Trầm cảm sau sinh nguy hiểm như thế nào?

Hiện tượng “trầm cảm sau sinh” gần đây luôn được truyền thông, báo chí nhắc tới nhiều về mức độ gia tăng ngày càng nhanh chóng. Vậy trầm cảm sau sinh là gì? kéo dài bao lâu? Dấu hiệu trầm cảm sau sinh như thế nào? Cách chữa trầm cảm sau sinh là gì? Tất cả những thắc mắc này sẽ được giải đáp ngay trong bài viết dưới đây.

Mục lục [ Ẩn ]
Bệnh trầm cảm sau sinh
Bệnh trầm cảm sau sinh

1. Bệnh trầm cảm sau sinh 

Để hiểu hơn về căn bệnh này, đầu tiên hãy cùng tìm hiểu về các thông tin cơ bản về nó nhé!

1.1. Bệnh trầm cảm sau sinh là gì?

Trầm cảm sau sinh là dạng trầm cảm ở phụ nữ sau sinh thường gặp, có thể diễn ra bất cứ lúc nào trong năm đầu khi sinh em bé, nhưng thường hay gặp trong 3 tuần đầu sau khi sinh.

Trầm cảm sau sinh không chỉ xuất hiện ở những bà mẹ sinh con lần đầu, mà nói còn xuất hiện ở những bà mẹ sinh lần thứ hai, thứ ba… Trầm cảm sau sinh có thể ảnh hưởng đến khoảng 15% phụ nữ sau khi sinh con. Theo CDC cho biết rằng, tại Hoa Kỳ khoảng 1/10 phụ nữ có triệu chứng trầm cảm sau khi sinh.

Những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh thường giấu kín và không nói cho mọi người biết về tình trạng của mình. Bên cạnh đó, những ông chồng của họ là những người chịu ảnh hưởng đầu tiên khi vợ mắc căn bệnh này. Chứng rối loạn tâm trạng này đã được chứng minh là có ảnh hưởng từ 1 - 26% đến người chồng.

Ngoài trầm cảm sau sinh, mẹ bỉm sữa có thể mắc một trong hai dạng rối loạn tâm trạng khác và thường hay bị nhầm lẫn với trầm cảm sau sinh là:

Hội chứng “Baby blues”

Hiện tượng này xảy ra với hầu hết tất cả phụ nữ trong những ngày đầu sau khi sinh. Tình trạng này khiến bạn thay đổi tâm trạng một cách đột ngột khiến bạn không thể kiểm soát được và có thể chỉ kéo dài 1 - 2 giờ hoặc có thể là 1 - 2 tuần sau khi sinh với các dấu hiệu như: 

  • Tâm trạng lâng lâng
  • Cảm thấy lo ngại và sầu não
  • Có thể cáu gắt vì bất kỳ lý do gì
  • Không thích nghi được với một số việc hay thay đổi một vấn đề nào đó
  • Dễ khóc và khóc không rõ nguyên do
  • Thay đổi chế độ ăn uống, có thể thèm ăn hơn
  • Gặp vấn đề về giấc ngủ

Rối loạn tâm thần sau sinh 

Đây là một căn bệnh tâm thần nghiêm trọng và nặng hơn bệnh trầm cảm sau sinh, nó có thể xảy ra rất nhanh chóng, thường là trong 3 tháng đầu sau khi sinh. Trung bình có 1 - 2 trong 1000 phụ nữ có thể mắc rối loạn này và đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ dưới 1 tuổi bị sát hại.

Các dấu hiệu của rối loạn tâm thần sau sinh tương đối giống với trầm cảm sau sinh nhưng thường nặng và kéo dài lâu hơn. Dấu hiệu của rối loạn tâm thần sau sinh là:  

  • Bạn bị lú lẫn, hay quên hay không nhớ về các việc làm trước đó hoặc mất phương hướng trong cuộc sống hay xác định bản thân
  • Bạn luôn có những suy nghĩ ám ảnh về em bé của bạn
  • Xuất hiện các ảo giác hoặc ảo tưởng về cuộc sống hay về các vấn đề khác 
  • Bạn bị rối loạn giấc ngủ nặng
  • Bạn luôn trong trạng thái dư thừa năng lượng quá mức và dễ kích động trước một vấn đề nào đó
  • Xuất hiện tình trạng hoang tưởng
  • Luôn cố gắng làm hại bản thân hoặc đến chính đứa con của bạn
Trầm cảm sau sinh là tình trạng thường gặp ở phụ nữ
Trầm cảm sau sinh là tình trạng thường gặp ở phụ nữ

1.2. Trầm cảm sau sinh kéo dài bao lâu? 

Bạn biết đấy, thật khó có thể đưa ra một con số thời gian chính xác về trầm cảm sau sinh kéo dài bao lâu. Thông thường trầm cảm sau sinh sẽ kéo dài trong khoảng từ 4 - 6 tuần, nhưng vẫn có trường hợp kéo dài lâu hơn nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách.

