cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh tự kỷ mà họ sẽ giúp bệnh nhân học cách sống độc lập và tự chủ. Kỹ thuật sử dụng trong phương pháp ABA không chỉ tập trung vào hành vi mà còn tác động lên cả kỹ năng xã hội và cảm xúc.

3. Cơ sở khoa học của phương pháp ABA

Phương pháp ABA hoạt động căn cứ vào tiền đề của việc sử dụng các nguyên tắc khoa học để giáo dục những hành vi phù hợp (giao tiếp, học tập, kỹ năng sống). Phương pháp phân tích hành vi ứng dụng giả định rằng trẻ em có xu hướng lặp lại các hành vi hoặc phản ứng “được khen thưởng” (hoặc được củng cố) và chúng ít khi tiếp tục những hành vi “không được trao thưởng”. Kết quả sau cùng là trẻ em có thể học tập mà không cần phải duy trì việc khen thưởng.

4. Các chương trình dạy trẻ tự kỷ khác dựa trên nguyên tắc của phương pháp ABA

Các chương trình khác dựa trên các nguyên tắc của phương pháp ABA để dạy trẻ tự kỷ bao gồm:

  • Huấn luyện thử nghiệm rời rạc: theo kỹ thuật của Ivar Lovaas, các bài học sẽ được chia nhỏ thành tập hợp những nhiệm vụ đơn giản. Mỗi hành vi thực hiện đúng theo yêu cầu đều nhận được phần thưởng.
  • Mô hình Denver Early Start: Áp dụng cho trẻ từ 12 đến 48 tháng tuổi, chương trình này sẽ bao gồm vui chơi và các hoạt động nhóm để giúp trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ, nhận thức và xã hội. Sử dụng phương pháp này trong các trò chơi cho trẻ tự kỷ sẽ giúp trẻ cải thiện tình trạng một cách rõ rệt.
  • Huấn luyện phản ứng tổng thể: Mục tiêu chính của chương trình này là trẻ bắt đầu trò chuyện với người khác, tăng động lực học tập và quản lý, theo dõi hành vi của chính mình.
  • Can thiệp hành vi chuyên sâu sớm: Đối với trẻ em dưới 5 tuổi bị tự kỷ, liệu pháp này giúp xây dựng hành vi tích cực và giảm hành vi không mong muốn. Hình thức trị liệu là 1-1, một chuyên gia kèm một trẻ tự kỷ.
Trẻ thực hiện hành vi theo yêu cầu của nhà trị liệu trong thử nghiệm rời rạc
Trẻ thực hiện hành vi theo yêu cầu của nhà trị liệu trong thử nghiệm rời rạc

5. Cách tiến hành phương pháp ABA

Chiến lược chính sử dụng trong phương pháp ABA là củng cố hành vi tích cực. Khi một hành vi đi kèm với một phần thưởng, đứa trẻ sẽ có khả năng thực hiện lặp lại hành vi đó nhiều hơn. Trong một thời gian dài, điều này khuyến khích trẻ thay đổi hành vi theo hướng tích cực.

Trước tiên, nhà trị liệu xác định mục tiêu là một hành vi cụ thể mà trẻ cần đạt được. Mỗi lần trẻ thực hiện đúng hành vi hoặc kỹ năng đó, trẻ sẽ nhận một phần thưởng. Phần thưởng có thể là bất kỳ thứ gì có ý nghĩa với trẻ như: lời khen, đồ chơi, sách, truyện hoặc xem những chương trình mà trẻ yêu thích. Nếu đứa trẻ không tuân thủ đúng yêu cầu, nó sẽ không được nhận thưởng.

Phương pháp ABA bao gồm 3 bước sau: Mệnh lệnh - Hành vi - Kết quả

Ba bước thực hiện phương pháp ABA
Ba bước thực hiện phương pháp ABA

Ví dụ 1

Với tình huống thông thường

Mệnh lệnh:

Nhà trị liệu nói: “ Đã hết giờ chơi, hãy cất đồ chơi vào giỏ” vào cuối buổi.

Hành vi:

Đứa trẻ la lên: “Không”.

Kết quả:

Nhà trị liệu cất đồ chơi vào giỏ và nói: “ Đã hết giờ chơi rồi”.

Với tình huống có sử dụng phương pháp ABA

Mệnh lệnh:

Nhà trị liệu nói: “Đến thời gian dọn dẹp đồ chơi rồi”.

