Điều trị trầm cảm là việc cần thiết và cấp bách vì nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời nó sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm đặc biệt là đến tính mạng. Vậy đâu là phương pháp khám, chẩn đoán và điều trị bệnh trầm cảm hiệu quả nhất? mời bạn đọc tham khảo ngay bài viết dưới đây nhé.
1. Phương pháp khám và chẩn đoán bệnh trầm cảm
Ở Việt Nam hiện nay đang sử dụng phương pháp khám và chẩn đoán trầm cảm theo ICD - 10 như sau:
1.1. Chẩn đoán xác định
Chẩn đoán xác định được đánh giá theo các tiêu chí sau:
- Các bệnh nhân phải xuất hiện các triệu chứng lâm sàng đặc trưng, phổ biến và sinh học của trầm cảm ngay từ lần đầu tiên phát bệnh.
- Giai đoạn trầm cảm xuất hiện ít nhất 2 tuần.
- Không có đủ các điều kiện đáp ứng các tiêu chuẩn đối với giai đoạn hưng cảm nhẹ hoặc hưng cảm ở bất kỳ thời điểm nào trong đời.
- Các giai đoạn này không liên quan với việc sử dụng chất tác động tâm thần hoặc bất cứ rối loạn thực tổn nào.
Người bệnh được chẩn đoán mắc trầm cảm giai đoạn nhẹ khi: Bệnh nhân có 2/3 triệu chứng đặc trưng và 2/7 triệu chứng phổ biến, có hoặc không có các triệu chứng cơ thể.
Người bệnh được chẩn đoán mắc trầm cảm giai đoạn vừa khi: Bệnh nhân có 2/3 triệu chứng đặc trưng, ít nhất 3 đến 4/7 triệu chứng phổ biến, có hoặc không các triệu chứng cơ thể.
Người bệnh được chẩn đoán mắc trầm cảm giai đoạn nặngkhôngcó triệu chứng loạn thần khi:
- Bệnh nhân có 3/3 triệu chứng đặc trưng, ít nhất 3 đến 4 triệu chứng khác. Những triệu chứng quan trọng như kích động hoặc chậm chạp được thể hiện rõ nét.
- Bệnh nhân có thể không muốn hoặc không thể mô tả nhiều triệu chứng của bản thân một cách cụ thể, rõ ràng.
Người bệnh được chẩn đoán mắc trầm cảm giai đoạn nặng có triệu chứng loạn thần khi:
- Bệnh nhân có 3/3 triệu chứng đặc trưng, ít nhất 3 đến 4 triệu chứng khác và có các hoang tưởng, ảo giác hoặc sững sờ trầm cảm.
- Các triệu chứng hoang tưởng thường gồm những suy nghĩ tội lỗi, thấp hèn hoặc những tai họa sắp xảy ra, trách nhiệm mà bệnh nhân phải gánh chịu.
- Các triệu chứng ảo thanh hoặc ảo khứu mà bệnh nhân có thể gặp phải thường là giọng kết tội, phỉ báng hoặc mùi rác mục hoặc thịt thối rữa.
- Sự chậm chạp của tâm thần vận động nặng có thể dẫn đến sự sững sờ trước các sự việc.
1.2. Chẩn đoán cận lâm sàng
Bên cạnh các đánh giá xác định, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm lâm sàng như:
Các xét nghiệm thường quy: Xét nghiệm huyết học, sinh hóa, hormone tuyến giáp, viêm gan B, HIV,...
Chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng: XQ tim phổi, siêu âm ổ bụng, siêu âm doppler xuyên sọ, siêu âm tuyến giáp, điện não đồ, điện tim đồ, lưu huyết não, đo đa ký giấc ngủ, CT scanner sọ não, MRI sọ não,...
Các trắc nghiệm tâm lý:
- Thang đánh giá trầm cảm của Beck, Hamiltion, trầm cảm ở người già (GDS), trầm cảm ở trẻ em, thang đánh giá trầm cảm cộng đồng (PHQ - 9),...
- Thang đánh giá nhân cách (MMPI) và bảng kiểm tra nhân cách hướng nội, hướng ngoại (EPI).
- Thang đánh giá rối loạn giấc ngủ (PSQI).
- Thang đánh giá lo âu của Zung, Hamilton.
- Thang đánh giá hỗn hợp lo âu – trầm cảm – stress (DASS).
