Trầm cảm khi mang thai là căn bệnh mà phụ nữ trẻ hiện đại ngày nay có nhiều khả năng bị mắc nhiều hơn 20% so với những bà mẹ vào thập niên 1990. Vậy có thể nhận biết trầm cảm khi mang bầu là gì? Mời bạn cùng tìm hiểu về vấn đề trầm cảm khi mang thai qua bài viết dưới đây.
1. Bệnh trầm cảm khi mang thai là gì?
Mang thai là thời gian có nguy cơ cao đối với bệnh trầm cảm ở phụ nữ lần đầu hoặc tái phát bệnh. Nếu không được điều trị, bệnh trầm cảm có thể tiếp tục vào thời kỳ hậu sản.
Trầm cảm khi mang thai là một chứng rối loạn cảm xúc rất nghiêm trọng và rất dễ xảy ra ở mẹ bầu, nó không chỉ gây ảnh hưởng đến mẹ mà còn tác động xấu đến tâm sinh lý của thai nhi. Theo một thống kê cho biết rằng, có đến khoảng 14 - 23% mẹ bầu sẽ bị trầm cảm khi mang thai.
2. Dấu hiệu bệnh trầm cảm khi mang thai
Bên cạnh, những dấu hiệu bị trầm cảm thường thấy ở những người bệnh khác, theo Hiệp hội phụ nữ mang thai Hoa Kỳ, phụ nữ bị trầm cảm mang thai hay trước sinh thường trải qua một trong số những biểu hiện sau đây và kéo dài trên 2 tuần, bao gồm:
- Quá lo lắng về em bé của bạn và rất dễ khóc.
- Lòng tự trọng thấp, chẳng hạn như cảm giác không đủ về vai trò làm mẹ.
- Không cảm thấy hứng thú với bất kỳ thú vui nào mà trước đây bạn từng thích.
- Luôn cáu gắt, dễ kích động và khó trấn an tinh thần.
- Hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng ma túy bất hợp pháp.
- Tăng cân kém do chế độ ăn giảm hoặc không đủ chất.
- Nỗi buồn kéo dài dai dẳng, kéo dài và không thể kiểm soát được.
- Thường xuyên suy nghĩ, lặp đi lại lại về cái chết, tự sát.
- Cảm bản thân thật vô dụng, tự cảm thấy có lỗi với mọi việc và mọi người xung quanh hoặc lo lắng quá mức, viển vông về em bé trong bụng.
- Khác với những bà mẹ bình thường khác, mẹ bị trầm cảm lúc mang thai có thể bỏ bê ăn uống, không chú trọng chăm sóc bản thân và thai nhi trong giai đoạn này.
Các mẹ bầu nên lưu ý, do một vài triệu chứng rất giống với triệu chứng của giai đoạn ốm nghén. Do đó, các mẹ bầu phải hết sức để ý và quan tâm đến các triệu chứng của bản thân, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng tương tự, tốt nhất nên đến gặp bác sĩ ngay.
3. Nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố nguy cơ
Xã hội càng hiện đại và phát triển thì người phụ nữ lại càng chịu nhiều áp lực, gánh nặng hơn, nhất là họ đang mang thai, nguyên nhân gây trầm cảm khi mang thai hiện vẫn chưa tìm ra. Nhưng thật may mắn là chúng ta có thể xác định được một số yếu tố nguy cơ như sau.
3.1. Áp lực tài chính ngày một tăng lên
Bạn biết không, nếu như ngày xưa thế hệ ông cha chúng ta chỉ cần có một ngôi nhà đơn sơ cùng với các vật dụng cơ bản là đã có thể sinh con và nuôi dưỡng những đứa trẻ thì ngày nay, câu chuyện đã thay đổi một cách nhanh chóng.
Giá nhà, giá đất tăng cao vùn vụt, cộng thêm chi phí sinh hoạt khác làm nhiều cặp vợ chồng trẻ khác đang phải chao đảo tìm cách kiếm tiền. Giờ đây, các chị em kể cả lúc mang bầu không thể hoàn toàn dựa vào nguồn thu nhập của chồng được, họ vẫn phải ngày ngày ra khỏi nhà và tất bật với các công việc xã hội để có tiền chăm lo cho gia đình.
