Liệu pháp hành vi lời nói là gì?

Bên cạnh phương pháp ABA, liệu pháp hành vi lời nói (VB) cũng là một trong những cách hay để dạy trẻ cách sử dụng ngôn ngữ cũng như kích thích trẻ tự kỷ giao tiếp nhiều hơn. Vậy liệu pháp này là gì và tại sao nó lại hiệu quả? Hãy cùng Tâm An Hòa tìm hiểu ngay sau đây.

Mục lục [ Ẩn ]
Liệu pháp hành vi lời nói là gì
Liệu pháp hành vi lời nói là gì

1. Liệu pháp hành vi lời nói là gì

Liệu pháp hành vi lời nói (Verbal Behavior) là một cách tiếp cận để dạy ngôn ngữ dựa trên sự phân tích cách sử dụng ngôn ngữ bằng lời nói. Phương pháp dạy ngôn ngữ này tập trung vào việc xét ý nghĩa của một từ dựa trên chức năng của chúng mà không phải chỉ dựa trên hình thức.

Liệu pháp hành vi lời nói sẽ tập trung vào dạy trẻ nhận ra ngôn ngữ sẽ giúp chúng có những gì chúng muốn khi sử dụng ngôn ngữ nói về điều đó. Cụ thể, trẻ sẽ được dạy ngôn ngữ bằng cách tập trung dạy các thành phần cụ thể của ngôn ngữ diễn đạt trước (bao gồm: yêu cầu, dán nhãn gọi tên sự vật, nói và kết hợp với những hành vi khác).

Trẻ tự kỷ học ngôn ngữ bằng liệu pháp hành vi lời nói
Trẻ tự kỷ học ngôn ngữ bằng liệu pháp hành vi lời nói

2. Lý thuyết về hành vi lời nói của BF Skinner

Lý thuyết về hành vi lời nói ban đầu được BF Skinner đưa ra vào những năm 1950. Trong nghiên cứu của ông, Skinner gợi ý rằng ngôn ngữ là một hành vi học được để đáp ứng với sự củng cố từ bên ngoài và cách hiệu quả nhất để thúc đẩy sự phát triển giao tiếp là tiếp cận ngôn ngữ thông qua việc phân tích các tương tác này.

Theo Skinner, các kỹ năng ngôn ngữ của trẻ tự kỷ có thể thay đổi bằng cách sử dụng các quy luật thay đổi hành vi và sự phát triển ngôn ngữ bị ảnh hưởng bởi những phản ứng mà trẻ nhận được.

Ông quan niệm ngôn ngữ được chia thành những phần có chức năng khác nhau. Theo Skinner, các phần cơ bản của ngôn ngữ bao gồm nhại âm (echoic), yêu cầu (mand), gọi tên (tact) và hội thoại (intraverbal). Thuật ngữ “mand” dùng để chỉ sự đòi hỏi hoặc yêu cầu mà đứa trẻ mong muốn. Quá trình này hoạt động như sau:

  • Một đứa trẻ nói quả táo khi nó muốn một quả táo.
  • Khi nó được cho một quả táo, ngôn ngữ của nó được củng cố thông qua việc nhận quả táo.
  • Đứa trẻ có khả năng lặp lại hành động này với hành động đã được củng cố tích cực, ngay sau đó là hành vi mong muốn có quả táo.

Vì vậy, phân tích hành vi bằng lời nói đòi hỏi sự công nhận và hiểu biết về các đơn vị ngôn ngữ và các mục đích cụ thể của chúng đối với người nói. Các đơn vị ngôn ngữ này được gọi là các đơn vị vận hành bằng lời nói ( trong đó có 6 đơn vị ). Dưới đây là các định nghĩa và ví dụ ngắn gọn về thuật ngữ chính và phụ của hành vi lời nói.

Mô tả các đơn vị chức năng của ngôn ngữ theo liệu pháp hành vi lời nói
Mô tả các đơn vị chức năng của ngôn ngữ theo liệu pháp hành vi lời nói

Thuật ngữ chính

  • Mand: Yêu cầu hoặc đòi hỏi,tìm cách đạt được những gì mình muốn.