Các xét nghiệm theo dõi điều trị:
- Đánh giá tình trạng rối loạn chuyển hóa do thuốc như: Glucose máu, mỡ máu (cholesterol toàn phần, triglycerid, LDL - cholesterol, HDL - cholesterol) 3 tháng/lần.
- Xét nghiệm công thức máu 1 tháng/lần để theo dõi tác dụng hạ bạch cầu.
- Theo dõi chức năng của các nội tạng như gan, thận và làm điện tim đồ 3 tháng/lần.
1.3. Chẩn đoán phân biệt
Các chẩn đoán này nhằm loại trừ khả năng mắc các bệnh lý khác của bệnh nhân, những bệnh lý gây nên các triệu chứng tương tự như bệnh trầm cảm.
- Bệnh lý nội khoa: Suy giáp - Triệu chứng của bệnh này gồm mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, ăn uống kém. Làm xét nghiệm hormone tuyến giáp để khẳng định.
- Các bệnh lý tâm thần: Rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm, rối loạn cơ thể hóa, rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm.
2. Các phương pháp điều trị trầm cảm
Điều trị trầm cảm có thể làm giảm các triệu chứng hoặc chấm dứt hoàn toàn bệnh khi bạn tuân thủ và làm đúng theo các hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh phương pháp sử dụng thuốc, các bác sĩ có thể thêm các liệu pháp điều trị trầm cảm khác để làm tăng hiệu quả và mang lại kết quả đáng mong đợi cho bệnh nhân.
2.1. Bệnh trầm cảm có chữa khỏi được không?
Mặc dù cho tới hiện tại chưa có phương pháp cụ thể nào được cho là có thể điều trị trầm cảm hoàn toàn, nhưng đã có những phương pháp được cho là có thể điều trị trầm cảm hiệu quả và giúp người bệnh phục hồi.
Phát hiện và bắt đầu điều trị trầm cảm càng sớm thì khả năng thành công càng cao. Tuy nhiên, ngay cả khi điều trị hiệu quả, việc tái phát bệnh vẫn có thể xảy ra.
Chính vì vậy, để ngăn ngừa việc tái phát, tái diễn lại bệnh những người điều trị trầm cảm nên tiếp tục sử dụng ngay cả sau khi các triệu chứng cải thiện hoặc hết cho tới khi có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.
2.2. Nguyên tắc điều trị
Mục tiêu điều trị
- Điều trị các nguyên nhân dẫn đến trầm cảm (nếu có).
- Làm giảm và mất hoàn toàn các triệu chứng bệnh.
- Phòng ngừa tái phát, tái diễn trầm cảm sau khi điều trị thành công.
Tiến trình điều trị trầm cảm
- Cần phải chẩn đoán nhanh chóng, chính xác, đánh giá mức độ trầm trọng của bệnh, nguy cơ tự sát của bệnh nhân, chọn và cho thuốc chống trầm cảm thích hợp, kiểm tra độ dung nạp của thuốc, tiếp tục duy trì điều trị trầm cảm sau khi đã làm giảm hoặc mất hoàn toàn các triệu chứng.
- Điều trị tấn công giai đoạn cấp để thanh toán các triệu chứng từ 2 - 4 tháng đầu. Điều trị trầm cảm duy trì để phòng tránh tái phát trầm cảm 4 - 6 tháng. Điều trị phòng ngừa tái diễn.
- Trong khi điều trị trầm cảm, đôi khi cần phối hợp với các thuốc khác như thuốc giải lo âu, thuốc chống loạn thần, thuốc điều chỉnh khí sắc hay các liệu pháp nhận thức,... nếu cần thiết và mang lại hiệu quả khi điều trị.
2.3. Điều trị bằng thuốc
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người mà bác sĩ điều trị sẽ quyết định lựa chọn thuốc phù hợp cho bệnh nhân. Thời gian để thuốc trầm cảm có tác dụng là 7 - 10 ngày sau khi đạt liều điều trị.
- Các thuốc chống trầm cảm truyền thống: Thuốc chống trầm cảm loại IMAO và thuốc chống trầm cảm 3 vòng (amitriptylin, chomipramin) nhưng hiện nay ít dùng vì có nhiều tương tác thuốc.
