Cảnh báo chứng ám ảnh sợ xã hội ở trẻ em

Tuổi thơ vốn dĩ là những năm tháng hồn nhiên, vui vẻ và đầy ắp tiếng cười. Thế nhưng, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn được trải qua điều đó. Ám ảnh sợ xã hội xuất hiện ở trẻ kìm hãm sự phát triển của các em trên nhiều phương diện. Cùng tìm hiểu về ám ảnh sợ xã hội ở trẻ em qua bài viết sau đây.

Mục lục [ Ẩn ]

Tuổi thơ vốn dĩ là những năm tháng hồn nhiên, vui vẻ và đầy ắp tiếng cười. Thế nhưng, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn được trải qua điều đó. Ám ảnh sợ xã hội xuất hiện ở trẻ kìm hãm sự phát triển của các em trên nhiều phương diện. Cùng tìm hiểu về ám ảnh sợ xã hội ở trẻ em qua bài viết sau đây.

1. Ám ảnh sợ xã hội ở trẻ em

Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu về ám ảnh sợ xã hội ở trẻ em là gì? Nguyên nhân gây ra bệnh này ở trẻ và những ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và sự phát triển của các em.

Định nghĩa

Ám ảnh sợ xã hội ở trẻ em là nỗi sợ hãi tột độ khi biểu diễn trước mọi người hoặc các tình huống xã hội khác mà trẻ cảm thấy xấu hổ, bị sỉ nhục hoặc là tâm điểm của sự chú ý. Trẻ em bị ám ảnh sợ xã hội thường xuyên sợ trông mình ngu ngốc trước những đứa trẻ khác hoặc trước mặt người lớn. Trẻ mắc ám ảnh xã hội sẽ có xu hướng né tránh các tình huống xã hội.

Trẻ em mắc ám ảnh sợ xã hội thường có ít hoặc không có bạn bè và rất ít tham gia vào các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, bạn cần phân biệt rằng chứng ám ảnh sợ xã hội khác với sự nhút nhát. Những đứa trẻ nhút nhát có thể tỏ ra khó chịu và ít nói với người khác, nhưng chúng không nhất thiết né tránh những tình huống xã hội nêu trên.

Một số nỗi sợ hãi phổ biến nhất ở trẻ em mắc ám ảnh sợ xã hội là phải nói hoặc biểu diễn trước mọi người (ví dụ: biểu diễn ca nhạc, kịch, v.v.) hay nói chuyện với các bạn cùng trang lứa.

Dịch tễ học

Tỷ lệ hiện mắc chứng rối loạn ám ảnh sợ xã hội ở trẻ em dao động từ 3%-6,8% trong các cơ sở chăm sóc ban đầu cho trẻ em và từ  0,5%-9,0% trong các nghiên cứu cộng đồng.

Sự khác nhau về tỷ lệ hiện mắc có thể được giải thích bởi các phương pháp nghiên cứu cũng như các công cụ chẩn đoán khác nhau. Trẻ em gái có xu hướng mắc bệnh nhiều hơn trẻ em trai. Tại các bệnh viện tâm thần nhi, tỷ lệ ám ảnh sợ xã hội chiếm từ 29–40% tổng số bệnh nhân đến khám.

Trong một nghiên cứu của Essau và cộng sự, tỷ lệ lo âu xã hội là 0,5% ở nhóm 12-13 tuổi và 2,0% ở nhóm 14-15 tuổi. Còn theo Wittchen tỷ lệ lo âu xã hội tăng ở nhóm tuổi 14–17 và 18–24 tuổi tương ứng là 4,0% so với 8,7%.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Chứng ám ảnh sợ xã hội ở trẻ em có xu hướng di truyền và phần lớn được hình thành bởi những trải nghiệm tiêu cực.

  • Di truyền: Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ám ảnh sợ xã hội ở trẻ em. Nếu cha mẹ hoặc người thân mắc bệnh, trẻ sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh hơn.
  • Cấu tạo não bộ: Một số nghiên cứu cho thấy những người mắc ám ảnh sợ xã hội có sự khác biệt về cấu tạo não bộ, đặc biệt là ở vùng amygdala (vùng xử lý cảm xúc) và hippocampus (vùng liên quan đến trí nhớ).
  • Trải nghiệm tiêu cực: Trẻ từng trải qua những sự kiện tiêu cực như bị bắt nạt, cô lập, hoặc chứng kiến bạo lực có nguy cơ cao mắc hội chứng này.
  • Môi trường gia đình: Môi trường gia đình quá bảo bọc hoặc quá kiểm soát cũng góp phần hình thành ám ảnh ở trẻ em.

Ngoài các nguyên nhân nêu trên, trẻ có một hoặc tất cả yếu tố nguy cơ sau sẽ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.

  • Trẻ em có tính cách nhút nhát, dễ lo lắng hoặc tự ti
  • Trẻ em gái có xu hướng mắc bệnh cao hơn
  • Trẻ sống trong môi trường có nhiều áp lực hoặc kỳ vọng

Hệ quả của chứng ám ảnh sợ xã hội ở trẻ

Ám ảnh sợ xã hội làm gián đoạn cuộc sống của trẻ, gây khó khăn cho học tập và các mối quan hệ ở trường học hoặc xã hội.