Một số người có bệnh tình diễn ra trầm trọng hơn kéo dài từ vài tháng đến hơn 1 năm. Do vậy, người thân không nên chủ quan với những rối loạn tâm lý ở mẹ sau sinh nhé.

>>> Xem thêm: Trầm cảm khi mang thai - Nguy hiểm và nên phòng tránh

2. Dấu hiệu trầm cảm sau sinh

Các bạn biết không, bệnh trầm cảm sau sinh diễn biến rất phức tạp và thường bị lơ là vì nhiều người thân trong gia đình chưa thực sự hiểu rõ về căn bệnh này. Các triệu chứng của trầm cảm sau sinh ở mỗi bà mẹ là khác nhau và có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng.

Ở giai đoạn đầu, trầm cảm sau sinh có thể bị nhầm lẫn với chứng buồn ngủ nếu không để ý kỹ. Nhưng sau đó các triệu chứng sẽ dữ dội, kéo dài hơn và có thể ảnh hưởng đến khả năng chăm sóc em bé và xử lý các công việc trong cuộc sống hằng ngày của mẹ trẻ.

Các triệu chứng có thể phát triển trong vài tuần đầu sau sinh hoặc có thể sớm hay muộn hơn bao gồm: 

  • Cảm thấy không thể chăm sóc em bé và làm những công việc cơ bản hàng ngày.
  • Tâm trạng chán nản hoặc thay đổi liên tục một cách nghiêm trọng
  • Khóc quá nhiều và không biết nguyên do vì sao
  • Khó gần gũi với em bé, không cảm nhận được sợi dây liên kết tình mẫu tử của mẹ con.
  • Luôn cảm thấy mệt mỏi và mất năng lượng làm việc
  • Thay đổi thói quen ăn uống hằng ngày, có thể chán ăn hoặc ăn nhiều hơn so với bình thường
  • Giấc ngủ bị thay đổi, có thể bị mất ngủ hoặc ngủ nhiều hơn mức bình thường
  • Cảm giác bạn thân vô dụng và luôn thấy tội lỗi hoặc không đủ
  • Một số mẹ bị trầm cảm sau sinh có suy nghĩ làm hại con mình và chính bản thân họ như tự tử, đánh đập con nhỏ...

3. Nguyên nhân trầm cảm sau sinh 

Tại sao phụ nữ sau sinh hay bị trầm cảm? Là câu hỏi thường được các chị em đặt ra mà không phải ai cũng biết được đáp án. Vậy nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh sau sinh là gì? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi phụ nữ là “phái yếu”, nhất là sau khi trải qua quá trình vượt cạn nhiều đau đớn về thể xác thì lúc này chị em là những người dễ bị tổn thương về tâm lý nữa đấy.

Nguyên nhân trầm cảm sau sinh rất nhiều
Nguyên nhân trầm cảm sau sinh rất nhiều

Cho tới nay nguyên nhân chính có thể dẫn tới trầm cảm sau sinh ở các chị em hiện vẫn đang là ẩn số đối với các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, chúng ta đã xác định được một số  yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị trầm cảm sau sinh, bao gồm:

3.1. Sự thay đổi của hormone

Cơ thể người phụ nữ vốn rất kỳ diệu, khi mang thai trong giai đoạn đầu thì nồng độ của 2 hormone Estrogen và Progesterone tăng cao để đảm bảo cho sự phát triển ban đầu của tử cung và thai nhi. 

Tuy nhiên, từ tháng 6 của thai kỳ trở đi, lượng 2 hormone bắt đầu giảm dần và giảm mạnh sau khi sinh em bé, nhường chỗ cho sự tăng tiết mạnh của hormone kích thích sản xuất sữa đó là Prolactin.

Chính sự thay đổi đột ngột này gây ra những biến đổi về thể chất lẫn cảm xúc của các chị em và có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh của nhiều mẹ nữa đấy.