- Các thuốc chống trầm cảm mới: Là các nhóm thuốc được các bác sĩ thường xuyên sử dụng hơn vì chúng ít tác dụng không mong muốn, khởi đầu tác dụng sớm, ít tương tác khi phối hợp với các thuốc khác, an toàn khi sử dụng như: Setralin, fluoxetin, venlafaxin, duloxentin, mirtazapin,...
- Các thuốc điều trị phối hợp khác: Nhiều trường hợp người bệnh trầm cảm có thể kèm theo các tình trạng rối loạn tâm thần khác thì cần sử dụng kết hợp với các thuốc khác nhằm điều trị các tình trạng kèm theo này như: Thuốc chống lo âu (etifoxin, grandaxin, sedanxio,...), thuốc chống loạn thần hay các thuốc điều chỉnh khí sắc nhằm tránh tái phát, tái diễn trầm cảm.
2.4. Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý là liệu pháp điều trị trầm cảm thường được sử dụng kết hợp kèm theo khi điều trị bằng thuốc. Với liệu pháp này, tùy thuộc vào tình trạng, mức độ bệnh mà bệnh nhân có thể được áp dụng một hay một số liệu pháp sau:
- Liệu pháp hành vi nhận thức: Được chỉ định điều trị trầm cảm giai đoạn nhẹ và vừa. Liệu pháp này thường được kết hợp với thuốc chống trầm cảm trong điều trị bệnh trầm cảm.
- Liệu pháp hỗ trợ: Liệu pháp này được sử dụng nhằm tạo sự cân bằng về thực tế của bệnh nhân và phản ứng của họ. Bệnh nhân được giúp đỡ để giải quyết các vấn đề mà họ đang gặp phải. Các bác sĩ thường kết hợp liệu pháp này với thuốc khi điều trị trầm cảm ở mức độ vừa và nhẹ.
- Liệu pháp phân tích tâm lý: Liệu pháp phân tích tâm lý giúp bệnh nhân chấp nhận những thay đổi do rối loạn trầm cảm gây ra và tự hiểu biết về các triệu chứng của mình. Liệu pháp này thường được kết hợp với thuốc chống trầm cảm trong điều trị trầm cảm vừa và nhẹ.
Ngoài ra, các bác sĩ có thể đề xuất sử dụng các liệu pháp tâm lý khác như: liệu pháp cá nhân, liệu pháp thư giãn luyện tập.
2.5. Điều trị trầm cảm bằng Đông y
Theo Đông y, điều trị trầm cảm được chữa theo 2 phương pháp chính là:
2.5.1. Phương pháp không dùng thuốc
Phương pháp không dùng thuốc gồm nhiều liệu pháp khác nhau như: Tư vấn, luyện tập, châm cứu, xoa bóp/tự xoa bóp, bấm huyệt,...
Tập luyện thể chất và tinh thần
- Về tập luyện thể chất, thầy thuốc sẽ khuyên bạn tích cực luyện tập thể dục thể thao, nên lựa chọn những môn thể thao mà bản thân mình thích để tập luyện thường xuyên.
- Về mặt tinh thần, người bệnh cần tập luyện để khiến tinh thần trở nên mạnh mẽ hơn. Một khi tinh thần đã được phục hồi và khả năng chịu đựng tốt hơn thì người bệnh có thể chống chọi được với các vấn đề về tinh thần tốt hơn. Các phương pháp thường được khuyến cáo sử dụng là thiền định và thư giãn.
Xây dựng thời gian biểu hợp lý
- Nhiều bệnh nhân mắc chứng trầm cảm có nguyên nhân là từ những áp lực của cuộc sống, công việc hay gia đình. Vì vậy, đối với những bệnh nhân này các bác sĩ Đông y sẽ khuyên bệnh nhân nên sắp xếp cho mình một thời gian biểu làm việc, học tập, ăn uống và nghỉ ngơi thích hợp.
Ăn uống
- Theo Đông y cho rằng, ăn uống gây nên nhiều vấn đề cho sức khỏe, do đó, khi chế độ ăn uống không hợp lý sẽ gây ảnh hưởng đến dòng chảy năng lượng của cơ thể.
- Nhiều người khi mắc bệnh trầm cảm có thể sẽ xuất hiện tình trạng chán ăn, thậm chí là không ăn uống, nhưng có người lại ăn rất nhiều và dường như không có cảm giác no.
- Vì thể, nhiều bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân nên có chế độ ăn uống phù hợp như thế nào để bổ sung đầy đủ chất dưỡng, không gây nên tình trạng dư thừa chất dẫn đến tăng cần mà vừa thanh lọc được cơ thể, an tĩnh tâm hồn.