Ví dụ - Một cậu bé yêu cầu “Mẹ” vì cậu muốn gặp mẹ của mình.

  • Tact: Gọi tên hoặc dán nhãn sự vật, sự việc.

Ví dụ: Trẻ nói “quả táo” khi nhìn thấy quả táo, vậy là trẻ đã gọi tên đúng quả táo.

  • Intraverbal: Trả lời các câu hỏi và trò chuyện trong đó lời nói của trẻ bị “điều khiển” bởi các câu nói hoặc lời nói trước đó như hoàn thiện những câu còn thiếu.

Ví dụ : Một cậu bé nói “Mẹ” vì người khác vừa nói “Bố và …….”

  • Echoic : Lặp lại những gì đã được nghe

Ví dụ: Một cậu bé nói "Mẹ" vì người khác vừa nói "Mẹ"

Việc đào tạo ban đầu nên tập trung vào bốn kỹ năng giao tiếp này, đánh dấu những điểm khởi đầu cần thiết cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Thuật ngữ phụ

  • Đọc: Đọc các từ đã viết

Ví dụ: Một cậu bé nói “quả táo” vì nó nhìn thấy từ “quả táo” được viết trước mặt.

  • Viết: Viết và đánh vần các từ vừa nói được với một người khác.

Ví dụ: Một cậu bé viết “T-Á-O” vì giáo viên vừa nói to “táo”.

Dạy ngôn ngữ dựa trên liệu pháp hành vi bằng lời nói bắt đầu với việc thiết lập yêu cầu, gọi tên, hội thoại và nhắc lại. Người hướng dẫn nhấn mạnh sự khác biệt hoàn toàn giữa các thuật ngữ này để thúc đẩy và củng cố việc sử dụng ngôn ngữ thích hợp trong các hoàn cảnh khác nhau.

Hành vi của người nghe, tức là phản ứng và tương tác của họ với người nói, khuyến khích người nói sử dụng các loại ngôn ngữ khác nhau trong các môi trường khác nhau.

Trẻ đang thực hiện gọi tên con vật khi tham gia liệu pháp hành vi lời nói
Trẻ đang thực hiện gọi tên con vật khi tham gia liệu pháp hành vi lời nói

3. Cách thực hiện liệu pháp hành vi lời nói

Liệu pháp hành vi lời nói bắt đầu bằng cách dạy trẻ nói lên yêu cầu hoặc đòi hỏi của bản thân. Các yêu cầu (mand) được coi là loại ngôn ngữ cơ bản nhất. Ví dụ, một đứa trẻ tự kỷ học nói “bánh quy” khi nó muốn có cái bánh quy. Trong liệu pháp này, trẻ được dạy yêu cầu bằng bất cứ cách nào có thể (bằng lời nói, bằng ký hiệu,...).

Ngay sau khi trẻ đưa ra yêu cầu, người hướng dẫn sẽ lặp lại từ đó và đưa ra món đồ được yêu cầu. Tiếp theo, người hướng dẫn sử dụng lại từ đó trong cùng ngữ cảnh để củng cố ý nghĩa.

Trẻ có thể không cần phải nói chính xác 1 từ mô tả thứ mình mong muốn ngay từ đầu mà nó có thể dùng bất kỳ cách nào để yêu cầu (chẳng hạn như chỉ tay). Đứa trẻ sẽ học được rằng giao tiếp sẽ tạo ra kết quả tích cực.

Từ đó, liệu pháp giúp những đứa trẻ bị tự kỷ định hình giao tiếp trong 1 khoảng thời gian dài để nói và viết những từ ngữ thực tế.

Trong một buổi học, người hướng dẫn sẽ đưa ra nhiều câu hỏi kết hợp với các yêu cầu dễ và khó. Nó giúp trẻ tăng tỉ lệ thực hiện thành công các yêu cầu, giảm bớt sự thất vọng. Đồng thời, người hướng dẫn nên linh hoạt thay đổi tình huống và tạo sự hứng thú cho trẻ.

