Tất tần tật về rối loạn stress cấp: Nguyên nhân và giải pháp

Rối loạn stress cấp là một phản ứng tâm lý nghiêm trọng xảy ra sau khi trải qua hoặc chứng kiến sự kiện chấn thương. Rối loạn này không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý mà còn tác động tiêu cực tới cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị rối loạn stress cấp, từ đó cung cấp những giải pháp kịp thời để bảo vệ sức khỏe tâm lý cho bản thân và người thân yêu.

Mục lục [ Ẩn ]

Rối loạn stress cấp là một phản ứng tâm lý nghiêm trọng xảy ra sau khi trải qua hoặc chứng kiến sự kiện chấn thương. Rối loạn này không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý mà còn tác động tiêu cực tới cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị rối loạn stress cấp, từ đó cung cấp những giải pháp kịp thời để bảo vệ sức khỏe tâm lý cho bản thân và người thân yêu.

1. Rối loạn stress cấp là gì?

Rối loạn stress cấp (Acute Stress Disorder - ASD) là một rối loạn tâm lý nặng nề xảy ra khi một người trải qua hoặc chứng kiến những tình huống quá sức chịu đựng như tai nạn nghiêm trọng, bị bạo lực, bị bắt cóc, các hành động tội ác (như giết người, tấn công tình dục,...), các thảm họa thiên nhiên (động đất, sóng thần,...),... 

Nó giống như một phản ứng tự nhiên của cơ thể trước những cú sốc mạnh. ASD thường xuất hiện ngay sau khi sự kiện xảy ra và kéo dài từ 3 ngày đến 1 tháng.

Nếu tình trạng này kéo dài hơn 1 tháng, người đó có thể bị một loại rối loạn tâm lý khác gọi là rối loạn stress sau sang chấn (PTSD). PTSD cũng là một rối loạn tâm lý liên quan đến chấn thương nhưng nó kéo dài hơn và có những ảnh hưởng sâu sắc hơn đến cuộc sống hàng ngày.

Cơ chế bệnh sinh

Khi chúng ta gặp phải một tình huống căng thẳng quá lớn, cơ thể sẽ giải phóng các hormone như catecholamine và cortisol. Những hormone này giúp cơ thể phản ứng nhanh chóng với nguy hiểm bằng cách tăng cường nhịp tim, huyết áp và hô hấp. Tuy nhiên, nếu tình trạng căng thẳng kéo dài và quá mức, cơ thể sẽ không kịp phục hồi và dần trở nên mất cân bằng. Điều này dẫn đến rối loạn thần kinh thực vật và gây ra các triệu chứng kéo dài của rối loạn stress cấp.

Bên cạnh đó, khi căng thẳng, lượng serotonin trong cơ thể giảm đi đáng kể, dẫn đến các triệu chứng như trầm cảm, lo âu và khó ngủ.

Tỷ lệ mắc ASC

Tỷ lệ mắc rối loạn stress cấp (ASC) phụ thuộc rất nhiều vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của sự kiện chấn thương mà người bệnh đã trải qua:

  • Đối với các sự kiện không nhằm vào cá nhân bệnh nhân: Tỷ lệ mắc ASC dưới 20%. Ví dụ, những người chứng kiến một thảm họa tự nhiên như động đất hoặc cháy nhà có nguy cơ thấp hơn so với những người trực tiếp bị ảnh hưởng.
  • Đối với các sự kiện nhằm trực tiếp vào cá nhân bệnh nhân: Tỷ lệ mắc rối loạn stress cấp cao hơn đáng kể, dao động từ 20% đến 50%. Những sự kiện này bao gồm các tình huống bạo lực như tấn công, hãm hiếp hoặc chứng kiến các hành vi bạo lực nghiêm trọng như nổ súng hàng loạt. Các sự kiện này có tác động mạnh mẽ hơn đến tâm lý người bệnh vì họ là nạn nhân trực tiếp hoặc chứng kiến sự việc xảy ra ngay trước mắt mình.