Liệu pháp xoa bóp và bấm huyệt
- Xoa bóp và bấm huyệt là những phương pháp điều trị Đông y thường được sử dụng trong nhiều bệnh tâm thần khác không chỉ riêng trầm cảm.
- Xoa bóp và bấm huyệt giúp người bệnh trầm cảm hồi phục và tăng cường sinh lực, giảm bớt tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, đau nhức. Người bệnh cũng có thể tự học cách xoa bóp cho bản thân mà không nhất thiết phải nhờ sự giúp đỡ từ bác sĩ Đông y.
- Các huyệt thường được bấm trong quá trình điều trị theo phương pháp Đông Y là huyệt Bách hội trên đầy cùng một số huyệt đạo khác ở các bộ phận khác như bụng, lưng, ngực và chân.
Phương pháp châm cứu
- Theo Đông y, những bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm ở giai đoạn nhẹ và vừa thì châm cứu là một phương pháp điều trị mang lại nhiều kết quả mong muốn.
- Việc châm cứu khiến não bộ sản sinh ra những chất dẫn truyền thần kinh, nội tiết tố (những nguyên nhân gây trầm cảm theo Tây y).
- Châm cứu cũng có tác dụng bổ thận (giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và sức khỏe của thận), kiện tỳ ( tốt cho hệ tiêu hóa và tăng cảm giác ngon miệng), an thần định chí (ổn định hệ thần kinh, cải thiện giấc ngủ).
- Châm cứu cũng có tác dụng giải tỏa stress, tăng cảm giác lạc quan, vui vẻ hơn.
2.5.2. Phương pháp dùng thuốc
Phương pháp dùng thuốc là phương pháp cuối cùng được sử dụng trong chữa bệnh trầm cảm theo Đông y. Phương pháp này sẽ mang đến nhiều hiệu quả đáng mong chờ khi chẩn đoán được bệnh. Các bài thuốc thường được sử dụng như:
- Bài thuốc 1: Ích tâm định chí khang (Thiên gia diệu phương) gồm: Đương quy thân, Tử đan sâm, Tế sa nhân, Bạch đàn hương, Toan táo nhân, Bắc ngũ vị, Ngọc cát cánh, Chích viễn chí, Đoạn mẫu lệ.
- Bài thuốc 2: Lao Ngưu Tử Cúc Hoa Thang gồm Mông thạch, Hải phù thạch, Đại Hoàng, Hoàng bá, Hoàng cầm, Cúc hoa, Mang tiêu, Đại giả thạch, Tri mẫu, Mạch môn đông, Lao ngưu tử, Chi tử, Thiên hoa phấn, Trúc nhự.
- Bài thuốc 3: Táo nhân 100 gram, Đương quy, Câu kỷ tử, Mạch môn, Thục địa mỗi vị 50 gram; Hạt sen, Huyền sâm, Ngũ vị tử mỗi vị 25 gram; nếu chóng mặt thì thêm Viễn chí, Nhân sâm, Địa liền mỗi vị 20 gram.
- Bài thuốc 4: Thiên kim tử lấy 50 gram, Đương quy và Hoàng quy mỗi vị lấy 25 gram; Táo nhân 20 gram; Bạch thược, Bạch truật, Phục linh mỗi vị 5 gram.
- Bài thuốc 5: Táo nhân, Đương quy, Câu kỷ tử, Hoa cúc trắng, Phục linh trắng, Thục địa mỗi thứ 20 gram; Mạch môn, Bạch truật mỗi loại 15 gram; Xuyên khung, Nhân sâm mỗi loại 10 gram.
Việc gia tăng hay giảm hàm lượng mỗi vị thuốc sẽ tùy theo tính chất của từng vị thuốc và tình trạng bệnh của mỗi bệnh nhân mà các thầy thuốc Đông y sẽ có sự phân chia thích hợp.
2.6. Các liệu pháp điều trị khác khác
Ngoài các liệu pháp thường được sử dụng đã kể trên, trong một vài trường hợp bác sĩ có thể đưa ra một số liệu pháp điều trị trầm cảm kèm theo như:
- Liệu pháp sốc điện: Liệu pháp này thường được chỉ định ưu tiên trong các trường hợp trầm cảm nặng có suy nghĩ và hành vi tự sát, trầm cảm kháng thuốc hay khi sử dụng các liệu pháp khác không có kết quả thì phương pháp sốc điện sẽ được sử dụng. Tuy nhiên, khi sử dụng phương pháp này nên lưu ý để tránh các tai biến xảy ra khi.