Kỹ thuật “Học không sai sót”

Kỹ thuật này được sử dụng trong liệu pháp hành vi lời nói. “Học không sai sót” tức là đảm bảo trẻ đưa ra được câu trả lời chính xác khi chúng thực hiện các yêu cầu bằng cách đưa ra gợi ý hoặc lời nhắc cho trẻ ngay lập tức và thường xuyên.

theo thời gian, những gợi ý, lời nhắc sẽ giảm bớt. Cuối cùng, đứa trẻ có thể tự mình đưa ra câu trả lời chính xác mà không cần đến sự trợ giúp.

Ví dụ:

  • Bước 1: Nhà trị liệu cầm một cái ô tô đồ chơi tới trước mặt học sinh và nói “ô-tô” để nhắc trẻ phản hồi.
  • Bước 2: Nhà trị liệu giữ chiếc ô tô và nói “ô” để nhắc nhở trẻ phản hồi.
  • Bước 3: Nhà trị liệu giữ cái ô tô trong tầm mắt của trẻ và chờ đợi yêu cầu mà không đưa ra bất kỳ gợi ý nào.

Mục đích cuối cùng của kỹ thuật này là đứa trẻ nói được từ “ô tô” khi chúng muốn chơi đồ chơi đó mà không cần bất kỳ sự lời nhắc nhở nào.

Thời gian thực hiện liệu pháp hành vi lời nói

Thông thường liệu pháp hành vi lời nói thực hiện từ trong khoảng 1-3 giờ mỗi tuần, tổng thời gian khoảng 30 giờ, nếu chuyên sâu hơn thì có thể thời gian sẽ kéo dài hơn.

4. Đối tượng nào có thể áp dụng liệu pháp hành vi lời nói

Liệu pháp hành vi lời nói có thể áp dụng hiệu quả đối với:

  • Trẻ em bắt đầu học ngôn ngữ.
  • Trẻ chậm nói hoặc bị rối loạn ngôn ngữ.
  • Trẻ mắc bệnh tự kỷ.
Liệu pháp hành vi lời nói giúp trẻ tự kỷ cải thiện ngôn ngữ
Liệu pháp hành vi lời nói giúp trẻ tự kỷ cải thiện ngôn ngữ

5. Lợi ích của liệu pháp hành vi lời nói đối với trẻ tự kỷ

Mặc dù phương pháp tiếp cận hành vi bằng lời nói của Skinner không được thiết kế cho trẻ em mắc chứng tự kỷ nhưng theo nghiên cứu chỉ ra liệu pháp hành vi lời nói có hiệu quả trong việc cải thiện kỹ năng giao tiếp của nhóm đối tượng này.

Năm 2006, một đánh giá về 60 nghiên cứu kết quả ứng dụng phân tích hành vi bằng lời nói trong việc hỗ trợ trẻ tự kỷ đã cho thấy phương pháp này đã giúp nhiều trẻ tự kỷ phát triển kỹ năng giao tiếp.

Liệu pháp hành vi lời nói coi ngôn ngữ là một loại hành vi có thể bị ảnh hưởng và cải thiện. Khi áp dụng các nguyên tắc hành vi (nhắc nhở, làm mờ dần, định hình. tổng quát hóa) sẽ mang lại những thay đổi tích cực trong vấn đề ngôn ngữ cho trẻ mắc chứng tự kỷ.

Phân tích chức năng của lời nói xác định được những yếu tố liên quan tới sự phát triển ngôn ngữ từ đó lập kế hoạch để cải thiện kỹ năng ngôn ngữ. Hơn nữa, rào cản lớn nhất của trẻ tự kỷ là khó khăn trong việc giao tiếp và trả lời các câu hỏi.

Vì vậy, người hướng dẫn sẽ xác định cụ thể rào cản ngôn ngữ đó là gì và sử dụng lý thuyết hành vi lời nói của Skinner để giải quyết vấn đề này.