Hành vi:

Nhà trị liệu sẽ nhắc đứa trẻ sử dụng câu hỏi: “ Có thể cho con thêm 5 phút nữa không?”.

Kết quả:

Nhà trị liệu sẽ trả lời: “Tất nhiên con sẽ được chơi thêm 5 phút nữa”.

Nhà trị liệu yêu cầu trẻ dọn dẹp đồ chơi
Nhà trị liệu yêu cầu trẻ dọn dẹp đồ chơi

Ví dụ 2

Nhà trị liệu dạy kỹ năng bắt chước cho trẻ bằng phương pháp ABA như sau

Mệnh lệnh:

Nhà trị liệu gõ vào bàn và yêu cầu trẻ: “Gõ vào bàn như thế này”.

Hành vi và kết quả:

  • Đứa trẻ gõ vào bàn và được thưởng.
  • Đứa trẻ thực hiện không đúng, nhà trị liệu sẽ nói: “Không”. Sau đó, nhà trị liệu tạm dừng lại trước khi lặp lại mệnh lệnh trên. Việc này đảm bảo mỗi lần thử là một lần riêng biệt, rời rạc, không bị ảnh hưởng bởi lần thử trước.
  • Nếu trẻ thực hiện sai hai hai lần liên tiếp, nhà trị liệu sẽ cầm tay trẻ, hướng dẫn trẻ gõ vào bàn.

Đây là phương pháp ABA truyền thống, sử dụng cách học “không cần nhắc nhở”, khác biệt với cách học “không sai sót” ở ví dụ 1 đã trình bày ở trên. Dù giáo dục trẻ theo cách nào thì phương pháp ABA cũng đều dựa vào tình trạng từng cá nhân riêng biệt để điều chỉnh cho phù hợp.

6. Ưu điểm và hạn chế của phương pháp ABA

Phương pháp phân tích hành vi ứng dụng tuy đã có những thành công trong việc giúp người tự kỷ cải thiện một số kỹ năng nhất định và được nhiều chuyên gia y tế khuyến nghị nhưng vẫn tồn tại những hạn chế riêng.

Ưu điểm

Những lợi ích mà phương pháp ABA đem lại bao gồm:

  • Giúp phát triển các kỹ năng hành vi hữu ích cho cuộc sống hàng ngày: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng liệu pháp ABA có hiệu quả trong việc giúp người tự kỷ học các kỹ năng. Mô hình Denver Early Start được chứng minh là cải thiện chỉ số IQ và hành vi cho trẻ tự kỷ. Nó cũng làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh tự kỷ.
  • Sử dụng để dạy cho trẻ cả kỹ năng đơn giản lẫn phức tạp: Phương pháp ABA có thể áp dụng trong việc thưởng cho trẻ tự kỷ đánh răng đúng cách hoặc chia sẻ đồ chơi với bạn bè.
  • Cung cấp cho cha mẹ chiến lược dạy trẻ tự kỷ tại nhà: Phương pháp ABA hướng dẫn các bậc phụ huynh giáo dục và đo lường sự tiến bộ của trẻ. Ví dụ, cha mẹ có thể dạy ngôn ngữ cho trẻ bằng chiến lược “hướng dẫn thử nghiệm rời rạc”.
  • Thể hiện khả năng học hỏi của trẻ tự kỷ: Phương pháp này giúp tạo cơ hội cho trẻ tự kỷ thể hiện khả năng học hỏi và thay đổi hành vi của mình trong cuộc sống.
  • Là một phương pháp can thiệp linh hoạt: ABA có thể được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân, áp dụng được tại nhiều địa điểm khác nhau (tại nhà, trường học, cộng đồng) theo hình thức can thiệp 1-1 hoặc can thiệp nhóm.
Phương pháp ABA giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng
Phương pháp ABA giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng

Hạn chế

Một số người cho rằng phương pháp ABA có thể quá nghiêm khắc với những người mắc chứng tự kỷ. Những chỉ trích về phương pháp này gồm:

  • ABA quá tập trung vào các vấn đề hành vi: Một số ý kiến cho rằng nhà trị liệu tập trung vào việc ngăn chặn những hành vi mà họ cho là không phù hợp nhiều hơn việc phát triển các kỹ năng khác chẳng hạn như khả năng sử dụng ngôn ngữ.
  • Phương pháp cố gắng khiến trẻ tự kỷ trở nên “bình thường”: Việc nói với một đứa trẻ tự kỷ rằng các hành vi tự nhiên của nó là sai, có thể gạt bỏ đi nhu cầu của chính đứa trẻ đó và phương pháp ABA này đang cố biến những trẻ bị tự kỷ hành động giống như quy chuẩn xã hội.
  • Hạn chế trong việc cảm nhận cảm xúc: Mục đích của phương pháp ABA không hướng tới xây dựng mối liên hệ tình cảm với người khác. Một đứa trẻ tự kỷ có thể học được cách bắt tay để chào hỏi người khác nhưng phương pháp này sẽ không giúp trẻ cảm nhận được mối liên hệ tình cảm với người khác qua các hành động như thế.

Hơn nữa, một số người còn quan niệm coi phương pháp ABA không thể hiện sự tôn trọng đối với người mắc chứng tự kỷ vì đã yêu cầu sửa đổi những hành vi tự nhiên thể hiện nhu cầu cá nhân.

7. Kế hoạch thực hiện phương pháp ABA

Chuyên gia trị liệu sẽ lên kế hoạch cho các buổi học và quyết định mục tiêu và thời gian cần thiết.

Trước hết, nhà trị liệu sẽ xem xét bệnh sử và các phương pháp mà bệnh nhân sử dụng trước đó. Sau đó, họ sẽ hỏi ý kiến gia đình về mục tiêu trị liệu kết hợp với quan sát người bệnh trong buổi đầu tiên để làm căn cứ đánh giá sự tiến bộ một cách thường xuyên. Cha mẹ cũng có thể được đào tạo để hỗ trợ bệnh nhân trong các môi trường khác nhau.

Ba mẹ được hướng dẫn về phương pháp ABA để hỗ trợ trẻ tự kỷ
Ba mẹ được hướng dẫn về phương pháp ABA để hỗ trợ trẻ tự kỷ

Số giờ trị liệu sẽ phụ thuộc vào mục tiêu điều trị, thường dao động trong khoảng từ 10 đến 25 giờ mỗi tuần và sẽ tăng lên theo mức độ nghiêm trọng của hành vi.

Người bệnh sẽ được đánh giá vài tháng một lần để xác định phương pháp nên tiếp tục áp dụng trong thời gian bao lâu.

Nhà trị liệu theo dõi tiến độ phát triển của trẻ trong phương pháp ABA
Nhà trị liệu theo dõi tiến độ phát triển của trẻ trong phương pháp ABA

8. Khi nào nên dừng phương pháp ABA

Theo Hội đồng các nhà cung cấp dịch vụ tự kỷ, phương pháp ABA nên được xem xét lại hoặc ngừng trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh đã đạt được mục tiêu
  • Không thấy bất kỳ sự tiến triển nào trong quá trình trị liệu.
  • Gia đình và chuyên gia trị liệu không thể giải quyết các vấn đề liên quan đến kế hoạch điều trị.
Dừng phương pháp ABA nếu không thấy trẻ tiến bộ sau thời gian dài áp dụng
Dừng phương pháp ABA nếu không thấy trẻ tiến bộ sau thời gian dài áp dụng

Phương pháp ABA - phân tích hành vi ứng dụng có thể hữu ích với nhiều người mắc chứng tự kỷ nhưng không phải luôn phù hợp cho mọi đối tượng. Vì vậy, Tâm An Hòa khuyên bạn cần tìm hiểu kỹ và hỏi ý kiến chuyên gia trước khi quyết định.

Xếp hạng: 5 (5 bình chọn)

Bạn có thắc mắc vấn đề gì thì hãy gửi câu hỏi cho chuyên gia nhé!

Bấm gửi câu hỏi

Với kinh nghiệm 3 năm làm việc trong lĩnh vực y tế sức khỏe, Dược sĩ Thu Hà chịu trách nhiệm cập nhật thông tin, tin tức về các bệnh và thông tin liên quan đến rối loạn tâm thần, tâm lý. Là một con người đam mê với nghề, tận tâm, tỉ mỉ  trong việc tìm kiếm nguồn thông tin cũng như việc đưa các thông tin chính xác đến mọi người, Dược sĩ Thu Hà đảm bảo cập nhật chính xác, nhanh chóng, kịp thời kiến thức chuyên môn đồng thời giúp giải quyết hiệu quả khó khăn của người bệnh.

Dược sĩ Đại học Thu Hà

Gửi thắc mắc đến chuyên gia tư vấn