Họ ít có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc đến bản thân và em bé trong bụng hơn khiến tâm lý ngày càng căng thẳng, lo lắng và có thể dẫn tới chứng trầm cảm khi mang thai.
3.2. Sự thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai
Chắc các bạn cũng đã quen thuộc nhiều với tính khí nhạy cảm, nóng nảy hay thay đổi thất thường,… của những bà bầu rồi đúng không nào? Điều này là do những sự biến đổi quan trọng của nội tiết tố trong cơ thể của các chị em để tạo điều kiện cho thai nhi hình thành và phát triển.
Tuy nhiên, nếu sự biến đổi này diễn ra quá mạnh mẽ và đột ngột có thể là yếu tố thúc đẩy, làm trầm trọng hơn những rối loạn về tâm lý của chị em mang thai, trong đó có rối loạn trầm cảm.
3.3. Ít có sự hỗ trợ, chăm sóc của người thân
Thật tuyệt vời và hạnh phúc khi nhiều chị em có một người chồng hay gia đình, người thân tâm lý, sẵn sàng sẻ chia các công việc trong gia đình, lo lắng cho chị em từ những điều đơn giản nhất trong sinh hoạt đời thường như bữa ăn, giấc ngủ,...
Tuy nhiên trên thực tế, không phải ai cũng có được sự may mắn như vậy, nhiều chị em đã phải trải qua thai kỳ trong sự cô đơn khi thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc của người thân hoặc chồng bên cạnh.
Trong trường hợp này, sự lo lắng và tâm sự của họ ít có thể được giãi bày cùng với ai, càng làm cho cuộc sống thêm phần ngột ngạt, bí bách. Chính điều này cũng là yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mẹ bầu bị trầm cảm nhiều hơn.
3.4. Căng thẳng, áp lực trong gia đình
Tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, muốn đẻ thằng con trai để chống gậy có lẽ đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người, nhiều thế hệ. Khi xã hội ngày càng tiến bộ và hiện đại thì tư tưởng ấy phần nào mai một dần, nhưng ở đâu đó vẫn tồn tại tư tưởng này.
Chắc bạn đã từng chứng kiến nhiều vụ việc đau lòng khi chồng hay gia đình nhà chồng ép người vợ phải sinh đến tận đứa thứ 5, thứ 6 để cho ra bằng được “thằng cu”. Chính tư tưởng này là gánh nặng tâm lý cho nhiều chị em phụ nữ và là nguồn cơn khiến họ có thể bị trầm cảm sau sinh.
3.5. Bị lạm dụng
Phụ nữ có tình trạng bị lạm dụng thời thơ ấu, sức lao động, tình dục hay bị đối xử thiếu tôn trọng có thể khiến họ trở nên nhạy cảm hơn khi mang thai, bất lực và cô lập bản thân mình hơn hoặc bị ám ảnh bởi những ký ức bị lạm dụng trước đó. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ mắc bệnh trầm cảm khi họ mang thai.
Một số yếu tố nguy cơ gây trầm cảm khi mang thai bao gồm:
- Rối loạn tuyến giáp
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh trầm cảm
- Hỗ trợ xã hội kém
- Mang thai ngoài ý muốn
- Bạo lực gia đình
4. Phòng bệnh trầm cảm khi mang thai
Để tránh được những hậu quả nghiêm trọng của bệnh trầm cảm khi mang thai gây ra, phụ nữ mang thai và người thân nên quan tâm đến những thay đổi về mặt cảm xúc, hành động của mẹ bầu trong thời gian mang bầu để phát hiện kịp thời những thay đổi bất thường.
Vì đây là căn bệnh rất dễ mắc phải khi mang bầu, do đó mẹ bầu nên tự ý thức tìm hiểu về nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh để có thể tìm được phương pháp phòng tránh phù hợp.
Cần phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh sớm, khám và chẩn đoán bệnh kịp thời để có thể cùng bác sĩ đề ra được phương pháp điều trị thích hợp làm giảm biến chứng cho sức khỏe mẹ bầu và cả thai nhi.
Nâng cao tình cảm gia đình, đặc biệt là sự quan tâm của người chồng, người thân quan trọng nhất của phụ nữ có thai. Nên tạo cho sản phụ luôn có một tâm trạng tốt, giữ được tinh thần khỏe mạnh, lạc quan để chiến đấu với thời kỳ mang thai với nhiều thay đổi về mặt tinh thần và cơ thể.
