Trầm cảm ở người cao tuổi: Những điều cần biết!

Trầm cảm ở người cao tuổi là một vấn đề tâm lý nghiêm trọng, có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị hiệu quả là chìa khóa giúp người cao tuổi vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Mục lục [ Ẩn ]

 

Trầm cảm ở người cao tuổi là một vấn đề tâm lý nghiêm trọng, có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị hiệu quả là chìa khóa giúp người cao tuổi vượt qua giai đoạn khó khăn này. 

1. Trầm cảm ở người cao tuổi là gì?

Trầm cảm ở người già là một rối loạn tâm thần đặc trưng bởi một hoặc nhiều giai đoạn trầm cảm mà trong quá trình phát triển của bệnh, bệnh nhân không bao giờ trải qua các giai đoạn hưng cảm, hỗn hợp, hoặc hưng cảm nhẹ. 

Theo DSM-5 (2013), một người được chẩn đoán mắc rối loạn trầm cảm chủ yếu khi họ trải qua ít nhất một giai đoạn trầm cảm kéo dài tối thiểu hai tuần. Trong giai đoạn này, bệnh nhân phải có ít nhất 5 triệu chứng, trong đó có một hoặc cả hai triệu chứng chủ yếu là khí sắc giảm (tâm trạng buồn bã, ảm đạm) và mất hứng thú hoặc sở thích đối với hầu hết các hoạt động.

Trầm cảm ở người cao tuổi có thể xuất hiện từ thời trẻ hoặc mới xuất hiện gần đây. Dù nguyên nhân nào, trầm cảm ở người già thường là mãn tính, không có giai đoạn ổn định rõ ràng kéo dài trên 2 tháng. Điều này có nghĩa là các triệu chứng trầm cảm sẽ kéo dài suốt đời và không có giai đoạn thuyên giảm hoàn toàn.

Tỷ lệ mắc trầm cảm ở người cao tuổi

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (năm 2005), tỷ lệ trầm cảm trong suốt cuộc đời ở người già là khoảng 10-20%. 

Tỷ lệ mắc trầm cảm ở người cao tuổi có thể khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố: 

  • Theo giới tính: Tỷ lệ mắc trầm cảm ở phụ nữ cao hơn nam giới từ 1.5 - 3 lần
  • Theo độ tuổi: Tỷ lệ trầm cảm tăng theo tuổi, với khoảng 52% các trường hợp khởi phát sau 60 tuổi và 48% khởi phát trước 60 tuổi.
  • Theo tình trạng hôn nhân: Người cao tuổi góa hoặc đã ly dị có tỷ lệ mắc trầm cảm cao hơn so với người đã kết hôn.
  • Theo nghề nghiệp: Người cao tuổi không còn làm việc có tỷ lệ mắc trầm cảm cao hơn so với những người vẫn còn tham gia lao động.
  • Theo tình trạng kinh tế - văn hoá: Không có mối liên hệ rõ ràng giữa yếu tố kinh tế - văn hóa với tỷ lệ mắc trầm cảm ở người cao tuổi.

2. Nguyên nhân dẫn tới trầm cảm ở người già

Trầm cảm ở người cao tuổi có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm yếu tố tâm lý, sinh lý, di truyền và các yếu tố xã hội. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:

Sự kiện, biến cố gây căng thẳng quá mức

Người cao tuổi thường phải đối mặt với nhiều sự kiện gây căng thẳng như mất người thân, ly tán gia đình, con cái bất hiếu, mất việc làm, gánh nặng kinh tế, hoặc thay đổi môi trường sống. Những biến cố này có thể gây ra sự hoang mang, rối loạn tâm lý, dẫn đến trầm cảm. Ngoài ra, các di chứng sau khi trải qua những căn bệnh nặng như tai biến mạch máu não, bệnh tim mạch, cũng làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm.

Yếu tố di truyền

Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển trầm cảm ở người cao tuổi. 

Nếu trong gia đình có người thân từng mắc bệnh trầm cảm, nguy cơ người già trong gia đình đó cũng mắc bệnh cao hơn. Yếu tố di truyền không chỉ dừng lại ở việc cha mẹ truyền bệnh cho con cái, mà bất kỳ người thân nào có cùng huyết thống cũng có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn.