Liệu pháp hành vi lời nói giúp trẻ tự kỷ cải thiện khả năng giao tiếp
Liệu pháp hành vi lời nói giúp trẻ tự kỷ cải thiện khả năng giao tiếp

6. So sánh liệu pháp hành vi lời nói (VB) với phương pháp ABA

Trong khi phương pháp ABA dạy ngôn ngữ nhận thức trước khi dạy ngôn ngữ diễn đạt thì liệu pháp hành vi lời nói lại tập trung vào dạy thành phần cụ thể của ngôn ngữ diễn đạt trước (yêu cầu, gọi tên, trả lời câu hỏi và nhắc lại).

Một điều nữa, phương pháp ABA nhấn mạnh vào “hình thức” của ngôn ngữ còn liệu pháp VB lại chú trọng vào chức năng của “ngôn ngữ”.

Ví dụ:

  • Liệu pháp hành vi lời nói hướng dẫn trẻ yêu cầu “bánh quy” khi chúng muốn ăn bánh quy, bằng bất kỳ hình thức nào và chính lúc đó trẻ sẽ được dạy từ “bánh quy”.
  • Đối với phương pháp ABA, trẻ sẽ được dạy nói từ “bánh quy” đồng thời người hướng dẫn cũng dạy trẻ lặp đi lặp lại các từ khác cùng lúc và thường kết thúc bằng việc dán nhãn sự vật mà không chỉ ra cách sử dụng từ ngữ đó trong cuộc sống hằng ngày.

Với phương pháp ABA, trẻ có thể chỉ vào cái bánh quy và gọi tên đúng sự vật là coi như đã đạt được hiệu quả. Còn trong liệu pháp VB thì trẻ sử dụng thành thạo 1 từ “bánh quy” khi:

  • Yêu cấu bánh quy khi cần (ngôn ngữ yêu cầu).
  • Tìm bánh quy khi ai đó hỏi (ngôn ngữ nhận thức).
  • Chọn bánh quy khi được hỏi: “Bạn ăn gì?”, “Loại bánh có socola gọi là gì?”, “Tìm bánh quy”.
  • Trả lời câu hỏi về bánh quy dù không nhìn thấy nó (ngôn ngữ diễn đạt): “Bánh gì để ăn?”, “ Đồ ăn nào vừa có socola, vừa cứng, vừa giòn?”.

Tóm lại, phương pháp ABA và liệu pháp hành vi lời nói là hai phương pháp khác nhau nhau. Một số phụ huynh đánh giá liệu pháp hành vi lời nói là một phương pháp tự nhiên hơn so với phương pháp ABA.

Trên đây là những thông tin về liệu pháp nhận thức hành vi mà Tâm An Hòa muốn cung cấp cho mọi người nhằm giúp các bậc phụ huynh, giáo viên có cái nhìn toàn diện hơn về cách dạy trẻ tự kỷ này. Tâm An Hòa mong các bậc phụ huynh có thể chọn cho con mình phương pháp trị liệu tốt nhất.

Xếp hạng: 4 (2 bình chọn)

Bạn có thắc mắc vấn đề gì thì hãy gửi câu hỏi cho chuyên gia nhé!

Bấm gửi câu hỏi

Với kinh nghiệm 3 năm làm việc trong lĩnh vực y tế sức khỏe, Dược sĩ Thu Hà chịu trách nhiệm cập nhật thông tin, tin tức về các bệnh và thông tin liên quan đến rối loạn tâm thần, tâm lý. Là một con người đam mê với nghề, tận tâm, tỉ mỉ  trong việc tìm kiếm nguồn thông tin cũng như việc đưa các thông tin chính xác đến mọi người, Dược sĩ Thu Hà đảm bảo cập nhật chính xác, nhanh chóng, kịp thời kiến thức chuyên môn đồng thời giúp giải quyết hiệu quả khó khăn của người bệnh.

Dược sĩ Đại học Thu Hà

Gửi thắc mắc đến chuyên gia tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

*
*