3.2. Cô đơn hay thiếu sự quan tâm, hỗ trợ từ phía gia đình, bạn bè

“Đầu tắt mặt tối” có lẽ là cụm từ miêu tả chính xác về tình trạng của hầu hết các mẹ sau sinh khi ngày nào cũng phải căng mình chăm sóc cho cả bé mới sinh hay thậm chí là cả gia đình chồng nữa. 

Những lúc như vậy, chắc hẳn nhiều mẹ cầu mong sẽ có một khoảng thời gian rảnh nào đó để gặp gỡ bạn bè để dốc bầu tâm sự, xả stress, hay là để quên đi nỗi buồn trong cuộc sống… Nhưng điều này thật khó mẹ nhỉ, nhất là khi chồng bạn không tâm lý và không san sẻ những công việc trong gia đình với bạn nữa.

Bên cạnh đó, nhiều mẹ sau sinh còn không nhận được sự hỗ trợ từ phía người thân, gia đình trong việc chăm sóc bé mới sinh. Mẹ phải tự làm hết mọi việc kết hợp thêm những nỗi lo suy nghĩ về trách nhiệm làm mẹ, nuôi dạy con cái… càng khiến sức khỏe kiệt quệ, thiếu ngủ trầm trọng…

Những hiện tượng thường xuyên phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, nhưng ít ai biết được rằng chúng là thủ phạm rất lớn có thể gây trầm cảm ở mẹ sau sinh.

3.3. Từng có tiền sử bệnh trầm cảm

Nếu mẹ bỉm sữa trước đó đã từng mắc bệnh này hoặc bị trầm cảm khi mang thai, hoặc có người thân trong gia đình cũng bị trầm cảm thì mẹ cũng dễ bị trầm cảm sau sinh hơn so với những người bình thường.

Từng có tiền sử bệnh trầm cảm khiến phụ nữ dễ bị trầm cảm sau sinh
Từng có tiền sử bệnh trầm cảm khiến phụ nữ dễ bị trầm cảm sau sinh

3.4. Biến chứng về sinh đẻ sau quá trình sinh con

Sinh con thực sự là một thử thách rất lớn trong cuộc đời người phụ nữ, để con sinh ra được an toàn và khỏe mạnh, mẹ đã phải chịu đựng biết bao đau đớn về thể xác hay là những biến chứng sau sinh thường gặp đó là: tiểu không tự chủ, thiếu máu, thay đổi huyết áp, rối loạn chuyển hóa…

Ngoài ra, nhiều mẹ còn bị ám ảnh bởi chuyện ngoại hình sau sinh, vóc dáng xồ xề, hay là những đốm tàn nhan, vết nhăn… lần lượt xuất hiện trên gương mặt.

Những yếu tố đó có thể làm tăng yếu tố nguy cơ bị trầm cảm sau sinh của các chị em. 

3.5. Khó khăn về tài chính

Cuộc sống ngày càng hiện đại thì càng có nhiều khoản chi tiêu đến “gõ cửa” các cặp vợ chồng mới sinh con, nhất là với các cặp vợ chồng trẻ chưa có thu nhập ổn định.

Nào là tiền bỉm, tiền sữa, tiền tiêm phòng cho bé… chưa tính đến những lúc con ốm đau đi bệnh viện thì các mẹ lại càng thêm đau đầu hơn về chuyện tiền nong. Những dồn nén lo lắng về chuyện chi tiêu, tài chính này sẽ càng khiến tinh thần của mẹ sau sinh thêm phần căng thẳng, mà đôi khi không biết chia sẻ cùng ai.

Tất cả các áp lực về kinh tế này có thể làm mẹ sau sinh có nguy cơ đối mặt với nhiều bệnh tâm lý, trong đó có cả trầm cảm.

4. Yếu tố nguy cơ gây bệnh

Bên cạnh những nguyên nhân gây bệnh thì các yếu tố nguy cơ cũng là một trong những lý do góp phần làm tăng khả năng mắc bệnh của các bà mẹ bỉm sữa.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh ở phụ nữ sau sinh gồm: 

  • Bạn có tiền sử mắc bệnh trầm cảm hay mắc chứng trầm cảm trước sinh
  • Bạn mắc chứng rối loạn lưỡng cực
  • Gia đình bạn có thành viên bị trầm cảm hoặc một trong các rối loạn tâm thần khác
  • Bạn trải qua những sự kiện căng thẳng chẳng hạn như bệnh tật, mất việc,...
  • Em bé của bạn gặp vấn đề về sức khỏe hoặc các vấn đề khác
  • Bạn sinh đôi, sinh ba hoặc nhiều hơn
  • Mang thai ngoài ý muốn hoặc không mong muốn
Có nhiều yếu tố nguy cơ khiến phụ nữ sau sinh mắc trầm cảm
Có nhiều yếu tố nguy cơ khiến phụ nữ sau sinh mắc trầm cảm