Theo các nghiên cứu khoa học, phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm cao gấp 2 lần so với nam giới. 

Tác dụng phụ của thuốc

Người cao tuổi thường phải sử dụng nhiều loại thuốc để điều trị các bệnh lý khác nhau và một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ là trầm cảm. Những thuốc này bao gồm thuốc chữa cao huyết áp, thuốc an thần, thuốc giảm đau và thuốc gây ngủ.

Uống nhiều loại thuốc cùng lúc có thể xảy ra tương tác thuốc bất lợi , góp phần gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng trầm cảm.

Lạm dụng chất kích thích và rượu

Một số người cao tuổi có thói quen lạm dụng chất kích thích hoặc nghiện rượu, điều này không chỉ làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm mà còn làm tình trạng bệnh nặng hơn. Rượu có thể tương tác với các loại thuốc khác, làm tăng nguy cơ trầm cảm hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng đã có.

Các bệnh lý thực thể

Người cao tuổi thường hay mắc một số bệnh mạn tính như Parkinson, đột quỵ, bệnh lý tuyến giáp, đái tháo đường, cao huyết áp,... Những bệnh lý này có thể trở thành nỗi ám ảnh cho người cao tuổi và có thể gây ra các biểu hiện của trầm cảm như lo lắng, bi quan, nghi ngờ và cáu kỉnh. Trầm cảm xuất phát từ các bệnh lý này có thể điều trị dễ dàng hơn so với trầm cảm do tổn thương tâm lý.

Cô đơn và thiếu sự quan tâm từ gia đình

Cảm giác cô đơn, không có người thân hoặc con cháu chăm sóc là nguyên nhân chính dẫn tới trầm cảm ở người cao tuổi. Sự cô đơn thường khiến người già cảm thấy bị bỏ rơi, thiếu giá trị và cuối cùng là trầm cảm.

Mất cân bằng sinh hóa trong cơ thể

Khi con người già đi, quá trình sinh hóa trong cơ thể thay đổi, đặc biệt là trong não, dẫn đến sự mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh. Sự mất cân bằng này là một nguyên nhân sinh lý quan trọng gây ra trầm cảm. 

Thiếu hụt dinh dưỡng và ít vận động

Thiếu hụt vitamin trong chế độ ăn và ít vận động, đặc biệt ở những người mắc bệnh về cơ quan vận động, cũng là nguyên nhân gây trầm cảm ở người cao tuổi. Chế độ ăn không đủ chất dinh dưỡng cần thiết và lối sống ít vận động có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần và thể chất, làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm.

Những nguyên nhân trên thường kết hợp với nhau làm cho tình trạng trầm cảm ở người cao tuổi trở nên phức tạp và khó chẩn đoán. Việc hiểu rõ các nguyên nhân này có thể giúp xác định và điều trị trầm cảm một cách hiệu quả hơn.

3. Triệu chứng trầm cảm ở người già

Trầm cảm ở người cao tuổi có nhiều biểu hiện khác nhau và thường phức tạp hơn so với ở người trẻ tuổi. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

Khí sắc giảm (Khí sắc trầm cảm): Đây là triệu chứng phổ biến và dễ nhận thấy nhất. Bệnh nhân thường có nét mặt đơn điệu, buồn bã, mất hết các nếp nhăn do biểu cảm thiếu sự sống động. Họ thường cảm thấy bi quan, mất hy vọng, không còn nhiệt tình và có cảm giác lo âu kéo dài. Triệu chứng này có thể biểu hiện qua nét mặt và hành vi, hoặc qua các biểu hiện cơ thể như đau đầu, đau cơ, đau khớp mà không tìm thấy nguyên nhân cụ thể.

Mất hứng thú hoặc sở thích: Người bệnh mất dần hứng thú với những hoạt động mà họ từng yêu thích. Họ không còn quan tâm đến các sở thích trước đây, chẳng hạn như một người từng yêu bóng đá giờ đây không còn hứng thú với môn thể thao này nữa. Triệu chứng này xuất hiện ở mức độ khác nhau nhưng gần như luôn hiện diện.