Điều chỉnh hành vi và lối sống lành mạnh, cân bằng giúp thai phụ giảm được các áp lực từ cuộc sống và tránh xa bệnh trầm cảm. Thai phụ có thể làm các hoạt động nhẹ nhàng và đơn giản như: Đi bộ, đọc sách, nghe nhạc, chăm sóc da,... hay làm những việc mình thích để cân bằng cảm xúc và cuộc sống.
Không đặt nặng mọi vấn đề tương lai vào hiện tại, bớt suy nghĩ về các vấn đề sau này như con cái, gia đình, kinh tế,... để tránh gây áp lực cho chính bản thân và gây hại cho thai nhi.
5. Biến chứng của trầm cảm khi mang thai
Trầm cảm khi mang thai nếu không được điều trị kịp thời có thể tiềm ẩn những rủi ro nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu
- Không chăm sóc bản thân. Ví dụ, nếu bệnh trầm cảm của bạn không được điều trị, bạn có thể không ăn những thực phẩm lành mạnh và không tăng đủ cân trong thai kỳ. Bạn bỏ qua các cuộc khám sức khỏe trước khi sinh hoặc không tuân theo hướng dẫn từ nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn.
- Hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng các loại thuốc có hại
- Dễ bị trầm cảm sau sinh. Nó có thể khiến bạn khó chăm sóc và gắn bó với con mình.
- Tự tử (giết chính mình), nghĩ đến việc tự tử hoặc nghĩ đến việc làm tổn thương em bé của bạn.
Trầm cảm khi mang thai có gây ảnh hưởng đến thai nhi
- Nếu bạn mắc bệnh vào thời kỳ 3 tháng đầu thì có nguy cơ cao bị sảy thai hoặc sinh non.
- Thai nhỏ hơn so với tuổi thai (còn gọi là SGA). Trẻ sinh ra sẽ bị nhẹ cân, còi cọc và kém phát triển hơn những trẻ sơ sinh khác.
- Trẻ dễ cáu kỉnh, hay khóc hay ít hoạt động, kém chú ý và ít biểu hiện trên khuôn mặt hơn những đứa trẻ bình thường khác.
- Ảnh hưởng đến các vấn đề về học tập, hành vi và phát triển và tình trạng sức khỏe tâm thần sau này trong cuộc sống của trẻ.
Một số phụ nữ không tìm cách điều trị chứng trầm cảm khi mang thai vì xấu hổ, xấu hổ, mặc cảm hoặc đơn giản vì họ nghĩ rằng các triệu chứng trầm cảm của họ chỉ là những triệu chứng mang thai “bình thường” và sẽ tự biến mất.
Vì vậy, nếu bạn nghĩ rằng có khả năng bạn đang bị trầm cảm khi mang thai, hãy yêu cầu sự giúp đỡ - vì chính bạn, mà còn vì em bé của bạn cần một người mẹ khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
5. Khám và chẩn đoán bệnh trầm cảm khi mang thai
Do chưa có phương pháp cụ thể để chẩn đoán bệnh trầm cảm khi mang thai, vì vậy, khi mẹ bầu nhận thấy bản thân mình có những biểu hiện như đã nêu ở trên thì nên đến gặp ngay bác sĩ chuyên khoa để được đưa ra phương pháp khám và chẩn đoán cụ thể cho từng trường hợp.
Ngoài ra, trong quá trình khám thai tại các bệnh viện sản nhi cấp thành phố hay trung ương nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bệnh bạn nên hỏi ngay ý kiến của bác sĩ để được đưa ra các đề xuất, yêu cầu phù hợp.
6. Các phương pháp điều trị bệnh trầm cảm khi mang thai
Có thể thấy mẹ bị trầm cảm khi mang thai có thể gây rất nhiều nguy hiểm cho sức khỏe cả mẹ và bé. Cuộc sống của những bà mẹ này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách, do vậy cần lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp đối với mẹ bầu. Dưới đây là một số phương pháp đó.
6.1. Thuốc điều trị trầm cảm
Liệu sử dụng thuốc điều trị trầm cảm có an toàn cho phụ nữ mang thai không? là câu hỏi và mối quan tâm của rất nhiều người. Trên thực tế, đang có rất nhiều sự tranh luận về sự an toàn và tác dụng lâu dài của thuốc chống trầm cảm sử dụng trong thai kỳ.