5. Phòng ngừa bệnh trầm cảm sau sinh

Ước mong được ổn định về sức khỏe cũng như tâm lý là mong muốn của tất cả chị em sau sinh. Vì vậy, hãy cùng phòng tránh và ngăn ngừa từ sớm trầm cảm sau sinh bằng các biện pháp sau đây: 

  • Trong quá trình mang thai và sau sinh, mẹ cần duy trì chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng các chất dinh dưỡng để chuẩn bị cho quá trình vượt cạn và nuôi dưỡng em bé được tốt nhất.
  • Tập suy nghĩ những điều tích cực, duy trì tâm trạng lạc quan yêu đời, coi những khó khăn thử thách trong cuộc sống là điều tất yếu mà ai cũng phải trải qua trong cuộc đời.
  • Khi gặp nhiều khó khăn về kinh tế, chuyện chăm sóc em bé, mẹ sau sinh nên cởi mở chia sẻ và nhờ tới sự giúp đỡ của những người thân, bạn bè thân thiết.
  • Nếu cảm thấy những bất thường về vấn đề sức khỏe trong quá trình mang thai và sau khi sinh nở, mẹ cần thông báo ngay cho bác sĩ, để tránh ảnh hưởng tới tâm lý nhé.

6. Tác hại của bệnh trầm cảm sau sinh

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trầm cảm sau sinh không những gây cản trở sự gắn kết giữa mẹ và bé mà còn đem đến nhiều tác hại khác cho cả gia đình bạn

Đối với các bà mẹ: Trầm cảm sau sinh có thể kéo dài nếu không được điều trị và trở thành trầm cảm mãn tính khó điều trị và khó hồi phục hơn. Ngay cả khi được điều trị kịp thời thì người mẹ vẫn có thể tái phát bệnh trong thời gian sau đó khi gặp phải một tác động nào đó nghiêm trọng.

Đối với người chồng: Khi trong gia đình có người mắc chứng trầm cảm thì có thể gây nên các cuộc cãi vã, căng thẳng trong cảm xúc cho tất cả mọi người xung quanh. Khi phụ nữ bị trầm cảm sau sinh thì khả năng người chồng bị trầm cảm có thể tăng lên.

Đối với trẻ: Trầm cảm sau sinh có thể làm bà mẹ bị mất kiểm soát về cảm xúc và hành vi của chính bản thân khiến cho trẻ cũng bị ảnh hưởng theo với các biến chứng như:

  • Chậm phát triển về mặt ngôn ngữ và học tập
  • Các vấn đề trong mối quan hệ của mẹ và con
  • Các vấn đề về hành vi
  • Trẻ sẽ dễ khóc và khóc nhiều hơn
  • Dễ kích động và thay đổi tâm trạng
  • Trẻ sẽ không phát triển tối đa về mặt thể chất như chiều cao, dễ mắc chứng béo phì ngay từ khi còn nhỏ,...

6. Khám và chẩn đoán bệnh trầm cảm sau sinh

Theo DSM - 5, trầm cảm sau sinh còn được gọi là rối loạn trầm cảm khởi phát chu sinh và một người được chẩn đoán là mắc chứng trầm cảm sau sinh khi có ít nhất 5 trong 9 triệu chứng chính sau trong thời gian ít nhất 2 tuần.

  • Cảm giác buồn bã, trống rỗng hoặc tuyệt vọng, gần như mỗi ngày, trong hầu hết thời gian trong ngày
  • Mất hứng thú hoặc niềm vui trong các hoạt động
  • Giảm cân hoặc giảm cảm giác thèm ăn
  • Thay đổi thói quen trong cách ngủ
  • Cảm giác bồn chồn, lo lắng
  • Cảm giác cơ thể bị mất năng lượng và không muốn làm bất cứ điều gì
  • Cảm giác bản thân vô dụng hoặc thấy tội lỗi
  • Mất tập trung hoặc thiếu quyết đoán trong các sự việc ngày càng tăng
  • Thường xuyên suy nghĩ về cái chết và xuất hiện cảm giác muốn tự tử
Mẹ trẻ cần đi khám ngay khi thấy xuất hiện các triệu chứng trầm cảm
Mẹ trẻ cần đi khám ngay khi thấy xuất hiện các triệu chứng trầm cảm

Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được tiến hành chẩn đoán phân biệt để loại bỏ khả năng mắc hội chứng Baby blues và rối loạn tâm thần sau sinh, những tình trạng rối loạn tâm trạng khác có thể gặp phải ở phụ nữ sau khi sinh nở.