Mất cảm giác ngon miệng hoặc sút cân: Người bệnh thường mất cảm giác ngon miệng, cảm thấy bị ép phải ăn. Họ ăn rất ít, thậm chí có trường hợp nhịn ăn hoàn toàn, dẫn đến sụt cân nhanh chóng (có thể giảm vài kg trong một tháng, cá biệt có trường hợp giảm đến 10 kg). Triệu chứng này thường gặp ở phụ nữ cao tuổi hơn nam giới.

Mất ngủ: Mất ngủ là triệu chứng phổ biến ở người cao tuổi mắc trầm cảm. Bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc vào giấc ngủ hoặc thường tỉnh giấc sớm vào khoảng 1-2 giờ sáng và không thể ngủ lại. Mất ngủ làm cho họ cảm thấy đêm dài vô tận, gây khó chịu với bản thân và những người xung quanh.

Vận động tâm thần chậm chạp: Người bệnh có thể trở nên chậm chạp trong các hoạt động như nói chuyện, vận động cơ thể, thậm chí là trả lời câu hỏi. Các triệu chứng này đủ nặng để người khác nhận ra. Một số bệnh nhân có thể nằm lỳ trên giường cả ngày mà không có bất kỳ hoạt động gì.

Giảm sút năng lượng: Người bệnh cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi, ngay cả với những công việc nhẹ nhàng. Hiệu quả công việc giảm sút rõ rệt và đôi khi họ không thể thực hiện được các hoạt động cá nhân đơn giản như rửa mặt hay mặc quần áo.

Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi: Bệnh nhân thường có cảm giác mình vô dụng, không làm nên trò trống gì và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Những cảm giác này có thể phát triển thành hoang tưởng, dẫn đến ý nghĩ rằng mình là nguyên nhân gây ra mọi thất bại của bản thân và gia đình.

Khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định: Người bệnh cảm thấy rất khó khăn trong việc suy nghĩ, tập trung vào một việc gì đó hoặc đưa ra quyết định. Họ có thể không thể đọc xong một bài báo ngắn, nghe hết một bài hát yêu thích, hoặc xem hết một chương trình tivi. Trí nhớ của họ, đặc biệt là trí nhớ ngắn hạn, bị suy giảm, khiến họ quên đi các hoạt động vừa thực hiện.

Ý nghĩ muốn chết hoặc có hành vi tự sát: Người bệnh thường có ý nghĩ về cái chết, từ việc cảm thấy bệnh tật quá nặng nề đến việc cho rằng cái chết sẽ giải thoát khỏi đau khổ. Các ý nghĩ này dần dần trở thành niềm tin và có thể dẫn đến hành vi tự sát. Khoảng 50% bệnh nhân trầm cảm cao tuổi có một hoặc nhiều hành vi tự sát, và 20% trong số họ chết do tự sát.

Triệu chứng loạn thần: Khoảng 30% bệnh nhân trầm cảm cao tuổi có triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, ảo giác. Hoang tưởng thường gặp nhất là hoang tưởng nghi bệnh (nghĩ rằng mình mắc bệnh hiểm nghèo), hoang tưởng tự buộc tội, hoặc hoang tưởng hư vô (tin rằng cơ thể mình đã bị tiêu biến).

Rối loạn cơ thể kèm theo: Bệnh nhân trầm cảm cao tuổi thường mắc các bệnh cơ thể khác như cao huyết áp, tiểu đường, hoặc u tuyến tiền liệt, làm cho việc chẩn đoán và điều trị trầm cảm trở nên phức tạp hơn. Các triệu chứng trầm cảm có thể bị che giấu bởi các triệu chứng của bệnh cơ thể, và ngược lại.

4. Chẩn đoán trầm cảm ở người cao tuổi

Chẩn đoán trầm cảm ở người cao tuổi là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự thận trọng và đánh giá kỹ lưỡng các triệu chứng, tiền sử bệnh, và các yếu tố liên quan khác. 

