Bên cạnh các phương pháp dạy trẻ tự kỷ như phương pháp ABA, liệu pháp hành vi lời nói thì phương pháp Floortime là một hướng tiếp cận mới trong quá trình hỗ trợ trẻ tự kỷ hòa nhập với cộng đồng. Tâm An Hòa cung cấp những thông tin trong bài viết sau đây sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về phương pháp này.
1. Phương pháp Floortime là gì?
Phương pháp Floortime hay còn gọi là mô hình DIR là phương pháp trị liệu toàn diện dựa trên sự phát triển, mối quan hệ dành cho trẻ tự kỷ và tôn trọng sự khác biệt của từng cá thể, được phát triển vào những năm 1980 bởi tiến sĩ Stanley Greenspan.
Sở dĩ sự can thiệp này được gọi là Floortime vì cha mẹ sẽ cùng chơi và tương tác với trẻ trên sàn nhà hoặc trên sân giống như một người bạn đồng trang lứa.
Mục đích của phương pháp này là để người lớn giúp trẻ tự kỷ mở rộng “vòng kết nối”. Cha mẹ sẽ xây dựng mối quan hệ dựa trên điểm mạnh của trẻ ở đúng cấp độ phát triển của chúng.
Nhà trị liệu và cha mẹ thu hút trẻ thông qua hoạt động yêu thích của chúng. Từ đó, họ sẽ bước vào trò chơi của trẻ và làm theo sự dẫn dắt của chúng.
2. Sáu cột mốc phát triển trong phương pháp Floortime
Phương pháp Floortime sẽ giúp trẻ đạt được sáu cột mốc quan trọng góp phần vào sự phát triển về cả trí tuệ lẫn cảm xúc của trẻ, bao gồm:
- Tự điều chỉnh và quan tâm tới thế giới, môi trường xung quanh.
- Tạo sự thân mật và gắn kết trong các mối quan hệ.
- Giao tiếp hai chiều
- Giao tiếp phức tạp và giải quyết vấn đề
- Sử dụng biểu tượng và tạo ra những ý tưởng giàu cảm xúc.
- Tư duy logic và hình thành sự liên tưởng, tưởng tượng (tư duy cảm xúc).
Trong phương pháp Floortime, nhà trị liệu sẽ dạy cha mẹ cách hướng trẻ tham gia vào những tương tác ngày càng phức tạp hơn. Quá trình này được gọi là “mở và đóng vòng kết nối giao tiếp”, cũng là trọng tâm của phương pháp tiếp cận Floortime.
Cách tiếp cận này không tập trung vào kỹ năng nói, vận động hay nhận thức mà nó sẽ giải quyết các vấn đề trên thông qua việc tập trung phát triển cảm xúc.
Nhìn chung, phương pháp Floortime khuyến khích trẻ tự kỷ phát huy hết khả năng của mình, tập trung vào tố chất của đứa trẻ hơn kết quả chẩn đoán của chúng.
3. Đối tượng của phương pháp Floortime
Phương pháp Floortime được thiết kế cho trẻ tự kỷ và trẻ mắc các chứng rối loạn phát triển khác.
Nếu áp dụng phương pháp trị liệu này thì cha mẹ nên cho trẻ bắt đầu càng sớm càng tốt.
4. Lợi ích của của phương pháp Floortime
Mô hình này sẽ thúc đẩy trẻ phát triển trong một số lĩnh vực bao gồm:
- Phát triển giác quan: Giúp trẻ hiểu được những gì chúng nhìn thấy hoặc nghe thấy.
- Kỹ năng vận động: Giúp trẻ hoàn thành tốt hơn những nhiệm vụ thể chất như buộc dây giày.
- Phát triển cảm xúc và nhận thức: Giúp trẻ nhận ra cảm xúc của người khác cũng như biết được hành động của trẻ ảnh hưởng tới người khác như thế nào.
- Giao tiếp: Giúp trẻ học cách giao tiếp hai chiều, giao tiếp phức tạp.
5. Cách thực hiện phương pháp Floortime
Phương pháp này có thể sử dụng để tương tác tại nhà, tương tác ở trường, sân chơi hoặc phối hợp với các liệu pháp khác.
Trong buổi học, cha mẹ hoặc nhà trị liệu tham gia vào các hoạt động chơi của trẻ và tuân theo sự dẫn dắt của trẻ. Sau đó, phụ huynh và nhà trị liệu sẽ cho trẻ tham gia vào các tương tác ngày càng phức tạp hơn.
Phương pháp Floortime cần được áp dụng thường xuyên để khuyến khích trẻ tư kỷ hòa nhập với các bạn đồng trang lứa, đặc biệt là ở môi trường mầm non.
- Ví dụ:
Khi trẻ đang gõ vào một chiếc xe tải đồ chơi, cha mẹ có thể gõ vào một chiếc xe ô tô đồ chơi khác theo cách tương tự. Tiếp đó, cha mẹ có thể để chiếc ô tô đồ chơi của mình ở đằng trước xe tải của trẻ hoặc thêm những câu nói thoại vào trò chơi. Điều này sẽ khuyến khích đứa trẻ phản hồi và tương tác lại.
Khi đứa trẻ lớn lên, nhà trị liệu cùng cha mẹ sẽ kết hợp các chiến lược kết hợp với các sở thích của trẻ để khuyến khích mức độ tương tác cao hơn.
- Ví dụ:
Thay vì chơi với xe tải đồ chơi, cha mẹ có thể chơi cùng con nhưng sử dụng máy bay mô hình hoặc các ý tưởng và lĩnh vực mà đứa trẻ đó đặc biệt quan tâm.
6. Thời gian thực hiện phương pháp Floortime
Phương pháp trị liệu này thường được tiến hành trong một môi trường yên tĩnh, có thể là ở nhà hoặc ở trong một cơ sở trị liệu chuyên biệt.
Mỗi buổi trị liệu kéo dài khoảng 2-5 giờ, bao gồm cả thời gian hướng dẫn cha mẹ tương tác với con.
Hai nghiên cứu khác năm 2011 một được thực hiện ở Thái Lan và một ở Canada đã cho thấy phương pháp Floortime cải thiện đáng kể sự phát triển cảm xúc và giảm các triệu chứng điển hình của chứng tự kỷ.
Tóm lại, phương pháp Floortime tập trung vào phát triển cảm xúc của trẻ tự kỷ, giúp trẻ phát triển theo từng cấp độ, từ đó điều chỉnh hành vi, nhận thức của trẻ. Cuối cùng, Tâm An Hòa mong bài viết trên đây đã cung cấp cho độc giả những thông tin hữu ích về phương pháp trị liệu dành cho trẻ tự kỷ này.