7. Các phương pháp điều trị trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của các chị em mà nó còn có thể gây nhiều hậu quả nặng nề tới sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ em. Do vậy, lựa chọn được phương pháp điều trị hợp lý sẽ là giúp cải thiện được sức khỏe của cả mẹ và bé.

7.1. Bệnh trầm cảm sau sinh có chữa khỏi được không?

Trầm cảm sau sinh có thể chữa dứt điểm được. Tùy thuộc vào mức độ nhẹ, vừa hay nặng của bệnh mà khi phát hiện ra bệnh các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp và phác đồ điều trị thích hợp cho từng trường hợp cụ thể.

Bên cạnh sự hỗ trợ của bác sĩ, bệnh nhân muốn chữa dứt điểm bệnh thì cần phối hợp tuyệt đối với bác sĩ, thực hiện đúng phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra cũng như không được phép tự ý dừng điều trị khi chưa có sự cho phép.

7.2. Tâm lý trị liệu bệnh trầm cảm sau sinh

Bước quan trọng nhất trên hành trình điều trị và hồi phục của các bà mẹ sau sinh bị trầm cảm đó là hiểu rõ căn bệnh này. Gia đình, người thân và những người bạn thân thiết có thể tác động lớn tới kết quả điều trị và giúp mẹ sau sinh hồi phục nhanh hơn.

Sẽ tốt hơn nếu mẹ bị trầm cảm sau sinh có thể bày tỏ được cảm xúc với những người mà mẹ tin tưởng, yêu thương thay vì kìm nén cảm xúc, giữ kín những tâm sự, suy nghĩ trong lòng.

Đừng để mẹ sau sinh bị trầm cảm cô đơn một mình nhé, người thân và gia đình hãy là chỗ dựa, điểm tựa tốt cho mẹ sau sinh những lúc bị căng thẳng, khó khăn nhé.

Bên cạnh đó, có thể áp dụng các biện pháp khác trong chữa trị trầm cảm sau sinh như:

  • Liệu pháp hành vi nhận thức: Là một liệu pháp tâm lý giúp những người trầm cảm cách suy nghĩ và cư sao cho đúng trong các tình huống khác nhau. Giúp người bệnh học cách thay đổi về mặt suy nghĩ và hành vi không hữu ích cũng như cải thiện về mặt cảm xúc.
  • Liệu pháp giữa các cá nhân: Liệu pháp này giúp mọi người cải thiện được kỹ năng giao tiếp trong các mối quan hệ, phát triển các mối quan hệ vốn có và tạo điều kiện cho phép họ đối phó với các khủng hoảng hoặc các vấn đề khác gây có thể gây nên chứng trầm cảm của chính họ.
Tâm lý trị liệu trầm cảm sau sinh
Tâm lý trị liệu trầm cảm sau sinh

7.3. Điều trị bằng thuốc

Cũng giống như những người bệnh trầm cảm khác, tùy theo mức độ của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị trầm cảm thích hợp.

Các hoạt chất có trong các loại thuốc sẽ giúp cân bằng và kiểm soát lại khu vực trong não bộ liên quan đến tâm trạng của mẹ sau sinh. Ngoài ra, chúng còn giúp giảm bớt những triệu chứng, biểu hiện của mẹ bị trầm cảm sau sinh.

Tuy nhiên, nhược điểm của các loại thuốc này đó là có thể truyền cho trẻ sơ sinh thông qua sữa mẹ và gây những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Theo một số nghiên cứu, thuốc chống trầm cảm ba vòng, chẳng hạn như imipramine và nortriptyline, có thể là an toàn để sử dụng đối với phụ nữ đang cho con bú.

Ngoài ra, thuốc an thần có thể được kê đơn trong các trường hợp rối loạn tâm lý sau sinh, người mẹ bị ảo giác, có ý nghĩ tự tử và hành vi phi lý. 