4.1. Tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm 

Theo DSM-5 (2013), bệnh nhân được chẩn đoán là trầm cảm phải biểu hiện ít nhất 5 trong số các triệu chứng sau đây trong khoảng thời gian ít nhất 2 tuần, và các triệu chứng này phải thể hiện một sự thay đổi so với mức độ chức năng trước đó. Trong đó, ít nhất 1 trong 2 triệu chứng đầu tiên (khí sắc giảm hoặc mất thích thú/sở thích) phải có mặt:

  • Khí sắc giảm: Phần lớn thời gian trong ngày, hầu như hàng ngày, bệnh nhân cảm thấy buồn hoặc trống rỗng, điều này có thể được nhận biết bởi chính bệnh nhân hoặc được quan sát bởi người khác (ví dụ, thấy bệnh nhân khóc).
  • Mất thích thú hoặc sở thích: Giảm sút rõ ràng hứng thú hoặc sở thích cho tất cả hoặc hầu như tất cả các hoạt động phần lớn thời gian trong ngày, hầu như hàng ngày.
  • Thay đổi về khối lượng cơ thể hoặc khẩu vị: Giảm hoặc tăng khối lượng cơ thể đáng kể khi không ăn kiêng, hoặc thay đổi hơn 5% khối lượng cơ thể trong một tháng. Trẻ em có thể biểu hiện bằng việc mất khả năng đạt được khối lượng cần thiết.
  • Mất ngủ hoặc ngủ nhiều: Hầu như hàng ngày, bệnh nhân gặp khó khăn trong việc ngủ hoặc có thể ngủ quá nhiều.
  • Kích động hoặc vận động tâm thần chậm: Hầu như hàng ngày, bệnh nhân có thể trở nên kích động hoặc chậm chạp trong các hoạt động, điều này được quan sát bởi người khác chứ không chỉ là cảm giác của bệnh nhân.
  • Mệt mỏi hoặc mất năng lượng: Hầu như hàng ngày, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức mà không có nguyên nhân rõ ràng.
  • Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi quá mức: Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi có thể là hoang tưởng, hầu như hàng ngày (không chỉ là tự trách hoặc kết tội liên quan đến các vấn đề mắc phải).
  • Giảm khả năng suy nghĩ, tập trung chú ý hoặc khó đưa ra quyết định: Bệnh nhân gặp khó khăn trong việc suy nghĩ, tập trung chú ý hoặc ra quyết định, điều này có thể được nhận thấy bởi bệnh nhân hoặc người khác.
  • Ý nghĩ về cái chết hoặc hành vi tự sát: Bệnh nhân có ý nghĩ về cái chết, ý định tự sát tái diễn mà không có kế hoạch cụ thể, hoặc đã có một hành vi tự sát.

4.2. Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán trầm cảm ở người cao tuổi cần được phân biệt với một số rối loạn khác như:

  • Mất ngủ tiên phát: Bệnh nhân chỉ có mất ngủ kéo dài mà không có các triệu chứng khác của trầm cảm như khí sắc giảm, mất hứng thú và sở thích, chán ăn, bi quan, hay ý nghĩ muốn chết.
  • Lo âu lan tỏa: Cả lo âu lan tỏa và trầm cảm đều có thể có triệu chứng lo lắng, mất ngủ, mệt mỏi, nhưng lo âu lan tỏa thường có triệu chứng lo lắng quá mức không kiểm soát được xuất hiện cả ngày, trong khi trầm cảm thường đi kèm với khí sắc giảm và mất hứng thú.
  • Tâm thần phân liệt: Tâm thần phân liệt có thể kèm theo các triệu chứng trầm cảm, nhưng bệnh này thường bắt đầu với hoang tưởng và ảo giác chiếm ưu thế trong bệnh cảnh lâm sàng.
  • Nghiện rượu và ma túy: Bệnh nhân nghiện rượu hoặc ma túy lâu ngày có thể biểu hiện các triệu chứng trầm cảm. Cần khai thác bệnh sử và làm xét nghiệm để tìm ma túy trong máu hoặc nước tiểu để chẩn đoán chính xác.
  • Cơn trầm cảm của rối loạn cảm xúc lưỡng cực: Bệnh nhân có thể có đầy đủ các triệu chứng của một giai đoạn trầm cảm chủ yếu, nhưng khi khai thác tiền sử, có thể phát hiện bệnh nhân đã từng có một hoặc nhiều giai đoạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ.
  • Các bệnh thực tổn: Các bệnh thực tổn như ung thư, mất trí, bệnh tuyến giáp có thể có các triệu chứng giống trầm cảm, do đó cần cân nhắc kỹ để phân biệt.