2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến rối loạn stress cấp

ASD có thể xảy ra sau khi một người trải qua một hoặc nhiều sự kiện đau thương, gây tổn thương nặng nề về tinh thần. Những sự kiện này có thể bao gồm:

  • Trực tiếp chứng kiến một vụ nổ súng
  • Gặp tai nạn giao thông
  • Tham chiến trong một cuộc chiến tranh
  • Bị bạo lực hoặc bị tấn công tình dục
  • Chứng kiến cái chết đột ngột của người thân hoặc cái chết thương tâm của người lạ
  • Sống sót sau tình huống kinh hoàng
  • Trải qua thảm họa thiên nhiên

Mặc dù ai cũng có thể mắc ASD, nhưng một số nhóm người có nguy cơ cao hơn, chẳng hạn như:

  • Những người có tiền sử mắc các vấn đề về tâm lý trước đó. 
  • Những người dưới 40 tuổi, đặc biệt là phụ nữ
  • Những người có tiền sử mắc ASD hoặc PTSD sau khi trải qua các sự kiện chấn thương tâm lý khác trong quá khứ. 

3. Triệu chứng của rối loạn stress cấp

Người bệnh thường có những phản ứng mạnh mẽ về cả thể chất và tinh thần, kéo dài từ 3 ngày đến 1 tháng sau sự kiện chấn thương tâm lý. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

3.1. Triệu chứng hồi tưởng

  • Những hình ảnh, âm thanh, cảm giác liên quan đến sự kiện đau buồn cứ lặp đi lặp lại trong đầu, dù người đó không muốn. Ở trẻ em, chúng có thể thể hiện điều này qua việc chơi đi chơi lại một trò chơi mô phỏng lại sự việc đó.
  • Thường xuyên mơ thấy những giấc mơ kinh khủng liên quan đến sự kiện đau buồn. Ở trẻ em, những giấc mơ này có thể rất đáng sợ nhưng lại không rõ ràng nội dung.
  • Người bệnh có thể cảm thấy như mình đang trải qua lại sự kiện đau buồn một lần nữa, thậm chí còn có thể hành động giống như lúc đó. Trong trường hợp nghiêm trọng, họ có thể hoàn toàn mất kiểm soát và không biết mình đang ở đâu. Ở trẻ em, chúng có thể diễn lại những cảnh đau buồn trong các trò chơi.
  • Khi tiếp xúc với những thứ liên quan đến sự kiện đau buồn đó, cơ thể người bệnh có thể có những phản ứng mạnh mẽ như tim đập nhanh, đổ mồ hôi, khó thở,...

3.2. Cảm xúc tiêu cực

  • Người bệnh không có khả năng trải nghiệm những cảm xúc tích cực trong thời gian dài như không cảm nhận được niềm hạnh phúc, sự hài lòng hay cảm xúc yêu thương. 

3.3. Triệu chứng phân ly

  • Thay đổi cảm nhận về môi trường xung quanh. Người bệnh có thể cảm thấy như thể đang xem chính mình làm một việc gì đó, giống như đang xem phim vậy. Hoặc họ có thể thấy mọi thứ xung quanh chậm lại hoặc nhanh lên một cách kỳ lạ.
  • Người bệnh có thể quên đi một phần hoặc toàn bộ những gì đã xảy ra trong sự kiện đau buồn đó. Đây không phải do bị chấn thương ở đầu hay sử dụng chất kích thích mà là do cơ chế tự bảo vệ của tâm trí.

3.4. Triệu chứng tránh né

  • Cố gắng tránh né những ký ức, suy nghĩ đau buồn hoặc cảm xúc liên quan chặt chẽ với sự kiện đau buồn. 
  • Cố gắng tránh các kích thích từ bên ngoài (người, địa điểm, cuộc hội thoại, các hoạt động, các đối tượng, các tình huống) có thể khơi dậy những ký ức và suy nghĩ đau buồn, hoặc cảm xúc liên quan chặt chẽ với sự kiện đau buồn.