  • Ảnh hưởng tâm lý: Trẻ có thể cảm thấy tự ti, mặc cảm, thiếu tự tin vào bản thân. Nỗi lo lắng về việc bị đánh giá, chế giễu hoặc bị bỏ rơi bởi người khác khiến trẻ gặp khó khăn trong việc kết bạn và xây dựng mối quan hệ.
  • Ảnh hưởng đến học tập: Trẻ có thể né tránh tham gia các hoạt động ở trường lớp vì sợ hãi hoặc lo lắng, dẫn đến khó khăn trong việc tập trung chú ý và ghi nhớ bài học. Kết quả học tập của trẻ có thể thấp hơn so với khả năng của bản thân.
  • Ảnh hưởng về xã hội: Trẻ né tránh các hoạt động xã hội, gặp khó khăn trong việc giao tiếp và tương tác với người khác. Nguy cơ bị cô lập và thiếu các kỹ năng xã hội cần thiết.
  • Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Trẻ cảm thấy buồn bã, thất vọng, chán nản về cuộc sống.

Rối loạn ám ảnh sợ xã hội ở trẻ em cũng thường đi kèm với các rối loạn lo âu khác và rối loạn do sử dụng chất gây nghiện. Khoảng 60% bệnh nhân ám ảnh sợ xã hội trẻ em có các rối loạn tâm thần khác đi kèm. Hay gặp nhất là lo âu lan tỏa (10%), rối loạn tăng động - giảm chú ý (10%) rối loạn ám ảnh - cưỡng bức (6%), trầm cảm (6%) và rối loạn hoảng sợ (2%).

2. Triệu chứng ám ảnh sợ xã hội ở trẻ em

Ám ảnh sợ xã hội được đặc trưng bởi nỗi sợ hãi rõ rệt và dai dẳng về các tình huống xã hội hoặc hoạt động mà trong đó sự bối rối có thể xảy ra. Đứa trẻ thường có phản ứng sợ hãi ngay lập tức trong những tình huống này và thường tìm cách né tránh các tình huống đó.

Ám ảnh sợ xã hội ở trẻ em biểu hiện trên ba nhóm triệu chứng bao gồm: tăng hoạt động tự động, rối loạn hành vi và rối loạn nhận thức.

  • Trẻ có thể biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật. Khi gặp các tình huống xã hội, trẻ sẽ có các triệu chứng như nhịp tim tăng, đổ mồ hôi, đỏ bừng mặt, buồn nôn, đau bụng và căng các cơ trên cơ thể.
  • Về mặt hành vi, trẻ sẽ tìm cách lảng tránh các tình huống xã hội. Biểu hiện có thể gặp như cáu kỉnh, tức giận bộc phát, khóc lóc, đeo bám bố mẹ và thận trọng quá mức. Ngoài ra, các em đôi khi còn quá nhạy cảm với những lời chỉ trích và không hòa hợp với bạn bè cùng trang lứa.
  • Về mặt nhận thức, trẻ em mắc ám ảnh sợ xã hội luôn lo lắng về sự đánh giá của những người xung quanh và diễn giải các tình huống xã hội theo hướng bị đe dọa.

Không giống như người lớn, trẻ em mắc chứng ám ảnh sợ xã hội hay có các triệu chứng buồn nôn, nôn, đau đầu, đau bụng do lo lắng quá mức. Bệnh nhân có ít mối quan hệ bạn bè, học tập kém ở trường, lòng tự trọng thấp và thiếu nhiều kỹ năng sống.

Một số triệu chứng cụ thể phổ biến nhất của ám ảnh sợ xã hội ở trẻ em gồm có:

  • Lẩn tránh hoặc từ chối đến trường
  • Từ chối nói chuyện trong môi trường xã hội hoặc nói giọng rất nhỏ hoặc trầm
  • Thể hiện kỹ năng xã hội kém
  • Sợ sử dụng nhà vệ sinh công cộng
  • Sợ ăn trước mặt người khác
  • Từ chối nói chuyện điện thoại
  • Khó bày tỏ mong muốn và suy nghĩ
  • Từ chối biểu diễn, trình diễn trước bạn bè, trường lớp
  • Sợ bị gọi tên trong lớp

3. Chẩn đoán

Trẻ nghi ngờ mắc ám ảnh sợ xã hội sẽ được thăm khám triệu chứng và mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu trẻ làm một số bài trắc nghiệm tâm lý để đánh giá thêm về tâm lý của con. Dưới đây là tiêu chuẩn chẩn đoán ám ảnh sợ xã hội ở trẻ theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA):