5. Các mức độ trầm cảm ở người già

Trầm cảm có thể được chia thành các mức độ khác nhau dựa trên số lượng và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng:

Nhẹ: Bệnh nhân có 5-6 triệu chứng đủ để chẩn đoán và các triệu chứng này ít ảnh hưởng đến chức năng lao động xã hội của bệnh nhân.

Vừa: Bệnh nhân có 7-8 triệu chứng và bị ảnh hưởng rõ ràng đến chức năng lao động và xã hội.

Nặng: Bệnh nhân có tất cả 9 triệu chứng và các chức năng xã hội, nghề nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng. Mức độ nặng được chia thành:

  • Nặng không có triệu chứng loạn thần.
  • Nặng có triệu chứng loạn thần (hoang tưởng, ảo giác).

Lui bệnh hoàn toàn: Tất cả các triệu chứng của bệnh đã biến mất.

Lui bệnh một phần: Bệnh nhân vẫn còn vài triệu chứng, nhưng không đủ để chẩn đoán cho cơn trầm cảm chủ yếu (chỉ còn 4 triệu chứng hoặc ít hơn).

6. Điều trị trầm cảm ở người già

Điều trị trầm cảm ở người cao tuổi đòi hỏi một phương pháp tiếp cận toàn diện, bao gồm việc sử dụng thuốc, liệu pháp tâm lý và quản lý các bệnh lý kèm theo.

6.1. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị trầm cảm, đặc biệt là ở người cao tuổi. Trong đó, liệu pháp gia đình là rất cần thiết, bởi người cao tuổi thường dựa vào gia đình để duy trì các hoạt động sinh hoạt hàng ngày cũng như cân bằng cảm xúc.

6.2. Sử dụng thuốc

Khi điều trị trầm cảm cho người cao tuổi bằng thuốc, cần lưu ý một số điểm sau:

  • Liều thuốc phù hợp: Do khả năng dung nạp thuốc của người cao tuổi thấp, liều lượng thuốc chống trầm cảm nên bắt đầu từ 1/2 liều thông thường so với người trưởng thành.
  • Theo dõi tác dụng phụ: Sức khỏe của người cao tuổi thường yếu hơn, dễ bị tác dụng phụ từ thuốc như suy giảm chức năng sinh lý hoặc thay đổi thành phần cơ thể. Vì vậy, cần theo dõi cẩn thận trong quá trình điều trị.
  • Điều trị các bệnh lý đi kèm: Điều trị đồng thời các bệnh cơ thể như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, viêm đa khớp để kiểm soát tốt cả tình trạng trầm cảm.

Một số loại thuốc điều trị trầm cảm ở người cao tuổi bao gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs): Các thuốc này thường có nhiều tác dụng phụ. Để đảm bảo an toàn, nên làm điện tâm đồ (ECG) trước khi sử dụng. Ví dụ, Maprotiline có thể gây động kinh, trong khi Amoxapine có thể gây tác dụng ngoại tháp.
  • MAOIs: Loại thuốc này có thể gây giảm huyết áp tư thế, tăng nguy cơ té ngã ở người già. Không nên dùng đồng thời với thuốc giảm đau hoặc thuốc giống giao cảm, và không sử dụng cho bệnh nhân có suy giảm nhận thức.
  • SSRIs: Nhóm thuốc này an toàn hơn và dễ dung nạp, nhưng có thể gây một số tác dụng phụ như khó ngủ, nhức đầu, buồn nôn, tiêu chảy, và kích động.
  • Tianeptine: An toàn và dễ dung nạp, ít gây tác dụng phụ anticholinergic, phù hợp cho bệnh nhân suy tim hoặc xơ gan. Thuốc này giúp giảm lo âu mà không gây buồn ngủ.
  • Trazodone: Gây buồn ngủ và có thể giảm huyết áp tư thế.
  • Bupropion: Không gây buồn ngủ hay giảm huyết áp tư thế, nhưng liều cao có thể gây động kinh.