- Liệu pháp kích thích từ xuyên sọ: Đây là liệu pháp được ưu tiên cho các trường hợp trầm cảm nhẹ và vừa. Khi thực hiện phương pháp này, cần tuân thủ chặt chẽ các chỉ định và chống chỉ định đề hạn chế tối đa các tai biến có thể gặp phải.
2.7. Chữa bệnh trầm cảm tại nhà
Khi tình trạng bệnh của bạn không nhất thiết phải nhập viện để điều trị trầm cảm và có thể điều trị tại nhà thì bạn nên tuân thủ các lời khuyên của bác sĩ và các chuyên gia để nó có thể giúp bạn hoặc người thân bạn trong quá trình điều trị trầm cảm:
- Duy trì pháp đồ và liệu pháp điều trị trầm cảm đã được đưa ra, không tự ý dừng điều trị khi thấy bản thân mình tốt lên mà không có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.
- Cố gắng vận động và tập thể dục, hòa nhập cộng đồng.
- Đặt mục tiêu thực tế cho bản thân và cố gắng các mục tiêu ấy một cách tốt nhất có thể.
- Cố gắng dành thời gian cho những người xung quanh mình, tâm sự với một người bạn hoặc người thân đáng tin cậy.
- Cố gắng không tự cô lập mình và hãy để người khác giúp bạn.
- Mong đợi tâm trạng của bạn được cải thiện dần dần, không phải ngay lập tức.
- Hãy hoãn những quyết định quan trọng, luôn thảo luận về quyết định với những người hiểu rõ về bạn và có cái nhìn khách quan hơn về tình hình của bạn.
- Tiếp tục giáo dục bản thân về bệnh trầm cảm, tập làm quen với bệnh và tìm ra được phương pháp khống chế các triệu chứng.
- Người thân bên cạnh người bệnh nên hiểu về bệnh của người bệnh để có sự đồng cảm, dễ dàng hỗ trợ người bệnh điều trị bệnh. Luôn quan tâm đến tâm trạng, thể chất của người bệnh để phát hiện được các điểm bất thường. Hạn chế tối đa hành động muốn tự tự của người bệnh.
3. Khám và điều trị bệnh trầm cảm ở đâu
Nếu bạn nghi ngờ bản thân mình hay những người xung quanh bạn mắc bệnh trầm cảm, để chính xác bạn có thể thăm khám và chữa bệnh ở một số địa điểm sau:
3.1. Tại Hà Nội
Khi bạn đang ở Hà Nội hay các vùng lân cận, bạn có thể tham khảo một số địa điểm khám và chữa bệnh trầm cảm sau:
- Viện sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai: Số 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội.
- Khoa Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Lão khoa Trung ương: Số 1A Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.
- Khoa Tâm thần – Bệnh viện Quân Y 103: 261 Phùng Hưng - Hà Đông - Hà Nội.
- Khoa Tâm lý và sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Hồng Ngọc: Số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội.
- Bệnh viện Tâm thần Trung ương I: Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội.
3.2. Tại thành phố Hồ Chí Minh
Khi bạn đang ở thành phố Hồ Chí Minh hay các vùng lân cận, bạn có thể tham khảo một số địa điểm khám và chữa bệnh trầm cảm sau:
- Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh: Đường Võ Thường Kiệt, Phường 1, Quận 5, TP.HCM.
- Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh: 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP.HCM.
- Khoa Nội thần kinh tổng quát - Bệnh viện Nhân Dân 115: 527 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, TP.HCM.
- Khoa Thần kinh - Bệnh viện Chợ Rẫy: 201B Nguyễn Chí Thanh - Phường 12 - Quận 5 - TP.HCM.
Trên đây là những thông tin về phương pháp khám, chẩn đoán bệnh trầm cảm cùng các phương pháp điều trị trầm cảm thường dùng. Hy vọng qua bài viết các bạn đã có cho mình những thông tin hữu ích. Hãy like và chia sẻ bài viết cho mọi người xung quanh bạn cùng tìm hiểu nhé. Chúc bạn một ngày tốt lành.