Một số nghiên cứu hiện nay cho thấy một số loại thuốc dùng để điều trị trầm cảm có thể đi qua nhau thai vào thai nhi và có liên quan đến các vấn đề ở trẻ sơ sinh như dị tật, các vấn đề bất thường về tim và cân nặng.
Do vậy, mẹ mang bầu tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc điều trị trầm cảm khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Khi mẹ bầu bị trầm cảm nặng, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích - rủi ro trong việc sử dụng thuốc. Thuốc chống trầm cảm có thể được sử dụng trong thai kỳ bao gồm:
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin (còn gọi là SSRI)
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (còn gọi là SNRI)
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng (còn gọi là TCAs)
SSRI paroxetine có thể liên quan đến dị tật tim ở trẻ nếu tiếp xúc với thuốc trong ba tháng đầu của thai kỳ. Nếu bạn đang mang thai hoặc dự định có thai và đang dùng paroxetine, hãy trao đổi với bác sĩ ngay lập tức về vấn đề này.
6.2. Trị liệu tâm lý
Đây là một phương pháp điều trị khá hiệu quả đối với mẹ bị trầm cảm lúc mang bầu ở mức độ từ nhẹ đến trung bình. Thông qua cách điều trị này, các chuyên gia hoặc bác sĩ tâm lý sẽ nói chuyện trực tiếp với các chị em để giải quyết những vấn đề bất ổn về tâm lý của chị em.
Bên cạnh đó, các bác sĩ có thể giúp mẹ bầu thả lỏng, thư giãn tinh thần bằng cách kể lại những chuyện buồn khổ, đau đớn của họ trong quá khứ, cho họ mở lòng và nói ra hết tất cả những khúc mắc trong lòng để giải tỏa dễ dàng hơn. Các liệu pháp thường sử dụng như:
- Liệu pháp nhận thức hành vi (còn gọi là CBT)
- Liệu pháp giữa các cá nhân (còn gọi là IPT)
- Liệu pháp sốc điện (còn gọi là ECT)
6.3. Các cách giúp hỗ trợ chữa trị trầm cảm khi mang thai
Ngoài những phương pháp điều trị bằng cách sử dụng thuốc, tâm lý trị liệu thì mẹ bầu có thể bỏ túi một số kinh nghiệm điều trị trầm cảm lúc mang bầu như sau
- Tập thể dục nhẹ nhàng và thường xuyên: cách này có thể làm tăng mức serotonin và giảm nồng độ cortisol, giúp làm giảm nhẹ các triệu chứng trầm cảm.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: thiếu ngủ có thể ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể và giảm khả năng xử lý các tình huống căng thẳng và những thách thức hàng ngày. Ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp mẹ bầu được ổn định tâm lý và tinh thần tốt hơn.
- Dành thời gian cho gia đình và bạn bè: Thay vì ngồi một mình, mẹ bầu nên dành thêm thời gian cho gia đình và bạn bè để trao đổi và nói chuyện nhằm giải tỏa cảm xúc và tốt hơn về mặt cảm xúc.
- Chế độ ăn uống và dinh dưỡng khoa học và hợp lý: Nhiều loại thực phẩm có liên quan đến sự thay đổi tâm trạng, khả năng xử lý căng thẳng và tinh thần minh mẫn.
- Điều trị theo phương pháp Đông y: Châm cứu - Các nghiên cứu mới báo cáo rằng châm cứu là một lựa chọn khả thi trong điều trị trầm cảm ở phụ nữ mang thai. Do vậy, bạn và người thân có thể trao đổi với bác sĩ về phương pháp điều trị này nhé.
- Bổ sung axit béo Omega - 3: Trong nhiều năm nay, một số nghiên cứu đã cho thấy rằng bổ sung axit béo Omega - 3 có thể giúp làm giảm triệu chứng trầm cảm khi mang thai. Các nguồn thực phẩm chứa loại chất này là các loại cá, quả óc chó, rau có màu xanh…
Hy vọng rằng qua những thông tin mà bài viết đã chia sẻ về trầm cảm khi mang thai đã giúp các chị em mang bầu và người thân hiểu rõ về căn bệnh này hơn, tìm ra được phương pháp điều trị phù hợp với sức khỏe của cả mẹ và bé nhé.