6.3. Sốc điện

Sốc điện là liệu pháp điều trị có hiệu quả nhất cho trầm cảm ở người già, đặc biệt khi các phương pháp điều trị bằng thuốc không đạt hiệu quả. Đây là liệu pháp an toàn và thường được chỉ định trong các trường hợp:

  • Trầm cảm có ý định tự sát.
  • Trầm cảm từ chối ăn uống.
  • Trầm cảm có yếu tố căng trương lực.
  • Trầm cảm có loạn thần.
  • Trầm cảm kháng thuốc.
  • Trầm cảm kết hợp với Parkinson.

Chống chỉ định: Bệnh nhân có bệnh thực tổn nặng như suy tim, suy hô hấp, tổn thương não.

Kỹ thuật: Sốc điện lưỡng cực gây mê bằng propofol (liều 1.5mg/kg cân nặng), sử dụng dòng điện dạng xung với hiệu điện thế 80-120 vol, thời gian 0.5-1.5 giây, cường độ dòng điện 500-750 mA. Thường cần thực hiện 8-10 lần, nếu sau 6 lần không có chuyển biến thì coi như thất bại.

6.4. Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống là một phần quan trọng trong việc điều trị trầm cảm, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Các biện pháp cần thực hiện bao gồm:

  • Khuyến khích bệnh nhân tham gia vào các hoạt động thể chất phù hợp.
  • Giúp bệnh nhân tìm ra những thú vui như trồng cây, đọc sách, nuôi cá, để tạo ra những khoảnh khắc thư thái và dễ chịu.
  • Đảm bảo bệnh nhân nhận được sự quan tâm và chăm sóc từ người thân và bạn bè.
  • Đảm bảo bệnh nhân có một chế độ ăn uống cân bằng và đầy đủ dinh dưỡng.
  • Đảm bảo bệnh nhân có thời gian nghỉ ngơi và giấc ngủ đủ để phục hồi sức khỏe tinh thần.

7. Một số câu hỏi thường gặp

Dưới đây là phần trả lời của chuyên gia về một số câu hỏi thường gặp liên quan tới trầm cảm ở người cao tuổi.

Trầm cảm ở người cao tuổi có thể chữa khỏi được không?

Trầm cảm ở người cao tuổi có thể được điều trị hiệu quả thông qua sự kết hợp giữa liệu pháp tâm lý, thuốc chống trầm cảm, và thay đổi lối sống. Với sự chăm sóc đúng cách, nhiều người già có thể hồi phục và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Sự khác biệt giữa trầm cảm và sa sút trí tuệ ở người cao tuổi là gì?

Trầm cảm và sa sút trí tuệ có thể có một số triệu chứng giống nhau, nhưng trầm cảm thường liên quan đến khí sắc giảm, mất hứng thú, trong khi sa sút trí tuệ thường liên quan đến sự suy giảm trí nhớ và khả năng tư duy.

Liệu pháp tâm lý có hiệu quả trong điều trị trầm cảm ở người già không?

Liệu pháp tâm lý rất hiệu quả trong điều trị trầm cảm ở người già, giúp họ thay đổi suy nghĩ tiêu cực và học cách quản lý căng thẳng.

Thuốc chống trầm cảm có an toàn cho người cao tuổi không?

Thuốc chống trầm cảm có thể an toàn cho người cao tuổi nếu được sử dụng dưới sự giám sát của bác sĩ. Liều lượng cần phải được điều chỉnh phù hợp và cần theo dõi cẩn thận để tránh tác dụng phụ.

Người già bị trầm cảm nên ăn uống như thế nào?

Người già bị trầm cảm nên có một chế độ ăn uống cân bằng, giàu vitamin và khoáng chất, hạn chế thực phẩm có nhiều đường và chất béo bão hòa. Việc bổ sung thực phẩm giàu omega-3, vitamin D và B12 có thể giúp cải thiện tâm trạng.

Hi vọng những nội dung hữu ích có trong bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về chứng trầm cảm ở người cao tuổi. Hãy luôn quan tâm, lắng nghe và hỗ trợ người thân của bạn, đồng thời tìm kiếm sự tư vấn chuyên nghiệp để đảm bảo họ nhận được sự chăm sóc tốt nhất.

 

Bình chọn