3.5. Triệu chứng kích thích

Những người mắc ASD thường xuyên cảm thấy:

  • Rối loạn giấc ngủ như khó vào giấc ngủ, ngủ không ngon,...
  • Dễ nổi cáu.
  • Dễ bị giật mình. 
  • Khó tập trung chú ý. 
  • Phản ứng quá mức trước các tình huống.

4. Chẩn đoán ASD

Chẩn đoán ASD thường được thực hiện bởi các chuyên gia sức khỏe tâm thần, như bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học. 

4.1. Tiêu chuẩn chẩn đoán 

Để được chẩn đoán là ASD, người bệnh phải đáp ứng các tiêu chí cụ thể được quy định trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5). Các tiêu chí này bao gồm:

  • A. Người bệnh trực tiếp trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện chấn thương tâm lý nghiêm trọng
  • B. Người bệnh phải có ít nhất 9 triệu chứng từ năm nhóm triệu chứng ở trên. Các triệu chứng này phải bắt đầu hoặc xấu đi sau sự kiện chấn thương.
  • C. Các triệu chứng phải kéo dài từ 3 ngày đến 1 tháng sau khi sự kiện chấn thương xảy ra. Nếu các triệu chứng xuất hiện ngay sau sự kiện nhưng kéo dài dưới 3 ngày, người bệnh không được chẩn đoán mắc rối loạn stress cấp. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn một tháng, chẩn đoán có thể được chuyển thành rối loạn stress sau sang chấn (PTSD).
  • D. Các triệu chứng này phải gây ra sự suy giảm rõ rệt trong chức năng xã hội, nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực quan trọng khác trong cuộc sống của người bệnh. Điều đó có nghĩa là người bệnh gặp khó khăn trong việc duy trì các hoạt động hàng ngày, công việc, hoặc các mối quan hệ xã hội.
  • E. Các triệu chứng này không phải do các nguyên nhân khác gây ra như tác động của một chất (ma túy hoặc rượu), bệnh lý khác (như chấn thương não), hoặc các rối loạn tâm thần khác (như loạn thần hoặc trầm cảm chủ yếu).

4.2. Chẩn đoán phân biệt

Để chẩn đoán chính xác có phải bệnh nhân mắc ASD hay không, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn trên, cần phải loại trừ các rối loạn tâm lý khác có triệu chứng tương tự như:

  • Phản ứng stress bình thường: Nếu các triệu chứng chỉ kéo dài dưới 2 ngày và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh, thì đó chỉ là phản ứng stress bình thường và không được chẩn đoán là rối loạn stress cấp.
  • Rối loạn tâm thần do bệnh thực tổn hoặc do chất kích thích: Một số triệu chứng của rối loạn stress cấp như sự kích động, hoảng loạn hoặc phản ứng phân ly có thể xuất hiện do các bệnh lý khác như chấn thương sọ não hoặc do tác động của các chất kích thích như rượu hoặc ma túy.
  • Rối loạn stress sau sang chấn: Rối loạn stress cấp và PTSD đều gây ra những triệu chứng tương tự, nhưng thời gian xuất hiện và kéo dài của các triệu chứng là khác nhau. Rối loạn stress cấp là một phản ứng ngắn hạn, thường chỉ kéo dài từ 3 ngày đến 1 tháng sau sự kiện gây chấn động. Ngược lại, PTSD là một tình trạng kéo dài hơn, các triệu chứng có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm.
  • Rối loạn điều chỉnh: Trong một số trường hợp, người bệnh trải qua stress mạnh nhưng các triệu chứng không đủ để đáp ứng tiêu chí chẩn đoán rối loạn stress cấp. Khi đó, rối loạn điều chỉnh có thể được xem xét chẩn đoán, đặc biệt nếu các triệu chứng xuất hiện do sự khó khăn trong việc thích nghi với các tình huống căng thẳng trong cuộc sống mà không liên quan trực tiếp đến một sự kiện chấn thương nghiêm trọng.
  • Giả bệnh: Một số trường hợp người bệnh có thể giả vờ hoặc phóng đại các triệu chứng liên quan đến rối loạn stress cấp vì các lý do vụ lợi, chẳng hạn như liên quan đến tài chính, pháp lý hoặc các lợi ích cá nhân khác. Việc phân biệt với giả bệnh là cần thiết để tránh chẩn đoán sai lầm.