Tuy nhiên, trong những trường hợp như vậy, các loại thuốc nên được sử dụng trong một thời gian ngắn vì chúng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ như: Suy giảm trí nhớ, buồn ngủ, mất thăng bằng…

7.4. Điều trị theo phương pháp Đông y

Vì đang trong giai đoạn sau sinh và cho con bú, nhiều người có thể ngại sử dụng thuốc tây vì sợ có thể mang lại các tác dụng không muốn cho con, do đó, nhiều người đã sử dụng phương pháp điều trị theo các bài thuốc Đông y. 

Tùy thuộc vào triệu chứng bệnh mà thầy thuốc sẽ đưa ra bài thuốc thích hợp cho từng bệnh nhân cụ thể. Tuy nhiên, có một số bài thuốc thường được sử dụng là:

  • Sài hồ sơ can tán: Bạch thược, Chỉ xác, Hương phụ, Sài hồ mỗi vị 8g, Trần bì 6g, Xuyên khung 6g, Chích thảo 4g.
  • Bán hạ hậu phác thang (Kim quỹ yếu lược): Bán hạ, Phục linh, Tía tô mỗi vị 12g; Hậu phác 2g, Sinh khương 3 lát, Thêm Chỉ xác, Hương phụ, Phật thủ, Toàn phúc ngạnh.
  • Quy tỳ thang gia giảm (Tế sinh phương): Bạch linh, Đương quy, Toan táo nhân, Viễn chí mỗi vị 8g; Bạch truật, Nhân sâm, Hoàng kỳ, Long nhãn mỗi vị 10g; Cam thảo, Mộc hương mỗi vị 2g.
  • Cam Mạch Đại Táo Thang (Kim Quỹ Yếu Lược) : Cam thảo 12g, Đại táo 10 quả, Tiểu mạch 40g, thêm Bá tử nhân , Hợp hoan hoa, Phục thần, Táo nhân.

7.5. Liệu pháp sốc điện (ETC)

Đây là liệu pháp được sử dụng để điều trị trong các trường hợp nghiêm trọng của chứng trầm cảm sau sinh bằng cách kích thích dòng điện lên não bộ nhằm làm giảm các triệu chứng của bệnh.

Trầm sảm sau sinh có thể điều trị dứt điểm hoàn toàn
Trầm sảm sau sinh có thể điều trị dứt điểm hoàn toàn

8. Có thể tự chữa chứng trầm cảm sau sinh không?

Đây chính là thắc mắc của nhiều người về căn bệnh này. Trên thực tế, vẫn có thể tự chữa được trầm cảm sau sinh nếu mức độ bệnh nhẹ và không gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe mẹ, em bé và cuộc sống của những người xung quanh. 

Trong trường hợp mẹ bị bệnh tự kỷ nhẹ và vẫn có thể nhận thức được về công việc, nhiệm vụ của mình hàng ngày thì vẫn có thể tự chữa được nhờ sự chia sẻ, quan tâm động viên của những người thân xung quanh, đặc biệt là người chồng.

Ngược lại, nếu mẹ bị trầm cảm sau sinh ở mức độ nặng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thậm chí là cả tính mạng của cả mẹ và bé, thì lúc này nhất thiết gia đình và người thân cần đưa mẹ đến ngay các cơ sở y tế để điều trị đúng cách nhé.

Nếu bạn nghi ngờ bản thân mình hay những người thân của bạn mắc bệnh trầm cảm sau sinh, để chính xác bạn nên đi thăm khám tại các địa điểm uy tín để biết được chính xác tình trạng của bản thân nhé.

Mong rằng qua những chia sẻ của bài viết về trầm cảm sau sinh, các bà mẹ cũng như người thân đã hiểu rõ hơn và có những suy nghĩ đúng hơn về căn bệnh này. Chúc mẹ sau sinh sẽ sớm bình phục lại sức khỏe và tâm lý nhé.

Xếp hạng: 5 (3 bình chọn)

Bạn có thắc mắc vấn đề gì thì hãy gửi câu hỏi cho chuyên gia nhé!

Bấm gửi câu hỏi

Với kinh nghiệm 4 năm làm việc trong lĩnh vực y tế sức khỏe, Dược sĩ Lê Hạnh chịu trách nhiệm cập nhật thông tin, tin tức về các bệnh và thông tin liên quan liên quan đến rối loạn tâm thần, tâm lý. Đảm bảo đưa tin chính xác, nhanh chóng, kịp thời cũng như giải quyết khó khăn của người bệnh.

Dược sĩ Đại học Lê Hạnh

Gửi thắc mắc đến chuyên gia tư vấn