  • Sợ hãi hay lo âu rõ ràng trong các tình huống cùng lứa tuổi và cả trong tương tác với người lớn.
  • Bệnh nhân lo ngại hành động mà họ thực hiện sẽ bị đánh giá tiêu cực.
  • Các tình huống xã hội hầu như đều gây sợ hãi hay lo âu. Ở trẻ em, nỗi sợ hãi hay lo âu có thể được thể hiện bằng cách khóc, ăn vạ, bất động, bám, thu hẹp lại, hoặc không nói chuyện trong các tình huống xã hội.
  • Bệnh nhân né tránh các tình huống xã hội hoặc phải chịu đựng tham gia với sự sợ hãi hay lo âu.
  • Sợ hãi hay lo âu không tương xứng với mối đe dọa thực tế đặt ra bởi tình huống xã hội và với bối cảnh văn hóa xã hội.
  • Sự sợ hãi, lo âu, hoặc né tránh là dai dẳng, thường kéo dài trong 6 tháng hoặc hơn.
  • Sự sợ hãi, lo âu, hoặc né tránh gây ra đau khổ trên  lâm sàng hoặc gây suy giảm chức năng xã hội, nghề nghiệp, hoặc chức năng quan trọng khác.
  • Sợ hãi, lo âu, hoặc né tránh là không phải do tác dụng sinh lý của một chất (thuốc) hay một bệnh khác.

4. Điều trị

Phát hiện sớm và điều trị kịp thời là cách tốt nhất để giúp trẻ hòa nhập với cộng đồng và phát triển khỏe mạnh, toàn diện. Hiện nay, ám ảnh sợ xã hội ở trẻ em có thể được điều trị bằng thuốc, liệu pháp hành vi và phối hợp cả 2 phương pháp trên.

Điều trị bằng liệu pháp nhận thức và hành vi

Liệu pháp hành vi là phương pháp điều trị được ưu tiên, mang lại hiệu quả lâu dài cho trẻ mắc ám ảnh sợ xã hội. Phương pháp này giúp trẻ giảm bớt lo lắng, sợ hãi trong các tình huống xã hội. Trẻ tự tin, cải thiện các kỹ năng xã hội và hòa nhập tốt hơn với môi trường xung quanh.

Các liệu pháp nhận thức giúp trẻ thay đổi những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, về người khác và về các tình huống xã hội. Liệu pháp hành vi giúp trẻ thực hành các kỹ năng xã hội và đối mặt với các tình huống xã hội mà trẻ lo sợ.

Kỹ thuật thường được sử dụng trong liệu pháp thay đổi nhận thức gồm: xác định, thử thách và thay thế suy nghĩ tiêu cực. Trong khi đó, kỹ thuật thay đổi hành vi giúp trẻ thư giãn, cải thiện kỹ đối diện với các tình huống xã hội tốt hơn.

Điều trị bằng thuốc

Bên cạnh liệu pháp điều trị nhận thức và hành vi, một số trường hợp sẽ được chỉ định kết hợp sử dụng thuốc để tăng hiệu quả kiểm soát và điều trị bệnh.

Thuốc ức chế beta

Các nghiên cứu cho thấy thuốc ức chế beta có kết quả làm giảm triệu chứng của cơn ám ảnh, đặc biệt là cắt các cơn lo âu cấp. Có nhiều loại thuốc ức chế beta được sử dụng, nhưng hay dùng nhất là Betaloc.

Với trẻ em, liều dùng Betaloc 25mg được chỉ định uống 45 phút trước khi vào các tình huống xã hội gây ám ảnh. Thuốc có hiệu quả nhanh, hầu như không có tác dụng phụ so với benzodiazepin.

Benzodiazepin.

Benzodiazepin được dùng để điều trị ám ảnh sợ xã hội ở trẻ em.

Trong đó liều 0,5-1mg clonazepam/ngày có hiệu quả giảm ám ảnh sợ xã hội trên gần 80% số trẻ sử dụng. Bệnh nhân cải thiện về lo âu, ám ảnh xa lánh và giảm tự ty. Bromazepam liều 1,5mg đến 3mg/ngày cũng có kết quả chống ám ảnh sợ xã hội tương đường clonazepam. Hai thuốc này đều có ưu điểm là dung nạp tốt và hiệu quả nhanh.

Tuy nhiên, benzodiazepin không được coi là lựa chọn hàng đầu để điều trị ám ảnh sợ xã hội vì dùng thuốc lâu dài dễ gây lạm dụng và không có hiệu quả  với rối loạn trầm cảm phối hợp.

Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin

Hầu hết các thuốc SSRI đều có hiệu quả giống nhau trong điều trị ám ảnh sợ xã hội. Với trẻ em từ 14 tuổi trở xuống, nên dùng liều fluoxetin tăng dần từ 10mg/ngày lên 20mg/ngày sau 1-2 tuần điều trị.

Trên đây là toàn bộ thông tin về chứng ám ảnh sợ xã hội ở trẻ em. Hy vọng bài viết giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về hội chứng tâm lý này cũng như tình trạng sức khỏe tinh thần của mình.

Bình chọn

Bạn có thắc mắc vấn đề gì thì hãy gửi câu hỏi cho chuyên gia nhé!

Bấm gửi câu hỏi

Nhân viên Marketing

Gửi thắc mắc đến chuyên gia tư vấn