5. Tiến triển và tiên lượng

Nhìn chung, tiên lượng của rối loạn stress cấp tương đối tích cực đối với những bệnh nhân nhận được sự can thiệp và hỗ trợ đúng lúc. Khoảng một nửa số bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn trong vòng một tháng sau khi sự kiện chấn thương xảy ra.

Với các trường hợp còn lại, các triệu chứng có thể không giảm bớt hoặc thậm chí trở nên tồi tệ hơn sau 1 tháng. Khi các triệu chứng kéo dài hơn 1 tháng, người bệnh có nguy cơ cao chuyển sang rối loạn stress sau sang chấn (PTSD). Điều này thường xảy ra khi các yếu tố căng thẳng tiếp tục tồn tại hoặc người bệnh không nhận được sự hỗ trợ và điều trị cần thiết. PTSD là một rối loạn nghiêm trọng hơn và cần có các biện pháp điều trị chuyên sâu hơn.

Các yếu tố như tiền sử bệnh tâm thần, thiếu sự hỗ trợ xã hội, và môi trường sống tiếp tục gây căng thẳng có thể làm gia tăng nguy cơ này.

6. Điều trị rối loạn stress cấp

Có hai phương pháp thường được sử dụng để điều trị rối loạn stress cấp là sử dụng thuốc và liệu pháp tâm lý. Việc lựa chọn phương pháp nào sẽ phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của người bệnh. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể kết hợp cả 2 phương pháp để mang lại hiệu quả tốt nhất. 

6.1. Điều trị bằng thuốc

Trong một số trường hợp, người bệnh có thể được kê các thuốc sau để kiểm soát các triệu chứng:

Thuốc bình thần nhóm benzodiazepin:

  • Đây là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến để làm giảm các triệu chứng lo âu quá mức, hoảng loạn, và kích động trong rối loạn stress cấp. Các thuốc như Seduxen, Lexomil, Tranxen, và Rivotril thường được sử dụng để giúp người bệnh thư giãn và giảm bớt căng thẳng.
  • Việc sử dụng thuốc benzodiazepin nên được hạn chế trong thời gian ngắn và chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết, vì nguy cơ phụ thuộc thuốc và tác dụng phụ có thể xảy ra nếu dùng kéo dài.

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng

  • Mặc dù thuốc chống trầm cảm không có hiệu quả rõ rệt trong điều trị rối loạn stress cấp, chúng có thể được cân nhắc trong một số trường hợp để kiểm soát các triệu chứng lo âu và trầm cảm nếu cần thiết.

6.2. Liệu pháp tâm lý

Tâm lý liệu pháp là nền tảng của điều trị rối loạn stress cấp và đóng vai trò quyết định trong việc giúp người bệnh hồi phục. Những điều cần làm bao gồm:

  • Đưa người bệnh ra khỏi môi trường gây chấn thương tâm lý càng sớm càng tốt. Khi rời khỏi môi trường đó, hầu hết các triệu chứng sẽ dần dần giảm đi, giúp bệnh nhân trở lại trạng thái bình thường.
  • Hỗ trợ từ gia đình và bạn bè là rất quan trọng. Những người xung quanh cần an ủi, động viên và giúp người bệnh nhận ra rằng sự nguy hiểm đã qua. Điều này giúp họ thư giãn và giảm bớt lo âu.
  • Hướng dẫn người bệnh các kỹ thuật thở chậm và thư giãn để giúp họ kiểm soát các triệu chứng sinh lý như nhịp tim nhanh, khó thở, và căng thẳng cơ bắp. Việc thực hành thường xuyên các kỹ thuật này sẽ giúp người bệnh cảm thấy bình tĩnh hơn và kiểm soát được các phản ứng căng thẳng của cơ thể.
  • Tránh gợi lại các khía cạnh của chấn thương tâm lý một cách bừa bãi để bệnh nhân không phải sống lại các ký ức đau buồn của chấn thương tâm lý. Thay vào đó, việc tập trung vào hiện tại và tạo điều kiện cho người bệnh tiếp tục các hoạt động hàng ngày một cách bình thường sẽ có lợi cho quá trình hồi phục.
  • Trong một số trường hợp, liệu pháp tâm lý cá nhân có thể được áp dụng để giúp người bệnh hiểu rõ hơn về các phản ứng của mình và có kỹ năng đối phó với stress. Các liệu pháp tâm lý nhận thức hành vi (CBT) thường không cần thiết vì rối loạn stress cấp thường tự hết trong vòng một tháng, chúng vẫn có thể được áp dụng nếu các triệu chứng kéo dài hơn hoặc người bệnh có nguy cơ phát triển PTSD.

Ngay cả sau khi các triệu chứng đã giảm bớt, người bệnh vẫn cần sự hỗ trợ liên tục từ gia đình, bạn bè và chuyên gia y tế để đảm bảo rằng họ không bị tái phát hoặc phát triển các vấn đề tâm lý khác.

7. Một số câu hỏi thường gặp

Dưới đây là phần trả lời của chuyên gia về một số câu hỏi thường gặp liên quan tới rối loạn stress cấp.

Trẻ em có thể mắc rối loạn stress cấp không?

Có, trẻ em cũng có thể mắc rối loạn stress cấp sau khi trải qua hoặc chứng kiến các sự kiện chấn thương nghiêm trọng. Triệu chứng ở trẻ em có thể bao gồm giấc mơ đáng sợ, tái hiện sự kiện qua trò chơi, và cảm giác lo sợ mạnh mẽ.

Có cách nào phòng ngừa rối loạn stress cấp không?

Phòng ngừa rối loạn stress cấp chủ yếu dựa vào việc giảm thiểu tiếp xúc với các yếu tố chấn thương tâm lý và cung cấp sự hỗ trợ tâm lý kịp thời cho những người vừa trải qua sự kiện chấn thương.

Rối loạn stress cấp có thể tự khỏi không?

Có, khoảng một nửa số bệnh nhân có rối loạn stress cấp sẽ tự hồi phục trong vòng 1 tháng mà không cần điều trị chuyên sâu. Tuy nhiên, việc theo dõi và hỗ trợ vẫn rất quan trọng để đảm bảo các triệu chứng không trở nên tồi tệ hơn.

Rối loạn stress cấp ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày như thế nào?

Rối loạn stress cấp gây ra các triệu chứng như lo âu, mất ngủ, cảm xúc tiêu cực,... khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày, duy trì mối quan hệ xã hội và ảnh hưởng đến khả năng làm việc hoặc học tập.

Rối loạn stress cấp có ảnh hưởng lâu dài không?

Trong nhiều trường hợp, rối loạn stress cấp không để lại ảnh hưởng lâu dài nếu được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, bệnh có thể chuyển thành PTSD, dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn về mặt tâm lý.

Rối loạn stress cấp có nguy hiểm không?

Mặc dù rối loạn stress cấp có thể gây ra các triệu chứng khó chịu và làm suy giảm chất lượng cuộc sống, nhưng với sự can thiệp kịp thời, nhiều người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn. Nếu không được điều trị, rối loạn này có thể tiến triển thành PTSD, một rối loạn tâm lý nghiêm trọng hơn.

Hi vọng những thông tin hữu ích có trong bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về rối loạn stress cấp. Nếu bạn hoặc người thân đang trải qua tình trạng này, đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý. Sự can thiệp đúng lúc có thể giúp bạn vượt qua khó khăn và phục hồi cuộc sống bình thường.

Bình chọn

Bạn có thắc mắc vấn đề gì thì hãy gửi câu hỏi cho chuyên gia nhé!

Bấm gửi câu hỏi

Nhân viên Marketing

Gửi thắc mắc đến chuyên gia tư vấn